PC Building Simulator là một dạng game mô phỏng, trong đó người chơi sẽ vào vai một người thợ sửa chữa và lắp đặt case máy tính theo yêu cầu của khách hàng gửi qua email. Game được thiết kế với đồ họa sáng, tất cả mọi phụ tùng, thiết bị trong game đều gần như dựa trên những hãng công nghệ nổi tiếng như: Gigabyte, Asus Republic of Gamers, AMD, Intel.. mang đến cho người chơi một cảm giác y như đang ở trong một xưởng sửa chữa, lắp ráp case máy tính như bên ngoài đời thực. Game hiện nay chơi được trên các hệ máy: PC, Xbox One, Play Station 4 và Nintendo Switch Bạn sẽ phải khởi đầu công việc của mình với không một đồng vốn nào trong tay và thậm chí còn bị người chú của mình viết email mượn 15 usd đổ xăng nên khi vào game bạn sẽ thấy tài khoản của mình là -15 usd. Nhưng đừng lo nhé! Bạn sẽ bắt tay ngay vào công việc của mình khi nhận được email đầu tiên của khách hàng yêu cầu diệt virus. Nhiệm vụ đầu tiên khá đơn giản, bạn chỉ việc ấn nút "accept" trên email và ra ngoài hành lang nhận case máy tính của khách hàng gửi đến. Tiếp theo đó bạn chỉ việc lắp case vào chiếc màn hình, chuột, bàn phím có sẵn ở trong xưởng, cắm chiếc USB và cài phần mềm diệt virus, rồi khởi động phần mềm là xong việc. Kết thúc nhiệm vụ khởi đầu, bạn cần đưa chiếc case ra ngoài hành lang và quay lại nhấn nút "collect" trên email và nhận được 100 usd tiền công, nhưng do trừ 15 usd bị người chú mượn lúc trước nên trong tài khoản của bạn sẽ chỉ còn 85 usd mà thôi. Sau đó, bạn cứ tiếp tục vào check email và nhận các nhiệm vụ mới. Game không bắt buộc người chơi phải hoàn thành hết các nhiệm vụ trên email mà thay vào đó, để một khoảng mở cho người chơi. Người chơi có thể chọn đồng ý làm nhiệm vụ hoặc bỏ qua để sau khi hết ngày sẽ được chọn nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, khi mới vào game, người chơi nên chọn hoàn thành các nhiệm vụ, do ở giai đoạn này các nhiệm vụ vẫn ở cấp độ dễ chỉ xung quanh việc: Diệt virus, thay phụ tùng đã hỏng hay vệ sinh case, phết keo tản nhiệt vào CPU mà thôi cao hơn một chút là lắp rap case máy tính theo yêu cầu của khách hàng (nhiệm vụ này chỉ cần mua phần mềm Will it run trên shop chỉ với 200 usd và kiểm tra phần mềm, trò chơi khách yêu cầu cấu hình phù hợp rồi nhìn vào đó mua đồ lắp đặt cho khách) hoặc tăng điểm đồ họa ở mức đơn giản (việc này bạn có thể mua loại card màn hình đời cao hơn loại card trong máy của khách thay vào là ổn) Ở giai đoạn tiếp theo, người chơi sẽ phải làm quen với một nhiệm vụ mà có thể nói là hóc búa nhất trong game, hơn cả nhiệm vụ bắt bệnh sửa chữa và lắp tản nhiệt nước, đó chính là overclock hay tiếng Việt còn gọi là ép xung. Nhiệm vụ overclock được khách yêu cầu theo 3 dạng: CPU, GPU và RAM. Chủ yếu là người chơi sẽ nhận email overclock CPU và GPU còn RAM thì xuất hiện rất ít. Trong nhiệm vụ này, người chơi sẽ phải tăng xung nhịp ở CPU hay dùng cách đó để tăng điểm đồ họa của case. Nhiệm vụ này có thể sẽ khiến người chơi đau đầu, mất thời gian hoặc có thể là phải bỏ lửng, trả lại cho khách hàng vì liên tục màn hình lên màu xanh báo lỗi. Điều này khiến cho người chơi bị khách hàng đánh giá thấp sao, mất điểm uy tín của xưởng và đặc biệt là còn mất đi thu nhập nữa. Như ở trên đã nói, người chơi có quyền đồng ý làm nhiệm vụ hay không nhưng nếu khó quá mà bỏ qua thì game sẽ không còn hấp dẫn nữa. Vì thế, hôm nay, tôi sẽ chỉ ra những cách có thể chiến thắng nhiệm vụ này một cách nhanh nhất. Để khởi đầu nhiệm vụ, người chơi cần phải vào được phần BIOS của máy tính bằng cách nhấn tổ hợp phím F2 + Del trên PC, R + L trên Nintendo Switch và một tổ hợp phím thích hợp trên Xbox One và Play Station 4 (game sẽ có hướng dẫn trước khi bắt đầu nhiệm vụ). Và đặc biệt, người chơi phải cài phần mềm OCCT để sau khi overclock xong còn kiểm tra. I. Overclock CPU 1. Lưu ý phần điện năng Để không bị mất thời gian vào việc overclock CPU cho khách hàng, đầu tiên bạn cần phải đọc kỹ các thông số trong CPU của khách hàng ở trong email để nắm rõ được khách hàng cần tăng bao nhiêu xung nhịp để tránh điều chỉnh theo ước tính, gây ra lỗi. Và quan trọng là xung nhịp của CPU sẽ làm tốn một lượng điện năng tương ứng, do đó cần điều chỉnh phần điện năng (voltage) phù hợp vì nếu để lượng điện năng quá cao khi kiểm tra trên phần mềm OCCT, màn hình sẽ báo lỗi. Theo kinh nghiệm của tôi là phần điện năng sẽ không chỉnh lên quá 1.7 hoặc nếu như bạn đọc phần budget (tạm dịch là túi tiền) của khách hàng có thể đủ để thay mới một cục nguồn mới có mức điện năng cao hơn, thì hãy thay thế vào nhé, nếu được thì có thể chọn loại từ 600v trở lên để không sợ bị lỗi sau khi overclock xong. 2. Thay mới CPU Khi khách hàng có túi tiền nhiều, thì ta hãy dùng biện pháp "đánh nhanh thắng gọn". Đây là cách mà tôi luôn làm khi nhận nhiệm vụ này. Ở email nếu như bạn thấy đây là một khách hàng hào phóng và yêu cầu tăng xung nhịp CPU lên cao mà trong khi đó overclock lại tốn quá nhiều thời gian để cho ra một kết quả như ý. Hãy bỏ qua nó sang một bên! Việc của bạn là lên shop xem loại CPU nào có xung nhịp đúng với yêu cầu của khách hàng, nhanh chóng mua về và thay vào máy cho khách nhé. Việc này vừa nhanh gọn lẹ lại vừa dễ dàng lấy được 5 sao và tiền công từ khách hàng. II. Overclock GPU Không giống như overclock CPU hay RAM, khi bạn nhận được nhiệm vụ này, sẽ không cần phải vào phần BIOS, thay vào đó bạn phải cài phần mềm GPU Tuner để điều chỉnh. 1. Không chỉnh hết các thanh chỉ số lên mức cực đại Khi vào phần mềm GPU Tuner để overclock GPU, trên màn hình sẽ hiện ra 3 chỉ số: Core clock, core voltage và memory clock, dưới đó sẽ có 3 thanh điều chỉnh cho 3 chỉ số này. Nếu như bạn chỉnh cả 3 thanh lên mức cực đại, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc bạn sẽ được nhìn thấy màn hình báo lỗi màu xanh ngay sau vài dây chạy kiểm tra điểm đồ họa. Do đó, bạn chỉ nên điều chỉnh làm sao để phần core clock đạt chỉ số dưới 2000 mHz là ổn nhé. Nếu trong trường hợp khách hàng yêu cầu điểm đồ họa cao hơn thì nên chỉnh thanh core voltage lên mức cao nhất, còn 2 thanh kia, đặc biệt là thanh memory clock tuyệt đối không chỉnh hết mức vì rất dễ xảy ra lỗi. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu điểm đồ họa quá cao mà trong khi đó overclock lại xảy ra lỗi thì bạn hãy thử cách giống như với overclock CPU nhé, thay một cục nguồn khoảng 600v trở lên (mua nguồn không tốn nhiều chi phí mà còn có thể để dành để lắp case cho khách khi có yêu cầu). Và nếu như các phương án trên đều không thành công thì bạn hãy dùng cách số 2 dưới đây nhé. 2. Thay GPU có chỉ số cao hơn hoặc lắp thêm GPU vào máy Đây cũng là một cách đi tắt nếu như ta gặp một khách hàng hào phóng, hãy thay mới luôn cái GPU cho khách với chỉ số cao hơn chiếc cũ (có thể xem thông số kỹ thuật ngay trên phần mô tả ở shop) hoặc trong trường hợp bo mạch chủ của khách hàng có thể hỗ trợ lắp 2 GPU thì bạn cũng nên cân nhắc đến việc mua thêm một chiếc GPU tương thích và lắp vào cho khách nhé. 3. Kết hợp Bạn cũng có thể kết hợp các cách để overclock GPU thành công nhé. Bạn có thể vừa lắp thêm GPU cho khách vừa thay luôn nguồn mới và thậm chí là overclock luôn cái GPU mới thay để đạt được điểm đồ họa như mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng có thể vừa overclock thêm CPU và RAM nữa nhưng nên nhớ là không nên tăng xung nhịp quá cao nếu không là mọi công sức sẽ đổ bể. III. Overclock RAM Như đã nói ở trên, overclock RAM rất hiếm khi có khách hàng yêu cầu vì thường người ta sẽ muốn thay luôn RAM mới có dung lượng cao hơn hoặc muốn lắp thêm RAM cho máy. Nhưng đôi khi để tăng điểm đồ họa cho máy bạn cũng cần phải overclock RAM để đạt được điểm như khách hàng yêu cầu. Để Overclock RAM không gặp lỗi, theo như tôi đã chơi thì bạn không nên để ở mức tối đa, chỉ cần điều chỉnh chỉ số ban đầu lên 100 số thôi nhé và đặc biệt ở phần điện năng nên để ở ngưỡng dưới 1.5 là an toàn nhất.