Chiếc Lá Cuối Cùng - O. Henry

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Văn Học, 1 Tháng bảy 2020.

  1. Văn Học The Very Important Personal

    Bài viết:
    31
    Chiếc Lá Cuối Cùng - O. Henry

    Trong một khu nhỏ ở phí Tây công viên Washington, phố xá chạy ngang dọc lung tung như hóa rồi, rồi đứt quãng ở những dải đất nhỏ gọi là "đoạn phố". Những "đoạn phố" này tạo nên những góc độ và những đường cong kì lạ. Một đường tự cắt nó một hoặc hai lần. Một nghệ sĩ có lần đã phát hiện ra là phố này có một khả năng rất quý. Hãy tưởng tượng một tay thu ngân nào đó mang hóa đơn đòi tiền sơn hay giấy và vải vẻ đi qua con đường này, đột nhiên lại gặp ngay chính mình quay trở ra, tiền nợ không thu được một xu nhỏ!

    Bởi vậy, chẳng bao lâu, giới nghệ sĩ liền mò tới cái làng Greenwich cổ kính, kì quặc này, lùng thuê những phòng có cửa sổ hướng bắc, đầu hồi kiểu thế kỉ mười tám, những buồng xép sát nóc kiểu Hà Lan có tiền thuê rẻ. Rồi từ đại lộ thứ Sáu, họ nhập cảng vào vài chiếc cốc vại bằng thiếc, một hai chiếc lò hầm thức ăn và họp thành xóm.

    Phòng họa của Sue và Johnsy đặt ở tầng thượng một ngôi nhà gạch ba tầng thấp lè tè. "Johnsy" là tên gọi thân mật của Joanna. Một cô gái từ bang Main tới, cô kia quê ở California. Họ đã gặp nhau tại bàn ăn chung của hiệu "Delmonico" ở phố thứ Tám và thấy những sở thích của họ về nghệ thuật, món rau diếp xoăn trộn dầu rán và kiểu ống tay rộng hợp nhau đến nổi kết quả là họ cùng chung nhau thuê một phòng họa.

    Khi ấy là tháng Năm. Đến tháng Mười một, có một ông khách lạ, lạnh lẽo, chưa ai từng thấy, mà thầy thuốc gọi là chứng Viêm Phổi, oai vệ đi khắp xóm, ngón tay lạnh ngắt của gã chạm vào chỗ này một người, chỗ kia một người. Bên khu phía Đông, tên phá hoại xăm xăm bước đi đánh ngã hàng chục nạn nhân, nhưng khi qua những "đoạn phố" chật hẹp, chằng chịt và mọc rêu thì hắn lại từ tốn, thong thả tiến bước.

    Ông Viêm Phổi không phải hạng người được gọi là lịch sự mã thượng. Một phụ nữ nhỏ bé, thiếu máu vì những cơn gió hiu hiu của miền California, đâu có phải là đói thủ xứng đáng của tên bợm già có hơi thở dồn gấp và nắm tay đỏ lòm ấy. Thế mà hắn vẫn cứ đánh vào Johnsy và cô nằm lăn như bất động trên chiếc giường sắt sơn và qua những tấm kính cửa sổ nhỏ kiểu Hà Lan, cô trân trân nhìn cái đầu hồi của nhà gạch bên cạnh.

    Một buổi sáng, viên bác sĩ bận rộn, nháy cặp lông mày rậm, đóm bạc, mời Sue ra ngoài hành lang.

    - Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hi vọng được một thôi, ta hãy tạm nói thế. - Ông vừa nói vừa vẫy cái cặp sốt thủy ngân hạ xuống. - Và muốn có được một phần đó thì cô ấy phải có ý chí muốn sống kia. Cái cung cách con người ta cứ sắp hàng đứng sẵn bên phía anh chủ thầu đám ma, làm cho mọi thuốc men đều trở thành vô dụng. Cô bạn nhỏ nhắn của cô yên trí là mình không thể khỏi được. Cô ấy có điều gì lo nghĩ không?

    - Cô ấy.. cô ấy mong muốn có ngày được vẽ vịnh Naples. - Sue đáp.

    - Vẽ à? Bậy! Cô ấy không có điều gì đáng để bận tâm hơn gấp đôi sao? Chàng trai nào đó chẳng hạn?

    - Một chàng trai nào ư? - Sue nói, giọng rít lên như đàn môi. - Một người đàn ông đáng gì để.. nhưng không, không có cái chuyện ấy đâu, bác sĩ ạ.

    - Thế thì đây là bệnh suy nhược. - Bác sĩ nói. - Tôi sẽ làm tất cả những gì khoa học có thể làm được thông qua những cố gắng của tôi. Nhưng khi nào bệnh nhân bắt đầu đếm những chiếc xe đi theo đám tang của mình thì tôi sẽ phải trừ khả năng chữa bệnh của thuốc men đi năm mươi phần trăm. Nếu cô làm cho cô ấy hỏi được một câu về mốt tay áo mới của áo choàng mùa đông thì tôi xin thưa với cô khả năng khỏi bệnh của cô ấy sẽ là một trên năm chứ không phải trên mười nữa.

    Sau khi bác sĩ đi khỏi, Sue vào phòng làm việc và khóc đến ướt đẫm cả một chiếc khăn trải bàn Nhật Bản. Rồi cô lại thản nhiên mang chiếc bảng vẽ của mình đi vào phòng Johnsy, miệng huýt sáo một điệu nhạc Jaz.

    Johnsy nằm quay mặt về phía cửa sổ, tấm khăn trải giường phủ lên người, hầu như không có một gợn. Sue ngừng huýt sáo, tưởng bạn đang ngủ.

    Cô bày bảng vẽ của mình ra và bắt đầu vẽ bằng bút sắt và mực để minh họa cho một truyện ngắn đăng trên một tờ tạp chí. Các nghệ sĩ trẻ phải lát con đường dẫn tới Nghệ thuật bằng những bức tranh minh họa cho những truyện ngắn trên những tạp cí, do các nhà văn trẻ viết đẻ lát c0n đường của họ dẫn tới Văn học.

    Sue đang vẽ phác chiếc quần cưỡi ngựa đúng mốt và chiếc kính một mắt trên mặt nhân vật chính, một tay chăn bò Idaho, thì bỗng nghe thấy có tiếng thì thầm cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cô vội chạy tới bên giường.

    Mắt Johnsy mở to. Cô đang nhìn ra ngoài cửa sổ và đếm- đếm ngược.

    "Mười hai", - cô lẩm bẩm rồi một lát sau, - "mười một" rồi "mười", "chín"; rồi "tám" và "bảy" thì gần như được đếm cùng một lúc.

    Sue lo lắng nhìn ra phía cửa sổ. Có cái gì ngoài đó mà đếm? Chỉ thấy một cái sân trơ trụi, ảm đạm và bức tường bên trống trơn của tòa nhà gạch cách đấy chừng sáu thước. Một dây thường xuân già, già lắm, rễ dã mục nát và sần sùi những mấu, leo lên đến giữ bức tường gạch. Hơi thở lạnh lẻo của mùa thu đã bứt hết lá của nó chỉ còn lại bộ xương cành, gần như trơ trụi bám vào những viên gạch vỡ nát.

    Gì thế, Johnsy? - Sue hỏi.

    - Sáu. - Johnsy nói, giọng gần như thì thào. - Bây giờ chúng rụng mau hơn. Trước đây ba ngày còn có tới gần một trăm. Em đếm nhức cả đầu. Nhưng bây giờ thì thật là dễ. Lại một chiếc nữa. Giờ chỉ còn lại có năm thôi.

    - Năm gì, Johnsy? Cho Sudie của em biết đi.

    - Những chiếc lá, trên cây thường xuân. Khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì em cũng ra đi thôi. Em biết điều đó cũng ba ngày nay rồi. Ông bác sĩ không nói với chị sao?

    - Ồ, chị chưa bao giờ lại nghe thấy một chuyện vô lý đến như thế. - Sue trách, làm ra vẻ mạnh bạo khinh thường. - Những chiếc lá thường xuân già đó thì có liên quan gì đến việc em khỏi bệnh kia chứ? Tại em vốn mến cái cây leo đấy, em hư lắm. Đừng nói chuyện ngốc nghếch nữa. Ấy, sáng nay ông bác sĩ đã nói với chị là em sẽ chóng bình phục thôi, đúng ra là ông ấy nói thế nào nhỉ - khả năng khỏi là mườ phần chắc chín, ông ta nói thế! Ấy, cũng tựa hồ như là khi chúng ta ngồi trên xe hàng hay đi qua một tòa nhà mới đang xây ở New York này, mười phần thì họa chăng chỉ có một phần xảy ra tai nạn. Giờ em ăn cố tí cháo nhé và để Sudie quay về với bảng vẽ của mình, có thể chị mới bán được tranh cho lão chủ bút, để mua rượu port cho đứa em ốm của chị và mua sườn lợn cho cái bản thân háu ăn của chị chứ.

    - Chị chẳng cần phải mua thêm rượu nữa đâu. - Johnsy nói, mắt vẫn nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ. - Lại một chiếc nưa rụng kìa. Không em không muốn ăn cháo đâu. Còn lại đúng bốn chiếc. Em muốn thấy chiếc lá cuối cùng rụng xuống trước khi trời tối. Đến lúc đó thì em cũng ra đi thôi!

    - Johnsy yêu quý, - Sue nói và cúi xuống bên người bạn, - em hãy hứa với chị là em hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa cho tới khi chị xong việc được không? Mai chị trao những bức tranh này rồi. Chị cần ánh sáng, nếu không thì chị đã kéo mành mành xuống rồi đấy.

    - Chị không vẽ buồng bên được ư? - Johnsy lạnh nhạt hỏi.

    - Chị muốn ở đây bên cạnh em kia. - Sue đáp. - Vả lại chị không muốn em cứ nhìn những chiếc lá thường xuân vớ vẩn đó nữa.

    - Bao giờ xong chị bảo me ngay nhé! - Johnsy nói rồi nhắm mắt lại, nằm yên và trắng bệch như một pho tượng đổ. - Vì em muốn nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Em muốn buông trôi hết thảy và dong buồm xuôi dòng như một trong những chiếc lá mệt mỏi và tội nghiệp kia.

    Cố ngủ đi- Sue nói. - Chị phải đi mời cụ Behrman lên làm mẫu cho chị vễ một người thợ mỏ già khổ hạnh. Chị sẽ không đi lâu quá một phút đâu. Đừng có động đậy, chờ chị quay lại nhé.

    Cụ Behrman là một họa sĩ ở tầng dưới cùng, dưới tầng của họ. Cụ đã ngoài sáu mươi và có bộ râu như Moses của Michelangelo loăn xoăn từ cái đầu như đầu thần Satyt lòa xòa xuống cái thân hình như thân hình một tiểu yêu. Behrman là một người thất bại trong nghệ thuật. Cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn không với tới được gấu áo vị nữ thần của mình. Cụ luôn luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác, nhưng chả bao giờ bắt đầu cả. Bao năm nay cụ chẳng vẽ được gì, ngoài việc thỉnh thoảng bôi bác một bức cho nghành buôn hay quảng cáo Cụ kiếm được chút ít bằng cách ngồi làm mẫu cho các nghệ sĩ trẻ cùng ở xóm đó, những người khồn đủ tiền thuê nổi một người làm mẫu chuyên nghiệp. Cụ uống rượi nặng quá độ và vẫn ní về các tác phẩm kiệt xuất sắp tới của mình. Còn thì ngoài ra cụ là một ông già nhỏ nhắn dữ tợn, hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai và tự coi mình là một con chó xồm lớn chuyên gác cửa bảo vệ hai nữ nghệ sĩ trẻ ở phòng vẽ tầng trên.

    Sue tìm thấy cụ Behrman sặc sụa mùi rượu dâu loại nặng trong gian buồm tối om om của cụ ở tầng dưới. Trên giá vẽ ở góc buồng là một tấm vải trống trơn, từ hai mươi lăm năm nay vẫn cứ chờ đợi mãi nét vẽ đầu tiên của bức tranh kiệt tác. Cô kể cho cụ nghe ý nghĩ kuf quặc của Johnsy và nói cho cụ biết cụ biết cô lo lắng như thế nào về Johnsy; cô ấy yếu đuối và mảnh mai như một chiếc lá, quả thật, rất có thể sẽ bay đi khi mối ràng buộc mong manh giữa cô ấy với tràn thế này suy yếu.

    Cụ Behrman cặp mắt đỏ ngầu, nước mắt chảy ròng ròng, hét lên sự khinh bỉ và nhạo báng của mình đối với những chuyện tưởng tượng ngốc nghếch ấy. Cụ quát to:

    - Sao! Trên đời này lại có những người ngớ ngẩn muốn chết chỉ vì một cây leo chết tiệt nào đó rụng hết lá ư? Tôi chưa bao giờ nghe thấy một chuyện như thế cả. Không, tôi sẽ không ngồi làm mẫu cho cô vẽ cái lão già ngu xuẩn ngớ ngẩn của cô đâu. Tại sao cô lại để cho những chuyện vớ vẩn ấy chui vào đầu óc cô ta? Chà, tội nghiệp cô bé Johnsy.

    - Em nó ốm nặng và yếu lắm. - Sue nói. - Cơn sốt đã làm đầu óc nó đâm ra bệnh hoạn, đầy những ý nghĩ kỳ quái. Thôi được, cụ Behrman ạ, cụ không muốn ngồi làm mẫu cho cháu thì thôi. Nhưng cháu thấy cụ thật là một ông già kinh khủng, sao mà lắm nhời, lắm điều thế.

    - Cô thật đúng là đàn bà! - Cụ Behrman hét lên - Ai bảo là tôi không muốn ngồi làm mẫu? Đi, tôi lên cùng với cô. Tôi đã nói suốt nữa tiếng đồng hồ rằng tôi sẵn sàng ngồi làm mẫu kia mà. Trời, đây không phải là chỗ cho một người tốt bụng như cô Johnsy nằm. Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này. Trời, nhất định thế.

    Khi hai người lên tới gác thì Johnsy đang ngủ. Sue kéo tấm mành mành xuống che kín cửa sổ và ra hiệu cho cụ Behrman sang buồng bên cạnh. Sang đến nơi, họ ngoái ra ngoài cửa sổ, sợ sệt nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau, không nói mất một lúc Một cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng, pha lẫn tuyết đang đổ xuống. Cụ Behrman mặc chiếc áo sơ mi cũ màu xanh, ngồi làm một tay thợ mỏ già trên cái ấm đun nước lật úp giả làm một tảng đá.

    Sáng hôm sau, Sue tỉnh dậy khi chợp mắt được một giờ thì thấy Johnsy đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành đã kéo xuống.

    - Kéo nó lên, em muốn xem. - Cô thều thào ra lệnh.

    Sue làm theo một cách chán nản.

    Nhưng ô kìa, sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Tuy ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, dẫu vậy, chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cành cách mặt đất chừng sáu thước

    Đó là chiếc lá cuối cùng. - Johnsy nói. - Em cứ tưởng là nhất định hôm qua nó sẽ rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó em sẽ chết.

    - Em thân yêu! - Sue nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối. - Nếu em không còn muố nghĩ đến mình nữa thì hãy nghĩ đến chị, chị sẽ làm gì đây?

    Nhưng Johnsy không trả lời. Trong khắp thế gian, cái cô đơn nhất là một tâm hồn đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi, bí ẩn của mình. Những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn, với thế gian này cứ lơi lỏng dần từng cái một thì ý nghĩ kỳ quặc kia như lại càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn.

    Ngày hôm đó trôi qua và ngay trong cả ánh hoàng hôn, họ vẫn trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc bám lấy cái cuống của nó trên tường và rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại lồng lộn, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào của sổ và từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan, mưa rơi lộp độp xuống mặt đất.

    Khi trời vừa hứng sáng thì Johnsy, con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo màn lên.

    Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.

    Johnsy nằm nhìn lá hồi lâu. Rồi cô gọi Sue đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.

    - Em là một con bé hư, chị Sue ạ. - Johnsy nói. - Có một cái gì đó đã làm cho chiếc lá cuối cùng kia vẫn còn đấy để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết cũng là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu port vào và, không, mang cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp những chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng.

    Một giờ sau cô lại nói:

    - Sue ơi, em hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Naples.

    Buổi chiều bác sĩ tới và khi ông ta về, Sue kiếm cớ theo ông ra ngoài hành lang.

    - Được năm phần mười rồi. - Bác sĩ nói và cầm lấy bàn tay mảnh dẻ run rẩy của Sue. - Chăm sóc chu đáo thì cô sẽ thắng. Và bây giờ tôi phải xuống dưới nhà thăm một bệnh nhân khác. Tên ông cụ là Behrman, hình như là một nghệ sĩ gì đó. Cũng lại chứng viêm phổi, ông cụ già yếu, bệnh tình nguy kịch, chẳng còn hi vọng gì, nhưng hôm nay cụ sẽ vào nằm bệnh viện để được chăm sóc chu đáo hơn.

    Hôm sau, bác sĩ bảo Sue:

    - Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, cô đã thắng. Giờ cô chỉ còn bồi dưỡng và chăm nom, chỉ có thế thôi.

    Và buổi chiều hôm đó, Sue tới bên giường Johnsy đang nằm và đang vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm rất vô dụng Sue ôm lấy cả người Johnsy lẫn những chiếc gối.

    - Chị có câu chuyện muốn nói với em, con chuột bạch của chị. - Cô nói.

    - Hôm nay cụ Behrman đã chết vì viêm phổi ở bệnh viện rồi. Cụ ấy ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ấy ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần cụ ướt sũng và lạnh buốt. Mọi người không ai hiểu được cụ ấy đã đi đâu trong một đêm khủng khiếp như thế, nhưng rồi họ tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn cháy sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, vài chiếc bút lông rơi vung vãi với một chiếc bảng màu xanh vàng pha trộn lẫn lộn và, em ạ, hãy nhìn ra ngoài cửa sổ kia, hãy nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có tự hỏi tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ồ em thân yêu, đó chính là tác phẩm kiệt xuất của cụ Behrman đấy, cụ vẽ nó vào cái đem mà chiếc lá cuối cùng đã rụng.

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng mười hai 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...