CHIẾC VÒNG BƯỚM XANH Tác giả : Lê Thảo (PP1901) Thể loại : Truyện ngắn, Truyện Việt, truyền thống, thôn dã. Số chương : 02. Truyện mừng xuân 2019 Giới thiệu: Ánh Tuyết là Vòng. Diễm Quyên là Bướm. Cẩm Thảo là Xanh. Ba chữ "Vòng Bướm Xanh" là một. Thảo luận- Góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Lê Thảo (PP1901)
Chương 1: Những trang nhật kí đầu. (Viết ngày 12/01/2019) Bấm để xem Người ta nói: Người bạn tốt là người thấy giọt nước mắt đầu tiên, lau đi giọt thứ hai và ngăn chặn giọt thứ ba. Trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun xinh xắn, ngay cạnh cái giường lớn đủ cho ba đứa trẻ cùng nằm có ba quyển nhật kí thơm mới, màu sẫm nhẹ đặt ngay ngắn thẳng hàng, trên từng quyển đều đề hai chữ nắn nót "Ánh Tuyết", "Diễm Quyên" và "Cẩm Thảo" trông thật vui mắt. * * * Ngày 30/12/2015. "Tôi là Ánh Tuyết, nay lên mười tuổi. Tôi thích đọc sách và 'bóc lịch chùa'. Mọi người gọi tôi là Vòng, vòng của Phật Tổ vì trông tôi rất duyên. Nhưng tôi thấy mọi người gọi tên tôi như thế vì tôi thích bóc lịch thì đúng hơn. Nhưng không sao, tôi vẫn là Vòng cơ mà." Ngày 1/1/2015. "Hai ngày qua rồi tôi lại quên mất chưa viết ra đây một việc vô cùng quan trọng, cũng vô cùng là thật vui vui. Tôi có một quyển viết rất đẹp. Bìa của nó có hình cái vòng đặc trưng của tôi nữa. Nhưng vì trước đó bà Luyến mua cho tôi, ý là sang năm mới còn mang đi học nhưng thấy nó đẹp quá tôi liền ghi lại công việc hàng ngày của mình. Bà Luyến dạy tôi gọi là nhật kí, không ngờ nhật kí lại hay đến vậy, tôi còn được bà khen thông minh nữa chứ." Ngày 5/1/2015. "Tôi là Ánh Tuyết, mọi người khen tôi có cái tên rất hay, nhưng tôi thích tên là Diễm Quyên hay Cẩm Thảo của tụi nó hơn, bởi vì nó đẹp sao sao ý! Tôi cùng chúng nó ở với nhau trong chùa từ nhỏ, hình như là chúng tôi không có bố, mẹ. Nhưng ở với bà Luyến thì vui lắm, tôi nghĩ còn vui hơn một gia đình bình thường cơ, chỉ có điều bà gọi tôi là Ánh Tuyết thì được, nhưng cứ chút chút lại kêu Vòng ơi lại đây rồi thì Vòng lấy cho bà cái rổ, tôi thấy xấu hổ lắm! Ước gì bà Luyến đọc nhật kí của tôi nhỉ? Nhưng bà dạy đọc nhật kí của người khác là không ngoan, tôi cùng không biết phải làm sao nữa." Ngày 6/1/2015. "Tôi sắp được mười tuổi rồi, mấy ngày nữa là đến Tết, vì vậy tôi sẽ làm một món quà tặng hai đứa kia. Chỉ là tôi nghĩ nó hơi mang ý nghĩ phụ thuộc vào tôi ý, nói sao nhỉ, quà của tôi là cái vòng. Thì tôi chỉ định vậy thôi chứ chưa làm." Ngày 7/1/2015. "Sao Tết vẫn chưa đến nhỉ? Tôi muốn đi chợ cùng bà Luyến quá đi!" * * * Ngày 29/12/2014. "Tôi tên là Diễm Quyên, tôi nay đã lên mười. Tôi rất thích bộ tóc dài mượt mà của mình, mọi người gọi thôi là Bướm, con bươm bướm chăm chỉ với hoa. Nhưng thật ra tôi biết, mọi người gọi thế là vì tôi xinh gái quá thôi, ngày nào các bạn cũng xúm lại muốn tết tóc cho tôi cơ, vì vậy tôi thích tết tóc hai bên của mình lắm!" Ngày 2/1/2015. "Bà Luyến đi chợ mua cho Cẩm Thảo quyển vở màu hồng, tôi ghen tỵ vì tôi chỉ có màu xanh. Thế là tôi đi đến chỗ của Thảo đổi lấy của nhỏ vì tôi thích màu hồng hơn, còn vở của Ánh Tuyết thì xấu lắm. Nó còn chẳng thèm đổi cho tôi. Bà Luyến bảo tôi thế là hư, nhưng ai bảo bà chọn sai màu cho tôi chứ! Hôm nay tôi quyết dỗi luôn, không ăn cơm trưa. Nhưng bây giờ tôi thấy đói quá, chiều nay nhất định phải ăn ba bát mới được." Ngày 4/1/2015. "Tôi sắp được mười tuổi rồi, vài ngày nữa là đến Tết, tôi sẽ làm thật nhiều bươm bướm tặng hai đứa kia, coi như tôi có lòng quý chúng nó lắm mới mất công làm đó nha." Ngày 7/1/2015. "Hôm nay trời sáng lắm rồi, sao vẫn chưa thấy Tết đến nhỉ?" * * * Ngày 30/12/2014. "Tôi tên là Cẩm Thảo! Cẩm Thảo đó! Tôi sắp được lên mười tuổi rồi, lớn tuổi chán thật đấy, lỡ như lớn quá bà Luyến không lì xì cho tôi với nhỏ Quyên, Tuyết thì sao đây.. Tôi đoán chắc tôi chỉ được ba nghìn, còn lũ trẻ nhỏ hơn bọn tôi được hẳn năm nghìn luôn, có khi là mười nghìn mua được cả chục cái kẹo mút chúp ba chúp ấy, ghen tỵ ghê. Nhưng mà số"... " N ghìn viết kiểu gì nhỉ? Bà Luyến cứ đọc là nhăm mà cô dạy là năm, nhiều lần tôi kêu bà sửa lại nhưng người lớn vẫn chứng nào tật nấy cả, không chịu nghe lời đâu. Mà thôi, chắc tôi phải chăm chỉ giúp bà Luyến để nịnh bà mới được, bà sẽ khen tôi ngoan cho mà coi!" Ngày 5/1/2015. "Nói đến hai con gà cái cứ đánh nhau không chịu hòa kia, tôi lại nhớ cái ngày chúng tôi ra đồng nghịch lúa. Hai đứa ấy chơi đùa rồi làm xước tay, chảy cả máu xong rồi chúng nó sợ bà mắng liền đổ tội cho tôi, vậy là tôi bị phạt ngồi viết chữ một trang liền! Tức ơi là tức, may là tối chúng nó đem bánh ngọt đến chỗ tôi xin lỗi, may ra còn có lòng nên tôi tha. Ghét hai đứa nó lắm đấy!" Ngày 6/1/2015. "Tôi thấy Tết mãi chẳng đến, chờ mãi thôi à! Ngày kia mọi người bàn gói bánh rồi, thấy cái lá màu xanh xanh đẹp quá, tôi quyết làm cái dây lá toàn màu xanh tặng hai nhỏ luôn, cô giáo có dạy rồi nên tôi làm giỏi lắm." Ngày 7/1/2005 "Tôi đang vẽ cái dây dài dài đó đấy, nhưng vẫn thiếu đồ để làm lắm. Sao vẫn chưa đến 30 để cùng bà Luyến đi chợ nhỉ? Tôi nhất định sẽ xin bà vài cái lá bỏ để xiên vào dây này, chắc chắc là đẹp ơi là đẹp luôn. Tết ơi Tết, mau đến đi thôi!" * * * Một cơn gió xuân thổi nhẹ, gấp lấy trang vở vừa bị lật ra dưới nắng ban mai. Nhìn qua cánh cửa sổ có vài song gỗ đã bị mục cũ đôi chút, lòng ai đó bỗng chợt nhật ra: Năm nay Tết có ba đứa, đúng là cái Tết thật sự rồi! _Hết chương 1_
Chương 2: Chợ Tết. Phần 1: Sợi bện trắng. (Viết ngày 12/01/2019) Bấm để xem _Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi. _ Xã Hoài Vân năm ấy có một ngôi chùa nhỏ, giữa những đồi keo xanh mát, hạ rợp bóng trời thi thoảng vang lên tiếng chuông đồng trong vắt, vang vọng, tưởng chừng linh thiêng nhưng lại đỗi thơ mộng và vui tươi. Cũng chính bởi tiếng chuông ấy át sao cho được tiếng mấy đứa trẻ cười đùa nghịch ngợm dưới hiên chùa. Chùa Bảo Thiên quay hướng Bắc, khuất sau một lùm cây Hoa Đại chục năm. Đi lên từ chân dốc có hơn một trăm linh hai bậc, uốn cong nhẹ nhàng. Cổng chùa ấm áp với hai vị Môn Thần, trang phục cổ kích đậm chất hiền nhân, mấy đứa trẻ thường đùa rằng đó là bác bảo vệ đáng sợ, đôi mắt lăm lăm đến dữ dằn làm bọn chúng mỗi lúc đi đâu đều cúi chào răm rắp. Vào sâu trong cổng, có vài ba bậc cao nữa dẫn đễn lối đi chính, phía đối diện là điện thờ Phật A- di- đà, phía phải có một nhánh phòng nhỏ, ở đây thờ Mẫu, phía trái cách một lối đi là nơi ngắm phong cảnh và tiếp nước khách của chùa. Cạnh chiếc chuông đồng nằm trên đoạn cao nhất sân có tượng phật Quan Âm Bồ Tát đứng trên đài sen, dáng Người phúc hậu, từ tốn làm cho mỗi người Phật tử đến đây sao khỏi yên lòng và tĩnh an.. Mái chùa lợp gạch ngói, cái thứ đất nung đỏ ấm mắt người nhìn, sóng sóng tầng tầng như "đại dương trên nóc" mà ai đó cứ ngân nga hồi còn nhỏ ấy, cong vồng, uốn lượn nhẹ nhàng mà tinh tế. Nếu nói là hình rồng thì chưa đúng hẳn nhưng ngắm kĩ để thành đóa hồng liên cũng có thể gọi là ra dáng lắm. Ngôi chùa nhỏ bé ấy có ba cái cột gỗ lớn ngay cửa, năm nay đã được sửa sang và sơn lại để trông gọn gàng hơn đôi phần. Trước sân lát gạch cốt-tô thoáng đãng, những cây đào trụ trì Thích Gia Minh năm ấy trồng mừng bọn trẻ lên hai, nay đã nở hoa thắm vườn. Xuân lá ngọt điểm đầu cành, trên cái nơi yên lặng nhất xã này, Tết đễn cũng thật đặc biệt và nhẹ nhàng. Vậy nhưng, năm nay dường như có kẻ đã tính toán với "rắp tâm phá hoại" sự tĩnh lặng luân phiên ấy rồi, tết Việt trong mắt chúng nó đã đỏ rực từ khi nào.. Hôm nay là ngày hai mươi Tết, chợ đã rôm rả khác thường từ mấy tháng trước. Bọn trẻ háo hứng dậy từ sáng sớm, phải sớm tới trước nửa tiếng khi chuông chùa vang lên. Sau nhà, bếp củi được đốt ấm nồng, ấm nước nhọ, đen xì đang reo lên như sắp sôi sùng vậy, Tuyết ngồi cạnh đó gảy mấy than củi, vẽ vẽ vài chữ như sốt ruột chẳng ngừng. Nước đã sôi, nó nhẹ nhàng gấp cái giẻ rồi bắc nước, chắt vào cái phích cao vừa ở góc bàn. Con bé hớt hải đút cái nút gỗ rồi chạy ra bể đổ thêm nước vào siêu. Cái Quyên đang múc vài gàu dưới giếng, mắt nó lờ đờ buồn ngủ, tiết trời se lạnh của xuân này khiến nó muốn rúc vào chăn ấm quá, nhưng nếu mà không chuẩn bị sớm thì có lẽ nhỏ đã phải ở nhà rồi, nhỏ biết hôm nay có chợ mà. Quyên cúi nhẹ xuống, đổ nước vào xô rồi ngồi trên cái ghế gỗ, nó bắt đầu ọc nước trong cổ họng và đánh răng, nghe chừng vẫn chưa tỉnh. Cẩm Thảo lục đục ngoài vườn, hình như nó đang tưới mấy bông đồng tiền đỏ vừa xin được bên nhà bác Hiền để cấy tuần trước, đến mồng một đem ra bày trên bàn học, hẳn là xinh xắn lắm. Bé Liên từ trong phòng chạy ra, nheo mắt ngó nhìn. "Chị Tuyết ơi, sao hôm nay chị dậy sớm thế?" – Nó bắt đầu nũng nịu. Cái Tuyết chạy vội ra bếp, "suỵt" một tiếng ám chỉ, nó bảo: "Nhỏ thôi Liên ơi, hôm nay có chợ đấy! Bọn chị dậy sớm để mua gạo gói bánh chưng cho bọn em, thích không?" Cái Liên sáng bừng cả mắt, nó reo lên như quàng được vàng: "Thật ạ chị Tuyết? Thế em muốn ăn bánh không nhân đỗ, không nhân đỗ cơ!" "Trời ạ, đã bảo là nói nhỏ thôi mà con bé này!" Cái Liên phụng phịu, lườm Tuyết một cái rồi bỏ chạy ra phía vườn, chưa kịp dặn dò thêm một tiếng. Nó chạy đến chuồng gà, bà Luyến đang băm chuối, cơm nguội hôm qua của chùa vẫn còn, bọn gà hôm nay no rồi. Liên tung tăng đến chào bà, rồi thì thào một chút vào tai như muốn nói cái gì đó. Bà Luyến khẽ nghiêng người nghe nó bảo, nó bảo xong thì bà lại nói, bà nói nghe thật phũ phàng với con bé quá: "Cái con nhỏ này! Con còn bé, không đi được đâu, để ba chị đi còn giúp bà mua đồ chứ!" - Mắt bà Luyến dịu lại, cười híp lên hiền từ "Với lại con mà đi là ông bao bị bắt cóc đấy! Ở nhà với chị Vân, hai chị em cùng chơi. Bà về mua bánh rán cho con, ngoan." Nghe thế cái Liên mếu máo, nước mắt nước mũi đầm đìa, nó nhìn bà đang thái chuối mà không nói thành lời, nó muốn đi theo quá! Chưa kịp nũng bà lần nữa, chị Thảo từ ngoài vườn chạy vào, tai chị còn ướt những sương sớm, chắc là lạnh lắm! Chị bảo muốn giúp bà trộn cơm cho gà, thế là nó liền nghĩ sao lại không nhanh trí làm như vậy giống chị nhỉ? Chẳng trách người ta cứ bảo nó bé, mà ba chị lớn rồi, nhưng có nghĩ lại nữa nó cũng không hiểu tại sao.. Sáu giờ kém mười lăm sáng. Từ hành lang chùa nhìn xuống cái ao bên dưới, ngay đó có một vườn bưởi nhà bác Hiền dưới chân đồi, nhìn ra xa nữa có thể thấy được đường lớn rẽ vào làng Khả Văn, ngã ba này người dân tổ chức họp chợ, dù hơi khuất nhưng Quyên vẫn có thể thấy tỏ cái náo nhiệt thông thường của nó. Nhưng hôm nay là chợ Tết mà, dù không phải chợ ba mươi nhưng cũng đủ để biết mua bán rộn rã nhường nào. Nó nhanh nhảu chạy ra sân, vội vã về phía cổng, dáng người lật đật của nó trông thật đáng yêu: "Ấy bà Luyến ơi, đợi cháu với, đợi cháu với!" "Ai bảo cứ mải ngắm cảnh cơ, đúng là chăm hoa hết mức!" – Cái Tuyết chững chân lại, mặt mày làu bàu, nó hẳn chẳng vui chút nào "Ê cẩn thận, mưa trơn trượt đấy!" "Vòng, bạn bảo tớ là chăm hoa á, sáng nay nhỏ Xanh còn ra vườn đấy sao không bảo nó? Nói tớ làm gì!" – Quyên xì một cái, nhanh chân chạy đến chỗ bà Luyến đang đứng cạnh đó chờ nó, khoác tay bà, nó lại làm trò "Bà ơi, hôm nay cháu giúp bà chọn gạo nếp nhé! Bà cháu cùng gói bánh được không ạ?" – Khuôn mặt trái xoan thắm hồng, mái tóc mượt mà vắt qua vai, con bé cũng nhanh tay tết thành hai cái bím đấy chứ. Cẩm Thảo nghe nhắc tên, nó phản xạ nhảy lên mấy bậc trên, ba đứa lại cãi nhau om sòm. Bà Luyến lắc đầu, tay cầm cái làn nhựa, màu da nhạt, bà đính chính: "Mấy đứa mà còn cãi nhau nữa là bà đi trước đấy nhé!" Sáng ra, tiếng chó nhà sủa thật hung dữ, mấy đứa trẻ vừa nghe đã tái mặt, rồng rắn chạy theo bà ra ngã ba cho lẹ. Trên đường không ngớt suýt xoa và ngóng trông cái cảnh "vạn sắc đào hoa" mà mọi người hay tả nó ra sao. Bước đến cổng chợ, thứ ập vào mắt bọn trẻ đầu tiên chẳng phải cái gì lòe loẹt, mắt mắt lắm. Các bác bán gà, bán trứng và cả những con vịt con nô nức gọi hàng nhau, miệng không ngớt phán rằng nay mai trời Tết sẽ nắng ấm, nuôi gia cầm rất thích hợp, nuôi để đầu năm có phúc có lộc. Những người bán gà trống, con choai, con già đủ loại thì mặc áo vải bông đã sờn đôi chút, chân đeo ủng, rõ là trời có mưa chứ nắng gì đâu! Họ đua nhau "ới hàng" kẻ ra người vào, bảo rằng gà ngon, mua về nuôi ba ngày là có thể cúng Giao thừa, còn rất tận tâm phân tích cựa và cái đuôi lộng lẫy cho vài cô gái ghé đến xem nữa chứ. Nhiều lúc không may tượt tay, ba năm con gà nhảy bổ lên, làm đổ mấy cây mía đang dựng góc sàn, tung tóe ra đường đi, các ông "bói tướng chân gà" giờ thì bỏ cái kính mù của mình để chơi "đuổi bắt" mấy con có cánh, hai chân giời đánh kia, cảnh tượng quả thật vui nhộn, hài hước. Đi qua hết loạt hàng bán thịt, bán gà lợn, cuối cùng bốn bà cháu cũng đã vào sâu được trong chợ. Ở đây bày bán hoa là tập trung, tập trung đến nỗi nó đẹp như một rừng đỏ cam vàng rực rỡ ẩn sau lớp "hỗn loại" ngoài kia. Bà Luyến đến quầy của bác Miên quen thuộc, bà chào hỏi rồi nhẹ nhàng chọn lấy những bông cúc vàng tươi thắm nhất. "Bà Luyến lại dẫn các cháu ra chợ sắm Tết đấy à?" – Tay bác cắt cái cuống hoa, lấy một tờ báo gói lại và buộc nịt vào chân. Những bông hoa sớm còn đọng những nước. "Vâng chị, hôm nay hàng mình đắt khách không? Mới hai mươi mà cũng đông quá chị nhỉ." – Bà cầm khẽ đóa hoa, lấy trong chiếc ví vải cũ một đồng mười nghìn. "Ôi dào, người ta cứ nghĩ ba mươi đông lắm, thế là dồn hết vào những ngày này, đi chơi chợ là chính ấy mà. Mà bà mở hàng cho tôi, hôm nay kiểu gì chả đắt khách chứ sao!" – Nói rồi bác cười ha ha, khuôn mặt gầy gò bỗng trở nên tươi sáng dưới ánh nắng yếu ớt đang xuyên qua lớp mây trắng dày. "Chị nói quá rồi, mà thôi tôi đi trước kẻo muộn người ta đến nhiều, gửi chị tiền nhé!" – Bà đưa tiền cho người bán hàng đối diện, khéo léo rảo bước đi. Trước lúc, Quyên và Tuyết vẫn không quên chào bác, tiện tay được tặng hai cái kẹo cao su vị bạc hà mà chúng rất thích, lòng thầm nghĩ sao người ta lại dễ mến đến thế! Thấy bà mua được bó hoa cúc đẹp, cái Thảo lại gần ngắm ba xô đựng hoa trước mắt, một hồi rồi nó chào to: "Bà Miên ơi, cháu chào bà ạ!" – Lúc ấy bọn bạn đã tíu tít theo gót bà Luyến từ lúc nào. Bác Miên khẽ ngó nhìn vị khách ban nãy đã sắp đi xa, lo lắng: "Ừ chào cháu" – Bác đáp "Thảo không mau đi theo bà Luyến kẻo bị lạc kìa!" "Dạ không sao đâu bà, lát nữa cháu sẽ đuổi theo ạ, mà bà ơi, cho cháu hỏi.." – Nó ngập ngừng đôi chút, rồi lại dõng dạc thấy – "Hoa này có làm được thành cái dây không ạ bà? – Nó chỉ vào cái búp nụ còn xanh xanh, hoa chưa nở, rõ ràng đó chỉ là một cái nụ màu xanh. " Con gái ngốc ạ, đây đã là hoa đâu con! "– Bác Miên bật cươi, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay bé nhỏ đang run run trước mắt" Tay con xinh thật nha, số con sướng đấy, phải học hành chăm chỉ nghe chưa? "- Rồi bác nhặt trong giỏ ra được một sợi dây trông như chỉ nhưng lại dày hơn nhiều lần, hình như thường được tuốt ra từ đầu bao cám lợn, đặt nó vào hai đầu ngón tay, bác Miên khéo léo luồn đầu của sợi dây vào cái lỗ vừa tạo, thắt chặt lại và uốn như vậy hai ba lần. Cái Thảo đứng đần người, cứ như thế nhìn bàn tay linh hoạt của bà, lòng nó như sắp reo lên vì cảnh tượng trước mắt, sao lại có người giỏi đến thế nhỉ? Một hồi, những nút thắt ban đầu đã được bác kết lại thành một đoạn dây ngắn chừng năm phân, dày và chắc chắn. Trên đoạn có rất nhiều những lỗ hổng con con nằm ở rìa, ngay tức bác cắt lấy một mảnh lá màu xanh, đặt cuống vào đoạn vòng nhỏ ấy và dùng sợi dây thừa, một tay giữ, một tay kéo mạnh lại. Những lỗ nhỏ bỗng khít vào, giữ và ép chặt vật vào sợi dây. Thật kì diệu! Cái dây bỗng chốc trở nên lung linh và đẹp mắt hơn bao giờ hết, nó đúng là cái thứ đồ mà con bé muốn làm ra rồi! Thảo nhảy tót xuống viên gạch đang đứng, nó đến gần bà Miên, nháy mắt một cái như hiểu ra điều gì rồi lại hét thật to: " Dạ vâng ạ! Cháu nhất định sẽ thật chăm chỉ! Cảm ơn bà Miên nhiều lắm, cháu yêu bà! Chúc bà hôm nay bán được thật nhiều hoa nhé, cháu chào bà ạ, cháu đi ngay đây kẻo không kịp, cảm ơn bà nhiều lắm!"– Nó cứ thế mà vụt xa, lẫn vào bóng người đang chen chúc mỗi lúc đông dần, để lại nụ cười dưới nắng đã lên cao của người bán hàng từ tốn. Tết này có chúng nó, đúng là cái Tết thật sự rồi! _Hết phần 1_
Chương 2: Chợ Tết. Phần 2: Cánh đào . (Viết ngày 13/01/2019) Bấm để xem _Đi ngang thấy búp hoa đào Muốn vào mà sợ bờ rào lắm gai_ Ngửa đầu lên đã thấy trời hửng nắng, suốt mấy tuần dòng dã mưa ẩm, cuối cùng cũng có được ngày nắng thế này. Trong chùa cũng có ti vi cho bọn chúng coi thời sự, nhưng hôm qua mất điện, chúng nó lo mãi trời mưa không được đi theo bà, giờ thì tốt rồi. Các chị bán hoa trông xinh quá, đẹp thay sắc những đóa nở trên tay, ai cũng niềm nở đón tiếp người qua, những ai ăn nói khéo lại được các ông bố nội trợ mua cho cả thúng, cũng chẳng cần ganh đua cả giá, bởi hoa ngày ấy rẻ mà. Đi hết những hàng hoa thắm sương, nơi có đứa bé lẽo đẽo theo sau người lớn, vẩn vơ nghĩ về khóm hoa nhà trồng, mang đi bán liệu có ai mua không, rồi nó lại nghĩ đến cái bàn tay gầy gò kia, làm sao mà uốn thành một sợi giỏi thế, nó cố nhớ từng công đoạn một mà cứ réo lên như gặp được thần tài. Chợ Tết mà, hoa cúc, hoa hồng; riêng huệ ở đây cũng đẹp như cô gái của Tô Ngọc Vân, vài ông bác chăm vườn mặc quần thũng, chân quần sắn lên mấy nếp gấp thì còn ôm mấy chậu lan tím be bé, loa kèn rồi bông ly thơm ngát, đó là kể đến hoa bày trên bàn thờ, hoa trang trí nhà khách. Nhưng chưa kể đến hoa đào, có hoa đào lại nói đến mấy chậu mai. Anh bán buôn còn đèo nó từ miền Nam trở vào, khí hậu miền trung du này không hẳn là quá thích hợp để đẹp lâu, nhưng bàn tay con người mà, có chăm bón thì khác nên hoa thôi. Người ta kể đào hoa đặc trưng ở chỗ chúng nó, đào nở rộ lên với nhiều cánh bung tỏa thì mai chỉ có năm, nhưng năm vàng ấy là năm cái điều vẹn toàn: An, thọ, phúc, lộc, tài cho năm mới. Bởi vậy hoa mai và đào lại trở thành hai quan niệm riêng biệt nhưng cũng không kém phần hòa hợp; người dân xứ Bắc đang có thú đánh chậu mai chơi Tết, bởi họ muốn kiếm tìm những điều mới lạ cho gia đình cũng như những ý nghĩa tốt lành của nó mang lại. Nhưng nét truyền thống thì vẫn còn, những gia đình hối hả đi chọn cành đào từ sớm, tay xách nách mang bao nhiêu về nhà. Đào về thì không gian mới thực sự là Tết, đào điểm những nét chấm phá nóng bỏng làm tan chảy cái vẻ lạnh se nhẹ nhàng của xuân, Cành đào đợi trời mà nở, thú ngắm đào còn gì mĩ vị hơn, ông đồ từ đó mà cũng thốt lên những dòng đối đỏ, viết ra chữ phượng nét rồng, chẳng phải vẫn thường treo trên cành đào hay cạnh bàn thờ nơi bày trí những nàng tiên hồng đó sao? Vẫn chẳng phải gọi cô Đào xinh đẹp, ca hay là những bậc thầy trong xã hội ngày ấy? Có chàng trai tuổi đôi mươi nào mà không ngớt lòng khen ngợi cái diễm lệ đến mê muội của loài hoa này.. "Lá dong bán nào đây chị?" - Tiếng bà Luyến cất lên làm tỉnh cái suy nghĩ miên man trong đầu của Thảo, nó chợt huých eo hai đứa kia: "Ê mày, lá dong kìa!" "Uầy, tớ nhớ năm kia có đi xuống bờ ao với ông Ba, ở đó nhiều lá này lắm, nhưng năm ngoái chặt đi rồi, bây giờ nhìn lại thấy nó giống lá chuối sao ý!" – Cái Quyên đưa mắt nhìn kĩ một sạp bày toàn những lá xanh mướt, bóng bẩy, được xếp gọn gàng theo từng kích cỡ. Có những chồng lá được cuộn lại, cái ống nó dài dài trông vui mắt. Đặc biệt, ở phần cuống lá không quá dài ấy, vết vạt vô cùng thuần thục, do vậy nhìn từ góc đứng của nó thì có thể thấy rõ hình trái tim hay hình của con ốc giấy nho nhỏ mà chúng nó thường gập chơi, quả là thu hút. "Chuối cái gì mà chuối, cái con này chẳng biết tư duy gì cả!" - Tuyết lên tiếng, chắt ngang cái ánh mắt soi mói của cô bạn, nó gõ trống ra oai "Từ những quan sát thực tế và những gì trong sách Tiếng Việt tham khảo mà tớ đọc được, chính xác là cái lá dong chẳng giống với lá chuối tẹo nào! Ăn chuối suốt mà nói như chưa thấy bao giờ ấy!" – Nói rồi nó lấy ngón tay của mình dúi nhẹ vào trán Quyên, ra vẻ thật ngốc nghếch. "Ui da! Cứ phải gào lên thế hả! Tớ thấy nó có mấy cái viền viền kia nó giống lá chuối mà, nói có sai đâu!" "Nhưng nó rõ là không phải chuối, ai nghe lại bảo bọn mình chả biết cái gì!" – Cái Tuyết nghe vậy liền nho nhỏ giọng xuống, nó gằn lại ghé sát vào Quyên. "Giống chuối nên tớ bảo là chuối, ai chả biết nó là lá dong!" – Quyên quay phắt mặt đi, mặt nhỏ đỏ bừng, nó biết là không đấu khẩu được với Tuyết mà, chỉ vì tối nào con bé ấy cũng ngồi đọc sách đến khuya còn nó thì díu cả mắt lại, nhưng nó cũng đâu thể để mình thua thiệt cho được! Thật tức quá! "Xanh ơi Xanh, bạn thấy nó có ngang hay không chứ?" - Tuyết quay ra tìm người đứng về phe, tất nhiên là đứa bạn còn lại rồi, nó cũng có chịu thua đâu chứ. Lại thấy được gọi, Thảo liền can ngăn: "Thôi đi hai bạn, cãi nhau om sòm thế chẳng khác nào trẻ con cả, người ta đang nhìn kia kìa!" Cũng chẳng hiểu tại sao vừa dứt lời, hai đứa nó lại im bặt như thể trúng gió vậy. Bà Luyến cúi người xuống, xách cái làn cẩn thận với mấy bông cúc vừa mua được, bà sờ lên phiến của mấy cái lá xanh mởn, nói: "Khi chọn lá dong, phải chọn những lá to vừa, không quá lớn cũng không được quá nhỏ, lá không quá non nhưng cũng không quá già. Mặt lá phải nhẵn, bóng bảy và có độ xanh sắc nét, như vậy khi gói bánh thì bánh mới xanh, mới ngon được. Ba cháu nhớ chưa?" - Bà từ tốn nhấc lên mấy chiếc lá trên chốc, rồi chọn ra vài cái đề riêng, hơi nhoẻn cười "Tưởng mấy đứa lớn rồi mà vẫn cái nhau nhỉ? Lần sau bà không cho đi theo nữa nhé." "Không không bà ơi! Chúng cháu không cãi nhau nữa đâu ạ, bọn cháu lớn rồi, lớn rồi mà!" - Bỗng chúng nó đoàn kết lạ thường, cùng đồng thanh như đã chuẩn bị trước từ lâu. "Ha ha, bà nghe câu này cũng được kha khá lần rồi đấy. Thôi, nghe rõ bà bảo chưa?" – Bà Luyến lại quay sang hỏi: "Chị bán theo lá hay cân vậy?" "Dạ cháu nhớ rồi, về nhà bà cho cháu làm bánh với bà nhé! - Cháu cũng thế ạ - Cháu nữa!" "Ba đứa nghịch ghê chị nhỉ, của chị đây, năm chục ạ!" – Bà bán hàng lại cuộn khẽ chúng lại, cân lên một lượt nữa rồi đưa cho bà Luyến. Bà nhận lấy đồ của mình và gửi tiên, như thường lệ "À vầng, ha ha, ở chùa lúc nào cũng nghịch như vậy đấy chị. Cảm ơn chị nhé! Chúng tôi đi trước đây." – "Không có gì, đi thong thả nhé!" Tuyết với Thảo xúm lại, đòi xách giúp bà nào hoa nào lá, hiển nhiên là muốn lấy lòng bà rồi. Bà Luyến cười không ngớt, xoa xoa cái đầu nhỏ bù xù của hai đứa, hiền từ biết bao nhiêu. Cái Quyên chạy theo, rồi lại ngoảnh lại, nó chơ vơ nửa muốn đi theo nửa không, rồi nó cũng quyết đinh đứng và lại tiến về phía bà bán hàng như cái cách Thảo nó ngó nghiêng những bông hoa khi nãy. Gió trời nhè nhẹ, một bà bán hàng lúi húi xếp lại những cái lá, nắng dìu dịu lá lại xanh tươi. Một đứa trẻ lên mười nhìn vậy liền vội vã cúi xuống giúp người, hai mươi Tết đào vương trên cành, những cánh hồng lả tả bay ngang qua lại, thật giống những con điệp đậu trên vai ai, nhẹ nhàng đáp xuống hứng lấy nắng xuân mơn mởn.. "Bác ơi bác, cho cháu hỏi.." - Tiếng nói trong trẻo vang lên, mỏng manh và ngọt ngào biết bao nhiêu. "Ừ, cháu muốn mua gì sao?" - Người đó ngẩng mặt lên, nhìn lấy cô gái bé nhỏ trước mặt, như tỏ ý liền hỏi "Lá ở đây nhiều lắm, bà Luyến muốn mua thêm à cháu?" "Dạ không ạ, cháu hỏi là bà có bán bươm bướm không ạ?" – Nó rụt rè. "Bươm bướm?" – Bác bán lá dong hơi ngờ ngợ, rồi bác nhìn xuống như thể suy nghĩ điều gì đó "Cháu hỏi bà cái đấy để làm gì à? Bà có làm bươm bướm bao giờ đâu, hay cháu thử hỏi ai khác xem người ta có biết không.." Cái Quyên nó khép khẽ mắt lại, tỏ vẻ thấy vọng lắm, nó tưởng bà bán lá khéo léo tạo nên hình thù con bướm trên cuống để bày bán được nhiều hơn, xem ra không phải rồi, có lẽ đó chỉ là điều ngẫu nhiên mà nó tưởng tượng ra thôi. "À màu cháu này!" "Dạ bà?" – Nó bất giác nhìn lên, nó vừa được gọi thì phải. "Trên vai cháu có một con bướm hồng kìa!" – Bà bán lá dong cứ hoài nhìn vài kẽ tóc tết qua vai của nhỏ, trên đó quả thật có hai cái cánh màu hồng trông rất xinh, có thể đó là con bướm. Mà cũng lạ, trời mới vừa hửng nắng mà đã có bướm rồi sao, cô bé này thật có duyên quá.. "Dạ? Bướm ạ?" – Nó quay lưng lại, nhìn thẳng vào không gian tấp nập trên đường: Táp vào mặt nó là những cánh hoa rơi – Ba xe công nông loại nhỏ vừa chở mấy chậu đào, đào này hình như mang bán ở đầu chợ, những bông nở sớm bị rụng mấy cánh, theo lực kéo của xe mà bay ra, đẹp mắt.. Sau nó lúc này có một người mắt đã kém, thổn thức trong cảnh tượng ấy rồi reo lên như đứa trẻ được quà: "A! Bướm bay kìa, nắng ấm rồi, Tết này đẹp rồi!" Cái Quyên, con bé ấy lẻn vào sau sạp, ngồi cạnh bà rồi nhanh tay xếp gọn chỗ lá, từng lá loại nhỏ, loại to hàng đều tắp, rồi nó ghé sát tai bà, nó lại thủ thỉ như cách nó hay nũng nịu người lớn ấy: "Bà ơi, cháu cảm ơn bà!". Nói rồi nó đứng dậy, chạy vụt đi, không quên để lại lời chào người phía sau, mừng quá! Nó biết làm thứ nó muốn rồi! Bà bán lá dong, một vị khách nào đó lạ mặt dừng chân bên dòng chảy của cuộc sống bình yên nó, đang mỉm cười và tiếp tục đón khách hàng, chợ này khách đắt, tết này ấm êm.. Trước ấy mấy chục bước chân, cái Quyên sà vào từ sau, ôm chầm lấy bà Luyến, nó bảo: "Bà ơi bà, bà kể chuyện cho chúng cháu nghe đi!" "Ơ hay cái con bé này, đi chợ mà truyện trò gì hả con?" – Bà quay lại nhìn, cười cười rồi nói. "Vậy về chùa bà nhớ kể con nghe truyện làm bánh bà nha!" "Được rồi được rồi, còn phải mua nhiều lắm đấy, đi nhanh kẻo muộn nào!" – Bà Luyến lại xoa xoa cái đầu nhỏ của chúng nó, tay Tuyết xách hoa, tay Thảo xách lá, còn tay Quyên cầm làn. _Hết phần 2 _
Chương 2: Chợ Tết. Phần 3: Cá chép vàng. (Viết ngày 15/01/2019) Bấm để xem _ Con cá lí ngư cũng như thân thiếp Chờ cho mãn kiếp mới được thành rồng Thân người ta sao đủ vợ đủ chồng Để tôi xa lánh bụi hồng thế gian_ Xã Hoài Vân đa số người ta làm nông, vụ mùa theo thời, sáng nắng chiều mưa cũng chẳng được là bao, chỉ là việc chăm bón lúa nếp có khó đến đâu thì nhà nào cũng phải trồng một ít để có của cho Tết với ra Giêng còn dùng mà làm mấy mâm xôi. Ngày xưa làm vụ dài thì hầu hết xã trồng lúa vụ Đông, dạo này khấm khá người ta trồng ngô trên đồng. Mấy tuần trước bắp tròn hạt vàng ươm, đi ra đường thích mỗi việc chui xuống bẻ trộm một ít đem về nướng, nhưng nhặm lắm nên chúng nó lại thôi, với lại bà Luyến dạy rồi, như vậy là hư mà có mấy cu cậu không nghe, suýt thì trượt cả chân bởi cái tội ham ăn tham lớn. Hôm nay đi ra chợ, không phải nếp của xã bên thì cũng được gọi là loại xuất khẩu đem từ huyện khác về, mà hàng ngô bày bán cũng nhiều hơn trước, trời lạnh này mà đem đi luộc thì thơm với ấm bụng phải biết. Thế là đâm ra muốn chọn gạo của mình trồng mà khó quá. Bà Luyến cứ tìm mãi, cái Tuyết nhớ trước đây bà có bảo chúng nó rằng, bánh chưng ngon không chỉ cần lá gói tốt mà nếp cũng phải là loại cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau, còn nếu muốn thơm và xanh hơn thì vò lấy lá rồi đem ngâm với gạo, vừa ngậy lại vừa hòa quện nữa, bởi nếp là cái hồn của bánh chưng cơ mà. Nói đến gói bánh nó lại nghĩ đến đỗ và lạt, thoạt nhìn mấy chị bán hàng đang gọi tới mà nó nghĩ ra. Bà cũng từng dạy lúc chúng nó mới tập gói bánh, đỗ thì phải lấy cả vỏ mới có chất, ngâm nước tách vỏ ra cũng tốt nhưng cứ để đỗ càng vàng thì lại càng lộc hơn, chúng nó lại được nhiều lì xì nữa, đúng là một công đôi điều. Ngoài ra thì lạt giang đủ dài, bảy chục, chín mươi phân là vừa, cạo vỏ ngoài mà phải dẻo và chắc, đều nhau. Trước khi chẻ ống giang lại nhớ ngâm cho có độ mềm, lúc sắp đem ra buộc cần phơi đủ nắng để chắc tay, dễ uốn. Bà Luyến bảo Phật dạy phải biết thương chúng sinh, bánh chưng là làm đồ truyền thống của đất nước, bỏ đi thịt lợn không sao, ta chỉ dùng hành khô thôi cũng đủ thơm rồi, bởi cái vị hơi hăng của nó là đặm nhất, không cần đến gia vị nào khác mà cũng đầy đủ hương Việt. Ở chùa chúng nó thích bày mâm ngũ quả nhất, nào bưởi nào chuối, lại còn quả phật thủ trông giống bàn tay của Phật Tổ, ôm lấy chúng sinh mà vỗ về, cạnh đó có những quả cam, quýt be bé đỏ lừ, ngọt lịm như những tiên đồng nhỏ bao quanh, tinh nghịch bày trí làm đẹp mắt thêm phần nào. Làm mâm này cũng phải tinh tế, khéo léo và cẩn thận lắm mới tạo ra được ngũ thứ quả chín vừa, căng mọng mà đủ đầy tượng trưng cho năm điều phước lành trong năm mới, bởi thế chúng nó rủ nhau học từ sớm, phụ tay giúp bà cho quen. Bà Luyến còn khen đùa mai này chúng nó lớn cả rồi thì nữ công gia chánh nhất cái xã này cũng chẳng bằng ấy. Bữa đó nghe vậy chúng nó rúc rích cả buổi, chẳng ngủ nghê gì, tối cứ chọc thi nhau xem ai lớn rồi giỏi hơn, đến nỗi để cái Vân và Liên "mách lẻo", hại chúng nó ngồi viết chữ hai trang liền. Mua được ít gạo nhà, thêm vài thứ quả tươi, bà Luyến ghé vào ngã rẽ đoạn đường chính của chợ. Mưa rầm có nắng đã ráo nước hơn chút nhưng có vẻ ở đây nền đất còn ẩm lắm, có những vũng nho nhỏ đầy đường, nước nó trong đến lạ, thấy được cả trời cao. Đi sâu hơn đôi chút, chúng nó bắt gặp ngay những người bán hàng như thường lệ, trên môi họ cười, nói chuyện tíu tít với nhau nào là chợ được giá, rồi thì tết năm nay đẹp trời, trước mắt bày đầy những xô, chậu đựng không quá nửa là nước, nước khá trong, không thấy phảng lại mùi tanh của cá, chỉ thấy ánh lên toàn những bộ vẩy lấp lánh đến óng ả vàng, cam chen với trắng hay đen huyền bí dưới làn nước ngả đục. Thấy mấy cá chép còn tung tăng, có những con uốn mình bắn tung bọt nước, dáng nó thon dài mềm mại, có con thì có đôi râu ngắn ngắn như biết bơi mà cái Tuyết cứ reo lên. Nó thích cá chép lắm, bà mua cá về rồi thả xuống cái ao sau chùa ấy, thi thoảng nó lại cắt cỏ cho cá ăn, nhưng không biết mấy chú cá chép bé bỏng năm ấy có ngoi lên để thấy cái Tuyết không nhỉ, nó biết cá là thả về trời, nhưng nó muốn chép ngoi lên cho nó ngắm cơ. Nhiều lúc nhỏ cứ nghĩ mình là cô Tấm, gọi bống bang là cá lên đùa với nhỏ, những ngày ấy hẳn vui lắm, nó sẽ cùng bọn cái Thảo với Quyên chơi cùng. Bà Luyến hôm nay vẫn mặc chiếc áo nâu cũ, bên trong còn có áo len tối màu, bà quàng cái khăn đan của cái Thảo, cái Thảo đan khăn sai nhiều lỗi lắm nhưng bà bảo vẫn quý nó, là vật mấy cháu là bà đều quý cả. Trông bà sáng nay thật đẹp lão. "Bác Hưng ạ!" – Bà đến gọi nhẹ người đàn ông đang mải múc mấy gáo nước từ cái chum lớn qua chậu. "Ơ, bà Luyến! Hôm nay bà đi chợ sớm thế à?" – Ông Hưng niềm nở, tay khua khua nước, thúc vài con cá bơi "Mua cá chỗ tôi này, vừa cất hồi sáng đem đến chợ thì gặp được khách rồi!" "À vâng, sớm sủa gì nữa bác ơi, nắng chạy tới đỉnh đầu rồi kìa. Bác cho tôi mua ba con cá với." "Được bà chọn đi, tôi mang thêm vào, ở ngoài xe còn nhiều lắm!" – Nói rồi ông hớt hải chạy về phía sau cái lều tạm, không quên nói thêm vài lời đón khách, dưới đôi môi hồng nhạt đi vì lạnh lộ hàm răng vàng khè và thô kệch nhưng lại thấy duyên "A mấy đứa qua đây giúp ông Hưng với, tí cho kẹo mà ăn!" "Ông nói thật không ạ?" – Cái Quyên đáp lại lời nhanh như cắt. "Thật! À mà ba đứa hôm nay quên chào ông đấy nhé, tí nữa cho nửa cái kẹo thôi!" "Ơ, chúng cháu chào ông Hưng, ông Hưng mến thương tí nữa cho chúng cháu cả cái đi mà!" – Ba đứa tranh nhau nũng nịu, đặt hết đồ lại dưới đất rồi nhanh nhảu chạy qua, đứa thì húc đầu vô cái bể, đứa thọc tay vô bắt lấy con chép vẩy vàng, đứa còn lại chực sẵn cái gáo đấy chỉ đợi cá ra là chụp, trông đến hài. "Này ba đứa, ai lại đi nói với người lớn kiểu thế! Mau giúp ông Hưng lẹ đi kẻo ướt hết đồ là bà mắng đấy!" – Bà Luyến tay xách cái làn đựng túi gạo, có vài cuộn lá dong ban nãy trong ấy, nói rồi thoạt nhìn ba con cá khá đẹp mắt đang bơi vòng tròn trong chậu. "Bác Hưng, tôi lấy ba con này.." "Bà lại nhìn khéo của ngon nhà tôi rồi, ha ha, chín nghìn ba con nhé!" – Ông Hưng tất bật sắn ống tay, hớt hớt ba con cá bơi nhanh thoắt dưới làn nước. Ông Hưng vẫn cười, cái tiếng cười sảng khoái. "Bác lại nói khéo rồi, sợ bác không bớt giá cho bà cháu tôi như mọi khi ấy chứ!" "Bà có mấy khi ghé vào hàng cá thịt đâu, một năm một lần thì cũng gọi là mở hàng đầu năm, cuối năm cho tôi ý mà, không bớt giá thì thiệt quá!" – Ông đổ chút nước vào túi, cái túi rộng đựng vừa ba con màu óng đẹp, miệng cứ suýt xoa "Tiếc là của ngon nhà tôi, vẫn là bà Luyến chọn được đầu, thôi thì phóng sinh chúng cho có thêm phúc đức vậy." "Bác Hưng thật là, mùng một bác nên lên chùa thắp hương đầu năm cho một năm an lành hơn chút, với việc bắt mổ cá này.. tội quá." – Bà Luyến ngậm ngùi. Ông Hưng "ay da" một cái, than thở: "Bà ơi, miếng ăn cả mà, tôi biết làm gì được đâu, nhà thì có mỗi cái ao nuôi mấy con tôm tép, vườn bưởi vườn chè chẳng kiếm được bao nhiêu mà đất lại kém bà ạ, thôi thì bán cá chứ không mổ là lành tôi lắm rồi." Bọn trẻ từ đằng sau nghe vậy, mặt đứa nào cũng dính tí bùn, nói vọng lại, chúng nó ý chọc ông: "Ông Hưng chưa mổ cá cho cu Hậu ăn bao giờ thật sao?" "Ờ thì, ha ha, ngoài chợ nó mổ sẵn đấy cháu à!" – Ông cười phá lên, gãi gãi đầu, trông ông hiền như đất ngượng ngùng xấu hổ. Lúc tạm biệt cái chum đựng đầy cá, chúng nó được ông Hưng cho cái bánh chưng, tất nhiên là không nhân thịt và thích hơn là không có nhân đỗ. Bọn trẻ vui lắm, cứ ngỡ chỉ nhận được nửa cái kẹo thì không biết chia nhau kiểu gì cho phải. Ông Hưng ở làng Đồng Miên, khi đi nhặt củi bọn chúng vẫn ghé vào nhà uống nước và đùa với thằng cháu lên bốn của ông. Ông Hưng dễ tính lắm, thường cho quà mấy đứa và dẫn chúng đi xem bắt cá, bởi thế bọn trẻ mới "nắm thóp" ông vậy đấy. "Bà ơi bà, con cá này đẹp thật đấy ạ!" – Cái Tuyết lúi húi nhìn vào túi bóng đựng ít nước, nó bê cẩn thận lắm vì sợ đáy bị bục thì những chú chép xinh đẹp ấy lại trôi mất ra ngoài. "Bà chọn thì phải đẹp rồi, mày nói thừa thế!" – Cái Quyên chen vào, chúng nó vẫn như mọi khi vậy đấy. Bà Luyến nhìn ba đứa cháu ngoan mà hiếu động của mình, chợt lại nhớ đến cái ngày nhặt được chúng trước cửa chùa. Năm ấy đói rét, chắc ba mẹ bọn trẻ phải bần cùng lắm mới đem chúng đến đó và gửi lại, chẳng phải khi lớn lên cái Tuyết thì thông minh, cái Quyên xinh xắn, còn Thảo lại tinh nghịch, có ba mẹ nào mà không vui vẻ và hạnh phúc khi bên chúng chứ? "Bà ơi bà, bà kể cho cháu nghe về ông Công ông Táo được không? Tại sao lại phải cúng ba ông vậy bà?" - Một trong ba đứa lên tiếng, chúng nó bắt đầu xúm lại gật đầu lia lịa tỏ vẻ tán thành. Trên đường về chùa, chúng nó muốn nghe câu chuyện về "cá chép hóa rồng" đầy "uy lực và mạnh mẽ" trong tưởng tượng nó ra sao. Tay cái Tuyết cầm cá, thêm một ít hoa quả; cái Quyên ôm chặt lấy bó cúc, vài cuộn lá dong, lạt đỗ và hành, còn Thảo xách bịch gạo không quá lớn, một vài thực phẩm ngày tết và có cả cái sợi dây nó nhặt được chỗ bà Miên và mấy cánh hoa đào không biến nhỏ Quyên lượm đâu về nhờ nó giữ hộ. Ba đứa vừa đi vừa chăm chú nghe kể sự tích. "Bà xưa được nghe các cụ kể rằng: Một đôi vợ chồng nọ do quá nghèo túng mà người vợ phải bỏ đi lang thang sau đó cô gặp gỡ rồi kết thành vợ chồng với người khác. Người chồng cũ do quá thương nhớ vợ của mình mà đi tìm rồi trở thành kẻ anh mày. May sao anh ta đến được nhà của người vợ cũ. Do thông cảm với cảnh ngộ của cố nhân mà người vợ mời anh vào xơi cơm, chẳng may người chồng mới về, thị sợ bị nghi oan nên đã giấu chồng cũ vào đống rơm. Tối hôm ấy người chồng mới nổi lửa đốt rơm để lấy tro bón ruộng, thương chồng cũ nên thị đã nhảy vào để cứu, người chồng mới không hiểu tại sao nên cũng nhảy theo với vợ. Vây là cả ba người cùng chết cháy. Thượng đế thương tình thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà." Bọn trẻ nghe bà kể, chúng lặng im một lúc như muốn thấm điều gì đó, rồi cái Tuyết bỗng nhiên lên tiếng phá vỡ sự im lặng nhẹ nhàng ấy: "Bà ơi bà, vì vậy chúng ta mới chọn ngày hai ba tháng chạp để tiễn ông Táo về trời sao ạ?" "Ừ con, ông Táo sẽ cưỡi lên cá chép hóa rồng rồi bay về trời và bẩm báo với thượng đế về những việc ta làm được trong một năm qua đấy, vì vậy ba đứa phải luôn làm việc tốt thì sẽ được khen đấy biết chưa?" – Bà Luyến nói rồi nghe được tiếng đáp ran "Vâng ạ!" của bọn trẻ, một chút bồi hồi và hạnh phúc nhen nhói trong bà. Cái Tuyết, nó vô thức ngẩng lên nhìn bầu trời, bầu trời có nắng kia có nhìn nó không? Tuyết vẽ lên một vòng tròn giữa khoảng không, nó mỉm cười và thầm lặng kết lại một ý niệm nào đó trong lòng. Cảnh vật đã sáng tỏ hơn nhiều so với ban sớm, người ta đi chợ cũng đã dồn gần nửa về ngã ba của làng, cảnh tượng này cũng náo nức làm sao. Có lẽ không phải vì những con người qua lại, cũng chẳng phải bởi trái tim chúng nó rộn ràng chờ Tết đến nữa, mà bởi lòng bàn tay của mỗi đứa đã có được cho mình món quà, một món quà từ ai đó nhẹ qua dành tặng cho chúng và đợi những con trai biển nhỏ bé ấy ủ ấp thành những viên ngọc diệu kì nhất; một sợi dây, một cánh hoa và một vòng tròn. _ Hết_