Review Sách Chiến Binh Cầu Vồng - Andrea Hirata

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Diệu Thúy 2000, 3 Tháng bảy 2021.

  1. Diệu Thúy 2000

    Bài viết:
    35
    HÌNH TƯỢNG NGƯỜI GIÁO VIÊN TRONG "CHIẾN BINH CẦU VỒNG"

    Giờ đây số lượng người được đi học ngày một lớn, nền giáo dục Việt Nam đang dần đạt được tỷ lệ phổ cập giáo dục rất cao. Mỗi người trong chúng ta hầu hết đều đã từng một thời cắp sách tới trường, nhưng có bao giờ bạn nghĩ về giá trị của giáo dục chưa? Một ngày nào đó, khi bạn trở thành phụ huynh, quan tâm đến giáo dục dành cho con của mình thay vì vị trí học sinh như trước, bạn có quan tâm điều quan trọng nhất mà một trường học nên dạy cho người học là gì không? Nếu được, tôi mong dù chỉ một lần bạn tìm đọc cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia: Chiến binh cầu vồng. Tôi không chắc cuốn sách ấy sẽ làm bạn hài lòng nhưng tôi biết cuốn sách ấy sẽ làm bạn suy nghĩ về giáo dục nhiều hơn.

    [​IMG]

    "Chiến binh cầu vồng" của tác giả Andrea Hirata đến từ một đất nước châu Á có lãnh thổ rộng lớn Indonesia. Đó là câu chuyện về những cậu bé, cô bé tại một ngôi trường làng nghèo chiến đấu từng ngày để được học và dạy. Chiến binh cầu vồng là một cuốn sách dài, nó mang lại cho người đọc không chỉ là sự vỡ òa với những khoảnh khắc vui mừng, mà còn có cả những thời khắc cảm động đến bật khóc. Hành trình tìm đến giáo dục của những đứa trẻ nghèo đầy gian nan và thử thách, chúng đã cùng thầy cô của mình cố gắng giữ lại ngôi trường, cùng nhau vượt qua những khó khăn của nghèo đói khốn khó, duy trì việc đi học.. Tôi tin rằng khi đọc xong cuốn sách này, mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận được sự rung động của trái tim dành cho câu chuyện đầy cảm xúc ấy.

    [​IMG]

    Người ta hay đi kiếm tìm những danh vọng, những lợi ích từ một điều gì đó. Chẳng hạn như khi tôi viết những dòng này có người sẽ tự hỏi tôi viết ra có lợi gì cho chính mình, có thể kiếm tiền không, có thể nổi tiếng không. Hay khi đọc một cuốn sách, nhiều người muốn biết sau khi đọc xong sẽ có lợi gì cho cuộc sống của học, có phát triển kỹ năng nào không, có thể giàu có không.. Cả khi ta đi học cũng vậy, có nhiều phụ huynh vẫn nói với con họ, nếu không muốn mai sau thất nghiệp nghèo nàn thì đi học đi, hoặc là con đường học là con đường dẫn tới danh lợi.. Tôi không biết từ khi nào giáo dục trong não bộ của nhiều người trở thành cách thức để có nhiều của cải hơn, có nhiều danh lợi. Cái mà người thầy người cô trong cuốn "Chiến binh cầu vồng" hướng tới, cái giá trị giáo dục chân chính họ theo đuổi và mong muốn truyền đạt, sẽ đánh thức tâm hồn người đọc, gợi lại cho ta suy nghĩ sâu sắc về con đường học.

    Thầy Harfan là hiệu trưởng ngôi trường làng, thời điểm bắt đầu cuốn sách là ngày khai giảng cảm động. Lớp một phải đủ mười học sinh mới có thể tiếp tục, bạn thấy đấy con số mười là một điều tưởng như quá dễ dàng ở phần lớn những ngôi trường bình thường khác, tuy nhiên đây lại là một ngôi trường lại một làng rất nghèo. Những người dân ở đây nghèo đến nỗi họ phải cân nhắc giữa việc cho con cái mới năm sáu tuổi của mình đi làm kiếm tiền hay để nó đi học để kiếm con chữ "viển vông". Với nhiều người trong số họ, con chữ không kiếm ra tiền ngay lúc ấy, không thể thoát nghèo. Bởi vậy mà lớp học của thầy Harfan khó khăn lắm mới có thể đủ mười em.


    [​IMG]

    Một thầy giáo già, sức khỏe không còn tốt, ngoài việc dạy ở trường thầy đi làm công việc khác để chống đỡ cho ngôi trường thiếu cơ sở vật chất đến đáng thương. Khi tưởng tượng hình ảnh thầy kiên trì trước những học sinh bị phân tâm giữa học và tiền, nhẫn nại trước học sinh thiểu năng chỉ một phép cộng cũng học không vào, tôi tự hỏi trên thế giới này có bao nhiêu người giáo viên làm được những điều ấy? Thầy dành cả cuộc đời mình tại một ngôi trường không có tiền đồ, cố gắng động viên những đứa trẻ không thiết tha gì với con chữ đi học, nỗ lực truyền dạy cho chúng những điều mà từ lâu đã bị một số giáo viên bỏ qua. Đối với học sinh, dù mệt mỏi và tiều tụy hình ảnh của thầy trong mắt chúng vẫn luôn là một giáo viên hăng say giảng bài, tận tình và chân thành. Người thầy giáo ấy, với tôi chính là chân dung nhà giáo dung dị mà phi thường.

    "Thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Đó là định nghĩa hết sức thú vị mà đến hơi thở cuối cùng thầy vẫn có thể giữ được. Một cái chết vinh quang, như thầy vẫn hằng mong muốn." [Trích sách: Chiến binh cầu vồng]

    Trong "Chiến binh cầu vồng" người đọc cũng không thể không nhớ tới hình ảnh một cô giáo nhỏ dám đối đầu với vua Thiếc để giữ lại ngôi trường mà cô dành trọn tâm huyết. Cô Mus còn rất trẻ, tương lai đối với cô còn rất dài, hoàn toàn không cần phải gạt bỏ mọi cơ hội để ở lại ngôi trường ấy. Nhưng cô chọn con đường khó đi ấy với sự kiên định mong muốn mang lại ánh sáng của giáo dục cho những đứa học trò nhỏ. Người đọc sẽ cảm nhận được ở một cô gái sự dũng cảm lạ thường, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng mà cô theo đuổi. Hình ảnh người giáo viên trẻ ấy lặn lội đi tìm những đứa trẻ bỏ học để thuyết phục chúng trở lại trường hay hình ảnh cô đối diện với người đứng đầu một tập đoàn lớn với hy vọng mong manh giữ lại ngôi trường thân yêu.

    "Họ là những anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang." [Trích sách: Chiến binh cầu vồng]

    Hai nhân vật này làm nên hình tượng những người giáo viên đáng kính trong lòng tôi. Họ thắp lên trong tôi không chỉ tình yêu nghề giáo, hơn thế họ mang lại cho tôi niềm tin: Giáo dục là để con người biết yêu thương chính mình và yêu thương những người xung quanh, dùng những điều mình học được để tốt hơn, người mang lại giá trị cho mỗi tâm hồn đứa trẻ không ai khác ngoài những người giáo viên. Dẫu cho hiện tại và tương lai xã hội có thay đổi bao nhiêu, hình hài giáo dục có biến đổi nhiều thế nào, tôi tin rằng giá trị của giáo dục vẫn luôn là như thế. Còn bạn, bạn nghĩ và hy vọng giáo dục mang lại điều gì cho người học?
     
    Diệp Minh Châu thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...