Chính sách đối ngoại của nước ta thời kỳ trước đổi mới

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi daisy1206, 18 Tháng hai 2022.

  1. daisy1206

    Bài viết:
    52
    1. Các quan điểm về ngoại giao trước khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời:

    Nhiệm vụ ngoại giao của chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đề ra trong Chương trình Việt Minh bao gồm 4 nhiệm vụ cụ thể:

    "1) Huỷ bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký bất kỳ với nước nào.

    2) Tuyên bố các dân tộc bình đẳng và hết sức giữ hòa bình.

    3) Kiên quyết chống tất cả các lực lượng xâm phạm đến quyền lợi của nước Việt Nam.

    4) Mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức, giai cấp vô sản trên thế giới" [1] .

    Với chương trình 4 điểm của Mặt trậm Việt Minh, khi đề cập đến đường lối đối ngoại, Việt Nam đã nêu những vấn đề cơ bản về chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia và dân tộc, những nguyên tắc của quan hệ quốc tế với các quốc gia trên thế giới.

    Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào, quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội và chính sách đối ngoại cần thi hành sau khi giành được chính quyền. Nội dung chỉ rõ:

    "1- Về mặt ngoại giao, tuy chúng ta đã cố gắng nhiều, nhưng mãi đến giờ, đối với Tàu vẫn chưa có kết quả tốt; đối với các nước Đồng minh khác, tuy việc ngoại giao có tiến, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được một địa vị trên trường quốc tế.

    2- Hiện nay, về chính sách ngoại giao, chúng ta cần phải nhận định cho rõ hai điều này:

    A) Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng.

    B) Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương.

    3- Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc.

    Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta.

    4- Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh.

    5- Đối với các nước nhược tiểu và dân chúng Tàu và Pháp, chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của họ" [2] .

    Những quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng tử năm 1930 đến ngày cách mạng tháng 8 /1945 thành công là tiền đề trực tiếp hình thành đường lối đối ngoại thời hiện đại của nước Việt Nam


    2. Chủ trương đối ngoại của Đảng giai đoạn 1945 – 1946:

    Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: "Lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hằn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam" [3] và "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thành và lực lượng, tính mạng và của cải để giự vững quyền tự do, độc lập ấy" [4] . Thông qua bản Tuyên ngôn, Chính phủ lâm thời đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong quan hệ chính trị quốc tế vì chỉ những quốc gia độc lập, tư do mới có quyết định đường lối đối ngoại của dân tộc mình.

    Trong điều kiện mới, đường lối đối ngoại được đặt ở vị trí quan trọng với một hệ thống quan điểm, chiến lược, sách lược về quan hệ của Việt Nam với thế giới. Ngày 3/10/1945, Bộ ngoại giao chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ra "Thông cáo về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa", khẳng định: "Đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn và góp phần cùng các nước đồng minh chống phát xít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận xây đắp lại nền hòa bình thế giới", nước Việt Nam mới hợp tác với các nước Đồng Minh và với dân tộc láng giềng Trung Hoa thì "thắt chặt tình thân ái, khiến hai dân tộc Việt – Hoa tương trợ mà cùng tiến hóa", với Ai Lao và Cao Miên cùng chung vận mệnh với Việt Nam thì lấy "dân tộc tự quyết là nền tảng"; Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt trên nguyên tắc "bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong xây dựng và giữ vững nền độc lập". Với kiều dân Pháp thực sự tôn trọng độc lập của Việt Nam thì tính mệnh và tài sản của họ được bảo vệ theo pháp luật quốc tế, còn "riêng với chính phủ Pháp De Gaulle, chủ trương thống trị Việt Nam thì kiên quyết chống lại".

    Đánh giá đúng tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại, trên cơ sở xác định đúng diễn biến của tình hình thế giới, và nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam, ngay từ những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đề ra đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn, kịp thời. Đó là đường lối đối ngoại vì độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng tiến hóa theo đúng các nguyên tắc dân chủ đã được các nước lớn thừa nhận trong Hiến chương Đại Tây Dương. Đó là chính sách nhằm thêm bạn bớt thù, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ đối phương, hết sức tránh một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng lúc; kết hợp đấu tranh ngoại giao với xây dựng thực lực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình kể cả nhân dân nước thù địch.

    Ngày 13/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đưa ra lời kêu gọi nhân dân ta ra cứu nước. Người nói: "Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc.. Kiến thiết cần có nhân tài.. Chúng ta cần nhất bây giờ là:

    Kiến thiết ngoại giao

    Kiến thiết kinh tế

    Kiến thiết quân sự

    Kiến thiết giào dục" [5]

    Bản thông cáo về chính sách đối ngoại là văn kiện nhà nước đầu tiên về đối ngoại, thể hiện quan điểm mở rộng của Nhà nước Việt Nam về quan hệ quốc tế kiều mới. Bản thông cáo đề ra chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với ốn loại đối tượng chủ yếu. Những nội dung của bản thông cáo góp phần quan trọng định hướng tư tưởng và hoạt động thực tiễn của ngoại giao Việt Nam thời kháng chiến kiến quốc; đồng thời là một biện pháp kịp thời nhằm tranh thủ các lực lượng Đồng Minh có mặt trên đất nước ta.

    Chỉ thị của Ban chấp hành trung ương về kháng chiến kiến quốc (25/11/1945) nêu rõ: "Kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc" bình đẳng, tương trợ ". Phải đặc biệt chú ý những điều này: Một là thuật ngoại giao làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực" [6] .

    Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

    "Trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

    1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng quyền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

    2. Đối với các nước dân chủ, Việt Nma sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

    A) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

    B) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

    C) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

    D) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các ực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân" [7] .

    Về phương châm đối ngoại lúc này độc lập tự chủ, tự cường. Trong quan hệ quốc tế, phải nắm vững phương châm kiên trì về nguyên tắc, giữ vững chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt về sách lượt: "Mục đích bất di, bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lượt của ta thì phải linh hoạt" [8] . Phương châm đối ngoại của Đảng thể hiện quan điểm chủ động, tích cực, tự lực cánh sinh; lấy sức ta mà giải phóng cho ta; "Ta có mạnh thì thì họ mới chịu" đếm xỉa đến ". Ta yếu thì chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy" [9]


    3. Đường lối đối ngoại trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954:

    Từ cuối năm 1946 thực dân Pháp phá hoại hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) với quyết tâm xâm lược nước ta lần nữa.

    Để chiến thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực mạnh hơn mình gấp nhiều lần, Đảng chủ trương tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Trong dó hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc kháng chiến. Chính sách đối ngoại của Đảng lúc này là: "Liên hiệp với các dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp, đoàn kết với hai dân tộc Miên Lào và các dân tộc bị áp bức trong khối liên hiệp Pháp; thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Diến Điện, Ấn Độ, Nam Dương và các dân tộc yêu chuộng dân chủ, hòa bình trên thế giới" [10] . Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định phương hướng đối ngoại của nước ta là "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán vối một ai" [11]

    Về quan hệ Việt – Pháp, lập trường của Đảng ta được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương tháng 4/1947: Chúng ta chủ trương chỉ ngừng bắn khi nào Pháp nhìn nhận độc lập và thống nhất thật sự, chứ chúng ta không chủ trương tách Đông Dương ra khỏi khối Liên hiệp Pháp để ngã vào cách tay của Anh – Mỹ. Chúng ta vẫn chủ trương liên minh với nhân dân Pháp xây dựng dân chủ và hòa bình chung.

    Với cách mạng Lào và Campuchia, Đảng chủ trương phải thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu trên cơ sở lấy dân tộc tự quyết làm nến tảng. Đầu năm 1947, Ủy ban giải phóng Việt – Miên – Lào được thành lập, tạo cơ sở cho việc hình thành liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

    Thực hiện chủ trương của Đảng, Việt Nam đã bước đầu mở quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực. Ngày 14/4/1947, cơ quan đại diện của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Băng Cốc chính thức đi vao hoạt động. Trong năm 1948, Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện ở Miến Điện, và lập quan hệ ở những mức độ khác nhau với các nước như Ấn Độ, Indonexia..

    Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại phục vụ kháng chiến, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng ngày 15/1/1948 đặt ra yêu cầu: "Mở rộng tuyên truyền ở nước ngoài làm cho thế giới hiểu ta hơn và giúp ta hơn" [12] . Quán triệt chủ trương trên, Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ đi Liên Xô, các nước Đông Âu và Trung Quốc, nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước cộng sản an hem. Ngoài ra, Việt Nam đã cử các đoàn đại biểu tham dự 12 Hội nghị khu vực và quốc tế.

    Ngày 2/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc, hai bên thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Ngày 15/1/1950, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 18/1/1950, nước cộng hòa nhân dân Trung hoa tuyên bố công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đến, ngày 30/1/1950 Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nma dân chủ cộng hòa về mặt ngoại giao. Sau khai sự kiện này, các nước Đông Âu và Triều Tiên lần lượt tuyên bố công nhận Việt Nam về mặt ngoại giao. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam trở thành một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế. Uy tín của nước Việt Nma dân chủ cộng hòa được nâng cao trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh cho hoàn bình, dân chủ của nhân dân thế giới, tranh thủ thêm sự ủng hộ của quốc tế đối với các cuộc kháng chiến chống Pháp.

    Đại hội II (2/1951) đã xác định nhiệm vụ đối ngoại là phục vụ cuộc kháng chiến để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, và đánh đổ bọn can thiệp Mỹ. Tại Hội nghị liên minh ba nước trên bán đảo Đông Dương họp tháng 9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam kháng chiến có thành công thì Lào, Miên mới thắng lợi, và Lào, Miên có thắng lợi thì Việt Nam mới thắng lợi hoàn toàn.

    Ngày 4/5/1954, nhận lời mời của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Trung Quốc, đoàn đại biểu chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến Gioneve tham dự hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.


    4. Đường lối đối ngoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975:

    Hiệp định Giơ-ne-vơ (26/4/1954) chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương, đồng thời là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự. Đây có thể coi là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đám phán đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Trong lời kêu gọi ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Hội nghị giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to.. Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta" [13]

    Ngày 5/9/1954 Bộ chính trị ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của đối ngoại Việt Nam là "chống chính sách chiến tranh của đế quốc Mỹ quốc Mỹ, chống Mỹ tổ chức khối xâm lược Đông Nam Á, củng cố hòa bình ở Đông Dương, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và toàn thế giới" [14] .

    Tháng Giêng năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 mở rộng khóa II của Đảng lao động Việt Nma đã thông qua Nghị quyết 15, Nghị quyết này cũng khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, mục tiêu cách mạng của Việt Nam là góp phần thú đẩy phong trào cách mạng và bảo vệ hòa bình thế giới.

    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9/1960) xác định nội dung cơ bản chính sách ngoại giao của Việt Nam là "Tiếp tục tăng cường sự đoàn kết nhất trí giữa nước ta và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu.." [15] . Đối với các nước láng giềng, Việt Nam "mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt trên cơ sở tô trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.. Chúng ta sẵn sàng đặt quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi" [16], đi đôi với việc xây dựng và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước. Đảng ta khẳng định, chính sách ngoại giao của Việt Nam mang bản chất hòa bình. Mục tiêu ngoại giao của Việt Nam là "bảo đảm sự thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp thống nhất nước nhà" [17] .

    Hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế thời kỳ này là tập trung vào việc thúc đẩy hình thành mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương. Đảng Lao động Việt Nam coi đoàn kết Đông Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam, là một bộ phận tập hợp lực lượng quốc tế và khu vực. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng và chủ tích Hồ Chí Minh đã lập mặt trận Việt – Miên – Lào để phối hợp chiến trường chống kẻ thù chung.

    Hội nghị Trung ương lần thứ 13 của Đảng (27/1/1967) ra Nghị quyết về đầy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nội dung cơ bản của Nghị quyết thể hiện đường lối độc lập tự chủ và chủ động tiến công địch trên mặt trận đối ngoại. Trong đấu tranh ngoại giao, Đảng yêu cầu nắm vững các phương châm:

    "-Phát huy thế mạnh, thế thắng của ta;

    - Chủ động tiến công địch

    - Giữ vững tính độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em" [18]

    Mục đích của cuộc tiến công ngoại giao được Đảng xác định là nhằm tố cáo mạnh mẽ hơn nữa những tội ác dã man của bọn xâm lược Mỹ, vạch trần thủ đoạn xâm lược của chúng.

    Về phương châm và phương pháp đấu tranh ngoại giao, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chỉ rõ: "Cần vận dụng sách lược ngoại giao một cách linh hoạt, khôn khéo, nhằm khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa mỹ và các nước đế quốc khác, phân hóa nội bộ bọn cầm quyền Mỹ, cô lập bọn hiếu chiến ngoan cố nhất, làm tan rã tin thần ngụy quân, ngụy quyền, làm hoang mang tinh thần quân Mỹ, quân chư hầu, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đầu tranh chính trị của miền Nam giành thắng lợi lớn" [19] .

    Nghị quyết này có ý nghĩa như một cương lĩnh về đấu trah ngoại giao của Đảng, nhằm góp phần đưa cuộc kháng chiến chố Mỹ đến thắng lợi. Thực tế cho thấy, đây là lần đầu tiên Đảng khẳng định đấu tranh ngoại giao và một mặt trận.

    Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi đậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra một bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra cục diện mới "vừa đánh, vừa đàm". Ngày 13/5/1968 Việt Nam và Mỹ chính thức mở cuộc đàm phán tại Pari. Và phải đến lúc cuộc tập kích chiến lược trên không của Mỹ và Hà Nội, Hải Phòng (1972) bị đánh bại hoàn toàn, Mỹ buộc phải ký hiệp định Pari (1973). Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa thắng lợi trên chiến trường với quốc đấu tranh quyết liệt trên bàn đàm phán đã dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Pari.

    Sau Hiệp định Pari có hiệu lực, vào tháng 5/1973, Bộ chình trị ra Nghị quyết về đấu tranh thi hành hiệp định. Mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc này là hoàn thành cách mạng dân tộc dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, đấu tranh ngoại giao kết hợp vớ đấu tranh quân sự và chính trị để buộc đối phương thi hành hiệp định trở thành một bộ phận quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại lúc này được xác định là:

    "-Phối hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị thi hành hiệp định Pari, góp phần là thay đổi so sánh lực lượng. (.)

    - Đẩy lùi khả năng Mỹ ngăn cản ta giải phóng hoàn toàn miền Nam" [20] .

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vấn đề đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của thời đại được coi là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ cứu nước. Phương châm đối ngoại của Đảng là đoàn kết với bất cứ người nào có thể đoàn kết được, tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, tập hợp bất cứ người nào có thể tập hợp được, nhằm phân hóa kẻ thù và cô lập chu1g, đồng thời để có thêm nhiều bạn bè ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam.


    5. Chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng giai đoạn 1975 – 1986:

    Đây là thời kỳ ngoại giao phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu đối ngoại được xác định trong đại hội IV, V là củng cố môi trường hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đại hội IV (12/1976) xác định những nội dung chính trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới là: Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô. Ra sức cũng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu với các nước xã hộ chủ nghĩa. Ra sức bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác lâu dài giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào, Campuchia.. Hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp chín nghĩa của nhân dân các nước Đông Nam Á vì độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập thực sự.. Sẵn sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các ước khu vực này trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.. Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa nước ta với tất cả các nước khác không phân biệt chế độ chính trị, xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi[21] . Nhiệm vụ đối ngoại lúc này là "ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta" [22] . Trong chủ trương đối ngoại với các nước: Củng cố tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia. Sẵn sàng thiết lập, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực, thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

    Đến giữ năm 1978, tình hình khu vực, quốc tế có những bước chuyển biến mới và đứng trước những hiểm họa đe dọa đến an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh vào bổ sung vào hai nhiệm vụ chiến lược (đề ra tại Đại hội IV) theo hướng ưu tiên mới là bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm nghĩa vụ quốc tế. Công tác đối ngoại cũng được điều chỉnh theo hướng: Nhấn mạnh việc việc cần tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tốt nghĩa vụ quốc tế. Phân hóa và cô lập cô độ kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của nhân dân ta nói riêng và của nhân dân Đông Nam Á nói chung. Ra sức cũng cố và tăng cường tình đoàn kết anh e, ; quan hệ hợp tác gắn bó về mọi mặt với Liên Xô, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta. Ra sức bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Tích cực họt động cho một Đông Nam Á hòa bình, tự do, trung lập và ổn định. Mở rộng quan hệ quốc tế kinh tế đối ngoại. Chú trọng củng cố, tăng cường hợp tác về mọi mặt với Liên Xô – coi Liên Xô như hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ra sức bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào trong bối cảnh vấn đề Campuchia đang diễm biến phức tạp. Góp phần xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do, trung lập và ổn định. Đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

    Đại hội V của Đảng (3/1982) xác định nhiệm vụ đối ngoại: "Công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực trong đấu tranh nhằm làm thất bại chính sách của bọn bánh trướng và bá quyền.. với các thế lực hiếu chiến.. mưu toan làm suy yếu và thôn tính nước ta" [23] . Chủ trương đối ngoại với các nước trong giai đoạn này là: Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược và luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của ba dân tộc. Đối thoại, thương lượng với các nước ASEAN để giải quyết các trở ngại và nhằm xây dựng khu vực Đông Nan Á hòa bình và ổn định. Khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc. Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường với các nước không phân biệt chế độ chính trị, xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi[24]

    Thực tế cho thấy, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn này là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường đoàn kết với các nước Lào, Campuchia, mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước không liên kết, và các nước đang phát triển đấu tranh với sự bao vây cấm vận của thế lực thù địch.

    [1] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 151.

    [2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 427.

    [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 3.

    [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 4.

    [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr. 99.

    [6] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 27.

    [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 469 – 470.

    [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7 Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 319.

    [9] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 244.

    [10] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 151.

    [11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 220.

    [12] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. Tr. 37.

    [13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 321.

    [14] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 304.

    [15] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 625.

    [16] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 625.

    [17] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 627.

    [18] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 28, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 174.

    [19] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 28, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 175.

    [20] Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 270.

    [21] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 617-618.

    [22] Đảng cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 178.

    [23] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 143.

    [24] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 44 – 155.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...