Chó Cõng Ma Tác giả: Lê Xuân Diệp Thể loại: Truyện ngắn, kinh dị Mực là tên một con chó đen trong số năm con chó cỏ của nhà tôi. Nó được ba tôi mua về khi đã lớn từ một người họ hàng xa mà tôi không biết mặt. Có thể nói từ ngày có Mực thì bốn con chó kia của nhà tôi bị cho ra rìa hết. Bởi lẽ Mực hội tụ đầy đủ tất cả những phẩm chất mà người ta dùng để đánh giá một con chó quý và thông minh. Mực có bốn mắt, lưỡi đốm cùng với một bộ lông đen tuyền bóng bẩy. Nó lại không cắn đường, không ăn vụng và có biệt tài bắt chuột rất siêu phàm. Từ ngày có Mực, cái đám chuột nhà tôi đã chẳng còn dám hoành hành như trước nữa, thế nên Mực hiển nhiên trở thành một chú chó được yêu quý nhất nhà. Tôi nhớ ngày đó, mỗi lần tôi đi học về, là tôi lại trông thấy Mực đứng trên bậc hàng ba trước hiên nhà, ngóng cổ về phía tôi. Chỉ cần tôi bước chân đến cổng là nó sẽ chạy ào ra, nhảy cẩng cẩng lên bằng hai chân sau, còn cái đuôi thì cứ lắc tít, ve vẫy như đang làm trò. Mực thể hiện rất rõ ràng sự vui mừng tột cùng của nó khi chào đón tôi chở về. Cử chỉ này của Mực khiến tôi cảm thấy lòng mình dịu êm lắm và cũng từ đó mà tôi xem Mực như một người bạn tri kỉ của mình. Tôi thường ngồi nói chuyện với Mực về rất nhiều đề tài của trẻ con, như chuyện ở trường, ở lớp, bạn học, sách vở, thầy cô và rất nhiều những chuyện linh tinh khác trong cuộc sống của mình. Mặc dù tôi không biết là Mực có hiểu hay không, nhưng tôi luôn cảm nhận được ánh mắt của nó khi nhìn tôi rất là dịu dàng, như nó hiểu hết tất cả những điều tôi đang nói vậy. Mực ở cùng gia đình tôi khoảng hơn hai năm thì bỗng một hôm Nội tôi bảo: "Nam à! Mày xem ai mua chó thì bán con Mực đi." Tôi nghe Nội nói vậy thì giật mình đánh thót một cái, sau đó tôi quay sang hỏi Nội: "Sao vậy Nội? Sao lại bán Mực ạ?" Nội tôi không trả lời. Chỉ nhìn chằm chằm vào ba tôi, rồi lại bảo: "Mày gọi người mua đi. Bán nó trong hôm nay luôn, người ta trả giá bao nhiêu cũng bán." Nói rồi Nội cầm khay trầu đi vào trong buồng. Tôi quay sang nhìn ba, tôi thấy ba có vẻ tư lự, ông ngồi im lặng một lúc lâu rồi bỗng nhiên ông thở dài. Sau đó ông đứng dậy dắt chiếc xe đạp cộc cạch của nhà tôi đi ra ngoài cổng, tôi thấy ba tôi đi thì vội vàng chạy theo, níu lấy cánh tay của ba mà nước mắt lưng tròng: "Ba tìm người bán Mực ạ? Ba ơi! Ba đừng đi, đừng bán Mực mà.." Ba tôi thấy tôi khóc thì vòng tay qua ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng xoa đầu tôi mấy cái rồi sau đó ba bảo: "Mực không giữ được con à. Phải bán nó thôi. Con ngoan đi, lát nữa ba về, ba mua kẹo cho nhé." Thế rồi ba buông tôi ra, dắt xe ra khỏi cổng và đạp xe đi mất. Tôi đứng sửng lại trong sân nhà, tôi cảm thấy buồn lắm, một cái buồn ghê gớm cứ thế len lỏi vào tâm hồn trẻ thơ của tôi. Tôi biết rằng mình sắp mất đi một điều rất thiêng liêng, rất quý giá đó là tình bạn, tình bạn với Mực, với người bạn tri kỷ của tôi suốt hơn hai năm trời. Tôi chạy ra sân sau tìm Mực, tôi muốn gặp Mực và an ủi nó. Tôi muốn ôm nó vào lòng và vuốt ve nó một lần cuối cùng để tạm biệt. Nhưng tôi có gọi cách mấy cũng không thấy nó chạy ra, có lẽ nó biết nó sắp bị bán nên chạy trốn rồi. Vì vậy mà tôi đi vào trong buồng, ngồi khóc thút thít bên cạnh mẹ tôi. Tôi được mẹ dỗ dành, ôm ấp một lúc thì tôi ngủ mất. Đến khi tôi thức dậy thì trời đã nhá nhem tối và Mực cũng bị người ta đem đi mất rồi. Sau này khi tôi đã là học sinh trung học rồi thì Nội mới kể chuyện về Mực cho tôi nghe. Hôm đó, sau bữa cơm tối đột nhiên Nội hỏi tôi: "Diệp! Mày còn nhớ con chó Mực của nhà mình hồi năm năm trước không?" "Dạ con nhớ. Mà sao vậy Nội?" "Mày có biết lý do tại sao Nội phải bán nó không?" Nghe Nội hỏi vậy thì tôi cảm thấy khó chịu lắm. Hồi đó tôi hỏi miết mà Nội đâu có chịu nói, đến bây giờ tự dưng nhắc tới rồi hỏi tôi có biết hay không. Nội không nói thì làm sao mà tôi biết được, nên tôi chỉ trả lời: "Con không biết." Nội thấy tôi sẳn giọng, biết là tôi còn giận Nội chuyện bán con Mực năm xưa nên chỉ cười khì, đẩy nhẹ đầu tôi một cái rồi mắng: "Cha mày! Đến giờ mà còn giận Nội à." Sau đó Nội lấy miếng trầu bỏ vào miệng, vừa nhai vừa từ tốn kể. Nội nói: "Con Mực đó là con chó cõng ma đấy Diệp ạ. Hồi đó mày còn nhỏ tao sợ mày biết thì mày sẽ sợ nên mới không nói. Mình không biết thì thôi, chứ biết rồi mà còn giữ nó ở trong nhà thì sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện thôi." Số là chiều hôm đó Nội tôi có sang nhà bà Đức chơi, uống phải vài ly nước trà đặc nên đêm không ngủ được. Chứ ngày thường bà tôi ngủ say lắm chẳng bao giờ bà bị mất ngủ như những người già thường bị. Mà ta nói, thường cái bệnh thức đêm thì lại hay đi kèm với mắc tiểu tiện, vì vậy mà đêm đó bà mới phát hiện ra con Mực có vấn đề. Bà nói khi bà đi vệ sinh xong định quay về buồng ngủ thì bà nghe ở nhà trước có tiếng động lạ. Một tiếng rít rít khe khẽ như có ai đó đang nghiến hai hàm răng lại với nhau. Đôi khi còn có những tiếng lốt cốp như người ta mang guốc đi trên nền nhà. Nội tôi nghe vậy thì sinh nghi, nên bà liền đi ra gần cánh cửa ngăn cách giữa nhà trong và nhà ngoài ngó thử, xem có chuyện gì hay không. Ai ngờ cảnh tượng trước mắt khiến bà tôi chết đứng. Qua cái lỗ mọt ở trên cửa, cùng với ánh trăng ngày rằm chiếu vào. Bà thấy con Mực nhà tôi đi bằng hai chân sau, hai chân trước thì nó bẻ quặp ra sau lưng như một người đang chắp tay sau đít. Trên đầu nó đội một chiếc nói lá rách, bên hông lại mang một cái giỏ cói, còn hai chân sau thì mang đôi guốc mộc của mẹ tôi. Nó cứ như thế đi đi lại lại ở trong nhà. Nội tôi thấy vậy thì sợ hãi quá, nhưng không biết phải làm sao cho được nên chỉ đành lẳng lặng đi về buồng. Mặc cho cái tiếng rin rít và lốp cốp cứ vang lên bên tai. Đêm hôm đó, Nội tôi thật sự bị hình ảnh rùng rợn kia làm cho mất ngủ. Sáng ngày ra, Nội đem chuyện này kể lại với ông cụ Chánh ở xóm trên. Ông này chuyên nghề chữa bệnh bằng lời khoán nên về mấy chuyện tâm linh rất rành. Ông nói con Mực là con chó cõng ma, lại bảo Nội về hỏi thử ba tôi xem có phải nhà chủ cũ của con Mực trước đây, trong nhà có người con gái chết trẻ hay không? Rồi sau đó ông nói bà tôi phải mau mau về bán con Mực đi, nếu để nó trong nhà sợ là có chuyện không hay xảy ra. Sau khi từ nhà ông Chánh trở về thì Nội tôi đem mọi chuyện thuật lại cho ba tôi nghe. Đến lúc này bà mới biết ba tôi đã phát hiện ra từ mấy ngày trước rồi nhưng một phần vì sợ, một phần lại nghĩ mấy chuyện này có nói cũng chẳng ai tin nên đành thôi không ngờ Nội tôi cũng thấy như vậy. Thế là Nội tôi dứt khoác ngay hôm đó bắt ba tôi kiếm người bán con Mực đi. Còn về chuyện cô gái chết trẻ thì sau này ba tôi đi nhậu cùng với người họ hàng ngày trước bán con Mực cho ba tôi, hỏi han mới biết đó là cô Hà, con ông Mười Hương ở xóm chợ. Cô ta bị chết đuối năm mới có mười ba tuổi. Con chó Mực được ông Mười Hương tặng cho người họ hàng kia khi nó chưa mở mắt, ông ta nuôi được chừng hơn một năm thì bán lại cho ba tôi. Nghe Nội kể thì tôi cũng cảm thấy rùnh mình. Nhưng rồi nhớ tới những hình ảnh rất thân thương của con Mực và những cử chỉ dịu dàng của nó đối với tôi thì sự sợ hãi không còn nữa mà được thay thế bằng một nổi buồn miên man. Bởi những chuyện Nội nói tôi chưa hề chứng kiến nhưng những hình ảnh dễ thương của con Mực thì lại nằm rất sâu trong ký ức của tôi. Lâu lâu khi tôi đang ngồi học bài bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, tôi lại thấy bóng dáng con Mực chạy qua. Có lẽ dù xa nhau nhiều năm nhưng Mực cũng như tôi, chúng tôi chưa bao giờ quên nhau cả. Hết.
Truyện này làm tỷ nổi da gà, nhưng không thể phủ nhận tựa đề hấp dẫn. Lối kể truyện nhẹ theo kiểu truyện xưa các cụ hay nói, có mắc lỗi chính tả nhẹ như "lốt cốp"... " Lốp cốp", "chiếc nói lá rách"... " Chiếc nón lá rách". Tỷ thích truyện này, sẽ bớt thời gian nhảy hố của em. Ngày bé toàn bị các cụ kể truyện ma cho nghe. Đọc truyện của em như kiểu về lúc nhỏ ý.