CHIẾU LÊN NGÔI CỦA HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG "Trẫm nghĩ: Ngũ đế đời thượng cổ đã thay họ nối nhau mà nhận mệnh trời, Tam vương (Hạ, Thương, Chu) đã thừa thời mà mở vận, đạo có biến đổi, tất thời có biến thay. Thánh nhân vâng theo đạo trời mà trị nước thương dân, nghĩa lý chỉ có một. Xét nước Việt ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần bắt đầu dựng nước cho đến nay, những tạo tác sáng suốt, những chấn hưng rạng rỡ không phải chỉ có một họ mà làm nên. Vận kỳ lúc thịnh lúc suy, là do trời ban cho, không phải điều mà người có thể quyết được. Ngày trước nhà Lê mất quyền lực, họ Trịnh và họ Nguyễn cũ phân chia bờ cõi hơn hai trăm năm, thiên hạ rối loạn, nhà vua chỉ còn giữ ngôi vị suông, tư gia thì tự mình gom thu tiền của mà vun bồi tài sản riêng. Nghĩa lý của trời đất, một khi đã đổ nát thì không thể chấn hưng lên được, chưa từng có lúc nào thậm tệ hơn bấy giờ. Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, mới đầu không có chí làm vua đi xe lợp mui vàng đâu. Nhưng vì lòng người chán ghét rối loạn muốn được một bậc vua sáng suốt cứu thế an dân, do đó Trẫm mới tập hợp nghĩa quân, lam lũ khai thác núi rừng, giúp đỡ vua anh (Nguyễn Nhạc), rong ruổi binh mã bắt đầu dựng nước ở đất Tây Sơn, phía nam dẹp yên nước Xiêm La, nước Cao Miên, lại khắc phục được loạn ở thành Phú Xuân, lấy được kinh đô Thăng Long. Thực ra, Trẫm chỉ muốn quét sạch loạn lạc, cứu dân trong cơn biển lửa, rồi sau sẽ trả nước cho vua tôi nhà Lê, trả đất lại cho anh, rồi tiêu dao ngao du với quần thêu giày đỏ như Chu công Đán, đi dạo xem những chỗ vui thích của hai đất ấy mà thôi. Nhưng cớ sự trên đời nối nhau thay đổi nên Trẫm không được như chí nguyện. Trẫm đã gây dựng lại họ Lê. Vua Lê nối ngôi không giữ được xã tắc, mà còn bỏ nước chạy đi trốn tránh. Sĩ dân Bắc hà không vì tông thất nhà Lê mà quy phụ, lại chỉ nhờ cậy vào một mình Trẫm (đánh quân Thanh). Anh Trẫm vì nghĩa đã mỏi mệt, chỉ muốn lấy một phủ Quy Nhơn, tự giáng xưng là Tây vương, nên đất mấy ngàn dặm cõi phương Nam giờ đều thuộc về Trẫm cả. Trẫm tự nghĩ tài sơ đức bạc không kịp người xưa, nhưng mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông như thế, Trẫm suy ngẫm nghĩ thấy việc cai trị thật khiếp lắm, như dây mục mà gò cương sáu ngựa vậy. Nhưng các tướng sĩ văn võ, các bề tôi trong và ngoài đều mong Trẫm sớm chính danh ngôi trời để ràng buộc lòng người. Họ dâng biểu đến đôi ba lần, họ còn dùng biểu vàng để suy tôn, họ không mưu tính với nhau mà cùng đồng một lời. Này, vì ngôi báu là rất trọng, ngôi trời là gian nan, Trẫm thành thật đắn đo mình không thể kham nổi, nhưng mà nhân dân khắp trong bốn bể đều vây quanh quy thuộc vào một mình Trẫm. Vậy đó là ý của Trời, há là việc của người hay sao? Trẫm ứng theo ý Trời, thuận theo lòng người, không thể cố chấp mà khước từ mãi được, nên sẽ lấy ngày 22 tháng 1 năm nay để lên ngôi thiên tử, cải nguyên làm Quang Trung năm đầu. Muôn dân trăm họ các người, lời phô trần của thiên tử ban dạy ra là để thi hành, nhân nghĩa trung chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Trẫm nay cùng nhân dân hãy đổi mới, vâng theo mưu chước sáng suốt của các vua trước để cùng cai trị và dạy dỗ thiên hạ. Trời giúp hạ dân này dựng nên bậc vua, vì những bậc ấy giúp đỡ Thượng đế định yên bốn phương. Trẫm có được thiên hạ sẽ cùng đi với thiên hạ trên con đường lớn lao, sẽ đưa thiên hạ vào đời thịnh trị. Thần dân các ngươi, mỗi người hãy yên vui với chức nghiệp của mình, chớ có mà làm những hành vi trái phép thường tình. Người làm quan phải chấn hưng phong hóa cho đẹp đẻ. Kẻ làm dân phải vun bồi tục lệ cho dịu hòa. Chính trị và giáo hóa đều phấn khởi thi hành mà bước lên cái thế rất thuận hòa, để vãn hồi cái thời thịnh trị của Ngũ đế Tam vương, để kéo dài cái vẻ đẹp tốt lành của tông miếu xã tắc đến vô cùng vô tận. Xem đấy chẳng là vĩ đại hay sao?"