Chia sẻ kinh nghiệm khi sinh bé thứ 2

Thảo luận trong 'Gia Đình' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 4 Tháng năm 2021.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    308
    Viết cho các mẹ, chuẩn bị sinh em bé thứ 2.

    Mình là một bà mẹ có 2 chàng trai nhỏ, 1 bạn 4.5 tuổi và 1 bạn 2 tuổi. Mình ở nhà làm mẹ toàn thời gian trong 5 năm qua, có rất nhiều những cảm xúc, trải nghiệm và trưởng thành cùng với 2 con.

    Hôm nay mình ngồi viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi dạy 2 con. Đây là những gì mình đã trải qua và nghiệm lại, nó đúng với mình và các con của mình. Các bạn có thể tham khảoứng dụng nó phần nào các bạn thấy đúng với mình và con nhé!

    Điều thôi thúc mình viết đến từ một chia sẻ của 1 mẹ trong nhóm các cha mẹ có con trong độ tuổi 0-3 mà mình tham gia. Bạn ấy đang cảm thấy bế tắc và bất lực với cậu con lớn khi mà con cứ đòi mẹ bám riết lấy mẹ trong khi mẹ còn phải chăm sóc cho em mới vài tháng tuổi, bạn đã thử các phương pháp lúc dỗ dành, lúc cứng rắn và có lúc thì mất kiểm soát để cơn giận bùng lên mà tét đít con, mà cáu lên, hét lên với con.. xong rồi lại cảm thấy có lỗi với con, lại day dứt, thương con. Cái vòng luẩn quẩn đó đã quấn lấy bạn, bạn chưa biết nên làm gì để thoát ra khỏi nó. Mình hiểu cảm giác của bạn vì mình cũng đã từng bị những cảm xúc ấy, bị lẩn quẩn như vậy ngay khi mình mới chỉ có 1 em bé, khi đó con đầu của mình gần 2 tuổi.. thương bạn cũng như thương mình của cái ngày xưa ấy.

    Mình viết cũng vì mình thương em bé của bạn- cũng như con lớn của mình ngày xưa ấy. Vì sự yếu kém của mẹ mà đã phải chịu những tổn thương, những cảm xúc khó chịu, tiêu cực như vậy, những giọt nước mắt em lăn, những tiếng khóc của em, những vật vã của em mẹ đều đã chạm vào..

    Mình viết vì mình biết trên mảnh đất hình chữ S này còn nhiều bà mẹ và nhiều em bé đang trong hoàn cảnh như thế, những trái tim thương đang cần được chữa lành.

    Và người cần chữa lành trước hết, bây giờ là mẹ hay là con?

    LÀ MẸ nhé các bạn.. Vì sao ư?

    Chắc các mẹ đều có câu trả lời rồi nhỉ!

    Mẹ có trách nhiệm giáo dục con hay con giáo dục mẹ?

    Mẹ là người hướng dẫn hay con là người hướng dẫn?

    Mẹ trưởng thành hay con trưởng thành?

    Mẹ thay đổi trước hay con thay đổi trước?

    Mẹ phụ thuộc cảm xúc của con, hay con bị dẫn dắt bởi cảm xúc của mẹ?

    Mẹ bình an, mẹ hạnh phúc, mẹ hiếu thảo, mẹ tự tin, mẹ tỉnh thứ.. mẹ sạch sẽ, mẹ ngăn nắp, mẹ kỷ luật, mẹ nghị lực, mẹ ham học, mẹ yêu thiên nhiên, mẹ yêu loài vật.. mẹ hay cười, mẹ vui vẻ, mẹ hòa đồng, mẹ lắng nghe, mẹ ghi nhận, mẹ cảm ơn, mẹ xin lỗi, mẹ yêu em..

    EM sẽ HỌC và THẨM THẤU tất cả những điều đó từ mẹ (và người thân, môi trường em sống)

    ☝️ Nên ĐIỀU ĐẦU TIÊN VÀ QUAN TRỌNG NHẤT cần THAY ĐỔI đó chính là MẸ

    Mẹ hãy thương yêu chính bản thân mình, chữa lành cho mình và tha lỗi cho những vụng về yếu kém của mình nhé. Không ai là hoàn hảo cả, có đi qua những ngày nắng thì mới biết trân trọng những ngày mưa. Có đi qua những đau khổ thì mới biết quý trọng hạnh phúc, có những mất mát thì mới biết trân trọng những gì mình đang có..

    Những gì đã sảy ra là những gì nên xảy ra.. đừng cố để ước giá như nó không thế! Vì nó đã xảy ra rồi, chúng ta không thể quay lại nó nữa mà hãy nhìn lại để thấy nó mang đến cho ta thông điệp gì, cho ta thấy đó không phải là cách đúng, nên sẽ vẫn còn đáp án đúng ở chỗ khác, mình cần đi tìm ra nó mà thôi.

    VÀ MỘT CÁCH NHÌN này đã giúp mình thoát ra được cảm xúc có lỗi với con chính là: Những khó khăn, những điều bất như ý, những cảm xúc tiêu cực mà con đã trải qua sẽ giúp con mình mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn.. và chỉ cần bây giờ mình dẫn dắt đúng là con sẽ trưởng thành đúng hướng.. Giờ mình không còn thấy hối hận, dằn vặt vì những việc đã xảy ra với con nữa mà mình nhìn thấy nó là hành trình mà mình và con buộc phải đi qua, là nhân quả của cả 2 mẹ con đã gieo và gặt lấy. Bây giờ chỉ cần mình chuyển nhân thì quả sẽ chuyển.

    ☘️ BÂY GIỜ, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách cụ thể mà mình đã làm để chuẩn bị cho bé đầu khi mình sinh bé thứ hai nhé:

    Đầu tiên là khi mình biết mình có bầu em bé thứ hai thì mình sẽ thông báo với gia đình và cả con lớn về sự xuất hiện của em bé trong bụng mẹ.

    Trong suốt thời gian mang thai mình tạo ra sự kết nối giữa bé lớn và em bé cũng như sự kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình với em bé trong bụng để con lớn học được cách yêu thương em và được yêu thương em:

    +buổi tối, trước khi đi ngủ sẽ hát ru cho 2 anh em nghe.

    +mẹ kể chuyện là em đang làm gì, đang cảm thấy như thế nào cho anh lớn biết,

    + Hôm nay em thế nào? Em lớn lên từng ngày ra sao?

    + Khi nào thì em sẽ chào đời? Mình cần chuẩn bị gì cho em?

    + Cả gia đình sẽ chuẩn bị gì để chào đón em..

    +Nói về quá trình sau khi em chào đời thì sẽ như thế nào? Có thay đổi gì không? Có giống con không? Con và ba mẹ sẽ làm gì cho em?

    Có thể lồng ghép kể các câu chuyên về việc chào đón em bé và niềm vui khi có em cho con nghe mỗi tối (lấy hình ảnh con vật mà con yêu thích)

    Và một chi tiết nữa là khi mà mình sắp sinh bé thì mình sẽ kể câu chuyện em bé đến sẽ mang theo 1 món quà để tặng anh đấy. Và đến ngày sinh thì mình sẽ mang món quá đó ra tặng cho con lớn (chọn món quà mà con thích nhất) khi đó niềm vui của con ngập tràn luôn. Và đương nhiên sự kết nối, tình yêu của anh cho em tăng lên rất nhiều ah((:

    (Mình vẫn nhớ như in đôi mắt sáng long lanh và nụ cười tươi rói của cậu con trai khi nhận quà của em, cậu ríu rít đi khoe và cắt bánh mời mọi người ăn và không quên đến yêu em và cảm ơn em)

    Sau khi em bé chào đời thì mình nhận thấy là cần phải làm được điều này thì chắc chắn là con lớn sẽ rất mực yêu thương em nhỏ:

    1. Đừng để bé lớn cảm thấy mất mát, thiếu thốn, không an toàn khi em nhỏ chào đời bằng cách:

    + Mẹ hãy nói chuyện với người thân về việc không nên trêu đùa bé bằng những câu sẽ có thể làm bé bị tổn thương và sợ hãi, bị đe dọa hình thành tâm lý ghét em như:

    "Có em rồi, mày sẽ bị ra dìa"

    "Con lớn rồi, con ngủ với ông bà để mẹ còn chăm em"

    "Ngủ với em em tè lên đầu đấy"

    "Em thối nắm đừng nằm với em"

    "Con lớn rồi, con phải nhường mẹ cho em"..

    + Mẹ hãy giữ nguyên các hoạt động, kết nối của 2 mẹ con như bình thường, để em thấy là em ra đời không có gì thay đổi cả mẹ vẫn yêu và chơi với mình như trước.

    Nếu mẹ thấy cần phải thay đổi thời gian biểu thì mình có thể thay đổi sớm hơn 1 chút hay muộn hơn 1 chút hay có thể chuyển từ hoạt động thay sang hoạt động khác nhưng phải được sự đồng ý của con và chuyển 1 cách từ từ, không để con bị sốc.

    Và nhất là giai đoạn mới sinh bé thì mẹ mệt cần phải nghỉ ngơi nhiều thì cũng có thể đề nghị bố cùng hỗ trợ làm các hoạt động cùng mẹ và con như đọc sách trước khi đi ngủ, hay là nói chuyện với con. Hay là khi con đi lớp về có thể hỏi han, âu yếm con..

    Giai đoạn này mình nghĩ mẹ là người sẽ cần cố gắng nhiều nhất bởi mẹ lúc này mới sinh yếu, lại mệt mỏi nhưng chỉ cần mẹ hiểu vì sao mình cần làm như vậy? Vì tình yêu với các con thì sẽ vượt qua được, tạo được sự kết nối sâu sắc với các con.

    (Mình lúc mới sinh xong, ông bà cũng đề nghị mình cho con lớn về quê để ông bà trông, nhưng mình không đồng ý vì mình biết tách con ra lúc này sẽ rất ảnh hưởng đến sự kết nối của cả 3 mẹ con. Con lớn sẽ cần phải làm quen với sự có mặt của em nhỏ nếu như không phải bây giờ thì là lúc nào, nếu có em mà anh phải tách mẹ thì anh có vui không, có yêu em không?

    Mình cũng ngủ chung cả 3 mẹ con trên cùng một giường, khi nào cần thì mình nhờ hỗ trợ, chứ không đột ngột tách con ngủ riêng)

    2. Mẹ hãy khéo léo tạo ra các hoạt động phù hợp với khả năng của con lớn để cùng chăm em với mẹ

    Như: Mẹ nhờ con lấy tã cho em, nhờ anh lớn trông em, dỗ em khi mẹ bận, anh nói chuyện, hát cho em nghe..

    Và mỗi khi mà anh làm được việc gì thì mẹ hãy ghi nhận, động viên con ngay nhé:

    Ví dụ,

    "Mẹ cảm ơn con đã trông em giúp mẹ!"

    "Cảm ơn con đã lấy quần cho em.."

    "Ồ, em cười kìa, chắc em vui lắm đấy, em thích nghe anh hát đấy"

    "Chắc em cười, nhìn anh và muốn cảm ơn anh vì đã múa cho em xem đấy.."

    "Hôm nay, con thấy em có lớn hơn không? Hôm nay em biết bò lãy rồi đấy?

    " Khi nào anh muốn thơm em thì anh nhớ hỏi em nhé- em ơi, cho anh thơm 1 cái nhé "

    " Khi nào con thấy em khóc thì con đến dỗ em nhé- em ơi, anh đây, mẹ đang bận 1 tí nhé, để anh chơi với em nha..

    Mẹ cứ từ từ, nhẹ nhàng hướng dẫn con lớn cách biểu lộ tình cảm, cách tương tác với em để tăng dần sợi dây kết nối giữa anh và em như vậy.

    Hãy để cho con hiểu rằng có em là có thêm một niềm vui mới, cả ba mẹ và con sẽ gần nhau hơn để cùng chăm sóc em lớn lên từng ngày- em bây giờ cũng giống như con ngày xưa ấy!

    Như thế, sự ganh tị, bám mẹ sẽ chẳng còn nữa khi cả nhà cùng nhau chung một hướng tới, khi mà con lớn thấy an toàn không sợ hãi, mất mát, thiếu thốn thì sẽ vui vẻ, yêu thương em lắm, các bạn nhỉ!

    3. Mẹ là trung tâm là sợi dây kết nối các con với nhau nên mẹ phải chăm sóc cho mình nữa nhé, mẹ hãy giữ được sự hạnh phúc, thương yêu và tin tưởng vào bản thân mình, tin mình sẽ làm được, tin con mình xứng đáng được hưởng những tình yêu đó thì mẹ sẽ làm được thôi!

    Chúc các mẹ và em bé luôn đong đầy yêu thương và tràn ngập tiếng cười nha!

    Chia sẻ của chị Quách Hồng Nhung trong nhóm "Yêu con như nắng xuân" ⁿ
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...