Thời kì Nam-Bắc Triều là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử phong kiến Trung Quốc với nhiều anh hùng hào kiệt xuất hiện. Giai đoạn này mở đầu với việc ở Lưu Dụ soán ngôi nhà Đông Tấn thành lập chính quyền Lưu Tống ở miền Nam, rồi tiếp tục trải qua các triều đại Tề, Lương, Trần. Còn phía bên kia, bộ tộc Thác Bạt thuộc tộc Tiên Ti thành lập nhà Bắc Ngụy và thống nhất miền Bắc TQ năm 439. Nhà Bắc Ngụy biến loạn Nhà Bắc Ngụy dưới thời Ngụy Hiếu Văn Đế dời đô về Lạc Dương, tiến hành Hán hóa mạnh mẽ. Bắc Ngụy cường thịnh nhưng việc áp đặt Hán hóa gây mâu thuẫn sâu sắc giữa giới quý tộc Bắc Ngụy tại Lạc Dương và người Tiên Ti ở 6 quân trấn (lục trấn) phương bắc lập lên nhằm phòng thủ người Nhu Nhiên - dẫn đến việc nổi loạn của người lục trấn, làm suy yếu hệ thống cai trị từ Lạc Dương. Năm 515, Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế chết, con là Nguyên Hủ mới 6 tuổi lên thay, tức Bắc Ngụy Hiếu Minh Đế. Hồ thị được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu, nắm quyền điều hành triều đình ham hưởng lạc xa hoa, xây cất nhiều để thưởng ngoạn khiến dân bị lao dịch nặng. Mâu thuẫn giữa Nguyên Hủ và mẹ ruột ngày càng sâu sắc. Hiếu Minh Đế muốn dựa vào Tù trưởng Bộ lạc Tú Dung Nhĩ Chu Vinh để chống lại phe Thái hậu. Vinh chưa kịp phát binh thì trong triều xảy ra chính biến. Hồ Thái hậu sai người hạ độc giết chết Nguyên Hủ và lập cháu nội Hiếu Văn Đế là Nguyên Chiêu mới lên 3 tuổi làm vua. Nhĩ Chu Vinh khởi binh Nhĩ Chu Vinh theo đề nghị của thủ hạ là Cao Hoan bèn phát binh từ Tấn Dương, lập Trường Lạc vương Nguyên Tử Du làm vua mới, tức Ngụy Hiếu Trang Đế. Nhĩ Chu Vinh kéo thẳng vào kinh thành Lạc Dương, sai bắt Hồ Thái hậu và vị hoàng đế nhỏ tuổi mới Nguyên Chiêu đến Hà Âm rồi dìm chết tại sông Hoàng Hà. Còn khoảng 2.000 cận thần khác cũng bị dẫn giải tới bờ sông và bị tàn sát. Nhĩ Chu Vinh gả con gái cho Hiếu Trang Đế và rút về Tấn Dương nhưng thực tế vẫn kiểm soát Triều đình. Hiếu Trang Đế không cam tâm làm bù nhìn, bèn lập mưu trừ khử. Tháng 9 năm 530, Nhĩ Chu Vinh vào triều, bị Hiếu Trang Đế sai mấy thân tín phục binh chém chết. Cao Hoan diệt họ Nhĩ Chu Cái chết của Nhĩ Chu Vinh đã dẫn tới nội chiến, ban đầu là giữa bè đảng Nhĩ Chu Vinh với Hiếu Trang Đế. Hiếu Trang Đế đã sai người mang thư tới cầu viện Thủ lĩnh Hạt Đậu Lăng Bộ Phiên. Quân Bộ Phiên chưa kịp tới thì tháng 12, quân Nhĩ Chu hạ thành Lạc Dương, bắt Hiếu Trang Đế giết chết. Quân Bộ Phiên đánh Hà Tây, cháu Nhĩ Chu Vinh là Nhĩ Chu Triệu không chống nổi, bèn cầu cứu thủ hạ cũ của Nhĩ Chu Vinh là Cao Hoan đang làm Thứ sử Tấn Châu. Cao Hoan hợp binh với họ Nhĩ Chu giết chết Bộ Phiên. Cao Hoan xin đi chinh phạt, rồi nhân đó li khai họ Nhĩ Chu. Cao Hoan dùng mưu ly gián, lần lượt đánh bại các thành viên của gia tộc Nhĩ Chu. Cuối cùng Cao Hoan xưng làm thừa tướng và giết cả An Định Vương Nguyên Lãng do mình lập, dựng Nguyên Tu làm vua, tức là Ngụy Hiếu Vũ Đế. Phân liệt Đông - Tây Ngụy Diệt được họ Nhĩ Chu, Cao Hoan tính đến thủ hạ còn sót lại của họ này là Hạ Bạt Nhạc ở Quan Trung không có ý thần phục. Trong khi đó chính Ngụy Hiếu Vũ Đế Nguyên Tu cũng không muốn bị Cao Hoan khống chế nên muốn dựa vào anh em họ Hạ Bạt, cho Hạ Bạt Thắng làm Thứ sử Kinh Châu. Năm 534, Cao Hoan sai Thứ sử Tần Châu Hầu Mạc Trần Duyệt nhân lúc bất ngờ giết chết Hạ Bạt Nhạc trong tiệc. Thủ hạ Nhạc bèn tôn thuộc tướng của Nhạc là Vũ Văn Thái lên thay. Vũ Văn Thái lấy cớ báo thù cho Nhạc, đánh thẳng vào Thượng Khuê. Hầu Mạc Trần Duyệt thua trận tự sát. Hiếu Vũ Đế bèn phong cho Thái làm Đại đô đốc Quan Tây. Mùa hè năm 534, Hiếu Vũ Đế giả tiếng đi đánh Lương, định điều quân đánh úp Cao Hoan. Mưu ấy không lừa được Cao Hoan, ông cũng dâng biểu nói sẽ đi cùng Vua Ngụy đánh Lương. Hai bên thư từ qua lại, cuối cùng đổ lỗi cho nhau, thành ra càng thêm oán giận. Cuối cùng Hiếu Vũ Đế trốn sang Tập đoàn quân phiệt Quan Lũng của Vũ Văn Thái. Gặp được bộ hạ Vũ Văn Thái ra tiếp đón, Hiếu Vũ Đế bèn nói: "Nước sông Hoàng Hà thì chảy về đông, còn ta thì đi về tây, Sau nếu có về được Lạc Dương, toàn bộ đều là công lao của các vị!" Hạ Bạt Thắng ở Kinh Châu muốn hưởng ứng Hiếu Vũ Đế, bị thủ hạ Cao Hoan là Hầu Cảnh đánh bại, phải chạy về Nam hàng Lương Vũ Đế. Cao Hoan không bắt được Nguyên Tu, bèn lập Nguyên Thiện Kiến làm vua mới, tức là Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, thiên đô về Nghiệp Thành. Nguyên Tu ở với họ Vũ Văn, nhưng Vũ Văn Thái cực kỳ dè chừng. Bởi Nguyên Tu vốn chẳng phải là kẻ cam chịu nghe lời người khác, đến kẻ kiêu hùng như Cao Hoan mà còn dám phản kháng, huống hồ là kẻ thực lực chẳng thể bằng được như Vũ Văn Thái. Chỉ qua được bốn tháng, Vũ Văn Thái bèn phái người dùng rượu độc giết chết Nguyên Tu. Thái lập Nam Dương Vương Nguyên Bảo Cự lên ngôi, tức Tây Ngụy Văn Đế. Thế là Bắc Ngụy từ khoảng năm 534-535 bị chia cắt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy.
Tình hình Đông – Tây Ngụy trong giai đoạn hưu chiến Bên Đông Ngụy, Cao Hoan gây dựng quyền lực nhờ sự ủng hộ của quân phiệt Tiên Ti lục trấn nên với bọn này thi hành chính sách ưu đãi, ban nhiều quyền lợi. Nhiều tướng lĩnh quân phiệt như bọn Hầu Cảnh cậy công ngang ngược tham tàn. Cao Hoan không hài lòng nhưng trước tình thế còn mối nguy Tây Ngụy nên cũng không dám mạnh tay thanh trừng, chỉnh đốn bọn chúng. Trong khi đó người Hán đóng góp trong bộ máy chính quyền Đông Ngụy số lượng khá ít ỏi. Tuy Cao Hoan cũng thi hành chính sách quân điền, cải cách phục hồi nền nông nghiệp bị tàn phá nhưng mâu thuẫn giữa người Tiên Ti và Hán vẫn còn khá gay gắt. Còn Tây Ngụy thì là tập đoàn hỗn hợp gồm một số ít tướng sĩ Tiên Ti và giới quân phiệt-hào môn sĩ tộc người Hán khu vực Quan Trung. Vũ Văn Thái biết nếu không siết chặt đoàn kết, thanh trừng tệ nạn, nâng cao quốc lực thì sẽ bị tiêu diệt nên thi hành cải cách mạnh mẽ. Năm 542 Vũ Văn Thái xây dựng chế độ phủ binh, gồm có 6 trụ quốc, 12 đại tướng quân, 24 khai phủ, 48 nghi đồng (tức là xây dựng 24 đạo quân), tổng cộng 48 ngàn quân chủ lực. Vũ Văn Thái cũng ban cho các tướng nhiều quyền lợi, trở thành một tầng lớp quyền lực mới tại Quan Trung. Năm 543, số quân đã lên tới 10 vạn người. Chính nhờ lực lượng quân sự hùng mạnh này, Vũ Văn Thái đã củng cố được quyền lực của họ Vũ Văn và chính quyền Tây Ngụy. Về mặt xã hội, để giảm mâu thuẫn giữa người Hoa và Tiên Ti, Thái bắt triều thần mang cả họ: Hán và Tiên Ti. Các phong tục Tiên Ti đã bị phế bỏ từ thời Hiếu Văn Đế gây bất bình trong tộc chúng Tiên Ti cũng được tái tồn. Trận Ngọc Bích (546) – Thảm bại của Cao Hoan Năm 534, quân Tây Ngụy chiếm được Hà Đông. Thành Ngọc Bích được đắp tại Hà Đông trở thành trọng điểm tranh chấp. Cao Hoan quyết tâm chiếm lấy Ngọc Bích nhằm mở cánh cửa tiến vào Hà Đông. Năm 546, Cao Hoan lại một lần nữa đưa trọng binh đến dưới thành Ngọc Bích. Lần này ông dốc hầu như toàn bộ binh lực của cả nước, đóng trại liên tiếp mấy chục dặm, đặt quân trướng ở Bình Lũng cổ trấn. Đại tướng Vi Hiếu Khoan nhà Tây Ngụy soái quân kiên thủ thành trì. Cao Hoan lệnh cho bộ hạ đắp gò đất ở phía nam thành, muốn từ trên cao đánh xuống, phá thành mà vào. Trong thành có hai tòa lầu cao, Vi Hiếu Khoan cho người trên lầu cao buộc ván nối vào nhau, đêm ngày quan sát rõ ràng, nghiêm mật phòng thủ, còn chuẩn bị một lượng lớn khí giới. Cao Hoan lại mệnh cho sĩ tốt ở phía nam thành đào địa đạo, ở phía bắc thành đắp núi đất, ngày đêm đánh thành không nghỉ. Vi Hiếu Khoan cho thủ hạ ở trong thành đào hào, lại trữ trong địa đạo một lượng lớn cỏ khô, quân địch mỗi lần tiến vào là bị bắt giết hoặc bị thiêu chết. Cao Hoan cho người gấp rút chế tạo chiến xa có sức công phá mạnh mẽ, không có nơi nào chiến xa đến mà không bị phá vỡ. Vi Hiếu Khoan phái người làm ra những chiếc màn lớn, khiến cho chiến xa không thể tiến vào. Cao Hoan thấy chiến xa không còn đất dụng võ, lại buộc cành thông vào đầu sào, rưới dầu lên, rồi điểm hỏa, dùng thứ này để làm cháy đốt màn, đốt cả lầu. Vi Hiếu Khoan liền mệnh cho sĩ tốt làm móc sắt, mài lưỡi cho sắc, sào lửa vừa đến, từ khoảng cách rất xa đã bị chém gãy. Cao Hoan thấy sào lửa vô hiệu, lại cho đào 21 con địa đạo dưới chân thành, chia làm bốn đường, rồi cho dựng rường cột bằng gỗ, rưới dầu lên rồi điểm hỏa, khiến cho cột gãy thì thành đổ. Vi Hiếu Khoan liền cho đặt hàng rào gỗ tại nơi tường thành sập đổ, khiến cho quân địch không thể đánh vào. Cao Hoan lại mệnh cho sĩ tốt dùng một loại cung nỏ gọi là "ngột đạo", hướng vào trong thành mà bắn. Vi Hiếu Khoan cho tướng sĩ trong thành đeo mặt nạ sắt để phòng hộ, đến sợi lông ngọn tóc cũng không bị tổn hại. Thành Ngọc Bích không có sẵn nước, cần bổ sung từ sông Phần. Cao Hoan sai người trong đêm đến thượng du cắt đứt dòng chảy của sông Phần, nhưng Vi Hiếu Khoan đã cho dự trữ sẵn nước từ trước, nên chẳng làm gì được. Cao Hoan hết cách sai người dụ hàng Vi Hiếu Khoan nhưng bị cự tuyệt. Cao Hoan cuối cùng chỉ còn cách trói chặt người cháu của Vi Hiếu Khoan là Vi Thiên Khổn ở dưới thành, kề đao vào cổ Thiên Khổn dọa giết. Vi Hiếu Khoan không nao núng, làm cho sĩ tốt hết sức cảm động, càng thêm kiên định với niềm tin cùng tồn vong với thành. Cao Hoan khổ chiến 60 ngày, sĩ tốt tử thương hơn 7 vạn người, đều chôn ở một hố sâu. Quân Đông Ngụy không thể đánh phá như trước, Vi Hiếu Khoan phản công đoạt mất núi đất. Cao Hoan không làm gì được, quá tức giận và buồn bực mà phát bệnh, cuối cùng đành phải quyết định lui quân. Vi Hiếu Khoan loan truyền tin tức Cao Hoan trúng tên bị thương mà chết. Vì muốn ổn định lòng quân, Cao Hoan đang nằm dưỡng bệnh trong trướng, gắng gượng trấn định, gặp gỡ các tướng, để Hộc Luật Kim hát Sắc Lặc Ca. Cao Hoan là người đầu tiên hát theo, nhưng cấm mọi người không được rơi nước mắt đau lòng. Thành Ngọc Bích không hạ được, tổn thất nặng nề, hai tháng sau, Cao Hoan uất ức mà chết hưởng thọ 52 tuổi. Vào lúc lâm chung, Cao Hoan từng căn dặn con trưởng Cao Trừng: "Hộc Luật lão tướng quân làm người chính trực, trung trinh không 2 lòng, con cần phải tín nhiệm ông ấy và những lão thần của ta." Đồng thời Cao Hoan cảnh báo Hầu Cảnh không đáng tin và nếu làm loạn thì hãy phái Mộ Dung Thiệu Tông đi thảo phat.
Bắc Tề tam danh tướng và đại chiến Bắc Chu Thời kỳ Nam Bắc Triều, năm Đông Ngụy Võ Định thứ 8 (năm 550), Cao Dương lật đổ Đông Ngụy, xưng đế, quốc hiệu Tề, sử gọi là Bắc Tề. Năm 557, Vũ Văn Giác lật đổ Tây Ngụy, xưng đế, quốc hiệu Chu, sử gọi là Bắc Chu. Bắc Chu và Bắc Tề năm nào cũng đánh nhau. Bắc Chu truyền đến đời Vũ Văn Ung, nhiều phen liên hợp với Đột Quyết đánh Tề. Vua Bắc Tề là Cao Trạm tuy đam mê tửu sắc, bỏ bê chính sự nhưng may nhờ Bắc Tề vẫn còn những danh tướng. Nổi bật có 3 người là Đoàn Thiều, Hộc Luật Quang, Cao Trường Cung. Đoàn Thiều là cháu Lâu Chiêu Quân-vợ Cao Hoan. Từ trẻ đã theo Cao Hoan, nhiều lần kiến kế đánh bại Nhĩ Chu Thị, được ban chức Vũ Vệ tướng Quân. Trong trận chiến ở Mang Sơn (542), Đoàn Thiều bắn trúng ngựa của tướng Tây Ngụy Hạ Bạt Thắng giúp Cao Hoan thoát chết. Sau khi Hoan mất, Đoàn Thiều tiếp tục phục vụ Cao thị, lập nhiều công lao phong đến chức Thái Phó, Tịnh Châu thứ sử, Bình Nguyên Quận Vương. Hộc Luật Quang là con lão tướng Hộc Luật Kim- khai quốc công thần của Bắc Tề. Quang từ nhỏ giỏi võ nghệ, có tài thiện xạ. Năm 17 tuổi đã bắn trúng và bắt sống tướng Chu, Cao Hoan khen ngợi cho làm đô đốc. Quang kế nghiệp cha lập nhiều chiến công làm đến Sóc Châu thứ sử kiêm tư không. Người thứ 3 và trẻ nhất là hoàng thân Lan Lăng Vương Cao Trường Cung, con thứ tư của Cao Trừng, cháu nội Cao Hoan. Cao Trường Cung dung mạo tuấn tú, khi ra trận thường đeo 1 chiếc mặt nạ thật dữ tợn. Giải vây Tấn Dương (563) Năm Bắc Chu Bảo Định thứ 3 (Năm 563), Vũ Văn Ung lại triệu quần thần thương nghị, quần thần đề nghị phái mười vạn hùng binh lần nữa đánh Tề. Trụ quốc là Dương Trung nói binh không cần nhiều, chỉ cần 5 vạn kỵ binh tinh nhuệ là đủ. Vũ Văn Ung liền cử Dương Trung làm soái, lĩnh một vạn bộ kỵ xuất phát từ phía bắc; đại tướng Đạt Hề Vũ dẫn 3 vạn quân từ phía nam, hẹn sẽ hợp quân tại Tấn Dương (tây nam Thái Nguyên. Sơn Tây) trên đất Tề. Dương Trung liên tiếp hạ hơn 20 thành của Bắc Tề, công phá ải Kinh Lĩnh (tây bắc huyện Đại, Sơn Tây), uy thế lừng lẫy. Ba Kha Hãn (thủ lĩnh) của Đột Quyết là Mộc Can, Địa Đầu, Bộ Ly cũng đem mười vạn kỵ binh đến hội quân cùng tiến. Vua Bắc Tề là Cao Trạm tuy ham mê tửu sắc, nhưng biên giới bị xâm phạm, cũng không ngồi yên, liền cất quân từ kinh đô Nghiệp Thành (tây nam Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc) tiến về Tấn Dương. Bây giờ đang giữa tháng Chạp, tuyết phủ trắng mặt đất. Quân Tề gội tuyết gấp đến Tấn Dương, lệnh cho Tư không Hộc Luật Quang cùng ba vạn bộ kỵ binh đóng trại tại Bình Dương (tây nam Lam Phần, Sơn Tây), trấn thủ phía nam, để chống quân Chu của Đạt Hề Vũ. Dương Trung cùng ba thủ lĩnh Đột Quyết kéo quân tới dưới thành Tấn Dương. Chúa Tề Cao Trạm lên thành quan sát, thấy quân địch đông như kiến, thế như nước lũ, bất giác tái mặt nói: "Địch mạnh nhường kia, làm sao chống đỡ đây?". Đoạn vội trở vào trướng, đem mấy người thân tín bỏ trốn. Triệu Quận vương Cao Duệ và Hà Gián vương Lý Uyển can ngăn mới ở lại. Vua Tề liền cử Cao Duệ làm Tiết chế, Thứ sử Tịnh châu Đoàn Thiều phụ trách quân vụ. Đôi bên cầm cự hơn 10 ngày. Đầu tháng Giêng năm sau, vua Tề lên thành lầu, quân dung vô cùng tề chỉnh. Thủ lĩnh Đột Quyết là Mộc Can thấy vậy, có vẻ lo sợ, trách người nhà Chu: "Các vị bảo quân Tề rốỉ ren, suy yếu, dễ diệt, nên ta mới tới đây. Nay ra xem hoàn toàn không phải như vậy. Đủ thấy các vị nói ngoa!". Quân Chu chưa chịu, đem bộ binh tới cửa thành phía tây khiêu chiến. Tướng Tề có người muốn ra đánh, Đoàn Thiều không chấp nhận nói: "Chúng ta phải cố thủ lấy nhàn chờ mệt, đợi thời cơ mới hành động", rồi truyền lệnh: "Khi nào ta cho phất cờ gióng trống mới được xuất kích! Kẻ nào trái lệnh sẽ bị chém đầu!" Quân Chu khiêu chiến mãi, quân Tề không chịu ra, khí thế dần giảm sút. Đúng lúc đó, quân Tề nổi trống dồn dập, mãnh liệt xông ra, quân Chu bị bất ngờ, hoang mang rối loạn. Dương Trung không cự nổi, chỉ mong quân Đột Quyết đến trợ chiến. Song Mộc Can lại dẫn quân lên dãy núi phía tây lo giữ mình, bỏ mặc quân Chu. Quân Chu tan tác chạy về Quan Trung. Ba thủ lĩnh Đột Quyết cũng rút về phía biên giới. Đoàn Thiều trước sau vẫn không truy kích. Quân Đột Quyết rút qua Kinh Lãnh, hẻm núi giá rét thấu xương, ngựa bị rụng lông, người thì mỏi mệt. Về đến Vạn Lý trường thành thì ngựa chết hết người phải chống gậy lê bước. Tướng Chu là Đạt Hề Vũ ở Bình Dương vẫn chưa hay tin Dương Trung bại trận. Tướng Tề là Hộc Luật Quang cố ý viết thư giễu cợt, đại ý: "Hồng hạc đã cao chạy xa bay, kẻ chăng lưới còn chờ dưới bãi lau làm gì vô ích!". Đạt Hề Vũ đọc thư, đoán Dương Trung đã thua, ngay hôm đó rút quân lui về. Giữa đường bị quân Tề đuổi kịp, phải vừa đánh vừa lùi mới thoát thân, mất hơn hai ngàn quân. Hộc Luật Quang trở lại Tấn Dương, chúa Tề Cao Trạm vui quá ôm lấy Hộc Luật Quang mà khóc. Ngày luận công, Cao Duệ được thăng là Lục Thượng Thư Sự (tương đương tể tướng), Hộc Luật Quang làm Tư Đồ, Đoàn Thiều làm Thái Sư. Giải vây Lạc Dương (564) Bắc Chu đánh Tấn Dương chưa xong, tháng 6 năm sau lại hẹn với Đột Quyết tiếp tục tiến công Bắc Tề. Vua Tề Cao Trạm muốn tạm ngưng chiến tranh, liền đem Hoàng cô và mẫu thân của Tấn công Vũ Văn Hộ nhà Chu từng lưu lạc 30 năm ở đất Tề trả về cho chúa nhà Chu để cầu hòa hiếu. Vũ Văn Hộ được mẹ, muốn kết giao với Tề, nhưng thủ lĩnh Đột Quyết là Mộc Can đã tập hợp binh mã, cứ phái sứ giả tới giục cất binh như ước hẹn. Nhà Chu sợ bội ước sẽ bị Đột Quyết trở mặt, đành lệnh xuất chinh. Đầu tháng 10 năm Bắc Chu Bảo Định thứ tư (564), Vua Chu là Vũ Văn Ung lệnh Vũ Văn Hộ điều 20 vạn binh mã của sáu Trụ quốc và 12 đại tướng đi đánh Tề. Vũ Văn Ung trao thượng phương bảo kiếm cho Vũ Văn Hộ và đến tận Sa Uyển động viên tướng sĩ. Vũ Văn Hộ đến Chương Quan, phái Trụ quốc Úy Trì Quýnh dẫn 10 vạn tinh binh đánh Lạc Dương. Vũ Văn Hiến, Đạt Hề Vũ, Vương Hùng.. hạ trại tại Mang Sơn (phía tây tỉnh Hà Nam) thành thế bao vây. Quân Chu đắp gò, đào địa đạo, tìm đủ cách mà suốt 30 ngày không phá được thành Lạc Dương. Vũ Văn Hộ hạ lệnh cắt đứt đường Hà Dương (tây nam huyện Mạnh, Hà Nam) để ngăn chặn viện binh của Bắc Tề. Vua Tề Cao Trạm điều Lan Lăng vương Cao Trường Cung và tướng Hộc Luật Quang đi cứu Lạc Dương. Hai cánh quân này tới gần Lạc Dương, thấy thế mạnh của quân Chu không dám tiến nữa. Cao Trạm cho triệu Đoàn Thiều hỏi: "Lạc Dương nguy câp, trẫm muốn cất binh cứu viện; nhưng Đột Quyết xâm phạm phía bắc cũng phải cứu, ý khanh thế nào?" Đoàn Thiều thưa: "Đột Quyết xâm phạm là chuyện nhỏ, quân Chu đánh Lạc Dương mới là chuyện lớn. Thần nguyện cất binh 1 phen đánh bại quân Chu". Cao Trạm mừng rỡ, cử Đoàn Thiều đem 1000 binh kỵ đi tiên phong, còn mình dẫn đại quân đi tiếp ứng. Đoàn Thiều hành quân cấp tốc, vượt Hoàng Hà xuống phía nam. Vì dạo này trời âm u, quân Chu không hề phát hiện, hơn một ngàn kỵ binh của Đoàn Thiều lại cố giữ kin hành tung, đến ngoại thành Lạc Dương, Đoàn Thiều hạ trại và dẫn chư tướng lên một gò cao ở Mang Sơn quan sát thế trận quân Chu. 3 cánh quân Chu của Vũ Văn Hiến, Đạt Hề Vũ, Vương Hùng đều áp lưng vào các gò đống phía dưới Mang Sơn. Đoàn Thiều nhớ kỹ điều ấy, khi tiến đến hẻm núi Thái Hòa hợp quân với Cao Trường Cung và Hộc Luật Quang, ông ta mới bố trí chống địch. Đoàn Thiều chỉ huy quân từ trên núi đánh xuống, nhưng thực ra chỉ hư trương thanh thế. Quân Chu chủ yếu là bộ binh, ỷ đông, tràn tới đánh. Được một lúc, Đoàn Thiều quay đầu ngựa chạy, quân Chu bám riết đằng sau. Đoàn Thiều dụ quân Chu vào sâu trong hẻm núi, mới hạ lệnh xuống ngựa, quay lại đánh. Quân Chu đã phạm vào điều tối kỵ trong binh pháp là "không tấn công lên núi cao", rơi vào thế bất lợi. Còn Đoàn Thiều thì theo đúng binh pháp dụ địch ra khỏi gò đống, nơi chúng dựa lưng, đến chỗ khác mà đánh. Quân Tề từ trên cao đánh xuống, thế như thác đổ. Quân Chu lớp rớt xuống vực, lớp ngã xuống khe, tử thương vô số. Cánh quân của Úy Trì Quýnh thấy tiền quân thua to dao động, nhưng chưa chịu giải vây Lạc Dương. Cao Trường Cung mặc giáp trụ, cầm binh khí, soái lĩnh 500 tinh kỵ xông vào vòng vây, đến dưới thành Kim Dong ở phụ cận Lạc Dương. Người Tề trên thành không nhận ra, ông phải cởi mũ cho họ trông thấy. Quân giữ thành một mặt mở cửa, một mặt bắn tên yểm hộ cho ông vào thành. Sĩ khí của quân Tề lên cao, đánh lui quân địch, tướng Chu Uất Trì Quýnh nản lòng, liền bỏ vây Lạc Dương mà chạy, vứt bỏ giáp trượng, dụng cụ; suốt 30 dặm từ Mang Sơn đến Cốc Thủy ngổn ngang đồ vật. Chỉ có Vũ Văn Hiến, Đạt Hề Vũ, Vương Hùng còn ở lại đánh nhau. Vương Hùng bị Hộc Luật Quang dùng tên bắn chết. Vũ Văn Hiến đang đôn đốc binh lính, định ngày mai đánh tiếp thì Đạt Hề Vũ nói nhỏ: "Quân vây Lạc Dương đã rút, lòng quân dao động, nếu ta không nhân trời tối rút ngay đêm nay e ngày mai không còn đường về". Vũ Văn Hiến ra lệnh cho quân lặng lẽ nhổ trại, rút chạy về phía tây. Cao Trạm đã kéo quân trở lại Lạc Dương, lại được tin quân Đột Quyêt đã rút, vô cùng mừng rỡ, thăng Đoàn Thiều làm Thái Tể, Hộc Luật Quang làm Thái úy, Cao Trường Cung làm Thượng Thư lệnh, thưởng công cho nhiều tướng sĩ.