Review Truyện Chiếc Lá Cuối Cùng - O Hen - Ry

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Hạ Quỳnh Lam, 23 Tháng một 2024.

  1. Hạ Quỳnh Lam

    Bài viết:
    63
    Review truyện "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen-ry

    *Giới thiệu chung:


    Tên truyện: Chiếc lá cuối cùng.

    Tác giả: O Hen-ry.

    Thể loại: Truyện ngắn, truyện chữ.

    Thời gian sáng tác: 1907

    Xuất xứ: Văn học Mỹ.

    Nhân vật chính: Giôn-xi, Xiu, cụ Bơ-men.

    [​IMG]

    *Tóm tắt:

    Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men là những họa sĩ nghèo, cùng sống trong một căn hộ cũ ở ngoại ô New York. Giôn-xi đang phải nằm liệt trên giường bệnh vì căn bệnh viêm phổi quái ác, cô tuyệt vọng và phó thác sinh mệnh của mình vào chiếc lá thường xuân cuối cùng bên ô cửa sổ. Khi nào chiếc lá rụng thì cô sẽ chết. Vô cùng lo lắng cho người bạn thân của mình, Xiu đã đem chuyện kể với cụ Bơ-men, hết lời khuyên nhủ và tận tình chăm sóc. Trước đêm giông bão, Giôn-xi lặng lẽ chờ đợi khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống và cô vĩnh viễn bỏ lại cuộc đời này, thì sáng hôm sau lại bất ngờ thay vì chiếc lá vẫn chưa rụng. Quá đỗi kinh ngạc và cảm phục sức sống mãnh liệt của chiếc lá, Giôn-xi đã lấy lại được hi vọng sống và tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Cho đến khi mọi việc đã tốt lên, Xiu mới tiết lộ cho cô biết. Chiếc lá thường xuân bên cửa sổ không bao giờ rung rinh dù gió lớn, bởi vì đó là bức vẽ của cụ Bơ-men. Cụ đã vẽ nó, vào cái đêm giá lạnh khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống.

    *Cảm nhận:

    "Chiếc lá cuối cùng" là một truyện ngắn đặc sắc, có thể nói là mang giá trị nhân văn xứng tầm kinh điển của thế kỉ XX. Truyện ngắn đã được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn trung học cơ sở.

    Truyện thật sự rất hay. Dù không quá dài nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc, là một trong những truyện ngắn mà mình ấn tượng nhất.

    Nhân vật Giôn-xi, một cô họa sĩ nghèo và bất hạnh vì bệnh tật quái ác, không có gì khó hiểu khi cô rơi vào hố sâu tuyệt vọng và gần như từ bỏ cuộc sống của mình. Sự phó thác sinh mệnh vào chiếc lá thường xuân bên cửa sổ của Giôn-xi đã thể hiện sự bất lực và buông xuôi tận cùng. Giôn-xi từng là một cô gái rất giàu sức sống và khát vọng, luôn mơ ước sẽ đến được vịnh Na-plơ để vẽ bức tranh phong cảnh thật đẹp. Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Giôn-xi vẫn là một cô gái máy mắn, bởi vì có Xiu hết mực yêu thương và cụ Bơ-men âm thầm lo lắng cho cô. Họ đã cứu vớt cuộc đời cô, và giúp cô chiến thắng bệnh tật để tiếp tục sống với ước mơ tươi đẹp.

    Nhân vật Xiu là một cô gái rất dễ thương và giàu tình cảm. Xiu thương yêu Giôn-xi rất nhiều, coi cô như em gái ruột, hết mực động viên và chăm lo cho Giôn-xi. Ở nhân vật này sáng lên một tình bạn tuyệt vời và một tấm lòng nhân ái sẻ chia sâu sắc.

    Quan trọng nhất, con người trực tiếp truyền tải bài học nhân văn của câu chuyện là nhân vật cụ Bơ-men. Cụ là một họa sĩ già, nghèo khó và luôn mong ước sẽ vẽ được một kiệt tác để đời trước khi nhắm mắt. Thoạt đầu nghe được câu chuyện của Giôn-xi, cụ Bơ-men tỏ thái độ cáu gắt và chẳng mấy quan tâm, nhưng thật không ngờ chính cụ lại có thể hy sinh tất cả để cứu giúp cô gái ấy, dẫu họ chẳng phải máu mủ ruột rà. Trong đêm bão lớn, cụ đã một mình ra khỏi căn hộ, đến bên tường gạch và vẽ lên đó chiếc lá thường xuân. Một bức tranh chân thực và sống động như thật, đến mức một họa sĩ như Giôn-xi cũng không phát hiện ra đó là giả. Cụ đã vẽ chiếc lá cuối cùng để động viên tinh thần Giôn-xi, để cô không dễ dàng từ bỏ cuộc sống của mình. Một bức vẽ chứa đựng giá trị nhân văn thực sự sâu sắc. Đó cũng là tác phẩm nghệ thuật cuối cùng mà cụ để lại cho cuộc đời. Sau đêm bão tuyết lạnh giá, cụ Bơ-men đã qua đời vì căn bệnh viêm phổi trở nặng. Cụ đã hy sinh để cứu lấy một cuộc đời có thật, để cô gái nọ được sống tiếp trong khát vọng và yêu thương. Sự hy sinh của cụ Bơ-men dẫu Giôn-xi chẳng phải máu mủ ruột thịt, chỉ là một đồng nghiệp sống cùng khu căn hộ. Cụ Bơ-men là một con người mang tấm lòng nhân ái sâu sắc, hết mực yêu thương và bao dung người khác, với đức hy sinh vô cùng cao đẹp. Cái chết của cụ chính là minh chứng cho khả năng vô hạn của tình yêu thương, xóa bỏ mọi ranh giới và chiến thắng mọi khó khăn, để vươn đến giá trị sống chân chính giữa đời.

    Giá trị của nghệ thuật chân chính không gì hơn là hướng đến con người, ngợi ca những đức tính cao đẹp và hướng con người về chân thiện mỹ. Mong rằng khi đọc câu chuyện này, mọi người sẽ quan tâm đến giá trị nhân văn mà nó gửi gắm.

    Cái chết của cụ Bơ-men khiến cho mình xúc động và cảm phục sâu sắc. Để có thể hy sinh vô điều kiện vì người khác, chắc chắn phải có trong đó phải có cả sự nhân ái, bao dung và nâng đỡ, thấu hiểu với con người.

    Truyện rất hay và có tính nhân văn sâu sắc. Mong mọi người đọc thử một lần.

    (Cảm ơn vì đã ghé qua)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...