Tên tác phẩm: Chiều xuống êm đềm Thể loại: Truyện dài Tác giả: Nguyễn Thị Thụy Vũ Người giới thiệu: Thủy Tô Nỗi sợ hãi và đơn côi lớn nhất trong cuộc đời con người có lẽ là khi con tàu cuộc đời họ đã băng qua bao núi đồi và thảo nguyên, chứng kiến bao cuộc sinh khởi rồi mất mát, hội ngộ và chia ly để rồi tàu chậm dần, chậm dần ở tuổi xế chiều để đáp ga cuối cùng- cái chết. Với mỗi người, tuổi chiều tà là chặng kết cho một tình yêu, là điểm nhìn lại cả quãng đời dài đã đi qua, nhận ra nhiều điều nuối tiếc. Đó cũng là cái tuổi người ta phải tập buông bỏ những kí ức đau buồn đè nặng, những lo toan cho địa vị, bạc tiền của cháu con, tập tha thứ và bao dung với tất cả để sống vô tư, thảnh thơi.. Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học miền Nam trước 1975. Sự nghiệp viết của nữ nhà văn đã vượt lên những định kiến về việc sáng tác của nữ giới, khẳng định cho giá trị của văn học nữ và thể hiện những tư tưởng sâu sắc về giới. Truyện dài Chiều xuống êm đềm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ là chuyện kể của tuổi xế chiều nhưng cũng là chuyện đọc của tất cả mọi người, những ai đang đi trên chuyến tàu cuộc đời. Ảnh bìa cuốn sách Chiều xuống êm đềm Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của cụ ông và cụ bà nhà Bá hộ bối trong bối cảnh miền Nam trước năm thống nhất. Gọi là Bá hộ nhưng cụ ông có xuất thân từ nông dân nghèo phải cày thuê cuốc mướn, làm nghề thầy thuốc và cơ nghiệp có được hiện tại là nhờ cụ bà ngày xưa đồng hành bên ông bươn chải, vun vén mà có. Cụ ông đã có người vợ đầu, nhưng bà bị án tru di tam tộc nên chính ông đã từng bỏ thuốc tỳ sương để vợ quyên sinh. Kí ức đó luôn ám ảnh ông và tình yêu đằm thắm thuở ban đầu ấy luôn dày vò tâm trí ông. Dù cụ bà hiện tại có cố gắng, ân cần đến mấy, cứ đến ngày giỗ người vợ trước là ông lại nhốt mình vào phòng, nhấm nháp cô đơn và nỗi đau trong quá khứ để sống cho mau qua tuổi già, để sớm được chết đi. Cụ bà vừa chuẩn bị cho ngày giỗ, vừa lo chuyện con cháu, vừa lo lắng việc ăn việc ngủ cho chồng. Bà nơm nớp lo sợ khi cái náo nhiệt của lúc sum vầy qua đi là lúc hai vợ chồng phải đối diện nhau trong nỗi cô đơn. Nhưng khi quan sát và cảm thông những nỗi lo toan của vợ, ông cụ đã dần muốn quên đi quá khứ, trân trọng tình nghĩa vợ chồng hiện tại và sống vui những ngày cuối đời. Câu chuyện mở đầu rất tự nhiên và khép lại cũng rất tự nhiên, không có thắt nút, cao trào hay kịch tính. Một chuỗi sự việc đời thường của gia đình phú hộ được diễn tả tuần tự theo trình tự thời gian. Từ những chi tiết nấu cỗ cúng, đón tiếp quan khách đến chi tiết tiếng trống buổi biểu diễn tuồng, sự đan xen giữa cái kì cựu với cái tân thời, bóng dáng văn hóa Tây, Tàu, Ta hòa trộn đều xuất hiện rất sinh động. Tâm tư tình cảm nhân vật cũng được bộc lộ rất chân thực qua lời ăn tiếng nói, qua dáng điệu, qua nét mặt, qua từng hành động lo lắng, khóc, cười.. như thể con người Nam Bộ chân chất đã hóa thân vào nhân vật hay nhân vật đã mang điệu hồn của người An Nam. Đặc biệt, tác phẩm đã thể hiện thành công những cảm xúc, suy tư của giới nữ trong cuộc mưu sinh, trong đời sống gia đình và trước những bi kịch cuộc đời. Nỗi lòng bất an của cụ bà Bá hộ khi thấy chồng buồn bã, những giọt nước mắt của cô Cai trong cuộc hôn nhân rạn vỡ, sự e thẹn của cô Năm Kim Ngọc khi gặp đối tượng kết hôn, nước mắt và nụ cười của bà Chủ Bến Chùa được bộc lộ trong lúc xem biểu diễn tuồng.. tất cả đều được thể hiện tự nhiên, chân thật và cảm động chứng tỏ niềm thấu hiểu sâu xa của tác giả với mỗi nhân vật, mỗi số phận người nữ. Đó cũng chính là điểm đặc biệt trong tác phẩm của nhà văn Thụy Vũ nhằm tôn cao người phụ nữ trong xã hội. Câu chuyện giản đơn nhưng chứa đựng những suy tư sâu sắc về cuộc đời và thời đại. Bà cụ đã dành cả cuộc đời mình để làm lụng, buôn bán, hơn thua với đời, tích góp từng chút tài sản, đến khi con gái tới tuổi trăng lên hoa nở lại chạy đôn chạy đáo tìm kiếm mối nào giàu sang, quyền thế để gửi gắm. Cụ bà ban đầu hãnh diện lắm vì cơ nghiệp mình đã dựng nên, vì con gái được gả vào nơi bề thế nhưng rồi bà nhận ra, trong cái sang giàu có biết bao đau khổ. Bà Cai tổng, con gái lớn của cụ bà lấy chồng giàu nhưng chịu cảnh đơn côi đau khổ khi chồng năm lần bảy lượt ve vãn rồi đòi cưới những cô vợ trẻ. Tình chị em giữa bà Thông và bà Cai tổng cũng bị địa vị làm cho rạn nứt. Chính cụ bà cũng phải nghĩ ngợi lao lung: "Gẫm lại, mình giàu nhưng mình không sung sướng. Tiền của này để lại cho con, nhưng con cái không được gần mình thì cũng như không." Thiết nghĩ, cuộc đời con người có tích góp tài sản đến mấy rồi cũng trở về hư vô với hai bàn tay trắng, chỉ có những gì mang dấu ấn của trái tim mới ở lại và tiếp tục sống. Nhà văn đã dẫn những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du thật đích xác: "Sống thì tiền chảy bạc ròng/ Thác không đem được một đồng nào đi." (Văn chiêu hồn) Theo thời gian, vạn vật chuyển dời, con người cũng sẽ đổi khác. Nhớ lại những ngày đầu gặp cụ bà- người vợ sau- cụ ông thấy vợ mình từng là một cô gái quê thẹn thùng bẽn lẽn, lúc nào cũng cúi đầu e lệ, đêm tân hôn thì trốn lên bồ lúa ngủ.. Thế nhưng những cuộc mưu sinh, bươn chải đã làm bà càng lúc càng chua ngoa, mau mồm mau miệng, khôn khéo tính toán để dành phần lợi về mình và con cái mình. Đó hóa ra lại là bản tính thật của bà, cái e thẹn chỉ là vỏ bọc của sự nhút nhát thời con gái. Hoặc nếu như đó là một sự thay đổi thì đó cũng là sự thay đổi tất yếu để bước từ tuổi xuân trinh trắng vào cuộc đời làm vợ, làm mẹ, phải gánh vác cả giang san nhà chồng- con đường tất yếu của người phụ nữ xưa. Muốn duy trì hạnh phúc gia đình, cụ ông phải chấp nhận tất cả những đổi thay trong tính nết người vợ, thương yêu cả con người của vợ. Tuổi già không phải là thời gian để trách móc, để tiếc nuối, chán chường mà là lúc để nhìn lại, trân trọng và biết ơn những người đã đến với ta trong cuộc đời. Có như vậy, chiều mới xuống êm đềm.. Tranh của Vũ Cao Đàm Nhà văn Thụy Vũ đã bày tỏ những suy tư thật gần gũi mà sâu sắc về tình vợ chồng ở buổi xế chiều của cuộc đời: "Thuở còn phương cường, tình yêu đi đôi với sự trao đổi thú vui xác thịt. Sau đó, tình yêu thuộc về nghĩa gắn bó mà con cái là những gạch nối thiêng liêng.. Trong tuổi xế bóng, vợ chồng cụ yêu nhau qua ý nghĩ nương tựa với nhau. Thú gối chăn không còn nữa, nhưng hai cụ vẫn nồng mặn nhau trong tình bạn già." Tuổi già cần điều gì hơn như thế. Con người say đắm nhau trong thoáng chốc cuộc đời bằng tình yêu sét đánh, nhưng để đi cùng nhau đến trọn đời cần trọng cái nghĩa phu thê. Dẫu cạn tình nhưng còn nghĩa. "Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm" - cái nghĩa đỡ đần nhau mà gầy dựng gia đình, mà cùng nhau chèo chống trước những khó khăn, cùng thấu hiểu lòng nhau. Đó mới là điều thiêng liêng, quý giá nhất trong đời người. Những ngày tháng cuối đời, con người ta mới thấy sự sống quý giá vô ngần và đi cùng với đó là nỗi sợ hãi cái chết. "Nó giống như lúc cụ xem một vở tuồng vui sắp chấm dứt, cái vui thưởng thức lại còn xen cái viễn ảnh lúc vãn hát nên không còn trong trẻo toàn vẹn nữa." Cụ bà sợ mình phải chôn cụ ông và ông cũng sợ bà đi trước mình, mỗi người sẽ chỉ còn lại với nỗi đơn côi. Nhưng không có cách nào khác ngoài mỉm cười chấp nhận. Câu chuyện kết thúc nhưng vẫn nhiều điều còn bỏ ngỏ. Cầm cuốn sách lên là ta đắm mình vào câu chuyện đó để thấy đời sống của người miền Nam Việt Nam thuở trước, để suy tư về tình yêu, hạnh phúc và cuộc đời con người. Dẫu sao, tính người và tình người chẳng có ranh giới Bắc- Nam.