NLVH: Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi TÚC ANH, 14 Tháng năm 2020.

  1. TÚC ANH

    Bài viết:
    10

    Đề bài


    "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy" (Phạm Văn Đồng) .

    Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ vấn đề.

    Hướng dẫn:


    a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến.

    b) Thân bài

    * Giải thích ý kiến:

    - Thơ là cái nhụy của cuộc sống: Có thể hình dung nếu như cuộc sống là một đóa hoa thì thơ ca chính là cái nhuỵ của bông hoa ấy. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm. Thơ ca cũng là tấm gương phản chiếu đời sống.

    - Nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy: Những sự việc trong đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Nhà thơ phải có nhiệm vụ chưng cất vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ ấy tạo thành "tinh chất" nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn nơi người đọc.

    - Nhà thơ phảiphấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy: Thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc hiện thực mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ và sự sáng tạo của thi nhân để thành thơ. Tác phẩm thơ mang dấu ấn riêng của cá nhân nhà thơ, không trộn lẫn.

    - > Nhận định của ông Phạm Văn Đồng: Nhấn mạnh vẻ đẹp của thơ ca là kết tinh vẻ đẹp của cuộc đời và đề cao sự sáng tạo của cá nhân của người nghệ sĩ.

    * Bàn luận ý kiến.

    - Thơ phải xuất phát từ đời sống:

    + Cuộc sống là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú, là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật.

    + Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình.

    + Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát li thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời.

    - Thơ ca phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ và sự sáng tạo của thi nhân để thành thơ:

    + Người nghệ sĩ nhào nặn chất liệu hiện thực bằng đôi tay và cảm quan thẩm mĩ của riêng mình.

    + Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa.

    + Những sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật.

    + Thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc hiện thực mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ.

    + Nhà thơ là người lao động công phu khó nhọc để nhào nặn nguyên liệu thô của đời sống thành những giọt mật thơm dâng tặng cho đời. Thơ trước tiên phải là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là tâm hồn, là trí tuệ là tình yêu và lòng căm thù, nụ cười và nước mắt đắng cay.. Tiếng lòng ấy là sự va chạm của tâm hồn, trí tuệ người nghệ sĩ với cuộc đời, là những trải nghiệm thấm thía và sâu sắc, là những khát khao đau đáu một đời của người nghệ sĩ.

    - Tác phẩm thơ mang dấu ấn riêng của cá nhân nhà thơ, không trộn lẫn:

    + Hiện thực cuộc sống khi được lọc qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ phải có một hình sắc riêng, ấn tượng riêng. Càng độc đáo càng hay.

    + Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Vì vậy, thơ ca đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ..

    * Làm sáng tỏ qua một số tác phẩm thơ:

    Yêu cầu:

    - Bằng trải nghiệm văn học: Thí sinh lựa chọn được những bài thơ tiêu biểu (trong hoặc ngoài chương trình) để phân tích làm sáng rõ nhận định.

    - Đủ số lượng: Thí sinh chọn ít nhất 02 tác phẩm thơ.

    - Trong quá trình phân tích, chứng minh; thí sinh cần bám vào vấn đề nghị luận; viết đúng, trúng và làm nổi bật được 03 vấn đề:

    +Thơ phải xuất phát từ đời sống

    + Thơ ca phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ và sự sáng tạo của thi nhân để thành thơ:

    + Tác phẩm thơ mang dấu ấn riêng của cá nhân nhà thơ, không trộn lẫn:

    * Đánh giá, mở rộng.

    - Thơ phải xuất phát từ đời sống và những vấn đề thuộc về đời sống cần được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ và sự sáng tạo của thi nhân để thành thơ. Điều này có ý nghĩa, khơi dậy được những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người, hướng họ đến những giá trị nhân bản cao đẹp.

    - Tác phẩm thơ muốn tồn tại lâu bền trong lòng độc giả thì nó đòi hỏi phải được thai nghén từ dụng công nghệ thuật, trí tuệ, tâm huyết và sự sáng tạo riêng của người cầm bút.

    - Bài học với người sáng tác và người tiếp nhận văn học:

    + Nhà thơ: Khi sáng tác phải xuất phát từ những rung động bằng cả tâm hồn và trái tim mình trước cuộc sống để "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" với đạo đức nghề nghề nghiệp chân chính.

    + Người đọc: Phải đồng sáng tác cùng tác giả; đến với thơ bằng cả tấm lòng đồng cảm, chia sẻ và sống hết mình với tác phẩm nghệ thuật.

    c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại, nâng cao vấn đề.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng một 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...