Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn minh châu: Những biến đổi mang tính hiện đại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Kim Phi98, 3 Tháng bảy 2020.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    1. Khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

    1.1. Tác giả.

    Nguyễn Minh Châu là một cây bút văn xuôi tiêu biểu trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Là cây bút xuất sắc trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông trở thành nhà văn quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Nguyễn Minh Châu – người mở đường xuất sắc cho Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Văn chương của ông trước 1975 thường lấy cảm hứng sử thi lãng mạn, sau 1975, bởi hiện thực thay đổi nên ông chuyển hướng sang khám phá về vấn đời thường, thế sự. Là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống của bình diện đạo đức thế sự. Ông khẳng định "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản với bản chất con người của các tầng lớp lịch sử".

    Là một nhà văn suốt đời khao khát khám phá cái đẹp và sự chân thật của cuộc sống, Nguyễn Minh Châu đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và ông có một vị trí đặc biệt quan trọng - người "tiền trạm đổi mới" (GS. Phong Lê) trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Trước 1975, Nguyễn Minh Châu đã viết nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đó là những bản anh hùng ca chói ngời phẩm chất anh dũng, kiên cường, lí tưởng của con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Sau 1975, cả nước sống trong một bầu không khí tinh thần mới, Nguyễn Minh Châu đã có sự chuyển hướng về tư duy nghệ thuật. Những tác phẩm của ông giai đoạn này - đặc biệt là truyện ngắn - hấp dẫn người đọc bởi sự giản dị gần gũi mà chứa đựng chiều sâu nhân bản Chính tác giả cũng từng nhận thấy "Mình viết văn suốt đời tràng giang đại hải, có khi chỉ còn lại được vài cái truyện ngắn phổ quát". Di sản văn chương của Nguyễn Minh Châu trong mấy thập kỉ qua đã thu hút sự chú ý tìm tòi, nghiên cứu của hàng trăm bài bài báo, bài nghiên cứu trong và ngoài nước.

    1.2. Tác Phẩm.

    Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1987, trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam trong thời kì này tác phẩm được xem là một dấu ấn của Nguyễn Minh Châu.

    Nội dung câu chuyện là người nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Chiếc thuyền ngoài xa trong làn sương sóm, đẹp như tranh vẽ là hình ảnh mà Phùng nhìn thấy. Bắt chớp thời cơ anh nhanh chóng bấm máy thu lấy hình ảnh mà anh tìm kiếm bấy lâu nay. Chính chiếc thuyền đó mà tác giả đã mang đến cho người đọc với cái nhìn đa chiều, cái hiện thực đang tồn tại, và cả về nhân cách số phận bên trong của mỗi con người.

    Chiếc thuyền ngoài xa là hành trình khám phá, phát hiện về sự thật đời sống, số phận của người phụ nữ làng chài nói riêng và cuộc sống con người sau chiến tranh nói chung.

    2. Nguyễn Minh Châu và những trăn trở đổi mới tư duy nghệ thuật.

    Nguyễn Minh Châu từ chỗ một lữ khách lững thững giữa hai bờ của dòng sông văn học. Xuôi theo dòng nước, thuận theo cách viết khuôn mẫu, đóng hộp, quy ước của lối viết cũ hay ngược dòng đến với sáng tạo của chính bản thân mình. Trong một thời gian khá dài, văn học của ông là sự giao thoa giữa chân lí mới mẻ với cả những sai lầm của lịch sử văn học. Tuy nhiên, cái riêng trong đó giống như một tiếng chim lạc bầy kêu lên hốt hoảng giữa núi rừng bao la được bao trùm bởi âm thanh tiếng thác nước hùng vĩ, vang dội.

    Nguyễn Minh Châu khác với các nhà văn khác, ông không tuân theo cách viết đan áo, cài hoa cho những lối mòn khuôn khổ, đóng hộp. Nhà văn khi cầm bút là trở thành một chiến sĩ trên chiến trường nghệ thuật. Để miêu tả được tất cả các mặt của đời sống một cách chân thực và toàn diện nhất, thì nhà văn cần có đủ tri thức, lương tri và sự dũng cảm.

    Nguyễn Minh Châu không chỉ mang trong tim nỗi đau của bản thân mà còn thấu hiểu nỗi đau của một thời đại. Ông xót xa trước một thế hệ nhà văn không dám nhìn thật vào hiện thực khốc liệt mà soi chiếu sự vật hiện tượng qua góc nhìn mỹ hóa, lãng mạn. Nguyễn Minh Châu để lại cho những người ôm ấp hoài bão đổi mới tư duy nghệ thuật một bài học vô cùng quý báu, dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nói lên tiếng lòng của chính bản thân mình một cách khách quan, để thấu hiểu được nỗi đau của một giai đoạn, thời kỳ văn học. Bởi lẽ ông quan niệm rằng, dám nói to lên và buông bỏ sự hèn hạ, kém cỏi, thiếu sót của bản thân thì không bất kỳ một ai còn chấp nhận những nết xấu ấy nữa.

    Ở giai đoạn văn học sau năm 1975, văn học tuân theo quy luật dựa vào cái cũ để từng bước tiến lên cái mới thì sự đổi mới tư duy nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu tiến triển từng bước nhỏ, chậm rãi vững chắc để rồi trở nên triệt để và hoàn thiện. Giờ đây mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính chất đối chứng với giai đoạn văn học trước đó, nhà văn đối chứng một cách đầy ý thức những suy nghĩ, tư duy mới với những kiểu cách, lối tư duy cũ, lạc hậu, bảo thủ trong quá khứ. Đặc biệt trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" Nguyễn Minh Châu đã phơi bày hiện thực khốc liệt đằng sau cái vẻ đẹp như "bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ; một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích" là một hiện thực phũ phàng và lắm trái ngang với những con người xấu xí, thô kệch, lam lũ và dữ dằn. Cái hiện thực trong tác phẩm đã phủi mờ đi lớp bụi mĩ lệ, lãng mạn đã phủ lên văn chương biết bao thế kỉ.

    Quá trình đổi mới tư duy của Nguyễn Minh Châu tuy gặp nhiều khó khăn vì là sự lạ hóa của một cá thể trong một tập thể văn nghệ sĩ. Thế nhưng chính cái kiên quyết làm mới chính mình (về tư duy) đã góp phần làm mới cho xã hội một cách khách quan. Đưa thế giới văn chương vượt ra ngoài khuôn khổ lãng mạn, phi hiện thực đến chỗ nhìn trực diện hiện thực và dũng cảm nói lên hiện thực mình nhìn thấy bằng lối viết trung thực, không xa rời thực tế, gần gũi với con người.

    3. Văn học Việt Nam sau giai đoạn 1975.

    Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực. Mỗi thời kì lịch sử, chuyển biến trong xã hội sẽ mang đến cho văn học một diện mạo mới, những cách tân trong lối viết cũng như chọn lựa đề tài, quan niệm nghệ thuật, để mà yêu cầu các nghệ sĩ phải sáng tạo, biết được nhu cầu hiện thực của bạn đọc. Văn học thời kì 1945-1975 và từ năm 1975 đến nay là hai giai đoạn điển hình cho đặc điểm này. So với văn học giai đoạn trước năm 1975 là nền văn học ngợi ca, mang xu hướng lãng mạng với những câu chuyện đề cao tinh thần yêu nước của nhân dân. Là những khúc ca hào hùng, có khi sâu lắng nhưng lúc nào cũng tràn đầy hi vọng, tinh thần chiến đấu. Thì văn học sau năm 1975 có sự đổi mới rất to lớn trong vấn đề phản ánh hiện thực. Văn học sau năm 1975 không hề từ bỏ vai trò vũ khí tinh thần - tư tưởng của nó, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Văn học còn được xem là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mỗi người nghệ sĩ về xã hội và con người. Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà còn là phát ngôn của mỗi cá nhân. Không chỉ kinh nghiệm cộng đồng mới được coi trọng mà còn cần đến kinh nghiệm cá nhân để làm giàu thêm cho nhận thức của mỗi người và toàn xã hội. Văn học được nhận thức rõ hơn trong bản chất văn hóa và tính nhân văn của nó.

    Cùng với những thay đổi trong quan niệm về nhà văn thì quan niệm về hiện thực như là đối tượng phản ánh khám phá của văn học cũng được mở rộng và mang tính toàn diện. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó còn là hiện thực của đời sống hàng ngày, cái hiện thực đến trần trụi, thể hiện cách nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc sống con người, đời sống xã hội. Hiện thực đó còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch. Hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn của nó đã mở ra những không gian vô tận cho văn học thỏa sức chiếm lĩnh, khám phá, khai vỡ.

    Ở đầu thế kỉ XX, đặc biệt là những năm 20, do sự chuyển biến của hình thái xã hội và sự tác động, ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây, ý thức cá nhân đã được nảy nở mạnh mẽ cùng với tinh thần dân chủ trong xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong tầng lớp tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học. Đó là cơ sở tư tưởng cho sự hình thành và phát triển cái tôi cá nhân - cá thể trong văn học, đặc biệt là trong khuynh hướng lãng mạn. Cái tôi ấy chống lại sự kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng cá nhân, cá tính, giải phóng tình cảm, cảm xúc mà trước hết là trong tình yêu và hôn nhân. Cái tôi đã đem lại cho văn học nguồn cảm hứng mới mẻ và khá dồi dào, tự nhiên nhưng rồi cũng mau chóng khô cạn, bế tắc. Từ sau năm 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Con người được khám phá ở nhiều bình diện, tình cảm, khát vọng cao cả đến những dục vọng tầm thường, con người cá nhân, bình thường, con người của đời sống hằng ngày.

    Trong xu thế hội nhập, sự giao lưu với đời sống văn hóa và văn học thế giới ngày càng mở rộng, cùng với những nhu cầu nội tại của đời sống văn hóa tinh thần trong nước, văn học đã ngày càng gia tăng tính hiện đại. Hiện đại hóa là một quá trình và được thể hiện trên nhiều bình diện của đời sống văn học: Từ quan niệm nghệ thuật, tính chuyên nghiệp của người cầm bút, đến quan hệ giữa nhà văn và độc giả, nhưng biểu hiện tập trung nhất là ở những tìm tòi, cách tân ở các thể loại văn học. Nhu cầu cách tân ngày càng trở thành một động lực mạnh mẽ trong mỗi người cầm bút, nhất là ở các thế hệ nhà văn xuất hiện từ thời kì đổi mới.

    4. Tính hiện đại trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

    4.1. Đổi mới về đề tài.

    Trong văn học Việt Nam 1945-1975, khi đất nước đang chìm trong chiến tranh vì thế mà các tác phẩm chủ yếu được viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, tiêu biểu như: Vợ nhặt (Kim Lân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).. Với cảm hứng đó, các tác phẩm nói chung đều dựng lên bức tranh hoành tráng về lịch sử, tái hiện một thời kì đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Nhưng sau 1975, hiện thực đã thay đổi, đất nước không còn chiến tranh, bởi thế mà vấn đề được đặt ra không còn là số phận của dân tộc, của cộng đồng trong chiến, mà là thân phận con người trong cuộc sống đời thường. Nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn, chi phối mọi phương diện của tác phẩm. Quan niệm của nhà văn về hiện thực và cách miêu tả hiện thực trong văn học đã có thay đổi, và sự thay đổi còn ảnh hưởng bởi nhu cầu của người đọc. Vì thế mà đề tài văn xuôi nước ta chuyển mạnh sang cảm hứng thế sự, sinh hoạt. Nhà văn tỏ rõ thái độ của mình đối với cuộc sống hôm nay, chú ý vào đời sống thế sự, nhân sinh thường ngày với những chi tiết sinh hoạt đời thường để khai thác triệt để đời sống hiện thực (vì nó tác động đến số phận con người).

    Trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu xoay quanh vấn đề đời tư và thế sự. Những hình ảnh đói khổ, cùng cực, túng quẫn, vất vả, lam lũ, thiếu đói lại càng chân thực xót xa hơn khi được người đàn bà làng chài nói lên bằng sự trải nghiệm cay đắng. Ví như chi tiết những ngày động biển cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối. Hình ảnh chân thật một cách đáng nghiềm ngẫm về cuộc sống con người (sau chiến tranh). Tác phẩm đã xoáy sâu vào cuộc sống hiện thực của gia đình làng chài và cả về số phận đau thương của người đàn bà chính trong cuộc sống đó. Là cuộc sống bị đánh, bị đập tàn bạo bởi chính chồng của mình nhưng người đàn bà lại lựa chọn sự cam chịu. Nguyễn Minh Châu bên cạnh việc lên án thói vũ phu, bạo lực gia đình ông còn bộc lộ những suy tư trăn trở của mình về vấn đề đời sống: Chiến tranh đã qua, đất nước được giải phóng nhưng cuộc sống của người dân nghèo khổ sẽ ra sao? Và tương lai của những đứa trẻ sống trong gia đình đó sẽ như thế nào? Qua truyện tác giả đã cho thấy một cách tiếp cận và khám phá mới của ông về hiện thực cuộc sống của con người sau chiến tranh.

    4.2. Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người.

    Sự đổi mới cũng như phát triển của văn học suy cho cùng là sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Văn xuôi trước 1975 thường phản ánh con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với dân tộc thì sau 1975 quan niệm về con người có sự thay đổi. Là sự chuyển biến từ quan niệm con người theo kiểu sử thi đến con người về thế sự, đời tư, con người cá nhân phức tạp nhiều bí ẩn. Con người được đặt trong các mối quan hệ đa dạng phong phú của đời sống, được nhìn ở nhiều góc độ.

    Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trước 1975 con người được thể hiện trước bình diện xã hội, theo khuynh hướng lí tưởng hóa, lãng mạn hóa (truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng ) thì sau 1975, con người không còn mang vẻ đẹp lí tưởng, hoàn hảo nữa mà được nhìn nhận trong nhiều hoàn cảnh nhiều mối quan hệ phức tạp trong đời sống. Tâm điểm sáng tác của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Tiêu biểu là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của ông. Hình tượng các nhân vật: Người đàn bà làng chài, người chồng vũ phu, thằng bé Phác, được dựng lên một cách chân thực đời sống thường ngày của con người lao động lam lũ, vất vả. Đi vào tìm hiểu về nhân vật người đàn bà, chị bị người chồng vũ phu đánh đập thậm tệ, tận mắt nhìn thấy thì nghệ sĩ Phùng tưởng chị là người "cam chịu, đầy nhẫn nhục" bởi chị "không hề một tiếng kêu, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn" . Nhưng khi trò chuyện với chị, Phùng mới nhận ra sau vẻ lam lũ, khổ sở là một người phụ nữ sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Chị từ chối sự giúp đỡ của nghệ sĩ Phùng "Các chú đừng bắt tôi bỏ nó""các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông". Chị ý thức được thiên chức của người phụ nữ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn" và hứng chịu mọi nhọc nhằn, khổ đau để các con được hạnh phúc: "Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con, không thể sống cho mình như trên đất được". Người phụ nữ ấy còn là người giàu lòng vị tha. Người đàn bà thấu hiểu nguyên nhân vì sao chồng lại trở nên như thế. Chị hiểu được trước đây chồng vốn là anh con trai cục tính nhưng hiền lành, cũng nghĩ cho vợ con nhưng rồi cuộc sống mưu sinh khổ nhọc làm cho anh ta tha hóa. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: "Vui nhất là lúc ngồi nhìn con tôi chúng nó được ăn no", "trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ". Điều đó cho thấy nỗi niềm cầu mong cuộc sống tươi đẹp nơi chị. Con người của hiện thực đời sống được thể hiện rõ nét qua nhân vật người đàn bà. Luôn suy nghĩ cho con cái mà không ly dị với người chồng vũ phu, thấu hiểu sự đời, cam chịu, nhẫn nhịn. Từ đó đề cao tình mẫu tử và nhân cách cao quý bên trong con người lam lũ.

    4.3. Đổi mới về nhân vật.

    4.3. 1. Nhân vật tư tưởng:

    Nhân vật tư tưởng là kiểu nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại của xã hội. Các nhân vật này hoặc mang nhu cầu được sống trung thực với bản thân hoặc đòi hỏi phải nhận thức lại một số vấn đề của đời sống xã hội. Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu thuộc typ nhân vật tư tưởng. Xây dựng hình tượng hai nhân vật này, Nguyễn Minh Châu không chú tâm vào khai thác tính cách mà thiên về khắc họa quá trình tự nhận thức thông qua một tình huống truyện chứa đựng yếu tố bất ngờ, mang tính chất khám phá, phát hiện về đời sống.

    Phùng là một người nghệ sĩ có tài, có trách nhiệm, nhạy cảm và say mê cái đẹp. Phùng được giao nhiệm vụ chụp ảnh tĩnh vật chứng tỏ trưởng phòng tin tưởng năng lực của Phùng. Để có được tấm hình đẹp, Phùng đã săn ảnh từ sáng sớm nhiều ngày phục kích. Rồi rung động tâm hồn khi phát hiện chiếc thuyền ngoài xa: "Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh" đắt "trời cho như vậy: Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn". Thế nhưng khi Phùng đang thăng hoa vì cái đẹp mỹ lệ mà anh vừa phát hiện ra thì bỗng hết đỗi ngỡ ngàng vì khung cảnh tiếp diễn sau đó. Người đàn bà hàng chài xấu xí bị chồng đánh thô bạo, tàn nhẫn nhưng không hề phản kháng mà đầy cam chịu và nhẫn nhục, sau đó đứa con trai vì bảo vệ mẹ mà đánh cha nó. Một gia đình đảo lộn tất cả luân thường đạo lý, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Phùng chợt nhận ra, đằng sau cái đẹp đẽ, hào nhoáng là biết bao nghịch cảnh éo le, trắc trở. Anh vỡ lẽ ra khi nghe người đàn bà kể về cuộc đời mình, mọi vật khi quan sát bằng cái nhìn hời hợt xa vời thì nó đẹp nhưng khi nhìn một cách thấu đáo hoàn toàn khác. Người nghệ sĩ phải gắn liền với cuộc đời và vì cuộc đời.

    Song song với sự nhận thức của Phùng đó là quá trình tỉnh ngộ của chánh án Đẩu. Anh bất bình trước hành vi tàn bạo của người chồng, anh xót thương trước tình cảnh của người đàn bà hàng chài. Anh đã bỏ qua bước hòa giải để đi đến kết luận "chị không sống nổi với gã vũ phu ấy đâu". Để rồi chính người đàn bà lam lũ, ít học đó đã giúp anh vỡ lẽ ra những nghịch lý của cuộc sống mà con người buộc phải chấp nhận.

    4.3. 2. Kiểu nhân vật tính cách – số phận.

    Số phận của người đàn bà hàng chài là một số phận nghèo khổ, bất hạnh. Là con của một gia đình khá giả nhưng không được ưu ái về nhan sắc, lại mắc bệnh đầu mùa nên càng xấu xí, quá tuổi cập kê nhưng không ai lấy. Sau đó chị lấy một anh con nhà thuyền chài, cuộc đời chị từ đây chuyển sang một trang khác, phải sống bấp bênh với nghề lưới vó ngoài biển, lúc biển động phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Trên thuyền chật lại đông con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa nên cuộc sống càng bấp bên hơn.

    Là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị hành hạ về thể xác "ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ". Bị giày vò về tinh thần – cảm thấy nhục nhã trước mặt các con, không đành lòng nhìn các con bị vấy bẩn. Chính nỗi lo lắng đó khiến chị không lúc nào được yên ổn.

    Thế nhưng chính chị là người thấu hiểu lẽ đời qua cách chỉ lý giải nguyên nhân không thể bỏ chồng: "Các chú đâu phải người làm ăn () cho nên các chú đâu có biết cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc () bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông", qua cách đánh giá trước giải pháp của Phùng và Đẩu "xuất phát từ lòng tốt nhưng các chú thật thiếu thực tế".

    Chị là người có lòng nhân hậu, bao dung. Tất cả mọi người đều lên án người chồng vũ phu, thô bạo, riêng chị thì không. Bởi vì với chị, lão từng là "anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi". Chị hiểu được rằng chính cuộc sống khắc khổ đã khiến một con người hiền lành trở nên ác độc. Chị sẵn sàng đứng im để chịu trận, để thông cảm sẻ chia với nối đau khổ của chồng mà nhận lỗi về mình.

    Chị còn là một người mẹ cao thượng với tình yêu thương con vô bờ bến, biết chắc chiu những niềm hạnh phúc nhỏ bé. Chấp nhận bị chồng đánh, cam chịu nhẫn nhục để cùng chồng chèo chống gánh nặng mưu sinh để nuôi các con. Chấp nhận thân phận người phụ nữ sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên mặt đất được. Gửi thằng Phát lên ông ngoại để nó được sống tốt hơn. Xin chồng lên bờ mà đánh để tránh làm các con hoảng sợ, lệch lạc về đạo đức. Hạnh phúc nhất là khi được nhìn thấy các con được ăn no.

    Người đàn bà hàng chài điển hình cho một số phận éo le, bi thương nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là một tính cách nguyên vẹn, trong sạch và cao khiết. Ở chị ánh lên một niềm tin như ngọn hải đăng bừng sáng trong đêm tối, xua tan tối tăm, u uất.

    4.4. Đổi mới nghệ thuật trần thuật.

    Thứ nhất, thay đổi kết cấu truyện: Trong tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa kết cấu truyện có sự chặt chẽ và thống nhất với nhau. Từ nghệ sĩ Phùng đi săn ảnh tình cờ phát hiện ra tình ảnh trớ trêu của vợ chồng người đàn bà làng chài tiếp đến là chuyện đầy bất ngờ của người đàn bà làng chài ở tòa án huyện. Từ đây ta biết được gia cảnh của người đàn bà làng chài và chuyện của thằng Phác. Dù Phùng và Đẩu cố gắng khuyên can nhưng người đàn bà quyết tâm không bỏ bởi nhiều lý do, và lý do cốt lõi đó là sự thấu hiểu sự đời, tình yêu thương con cái của người mẹ. Chính câu chuyện của người đàn bà đã cho ta cái nhìn nhận đa chiều về cuộc sống xung quanh, về nhân phẩm bên trong cá nhân con người.

    Thứ hai, điểm nhìn trần thuật: Ở tác phẩm Phùng vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện, ngôi kể là ngôi thứ nhất. Tác phẩm là toàn bộ câu chuyện của Phùng trực tiếp chứng kiến và trực tiếp tham gia vào câu chuyện của nhân vật, đây là nơi chiến trường cũ của anh thời đánh Mĩ. Phùng là người trải nghiệm có vốn sống nên lời văn của anh chứa nhiều yếu tố triết lý.

    Thứ ba về giọng điệu: Sự đan xen của nhiều giọng điệu, lúc đầu là giọng điệu trữ tình, sâu lắng, lãng mạn bởi vẻ đẹp toàn bích. Sau đó là một giọng điệu chua chát qua hoàn cảnh khổ đau của người đàn bà phải cam chịu. Phẫn uất, dằn vặt là giọng điệu để miêu tả sự tàn ác của người đàn ông khi đánh vợ. Đó là giọng điệu trong tác phẩm, từ giọng điệu đó cũng làm cho độc giả phải suy ngẫm qua câu chuyện.

    Nguyễn Minh Châu đã khắc họa cuộc sống một cách thành công nhất thông qua các nhân vật trong cuộc đời của họ. Ông đã từng phát biểu "Văn học là và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người".

    5. Kết luận.

    Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm tiêu biểu cho đề tài đời tư -thế sự của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975. Thông qua câu chuyện kể về chuyến đi của một nghệ sĩ nhiếp ảnh đến một vùng biển miền Trung để chụp ảnh nghệ thuật, với một cốt truyện nhiều tình huống bất ngờ với hệ thống nhân vật đa dạng, nhà văn đề cập đến tính trung thực của người nghệ sĩ, nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và hiện thực cũng như những vấn để phức tạp của cuộc sống, kể cả bi kịch số phận con người. Dựng lên sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền trên bức ảnh nghệ thuật và tấn bi kịch của gia đình người ngư dân bên trong chiếc thuyền đẹp đẽ ấy, nhà văn thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật của mình: Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống; tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ là những nhân tố không thể thiếu được trong sự sáng tạo nghệ thuật.

    Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm giàu giá trị nhân đạo. Viết truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu muốn bày tỏ sự thông cảm đối với cuộc sống của con người nơi vùng biển vắng. Tư tưởng nhân đạo của truyện ngắn thể hiện ở thái độ quan tâm đến con người bất hạnh của nhà văn. Phê phán hành động vũ phu của người chồng, đồng thời Nguyễn Minh Châu muốn cho người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình, một mảng tối của xã hội đương đại. Nhà văn còn mạnh dạn nêu lên phản ứng dữ dội của đứa con để nhấn mạnh hậu quả trầm trọng của tệ nạn này. Chính người vợ đã gửi đứa con lên ở với ông ngoại để khỏi chứng kiến cái ác hoành hành ngay trong gia đình. Người vợ hy sinh cũng để bảo vệ cho hạnh phúc gia đình. Dẫu viết về bạo lực gia đình, nhưng Nguyễn Minh Châu đã báo động những vấn đề xã hội nhức nhối. Đánh lên một tiếng chuông báo hiệu điều ác, Nguyễn Minh Châu đã đấu tranh cho cái thiện. Tư tưởng nhân đạo của truyện chính là ở điểm ấy. Ngoài ra, giá trị nhân đạo còn được thể hiện qua việc xây dựng nhân vật người đàn bà. Hình ảnh người đàn bà vùng biển xấu xí, nhẫn nhục vẫn toát lên vẻ đẹp của tình mẫu tử, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn nghèo đói, lạc hậu. Như vậy ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện nhưng khát khao hạnh phúc bình dị của người lao động. Dẫu nghiệt ngã những phận đời, dẫu còn nhiều nghịch lý, nhưng ẩn chìm trong những trang văn của Nguyễn Minh Châu vẫn là chất nhân văn lấp lánh.
     
    Admin, Tiên Nhi, Pim Pim7 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...