Truyện ngắn "Chí Phèo" là tuyệt tác của nhà văn Nam Cao. Ban đầu, Nam Cao đặt tên cho tác phẩm là "Cái lò gạch cũ" phản ánh sự quẩn quanh, bế tắc của số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Sau đó, tác phẩm được ra mắt độc giả bằng cái tên "Đôi lứa xứng đôi" do nhà xuất bản đặt để tạo được sự thu hút mà nói như ngày nay là giật tít, câu view. Tên do nhà xuất bản đặt lại nhấn mạnh vào mối tình của hai con người khốn khổ bậc nhất làng Vũ Đại: Một kẻ lưu manh bị xã hội chối bỏ và một người đàn bà xấu xí, ế chồng lại còn ngẩn ngơ như "người đần trong cổ tích". Sau màn chào sân ấy, tác phẩm đã trở nên nổi tiếng kèm theo đó là tên tuổi của Nam Cao, đồng thời tác giả cũng đã đổi tên cho tác phẩm thành "Chí Phèo" khi in lại, một nhan đề đơn giản nhưng có tính khái quát về cuộc đời của một con người là điển hình cho hiện tượng người nông dân bị tha hóa trong xã hội cũ. Nhắc đến cặp đôi Chí Phèo – Thị Nở, người đọc hoàn toàn đồng tình với nhan đề mà nhà xuất bản đã đặt ra. Sự "xứng đôi" ấy thể hiện từ ngoại hình khi mà Chí Phèo nổi bật với cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, xăm trổ đầy mình và đặc biệt là gương mặt xám tro chằng chịt vết sẹo; còn Thị Nở, nhà văn đã dùng tất cả những gì không hài hòa nhất để nói về gương mặt thị: Bề ngang lớn hơn bề dọc, hai má hóp, mũi thì vừa to, ngắn, đỏ lại sần sùi, môi dày vì ăn trầu thuốc nên thâm lại nứt nẻ, răng vẩu, Thị Nở quả là xấu đến ma chê quỷ hờn. Đến hoàn cảnh, Chí Phèo là một kẻ tứ cố vô thân, làm "nghề" rạch mặt ăn vạ, bị cả làng Vũ Đại sợ hãi và xa lánh; còn Thị Nở ngoài nghèo khó, còn là dòng dõi nhà mả hủi. Hai con người ấy đã luống tuổi mà vẫn cô đơn không ai bầu bạn. Vì vậy sự gặp gỡ của hai nhân vật một cách tình cờ để rồi sau đó ăn ở với nhau quả là một sự sắp xếp của số phận. Là một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa chân chính, Nam Cao đã tạo ra Thị Nở để thức tỉnh Chí Phèo khỏi những ngày tháng sống đắm mình trong men rượu và tội ác của kiếp làm quỷ dữ. Họ gặp nhau tại vườn chuối cạnh bờ sông, trong ánh trăng thơ mộng, thế nhưng hai con người ấy kẻ thì say, kẻ thì mơ màng trong cơn buồn ngủ không hiểu chuyện gì xảy ra, đã ăn ở với nhau theo một cách rất bản năng. Sau đó nhờ sự chăm sóc của Thị Nở mà Chí Phèo không chỉ tỉnh rượu, còn thức tỉnh luôn cả khát vọng được làm người lương thiện. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau năm ngày sống như vợ chồng với nhau, sự xuất hiện của bà cô Thị Nở đã đập nát mộng tưởng hoàn lương của Chí Phèo. Nhiều người cho rằng mối tình Chí Phèo – Thị Nở là tình yêu. Vì nếu không yêu thì sao Thị Nở có thể chăm sóc Chí lúc ốm đau, không yêu sao có thể thấy "ngường ngượng mà thinh thích" khi nghĩ đến hai tiếng vợ chồng, không yêu sao có thể liếc mắt mà nguýt yêu với Chí? Còn với Chí Phèo, hắn ta thấy Thị có duyên, Thị đáng yêu trong khi Thị đích thực là sản phẩm lỗi của tạo hóa, hắn cố gắng kiêng rượu để tỉnh táo mà yêu, hắn trân trọng bát cháo hành đơn sơ mà ấm áp, hắn mở lời "cầu hôn" Thị: "Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui", hắn không chấp nhận được việc Thị Nở ruồng bỏ mình. Rõ ràng với chừng ấy biểu hiện thì đây là hai con người có tình với nhau, nhưng đó có phải là yêu? Tình yêu vốn thiêng liêng và đẹp đẽ, có lẽ nó được bắt đầu bằng sự thu hút từ đối phương nhưng để đạt đến tình yêu chân chính thì cần nhiều hơn sự bao dung và vị tha. Chí Phèo và Thị Nở đến với nhau trước hết là sự chi phối của bản năng, sau đó là sự đồng cảm cho nhau nhưng họ lại không thể vượt qua được sóng gió. Bị phản đối, Thị Nở đã trút lên đầu Chí Phèo tất cả những lời lẽ cay nghiệt của bà cô khiến hắn ngẩn người, Thị đã không chần chừ mà đẩy ngã Chí khi hắn níu kéo, Thị chỉ biết phát tiết những bất mãn trong lòng khi bị bà cô mắng Thị xối xả chỉ vì Thị muốn lấy Chí Phèo. Còn Chí Phèo, hắn sau khi hiểu ra cơ sự thì vừa uống rượu vừa chửi, xách dao đi trên đường với ý định muốn "đâm chết con đĩ Nở, đâm chết con khọm già nhà nó". Và kết thúc của mối tình ngắn ngủi ấy là Chí Phèo chết trong vũng máu còn Thị Nở thì nhìn nhanh xuống bụng và thấy thấp thoáng một cái lò gạch cũ. Giữa Chí Phèo và Thị Nở nên gọi là tình người thay vì tình yêu. Chí Phèo bị cả làng Vũ Đại xem như quỷ dữ mà xa lánh, hắn khát khao được hòa nhập với cộng đồng, hắn xem Thị Nở là chiếc cầu nối để về với xã hội của những người lương thiện, Thị cho hắn cảm giác ấm áp của một gia đình, khiến hắn nhớ về giấc mơ ngày trẻ: Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Còn Thị Nở, người đàn bà lớn lên hội tụ biết bao điều bất lợi: Xấu, nghèo, ngần ngơ, dòng dõi mả hủi ấy trong thâm tâm cũng luôn khát vọng một hạnh phúc gia đình, muốn được trân trọng, được yêu thương như một người phụ nữ bình thường, và Thị tìm thấy điều ấy ở Chí. Hai con người thu hút lẫn nhau theo một cách đặc biệt, hạnh phúc bên nhau chỉ mới vài ngày đã bị định kiến xã hội chia cắt dẫn đến một kết cục thảm khốc. Cái nhân đạo của Nam Cao không thể xóa nhà hiện thực nhưng dẫu ngắn ngủi và chóng vánh thì mối tình với Thị Nở cũng đã giúp Chí Phèo cảm nhận được hạnh phúc của một con người mà khi làm quỷ dữ hắn chưa từng biết đến.