Chỉ Còn Là Hồi Ức Tác giả: Cao Phú Soái Thể loại: Truyện ngắn Cuộc thi: Nét bút tuổi xanh tuần mười một + mười hai Chủ đề: Tết Đoan Ngọ. * * * Hôm ấy, tôi mang bát mỳ còn nóng hôi hổi đặt lên mặt bàn tròn. Thời tiết nắng nóng, vừa nấu nướng xong thì mồ hôi cũng úa ra nhễ nhại. Thành ra lại ướt đẫm cả người. Tôi làm việc quần quật từ sáng sớm đến tận tối mịt, bị chủ nhà vắt sức lao động đến kiệt cùng. Giờ đến thở cũng chẳng thở ra hơi. Đã muộn lắm mà tôi cũng chưa màng tắm rửa, vùi đầu mà ăn cho hết bát mỳ vừa cay vừa nóng. Có lắm lúc, tôi tự cảm thương cho thân phận mình, khi ăn cũng không lấy gì làm vui vẻ. Khóc lóc, suy sụp. Khóc xong rồi dùng gấu áo lau khô. Lau khô rồi lại tuôn trào nước mắt. Một vòng luẩn quẩn cứ lặp đi, lặp lại. Cứ như thể địa ngục trần gian thôi. Sau khi đã ăn ngấu nghiến coi như lấp đầy cái bụng phẳng lỳ gầy trơ xương thịt. Tôi bước vào nhà tắm. Lại cởi áo ngoài ra. Trời ơi, thân thể thâm bầm như một tội nhân thiên cổ. Các vết thương có mới, có cũ, trông thảm thương vì thường chịu đựng roi vọt. Nhưng, cái đó chưa phải đau nhất. Năm năm rồi, tôi sống trên đất Ả Rập. Không tự do, cũng chẳng có bình quyền. Là một ôsin. Nhưng tôi bị giam cầm nuôi nhốt, bị hành hạ, chịu rẻ khinh. Ôi, nếu không đi sang nước ngoài lao động, tôi sẽ chẳng cơ cực như thế này, cũng sẽ chẳng gặp một đám người cư xử với tôi không bằng loài vật. Tôi đã trốn đi nhiều lần. Rồi lần nào cũng bị chúng bắt hết. Đã bị bắt rồi, thì tra tấn còn thảm khốc hơn xưa. Các bạn có biết gia đình Ả Rập này sợ nhất là điều gì không. Đó khi tôi được cầm trên tay chiếc điện thoại. Có thể là, chỉ khi tôi liên lạc thành công với Việt Nam, bên Đại Sứ quán, thì những hành vi tồi bại của chủ nhà mới bị đưa ra ngoài ánh sáng. Hứng chịu xét xử theo một cách công minh. Tôi cười khổ. Ngày ấy có đến không thì tôi chưa biết. Chỉ biết là, chúng đã tịch thu toàn bộ các thiết bị điện tử hòng tách biệt tôi khỏi thế giới bên ngoài. Sống mà như chết, như một âm hồn luôn luẩn quẩn trong bóng tối. Là như vậy. Tối đến, tôi giăng mùng trải chiếu, định ngả lưng một lúc thì nghe bên ngoài tiếng cánh cửa kẽo kẹt. He hé mắt, tôi thấy ông chủ người Ả Rập đang bước đi loạng quạng. Khi đã đến rất gần, người ông tỏa hơi men nồng nặc, kèm theo là mùi mồ hôi gây gây rất cay mũi. Đứng mấp mé một hồi, ông ngồi hẳn xuống chiếu. Một ông già bảy mươi nhìn người phụ nữ hai tám tuổi trong đau đáu, dù đã khép mắt lại nhưng tôi vẫn cảm nhận được nơi ông cái sự thèm khát vô cùng ti tiện, rồi một cảm giác kinh tởm đã lan rộng khắp các giác quan tôi. Để rồi khi cái bàn tay già nua nhăn nhúm mơn trớn cánh môi mình, tôi bất thình lình ngồi hẳn dậy, chửi ông ta bằng thứ tiếng Ả Rập nghe hơi trúc trắc: - Tránh xa tôi ra! Thứ đàn ông bệnh hoạn. Ông ta vẫn trơ lỳ, lao đến muốn ôm tôi. Nhưng bằng cái thể trạng già còm khô queo quắt, sức ông không địch lại một người giúp việc mấy năm trời sống khổ sai lao động. Tôi liều mình đẩy ông ta lăn ra ngã chúi. Xong, chạy vào nhà bếp khóa chặt cửa giả. Tôi leo lên thành bếp, ngồi co ro cúm rúm, gương mặt nhăn nhúm như chính cái giẻ lau bị vo viên bên cạnh. Mếu máo, mà tự nhiên nước mắt như đang chảy ngược, chẳng thể tuôn rơi lấy một giọt nào. Âu sầu một lúc, bỗng tôi nghe tiếng ình ình đập cửa, cùng với đó, tiếng quát tháo côn đồ của một người thanh niên tuổi trẻ xấc xược: - Mẹ con khốn, mày mở cửa, mở cửa ngay ra. Uất ức xen lẫn tủi nhục, tôi điên tiết rồi, đành gào lên đầy táo tợn: - Tôi không thể mở được. Hãy xem lại cách mà các người đối xử với tôi trong mấy năm vừa rồi. Đã quá mức chịu đựng! Thử hỏi, có mấy ô sin chịu được việc bị chủ nhà quấy rối hết lần này đến lần nọ. Mà không phải chỉ một người, già trẻ lớn bé trong nhà này, cứ hễ là giống đực thì đều nhìn tôi như sói đói, giống như bị tôi ếm bùa ếm bả. Tại sao một cô gái Việt Nam chất phác lại lâm vào tình cảnh như thế? Sợi dây oan nghiệt nào đã bó lấy tấm thân tôi, sao từ khi sinh ra đã mang thân phận má hồng. Sao không thể làm người đàn ông sức dài vai rộng, dù rằng cô thân cô thế, hay dẫu có bôn ba lặn lội nơi xứ người, đàn ông chẳng hề mảy may lo lắng người ta lạm dụng. Họ luôn tự tin đương đầu và chinh phục cả thế giới. Phụ nữ phương Tây đã chen vai cùng nam giới. Mà vòm trời Á Đông thì nữ suy nam thịnh. Hỏi liệu đến bao giờ, nữ giới mới được phóng thích.. người ơi? Có vẻ như câu trả lời từ tôi đã châm ngòi cho ngọn lửa sân si trong lòng Hassan thêm bùng cháy, anh ta tức quá, không chút niệm tình mà đạp cho tanh bành cánh cửa, bỏ mặc lời khuyên can của mẹ và hai người chị gái. Hassan hằn học: - Mẹ bỏ tay ra, con phải cho con Ali bài học nhớ đời. Mẹ có biết nó đẩy bố con ngã là tội nặng cỡ nào không? Đến khi cửa bung chốt bật, tôi bần thần nhìn gã đó nhảy bổ vào bên trong. Máu Hassan dồn cả lên mặt, bộ râu xồm xoàm khiến anh ta dữ dằn như con quỷ dạ xoa. Nội tâm tôi cuống cuồng nhưng tay chân thì như đông đặc. Y như một pho tượng và không thể nào nhúc nhích. Trong một giây phút, nỗi sợ hãi như ăn mòn xương tủy. Thì ra, tôi sợ Hassan hơn sợ bố anh ta rất nhiều lần. Tôi thấy người thanh niên quay ngược lại và khóa trái cửa. Tôi cũng nghe loáng thoáng tiếng Habib thét lên bên ngoài: - Anh, đừng đối xử với Ali như vậy. Em xin anh mà, hức hức.. Habib à, cậu đã khóc vì tôi sao? Vẫn còn.. còn có người quan tâm tới một giúp việc hèn mọn. Rồi da đầu chợt căng tức, là vì Hassan đã túm tóc tôi và giật ngược. Người tôi chới với, rơi xuống nền đất, lưng chạm sàn nhà. Tôi sợ sệt đón lấy ánh nhìn man rợ của Hassan. Tay người thanh niên cứng như gang thép. Lúc đầu anh ta bóp cổ, tát tôi lia lịa. Hassan luôn miệng chửi: - Ali, tao cho mày chết.. Sau đó thì.. chuyện gì đến cũng đến. Tôi nghĩ là mình đã bị lôi xềnh xệch xuống nhà kho u ám. Hai mắt nhắm nghiền không thể mở, mặt mày sưng húp. Hassan nhốt tôi trong đấy. Một nơi không ánh sáng, cũng không ai cho ăn uống gì. Và dường như.. tôi cũng định chết thật. Để giải thoát cho kiếp người ngắn hạn nhiều ưu bi, khổ não. Đời này tôi đã vì đồng tiền mà khổ sở, trở thành một nô lệ, là món đồ chơi trong tay những người đàn ông Ả Rập Saudi này. Tôi nhớ thương ba mẹ, nhớ con thơ bé bỏng, nhớ người chồng son sớm mất. Nhớ những bữa cơm quây quần, khi cả nhà sum vầy cùng trao nhau những ly rượu gạo thơm nồng nửa cay nửa ngọt. Nhớ lắm! Cũng đêm ấy, có tiếng bước chân nhè nhẹ. Hình như, có một người nâng thân thể bầm dập của tôi lên. Bằng âm thanh dìu dặt mà sang trọng, Habib khẽ thầm thì: - Chị Ali, em sợ, thật tình em sợ lắm! Anh Hassan đã giấu chìa khóa đi rất kĩ, dường như anh ấy biết là em nhất định sẽ tìm ra. Em sẽ phải tìm ra và cứu chị. Nhưng hình như.. đã.. muộn.. Hơi thở Habib trở nên dồn dập, một cậu bé mới mười bốn tuổi, sao tôi dám trông chờ ở cậu điều gì xa xôi hơn chứ? - Em biết không.. Tôi nói trong sự nặng nhọc, như đã dùng hết sức bình sinh của cả cuộc đời. - Habib, chị đã trông chờ vào phép màu của số phận. Nhưng đã không có. Như em thấy, trong ngôi nhà này ngoài em ra không một ai thương chị. Chị cũng thèm thuồng tình cảm, chị cũng thiếu thốn yêu thương.. - Chị đừng nói nữa, em xin chị.. Nước mắt của Habib nhỏ giọt xuống mi tôi, cậu dùng bàn tay thon dài lau đi dấu máu từ đôi môi cứ tuôn ra không ngừng nghỉ. Chỉ cần nói chuyện là máu lại trào ra, tôi nghĩ răng mình đã hư hoại sau những cú đánh xối xả như vũ bão của Hassan rồi. - Mai là ngày 5 tháng 5 Âm lịch. Ở quê hương Việt Nam của chị người ta sẽ mừng tết Đoan Ngọ bằng các trái cây và những món ăn lạ lùng. Đặc biệt, chị thèm nhất là chè.. chè.. Âm thanh của tôi gián đoạn. Bàn tay đang nắm tay Habib trở nên quá mức rời rã. Tôi như thấy trước mắt mình là mâm cơm giản dị mà mẹ tự tay nấu mỗi dịp tết Đoan Ngọ.. Là chè trôi nước nhân đậu xanh, với nước cốt dừa thơm thơm ngọt ngọt.. Tôi như trở về tết Đoan Ngọ cuối cùng bên người chồng quá cố, khi anh múc cho tôi chén chè hoa cau thật đầy đặn. Nhìn tôi âu yếm, chồng cười bảo: - Chè đầy chưa Thanh? Sau này chắc sẽ chẳng ai chiều em như anh thế này. - Chị Ali! Habib khẽ gọi tên tôi, nhưng âm thanh ấy ngày càng xa và dần dà chìm nghỉm. Tôi mỉm cười nhẹ nhõm.. Hồn này, đành gửi vào hư không.
Không biết như thế nào nhưng Dana cảm nhận một nguồn năng lượng mới trong câu chuyện lần này của Soái. Một câu chuyện khá buồn Soái nhỉ, thương cô gái quá nhưng thật may vì cuối cùng cô ấy cũng được giải thoát. Ít ra thì, cô ấy sẽ vui khi biết bản thân sắp gặp lại người chồng luôn hết mực yêu thương mình.
Cảm ơn Dana vì đã đọc và cho mình biết cảm nhận. Đôi khi có những nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai nên đành gửi gắm vào con chữ, ít ra sẽ có một hai người cùng mình cảm nhận dù là niềm vui hay nỗi buồn. Như mình thì thật sự khâm phục Dana, vì những câu chuyện của bạn thật hay, lại cũng luôn kiên trì hoàn thành tác phẩm. Thật sự rất quý những tác giả luôn rót mật vào đời, dùng tâm huyết để gửi gắm toàn bộ bút pháp tinh hoa, sáng tạo không ngừng nghỉ, những mong thổi làn gió mới vào tâm hồn bạn đọc. Là một độc giả, mình luôn gặm nhấm từng chữ để thăng hoa từng tầng cảm xúc, đã qua cái thời chỉ đọc qua loa, đọc xong còn chưa hiểu hết giá trị gì đã nhảy sang truyện khác. Và như thế là mình đã cô phụ tấm lòng tác giả. Mình không muốn như vậy chút nào. Một lần nữa, cảm ơn Dana yêu quý. Nếu ngày nào Soái còn ngụ ở đây thì sẽ luôn ủng hộ nàng. Chắc chắn!
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã hoàn thành tuần thi thứ 11-12, dù không đạt giải cao nhất, nhưng Ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục theo dõi và đạt giải cao trong những tuần thi sau. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: "Bạn dự thi thêm tác phẩm thứ hai thì tôi rất là mừng. Tuy nhiên, tác phẩm này lại hợp vào chủ đề:" "Phận lao động nơi xứ người" "bạn ạ. Chúng ta đang viết về Tết Đoan Ngọ mà. Câu chuyện của bạn không lấy đề tài Tết Đoan Ngọ làm chủ chốt, nó chỉ được nói thoáng qua vào khúc cuối. Và như vậy là chưa đáp ứng vào đúng đề tài nha bạn. Xem như bạn hơi lạc đề, tôi sẽ chia sẻ ít quan điểm về nội dung hiện tại. Thứ nhất: Mặc dù không biết câu chuyện này là có thật hay bạn tưởng tượng ra. Tuy nhiên, nếu trong một bài thi, việc bạn đưa ra một tác phẩm tiêu cực về một quốc gia cụ thể nào đó là không nên. Ngay cả khi viết báo, người ta cũng còn giấu tên nhân vật. Có rất nhiều cách để xây dựng đề tài viết truyện nhưng mình cần nhận định rõ vấn đề mình phải viết, để xem nó có phù hợp hay không. Hiện tại, hợp tác lao động ở các nước UAE là miền đất hứa như môi giới quảng cáo. Tuy nhiên, sự thật đắng cay còn nằm ở phía sau. Việc vạch trần một điều gì đó không phải đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Ở đây là bạn nói về nước ngoài chứ nếu nói về nước mình, liệu bạn có dám đưa vào văn chương? Tôi không phủ nhận ý tưởng trong câu chuyện của bạn. Chỉ là bạn nên cân nhắc nơi mình sẽ đăng tải câu chuyện. Thứ hai: Phần nội dung truyện, bạn phản ánh đời sống nhân vật Tôi rất đáng thương. Tuy nhiên, đoạn kết của bạn còn bỏ ngỏ. Đó chưa gọi là cái kết thúc mở đâu bạn. Một câu chuyện mà chính bạn đã dùng ngôi thứ nhất để kể (Tôi) tại sao lại để cái cái dang dở thế này? Rốt cuộc số phân nhân vật Tôi ra sao? Nếu bạn không kể rõ thì làm sao bạn trần thuật được câu chuyện cho độc giả xem. Bạn thấy vô lý không? " "Habib khẽ gọi tên tôi, nhưng âm thanh ấy ngày càng xa và dần dà chìm nghỉm. Tôi mỉm cười nhẹ nhõm.. Hồn này, đành gửi vào hư không." " Giả sử bạn chọn ngôi thứ ba kể chuyện thì xem như vẫn chấp nhận được. Vì bạn đang kể về cuộc đời của người khác. Họ không thể làm gì khác ngoài sự bất lực và" "Hồn này, đành gửi vào hư không." " Việc chọn ngôi kể rất quan trọng. Nó có ưu nhược điểm riêng, quan trọng là cách bạn dẫn dắt. Dù thế nào, tôi vẫn thấy câu chuyện chưa truyền tải thông điệp hay ý nghĩa gì cả. Một là bạn xây dựng nhân vật có ý chí mạnh mẽ, quyết tâm quay về quê hương. Hai là tình người nơi đất khách. Như cậu bé Habib, chỉ thương nhân vật Tôi là chưa đủ. Bạn phải biết cách khắc họa nhân vật nhỏ này để xoay chuyển bước ngoặt cuộc đời nhân vật Tôi. Đâu thể cả hai cứ ngồi ôm nhau khóc, than thở các kiểu là xong. Viết truyện là phải biết cách truyền tải thông điệp. Thông qua câu chuyện, người viết muốn đề cao cái gì, vạch trần cái gì của xã hội. Tôi nói đơn giản như tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa trong sách Ngữ Văn. Người đàn bà làng chài dù bị chồng bạo hành nhưng vẫn không bỏ chồng. Lý do thì chúng ta cũng có học rồi. Cái phận người phụ nữ từ xa xưa đã khổ cho đến cả thời hiện đại. Vậy khi cầm bút, đều mình muốn hướng tới là gì? Như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một câu chuyện hiện thực để mình nhìn rõ góc khuất của cuộc sống. Với câu chuyện bạn viết, vẫn là góc khuất cuộc sống cho một phận người. Tuy nhiên, nó chưa thâm thúy, chưa đủ sâu cay để cấu thành một truyện ngắn. Nó như một mảnh ghép còn dang dở, đọc xong là cảm nhận sự bỏ ngỏ chưa hồi kết bạn ạ. Nếu có thể cho bạn lời khuyên, tôi nghĩ tác phẩm này bạn cứ giữ nguyên hoàn cảnh là đang lao động ở nước ngoài. Bạn chỉ cần tạo thêm các nhân vật cùng cảnh ngộ với nhân vật Tôi, mọi người nhân ngày lễ chủ đi vắng nên gom với nhau lại, làm Tết Đoan Ngọ. Như thế vừa đáp ứng chủ đề, vừa đề cao tình đồng hương, tình yêu quê hương đất nước nơi đất khách. Ý tưởng là vậy, bạn cứ nghiên cứu thêm nha. Chúc bạn thành công^^ Giám khảo 2: Khía cạnh khai thác chủ đề của bạn khiến tôi hơi bất ngờ, khá đáng tiếc rằng sự chuyển tiếp giữa phần đầu và phần sau của câu chuyện chưa mượt mà. Cách bạn vận dụng từ ngữ trong những đoạn suy nghĩ nội tâm của nhân vật không được tự nhiên. Một cô gái bị cầm tù, tra tấn, bóc lột suốt năm năm ở xứ người, vào những giây phút yếu lòng thương thân trách phận còn có tâm trí liên tưởng đến bình đẳng giới, nữ quyền ở phương Tây hưng thịnh mà phương Đông suy vong ư? Bạn dùng các từ ngữ" tội nhân thiên cổ "," thân phận má hồng "," cô thân cô thế".. trong luồng suy nghĩ của nhân vật truyện có bối cảnh hiện đại tạo cảm giác văn vẻ quá mức cần thiết. Cô gái trong câu chuyện được miêu tả là một người phụ nữ bình thường nhưng cách cô ấy đối thoại hay suy tư lại không phù hợp với hình tượng nhân vật đã được xây dựng. Giám khảo 3: Tuy truyện không quá làm nổi bật về tinh thần ngày Tết Đoan Ngọ nhưng mình cực ký thích tính sáng tạo và lối kể chuyện của bạn. Cách bạn sử dụng phép so sánh giữa phụ nữ Á Đông và phụ nữ phương Tây làm mình khá ấn tượng, và có thể nói truyện này có một hai tình tiết khá đắt giá