Chất nhân văn trong truyện ngắn a.p.chekhov

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Kim Phi98, 13 Tháng bảy 2021.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    CHẤT NHÂN VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN A. P. CHEKHOV

    I. KHÁI QUÁT CHUNG

    1.1. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của A. P. Chekhov

    Anton Pavlovich Chekhov (1860 – 1904) là nhà văn nổi tiếng người Nga có ảnh hưởng đến thế giới ở thể loại truyện ngắn. Ông sinh ra trong gia đình thương nhân có nguồn gốc nông nô tại thành phố Taganrog. Sau khi tốt nghiệp trung học Taganrog, Chekhov vào học ngành Y ở Đại học Tổng hợp Moskva.

    Khoảng thời gian học đại học, Chekhov tham gia viết các tiểu phẩm hài để kiếm thêm thu nhập. Vào thập niên 1880, các truyện ngắn của Chekhov bắt đầu xuất hiện trên báo chí (chủ yếu là các báo trào phúng), sau đó được xuất bản thành các tập truyện ngắn đầu tiên. Ngay lập tức, Chekhov trở thành hiện tượng mới của văn học Nga, và được trao giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật. Tốt nghiệp đại học năm 1884, Chekhov bắt đầu hành nghề y nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Đến năm 1887, văn tài Chekhov đã được biết đến rộng rãi, và việc sáng tác chiếm phần lớn thời gian của ông. Ông bắt đầu thực hiện những chuyến đi để thâm nhập đời sống con người, đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng để sáng tác. Đây cũng là điểm mốc đánh dấu bước chuyển của Chekhov từ phong cách viết khôi hài sang những truyện ngắn có chủ đề nghiêm túc, văn phong chững chạc hơn. Đặc biệt, ông đã thể hiện cách nhìn đa chiều về xã hội nước Nga cuối thế kỷ XIX, từ thân phận người nông dân, người trí thức, tư thương đến giới giáo sĩ, phụ nữ, trẻ em.. đều được ông đặt trong các bối cảnh có tính phổ cập và bất biến của thời gian. Năm 1890, Chekhov đến Sakhalin tìm hiểu chế độ nhà tù. Ông viết tác phẩm Quần đảo Sakhalin. Sau đó ông tiếp tục cho xuất bản các truyện ngắn đặc sắc như Ionych, Người trong bao, Tu sĩ mặc đồ đen, Người đàn bà và con chó nhỏ.. Năm 1892, Chekhov viết vở kịch lớn đầu tiên Chim hải âu, nhưng không được quan tâm ở nhà hát Alexandriisky (St. Petersburg). Đến năm 1898, vở kịch này được Nhà hát Nghệ thuật Moskva công diễn. Thành công của vỡ kịch đã mở ra con đường sáng tác kịch – bên cạnh sở trường viết truyện ngắn – cho Chekhov. Các vở Cậu Vania, Ba chị em, Vườn anh đào sau này đều giúp Chekhov gặt hái nhiều thành công. Sau thời gian chống chọi với bệnh lao, Chekhov qua đời vào năm 1904 tại khu nghỉ mát Badenweiler ở Đức, bỏ lại người vợ là Olga Knipper – nữ nghệ sĩ đã kết hôn với ông vào năm 1901, và truyện ngắn cuối cùng Vợ chưa cưới (1903).

    1.2. Quan niệm nghệ thuật của A. P. Chekhov về con người

    Quan niệm nghệ thuật về con người của một nhà văn là cách hiểu, cách nhìn cuộc đời, là nhân sinh quan của nhà văn đó trong sáng tác, là cách lĩnh hội, khám phá hiện thực bằng nghệ thuật. Do đó, quan niệm nghệ thuật về con người chi phối toàn bộ nghệ thuật của nhà văn và cũng chính là cơ sở để nhà văn xây dựng nhân vật. Đại văn hào L. Tônxtôi quan niệm: "Thực ra khi chúng ta đọc hoặc quan sát một tác phẩm nghệ thuật của một tác giả mới thì câu hỏi chủ yếu nảy sinh trong lòng chúng ta bao giờ cũng là như sau: Nào, anh là con người như thế nào đây? Anh có gì khác với tất cả những người mà tôi đã biết, và anh có thể nói cho tôi một điều gì mới về việc cần phải nhìn cuộc sống của chúng ta như thế nào? Nếu như đó là một nhà văn cũ đã quen thuộc thì câu hỏi không phải là" anh là người như thế nào? "Mà sẽ là: Nào, anh có thể cho tôi biết thêm một điều gì mới? Bây giờ anh sẽ lý giải cuộc sống cho tôi từ khía cạnh nào?", Turghênep đánh giá tài năng của người nghệ sĩ qua "tiếng nói riêng", "giọng nói riêng" của họ. Chekhov khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa sự độc đáo trong cách nhìn thế giới với cá tính sáng tạo của nhà văn: Sự độc đáo của tác giả không chỉ thể hiện trong phong cách, nó còn thể hiện trong cách tư duy, trong các quan điểm..

    Sự độc đáo trong cách nhìn thế giới và trong cách thể hiện thế giới của Chekhov tạo nên nhân vật trong sáng tác của Chekhov. Có thể khẳng định rằng điểm tựa, cái cốt lõi trong cách nhìn thế giới, cách nhìn con người của nhà văn là triết lý tương đối, khách quan, trung thực xuyên suốt toàn bộ sáng tác của ông. Chekhov luôn cho rằng bản chất con người là không hoàn thiện nên ông có cái nhìn toàn diện đối với các nhân vật. Ở họ có cả cái tốt và cái xấu, cả ưu điểm và những khuyết điểm, cả cái cao thượng và cái thấp hèn, cả cái đáng trân trọng và cái đáng lên án.

    Ngoài đời, Chekhov thể hiện quan niệm của mình về con người qua thư từ, ghi chép. Cái mà Chekhov quan tâm trước tiên ấy là nhân phẩm. Trong thư trả lời cậu em tên là Misa, Chekhov đã viết rạch ròi: ".. Nét chữ của em khá đẹp, trong cả bức thư anh không thấy một lỗi ngữ pháp nhỏ nào. Chỉ có một điều anh không vừa ý: Việc gì em phải tôn sùng một người khác bằng cách tự gọi mình là kẻ hèn mọn, không đáng để ý đến. Em thấy mình hèn mọn ư? Không, Misa ạ, giữa mọi người cần phải ý thức được nhân phẩm của mình. Vì em đâu phải là kẻ bạc giả, em là một người trung thực. Vậy thì em hãy biết tôn trọng con người trung thực dù là nhỏ bé trong em, em hãy biết rằng con người nhỏ bé trung thực không phải là người hèn mọn".

    Chekhov cũng đề xuất ra những chuẩn mực rõ ràng cho hình mẫu có văn hóa, con người được gọi là có giáo dục. Trong thư gửi Nikôlai, một người em khác Chekhov đã viết: "Những người có giáo dục biết tôn trọng nhân cách và bởi vậy bao giờ họ cũng độ lượng, mềm mỏng, lịch sự và biết nhường nhịn.. Họ không bao giờ nổi đóa lên vì ăn phải một bát xúp cho muối quá tay, hay vì một cục tẩy bị rơi mất.. Họ không chỉ biết thương những người ăn mày và những chú mèo con. Họ biết đau đến cả những điều mắt thường không trông thấy.. Họ không nói dối ngay cả trong những chuyện tầm phào vặt vãnh. Dối trá là xúc phạm người nghe và ti tiện hóa người nói.. Họ không tự hạ mình để gợi lòng thương hại ở kẻ khác.."

    Chekhov luôn ước ao về một cuộc sống trong sạch và cao cả, bước vào đời, Chekhov gặp ngay những nghịch cảnh ghê gớm. Ông phải đối mặt với một thể chế hết sức tàn bạo, hà khắc, một thể chế vùi dập mọi cái đẹp của thiên nhiên và lòng người. Một nỗi buồn man mác, tiếc cho những gì cao đẹp, những gì tràn đầy sức sáng tạo đang bị rơi rụng, dập vùi thấm sâu vào nhiều tác phẩm của Chekhov.

    Tất cả những tác phẩm của A. P. Chekhov đều hướng đến tính nhân văn, thước đo giá trị của con người trong xã hội, đặc biệt là những con người nhỏ bé. Ông mô tả bi kịch của những người công chức nghèo bị vùi dập bởi cường quyền, bởi những hoàn cảnh phi nhân tính, bởi sức mạnh cái ác, bởi số phận nghiệt ngã của con người nhỏ bé đáng thương. Nhân vật trong tác phẩm là những con người nhỏ bé với những bi kịch tinh thần rất riêng. Nhưng Chekhov quan niệm: "Con người vốn cao đẹp nên con người không thể nhỏ bé" . Chekhov không miêu tả nhiều về đời sống, tư tưởng, tình cảm của con người nhỏ bé đáng thương, mà miêu tả những gì làm cho con người thành "nhỏ bé", ví dụ như nỗi sợ, thói hám hư danh, sự thỏa mãn hợm hĩnh. Những câu chuyện vừa bi vừa hài, vừa giận vừa thương nhằm thức tỉnh con người chống lại sự sợ hãi, sự rụt rè, sự mặc cảm thân phận, hướng đến những cái cao cả hơn trong cuộc sống.

    II. TÍNH NHÂN VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA A. P. CHEKHOV

    2.1. Luôn hướng về "con người nhỏ bé"

    2.1. 1. Nhân vật nhỏ bé về thân phận.

    Truyện ngắn của Chekhov có rất nhiều các kiểu loại nhân vật nhỏ bé khác nhau, kiểu nhân vật nhỏ bé về thân phận chiếm số lượng lớn được thể hiện ở một số truyện ngắn sau: Hai kẻ thù; Một chuyện đùa ; Vanka ; Chuyện đời vặt vãnh ; Quân ăn hại..

    Quân ăn hại kể về cuộc sống cùng quẫn của Zotov - một ông già nghèo 70 tuổi, sống cô đơn với một con chó già chột mắt, một con ngựa già yếu, còm cõi. Quan hệ giữa Zotov và hai con vật là quan hệ ngang bằng, thấu hiểu, thân thiết gắn bó, chứ không đối kháng như quan hệ người - vật trong "Răng con chó của nhà tư sản". Mối quan hệ này chi phối suy nghĩ, hành động của nhân vật. Ba nhân vật này (người, chó, ngựa) đều tiều tụy, xơ xác vì đói nghèo, rét mướt triền miên, nhưng không thể thiếu nhau. Cũng có lúc họ dằn vặt nhau, tất nhiên, chỉ Zotov dằn vặt, thậm chí hắt hủi hai con vật. Khổ quá, không có ăn cho mình, cho hai con vật, Zotov thường xuyên chửi bới số phận. Kiếp của lão là kiếp "đọa đầy", "kiếp chó má". Kiếp lão gắn chặt với kiếp hai con vật, cũng già nua, khốn khổ như lão. Chửi mình chán, lão quay ra chửi hai con vật. Thế nhưng, chúng không chịu rời lão. Chekhov đặt vào miệng Zotov những câu chửi con chó già Lyxka trụi lông, chột mắt và con ngựa già nhẫn nhục, xiêu vẹo. Song, trong lời mắng chửi ấy, lão đã gom cả mình vào. Thực ra, lão rất thương, rất gắn bó, rất vì chúng. Đây là lời lão mắng, đuổi hai con vật, khi không còn gì cho chúng ăn: "Chúng mày chẳng cho ông lấy một chút vui vẻ, lợi lộc gì, chỉ rặt buồn khổ, túng thiếu! Sao mãi chúng mày chẳng chết rấp đi cho rảnh, hả? Xéo ngay! Xéo ngay ra khỏi nhà tao! Cho khuất hẳn mắt tao đi! Tao không có bổn phận phải chứa những của khỉ ấy trong sân nhà tao! Cút!". Sau lời chửi, hai con vật nhẫn nhục, cúi đầu bước ra cổng và cứ đứng ở đó. Mắng chửi dữ tợn thế, nhưng chỉ ít phút sau, chính lão lại ra cổng, làm vẻ hung ác, quát chúng: "Kìa, sao cứ đứng đực ra đấy? Đợi ai? Cứ nghênh ngang giữa đường, không cho người ta đi phỏng? Vào sân ngay!". Sự hiểu biết, nhẫn nhục, biết nghe lời của hai con vật là biểu hiện của sự gắn bó, đồng cảm giữa người và vật trong cảnh khốn khó, nghèo hèn. Hai con vật càng lầm lũi bao nhiêu, Zotov càng quát mắng bao nhiêu, cái khổ, cái tội nghiệp càng tăng lên bấy nhiêu, lòng thương chúng của Zotov càng sâu sắc bấy nhiêu. Quân ăn hại là một câu chuyện thương tâm về những con người nhỏ bé. Zotov là một tiểu chủ nhưng đó chỉ là hư danh còn bản thân cuộc sống của lão lúc nào cũng đói khổ, Zotov lúc nào cũng dằn vặt nuôi hay không nuôi con ngựa và con chó trung thành của lão. Nuôi nó thì lấy đâu ra thóc vì nuôi lão còn khó mà giết nó thì không đành. Cuối cùng lão tiểu chủ nhỏ ấy đã đi đến quyết định dứt khoát là đưa cho người khác giết chúng.

    Truyện ngắn Vanka là câu chuyện xúc động về cậu bé Vanka. Vanka mồ côi cha mẹ, ở với người ông Konxtantin Makarứts. Trước đây cậu bé sống cùng với mẹ, mẹ cậu làm hầu phòng cho bà chủ trong trang ấp. Sau khi mẹ cậu qua đời, người ta cho cậu bé mồ côi Vanka vào làm ở nhà bếp của những người hầu cùng chỗ ông Konxtantin Makarứts, rồi từ đấy lại gửi lên Maxcơva ở với ông thợ giầy Aliakhin. Tuổi thơ của Vanka đã bất hạnh khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến khi đến ở nhà thợ giầy – người chủ mới của Vanka - thì tuổi thơ của cậu bé lại càng bất hạnh hơn. Vợ chồng thợ giầy Aliakhin đối xử với Vanka thật tệ bạc. Vanka không thể chịu đựng nổi cách đối xử đó nên cậu bé đã viết thư cầu cứu ông Konxtantin Makarứts hãy đến đem cậu về sống với ông như trước đây. Trong thư viết gửi ông của mình, cậu bé Vanka kể cho ông nghe về hoàn cảnh của mình hiện tại: Cậu bị vợ chồng chủ đánh đập tàn nhẫn, ăn uống thì kham khổ, mọi người làm trong nhà thì lại trêu cười cậu. Trong thư cậu cũng có nói thêm cho ông biết về những điều cậu thấy được ở Maxcơva và hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông cùng với những người trong nhà chủ trước đây mà cậu quen biết. Viết xong bức thư Vanka vội vàng cho lá thư vào phong bì và chạy ngay đến thùng thư, bỏ thư vào thùng xong cậu quay về và "mơ theo những hi vọng ngọt ngào.. cậu nằm mê thấy cái bếp lò. Ông ngồi trên bệ bếp, đôi chân trần buông thõng, và đọc thư cho mấy bà đầu bếp nghe.. Con Viun quẩn quanh bên cạnh và ve vẩy cái đuôi". Ước mơ, hi vọng ngọt ngào là thế nhưng giấc mơ ấy biết đến khi nào mới trở thành hiện thực? Có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực vì bức thư mà Vanka gửi đi sẽ không đến tay ông mình bởi địa chỉ của bức thư mà cậu đã ghi trên phong bì là: "Gửi ông ở nhà quê, ông Konxtantin Makarứts", với địa chỉ ấy thì những người đưa thư không tài nào đưa bức thư đến cho ông của Vanka được. Thật đáng thương cho hoàn cảnh của cậu bé Vanka. Vanka xem bức thư cậu đã gửi như báu vật vì cậu đã gửi gắm vào trong đó thật nhiều hi vọng. Niềm hi vọng của cậu bé Vanka không trở thành hiện thực đồng nghĩa với cuộc sống của cậu càng ngày càng rơi vào bế tắc vì không có ai đến giải thoát cho cậu khỏi hoàn cảnh vất vả, tủi nhục như hiện tại và cậu thì lại không đủ sức để làm điều đó. Truyện ngắn Vanka không những thể hiện mảnh đời cậu bé bất hạnh Vanka mà thông qua đó, tác phẩm còn tố cáo gay gắt xã hội đày ải sự bất công, bất hạnh đến nỗi một cậu bé còn thơ dại đã là nạn nhân của cái xã hội ấy. Đồng thời tác phẩm còn nặng trĩu lòng thương cảm của tác giả - lòng thương cảm của một trái tim nhân hậu.

    2.1. 2. Nhân vật nhỏ bé về tâm lí

    *Nhân vật có tâm lí nô lệ trước quyền uy và sợ hãi cấp trên

    Khi Chekhov bước vào sáng tác văn học thì nước Nga đang chìm trong buổi hoàng hôn ảm đạm, Chekhov gọi đó là "thời buổi đau ốm". Cuộc sống nghẹt thở nặng nề bao trùm khắp nước Nga điều đó đã dẫn đến những sự chuyển biến rất lớn trong người dân Nga lúc bấy giờ đó chính là thói quỵ lụy trước quyền uy, chức tước; thói nô lệ đồng tiền, của cải; sự khuất phục hoàn cảnh, tâm lí bạc nhược, ngụy biện. Trước sự nhạy cảm của một nhà văn quan tâm đến những thay đổi lớn của đất nước, Chekhov đã cho ra đời những tác phẩm nói về vấn đề trên. Kiểu loại nhân vật nô lệ trước quyền uy, chức tước; cuộc sống tiểu tư sản tù túng, ngột ngạt và những tác hại của nó.

    Xoáy sâu vào chất bi hài thường trực của cuộc sống đời thường, Chekhov đã tái hiện một cách sinh động chân dung những "con người nhỏ bé" với diện mạo và nhân cách bị méo mó bởi những toan tính nhỏ nhặt, bởi tư tưởng cá nhân vị kỉ, sự đớn hèn và thói xu nịnh quỵ lụy. Truyện của ông là những truyện không có cốt truyện, ở đó mỗi nhân vật, mỗi hiện tượng sống, mỗi trạng thái cảm xúc.. dù được miêu tả nhiều hay ít, đậm hay nhạt.. đều có vị trí và giá trị như nhau. Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phẫu thuật, Chiếc mặt nạ.. và hàng loạt tác phẩm xuất sắc giai đoạn sau này đều được viết bằng lối viết khác thường như thế.

    Tác phẩm Anh béo và anh gầy là một bức biếm họa về hai con người do địa vị khác nhau mà có những cử chỉ, thái độ giọng nói khác nhau. Ngay ở nhan đề của tác phẩm, chúng ta cũng có thể nhận ra tấn bi hài kịch của truyện. Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của hai người bạn cùng học phổ thông lâu ngày gặp lại: Một anh béo và một anh gầy, cả hai người họ đều rất vui mừng: "cả hai đều ngạc nhiên một cách đầy thú vị" [7, 19] . Hai người bạn hỏi thăm nhau về chuyện gia đình, công việc. Anh gầy giới thiệu vợ con mình với anh béo và tự giới thiệu là mình đang chuyển công tác về vùng này để đảm nhiệm viên chức bậc bảy và sau hai năm là viên chức bậc tám. Sau khi nói về mình xong anh gầy hỏi lại anh béo về công việc và anh gầy đoán là bạn mình có lẽ đã là viên chức bậc năm. Nhưng khi anh béo cho biết mình hiện giờ đã là viên chức bậc ba thì thái độ của anh gầy thay đổi hẳn: "Anh gầy bỗng dưng tái mét mặt, ngây ra như phỗng đá, nhưng lát sau thì anh ta toét miệng cười, mặt mày nhăn nhúm; dường như mắt anh ta sáng hẳn lên. Toàn thân anh ta rúm ró, so vai rụt cổ khúm núm.. Cả mấy thứ vali, hộp, túi của anh ta như cũng co rúm lại, nhăn nhó.. Chiếc cằm dài của bà vợ như dài thêm ra; thằng Naphanain thì rụt chân vào và gài hết các cúc áo lại.." [7, 21] . Sự thay đổi thái độ của anh gầy làm cho bạn của anh ta hết sức ngạc nhiên, không chỉ vì sắc mặt của anh ta thay đổi mà cả cách nói chuyện cũng thay đổi so với lúc mới gặp. Lúc đầu khi mới gặp lại anh gầy vui vẻ, hồ hởi, cởi mở nói chuyện với anh béo bằng thái độ chân tình của hai người bạn nhớ nhau vì đã lâu không gặp bao nhiêu thì giờ đây anh gầy lại khúm núm, kính cẩn bấy nhiêu. Sự thay đổi thái độ của anh gầy đã nói lên rất nhiều về nhân cách của anh ta, đó là một người khiếp sợ trước quyền uy. Khi biết bạn mình bây giờ là viên chức bậc cao thì cách xưng hô của anh gầy với bạn mình khác hẳn, mỗi câu nói của anh gầy đối với anh béo đều kèm theo câu: "Dạ, bẩm quan..". Cách xưng hô của anh ta như vậy làm cho anh béo cảm thấy khó chịu, nhưng anh gầy không để tâm đến sự khó chịu của bạn vì lúc bấy giờ anh ta một mực nghĩ rằng mình với tư cách là một viên chức cấp thấp đang hầu chuyện viên chức cấp cao, chứ không còn nghĩ đây là một người bạn của mình nữa. Sự cung kính, thái độ lễ phép của anh gầy đối với anh béo làm cho ta liên tưởng đến một diễn viên hài trên sân khấu, anh ta thay đổi vai diễn của mình từ một người bạn đến một "kẻ bần dân", và sự thay đổi đó làm nhân cách của anh gầy bị biến dạng. Ở đây chúng ta có thể thấy được anh béo không hề yêu cầu anh gầy phải có thái độ nhã nhặn, kính cẩn đối với anh khi anh béo cho biết mình là quan chức bậc cao, chỉ có anh gầy từ đầu đến cuối quan tâm đến điều đó. Tâm lí khiếp sợ uy quyền, một trong những biểu hiện của tâm lí nô lệ làm cho nhân cách con người của anh gầy trở nên méo mó. Sự kính cẩn không cần thiết của anh gầy đối với người bạn từ thuở nhỏ của mình khi biết người bạn ấy bây giờ đã là quan cao làm cho anh ta càng nhỏ bé về nhân cách, và sự nhỏ bé ấy tỉ lệ nghịch với tâm lí nô lệ sẵn có trong con người anh ta. Mở đầu tác phẩm là sự gặp gỡ làm cho hai người bạn: "Cả hai đều kinh ngạc một cách đầy thú vị" [7, 19] và kết thúc tác phẩm là sự ngạc nhiên đầy thú vị của gia đình anh gầy về cuộc gặp gỡ với anh béo: "Cả ba đều sững sờ một cách đầy thú vị" [7, 22], chỉ cần thay đổi một từ: "Cả hai" thành "cả ba", Chekhov đã làm toát lên tư tưởng của tác phẩm và đã cho bạn đọc thấy được nguyên nhân khiến anh gầy trở nên nhỏ bé trong xã hội, đó là nỗi sợ trước quyền uy và chức tước.

    Nhà văn còn hé mở một nhân vật đáng thương nữa trong kiểu nhân vật sợ quyền uy, chức tước – nhân vật Tsêrviakốp trong Cái chết của một viên chức. Tsêrviakốp sợ đến chết khi cái hắt hơi của mình vô tình làm phiền đến tướng Brigialốp đương nhiệm tại tổng cục đường sắt. Tsêrviakốp bứt rứt không yên khi xem kịch mà đầu chỉ suy nghĩ về chuyện đó. Xin lỗi ở nhà cảnh sát không đươc hắn liền đến nhà Brigialốp để xin lỗi. "Thành tâm" của Tsêrviakốp lúc đầu làm cho tướng Brigialốp ngạc nhiên sau rồi chuyển thành tức giận ngài tưởng Tsêrviakốp mỉa mai mình: "– Xéo ngay! Viên tướng giậm chân quát". Hai từ "xéo ngay" đã ngay lập tức có tác dụng với Tsêrviakốp: "Trong bụng Tsêrviakốp như có cái gì vừa đứt ra". Kết cục của truyện là hình ảnh Tsêrviakốp "Đi về như cái xác không hồn, y mặc nguyên bộ lễ phục, nằm xuống đi văng và.. tắt thở" . Chính tâm lí nô lệ, khuất phục trước uy quyền đã dẫn đến cái chết một cách rất hài của chính anh ta. Cái chết của Tsêrviakốp không được thông cảm mà còn đáng bị phê phán. Sự quỵ lụy, bạc nhược của một con người sợ hãi uy quyền, mà biểu hiện của uy quyền rất rõ trong tác phẩm đó là vị tướng Brigialốp, đã dẫn đến bi kịch của Tsêrviakốp. Có thể nói cái chết của Tsêrviakốp là tự anh ta "chuốc lấy", bằng những suy nghĩ của con người mà tâm lí nô lệ lấn át thì nhìn vào sự việc có thể nói là không có gì to tát lắm anh ta cũng làm cho nó phức tạp hẳn lên. Nếu như anh ta suy nghĩ thoáng hơn một chút, nói một cách cụ thể nếu như trong con người anh ta không có tâm lí khiếp sợ quyền uy thì sẽ không dẫn đến cái chết nhanh chóng như vậy. Ở đây, Chekhov đã rất tinh tế khi miêu tả về nguyên nhân cái chết của một con người, anh ta không thể vượt qua được nỗi sợ hãi xuất phát từ chính bản thân để rồi nó ám ảnh và dẫn đến cái chết, cái chết của Tsêrviakốp cho thấy tâm lí nô lệ đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giữa cái cao cả và cái thấp hèn trong con người của Tsêrviakốp.

    Trong lịch sử văn học Nga, khó có người nào dành toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình để khám phá, mổ xẻ những căn bệnh xã hội trong từng tế bào, từng phần tử nhỏ bé như Chekhov. Cuộc sống ngột ngạt bao trùm khắp nước Nga tạo ra tâm lí nô lệ, làm cho tâm hồn con người càng què quặt. Và cũng chính từ đây đẻ ra những quái thai của chế độ Nga hoàng, những tên lính ngoan ngoãn đứng gác cái nhà tù khổng lồ trong đó nhốt cả chúng như Ôtrumêlốp trong Con kì nhông, và đặc biệt hơn là Prisưbêep trong Lão quản Prisưbêep, ..

    * Nhân vật có tâm lí nô lệ trước danh vọng và đồng tiền

    Nhà văn lên án thói xấu tư bản đã "ăn" vào một số con người làm họ vì tiền mà đánh đổi tất cả thể hiện qua một số truyện ngắn sau:

    Mưa dầm đưa ta đến gặp trạng sư Kôvasin. Anh ta là người không yêu người vợ đã cưới của mình. Cái mà anh yêu đó là gia tài kếch xù mà cô được hưởng, còn với anh cô thật vô vị. Anh lừa dối vợ ăn chơi và cảm thấy chỉ làm dịu lòng khi gặp vợ cố gắng "khoa môi múa mép" là lấy lại được lòng tin của vợ và mẹ vợ ngay. Vị trạng sư này mặc nhiên sống giả dối và sung túc "được đấy! Tuy họ là dân buôn bán thôi, chẳng có học thức gì, nhưng dẫu sao họ cũng có nét để yêu riêng đấy chứ, kể một tuần xuống đây ở một hai ngày cũng thú.." [7, 58] . Anh ta kéo chăn đắp cho ấm và vừa thiêm thiếp ngủ vừa nói: "Được đấy". Nhân vật Kôvasin nhỏ bé bởi sự giả dối và tham tiền bạc, một con người không có nhân phẩm.

    Trong khe núi đưa ta đến gặp gia đình Sưbukin – sống giàu sang sung sướng trên sự lừa dối người lao động nghèo khổ: "Gơrigôri có một cửa hiệu nhỏ bán thực phẩm phụ nhưng đó chỉ là che mắt thiên hạ, còn trong công việc chính của ông ta là buôn bán rượu vốt ca, gia súc, lúa mì, lợn, gặp gì buôn lấy. Chẳng hạn, như ở nước ngoài người ta cần phải mua chim ác để làm mũ cho người phụ nữ thì ông ta kiếm được mỗi đôi chim ba hào, ông ta mua rừng để đốn gỗ, cho vay lấy lãi.." [7, 96] . Chính vợ ông đã nói: "tóm lại nhà ta sống như thương gia có điều nhà ta buồn lắm. Chúng ta xúc phạm đến họ nhiều lắm, trời ơi! Dù chúng ta đổi một con ngựa, mua một thứ gì đó hay thuê mượn người làm thì cũng đều là chuyện lừa dối cả thôi. Lừa dối và lừa dối.." [7, 98] .

    Ionứts – tên tác phẩm cũng chính là tên nhân vật chính trong truyện. Tác phẩm miêu tả một thanh niên yêu đời, muốn làm việc có ích cho xã hội – bác sĩ Xtarxép Đơmitơri Ionứts, nhưng do thiếu một thế giới quan tiến bộ, do ươn hèn, yếu đuối nên đã bị môi trường dung tục ở tỉnh nhỏ làm tha hóa. Chỉ sau bốn năm ở trong cái môi trường đó, anh ta đã trở thành một tên béo ị, mắt híp, ích kỷ, lạnh lùng, tham lam, chỉ lo lắng đến việc làm giàu, sống một cuộc đời tẻ nhạt, chán ngán. Thú vui của anh ta lúc bấy giờ là "tối nào cũng đánh bài rất say sưa đến chừng ba giờ đêm. Còn một thú vui nữa mà anh thấy quen dần ấy là cứ tối tối rút từ các túi ra các tờ giấy bạc kiếm được do đi khám bệnh". Ionứts ngày càng xa lạ với bản thân của mình trước đây. Chính sự tham lam, dục vọng làm giàu đã thay đổi con người anh ta. Ionứts – một lần nữa là hiện thân của kiểu người nô lệ tiền bạc, chính vì thói tham tiền bạc, của cải, muốn trở nên giàu có mà anh ta dần đánh mất bản thân mình. Chekhov còn tố cáo cả môi trường dung tục kia qua hình ảnh một gia đình được truyền tụng là "có văn hóa nhất" thành phố, nhưng thực chất chỉ là một gia đình tầm thường, có cuộc sống ăn không ngồi rồi, vô mục đích, bất biến trong vũng bùn tiểu tư sản – gia đình Turkin. Cuộc sống của gia đình Turkin nhìn bề ngoài thì thật là vui vẻ, hạnh phúc vì những buổi tiệc thường xuyên được tổ chức có sự tham gia của nhiều vị khách mời. Điều đặc biệt mà có lẽ mọi người dân trong tỉnh nhỏ và các vị khách mời nghĩ về gia đình Turkin đó là mỗi thành viên trong gia đình ông ta đều là nghệ sĩ nghiệp dư, vì đều có một năng khiếu nhất định. Ông Turkin có tài kể chuyện tiếu lâm, chơi chữ, ra những câu đố. Vợ của Turkin - bà Vêra Iôxipốpna có thể viết tiểu thuyết và thường đọc những sáng tác của bà cho các vị khách nghe vào những buổi họp mặt. Còn cô con gái của Turkin thì được xem là thiên tài trong lĩnh vực âm nhạc. Mọi người đều xem gia đình Turkin là "một gia đình có học thức và tài năng nhất". Nhưng đằng sau những gì được xem là một gia đình mẫu mực ấy thì thực chất là không có gì đáng để ca ngợi. Các thành viên trong gia đình cứ lặp đi lặp lại những điều mà mọi người cho là nét đặc biệt của họ vào những buổi họp mặt, và điều đó lâu dần không còn gây hứng thú cho các vị khách mời nữa mà càng ngày các vị khách càng cảm thấy nhàm chán. Gia đình Turkin là một điển hình tiêu biểu cho lối sống tiểu tư sản đơn điệu, vô công rỗi nghề, không có những việc làm thiết thực giúp ích cho xã hội, một lối sống vô vị đến nhạt nhẽo.

    Chúng ta có thể gặp nhân vật chính là nô lệ của đồng tiền, của cải vật chất trong những tác phẩm như: Đánh cược, Thủ đoạn, Vé trúng số.. Người đọc cảm thấy ghê tởm trước thói nô lệ mà các nhân vật này thể hiện. Lên án và muốn loại trừ thói xấu tư bản: Đưa đồng tiền là tất cả mục đích của Chekhov khi tạo kiểu nhân vật nhỏ bé này.

    2.1. 3 . Nhân vật có tâm lí bạc nhược và ngụy biện

    Trên thực tế xã hội Nga cuối thế kỉ XIX ngột ngạt, đau khổ đã đẻ ra những kiểu người chỉ quan tâm đến cuộc sống cá nhân, sống bàng quan vô trách nhiệm và tự họ đã đẩy cuộc đời mình đến những kết cục xấu. Qua những tác phẩm như: Phòng số 6, Người tu sĩ vận đồ đen, Điều bí ẩn .. cho thấy nghệ thuật viết truyện của Chekhov vượt xa những nhà văn đương thời ở cả Châu Âu. Chekhov đã bỏ lối giảng giải đạo đức mà đi sâu nghiên cứu các hiện tượng cuộc sống và phát hiện những nguyên nhân xã hội. Sau khi ở Xakhalin về, Chekhov đã có một cách nhìn nghiêm khắc hơn, một thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại. Bây giờ, trước mắt ông là cả nước Nga hiện ra như một nhà tù khổ sai khổng lồ, tối tăm, ngột ngạt. Với cảm giác như vậy, ông đã viết truyện Phòng số 6 , một trong những tác phẩm hay nhất và ảm đạm nhất của ông.

    Trong Phòng số 6, Bác sĩ Raghin là giám đốc một bệnh viện ở một thị trấn hẻo lánh đã hai mươi năm nay. Khi mới tới bệnh viện, ông đã thấy đây là một cơ quan vô đạo đức và phản vệ sinh, nhưng vì không có nghị lực và ý chí để đấu tranh chống lại những điều ác, ông đã để mặc cho người ta làm điều ác trong cái cơ quan ông phụ trách hết năm này sang năm khác. Còn ông thì suốt ngày chỉ ngồi trong phòng của mình mà đọc sách và nhắm rượu với dưa chuột muối. Ông đã dựng lên cả một lí luận nhằm biện hộ cho thái độ lãnh đạm, sự chây ì và sự thỏa hiệp, dung túng cái ác của mình. Raghin nói: "tư duy một cách tự do và sâu xa để thấu hiểu lẽ sống, và hoàn toàn coi khinh cảnh bon chen ngu xuẩn của thế gian – đó là hai nguồn hạnh phúc cao cả nhất mà con người từng biết. Và anh cũng có thể có được hai nguồn hạnh phúc đó, tuy anh sống sau ba dãy chấn song xưa kia Điôgien ở trong cái thùng ton-nô, ấy thế nhưng ông ta vẫn sung sướng hơn bất cứ bậc đế vương nào trên trái đất" [9, 454] . Theo Raghin, "có thể không cảm thấy lạnh, nói chung là không có một cảm giác đau đớn gì" [9, 461] ; ông còn khẳng định rằng "Cái đau chẳng qua là một biểu tượng mạnh về cái đau: Hãy dùng nghị lực cố thay đổi cái biểu tượng ấy đi, hãy gạt nó ra, đừng kêu than nữa, rồi cái đau sẽ mất" [9, 461] . Trong bệnh viện có một phòng nhốt những bệnh nhân điên gọi là phòng số 6. Đó là một cái nhà tù thật sự mà cai ngục là lão gác cổng Nikita, một con người cục cằn, thô bạo, chỉ động một tí là lão đã đấm đá bệnh nhân rất dã man. Cùng với bức tường đá của nhà tù ở gần đấy, phòng số 6 là tượng trưng cho bản chất nhà tù của xã hội đương thời. Trong phòng số 6 có một bệnh nhân tên là Grômốp, khoảng 33 tuổi, bị chứng bức hại cuồng - lúc nào cũng có cảm tưởng là mình sắp bị bắt bớ và tống giam. Grômốp là một con người rất nhạy cảm và có nhiều suy nghĩ. Cuộc sống đau khổ của cá nhân, ách áp bức xã hội và ý thức về tình trạng bất lực trong việc tự bảo vệ mình – bảo vệ nhân phẩm của con người trước sự đe dọa của những thế lực vô nhân đạo – là những nguyên nhân dẫn Grômốp tới bệnh hoạn. Tuy nhiên, trong những cuộc nói chuyện và tranh luận với Raghin, Grômốp nhiều lúc tỏ ra là người rất tỉnh táo. Anh rất căm phẫn trước việc anh và những người khác bị giam giữ trong phòng số 6, trong lúc những kẻ đi giam giữ về "tinh thần đạo đức còn thấp hơn bất cứ ai trong chúng tôi" Anh phản đối quan điểm của Raghin cho rằng mọi việc ở đời này đều là do sự may rủi, anh công kích lí lẽ biện hộ cho sự cần thiết phải có người ngồi tù một khi đã có những nhà tù mà Raghin dùng để bảo vệ cho cái trật tự hiện tại. Grômốp bực tức trước những lời an ủi nhẫn nhục chịu đựng của Raghin – "Giữa một căn phòng giấy ấm áp, thoải mái và cái phòng bệnh này chẳng có gì khác nhau hết. Sự thư thái và thỏa mãn của con người không ở bên ngoài, mà ở trong bản thân con người". Grômốp đã gọi cái triết lý lãnh đạm của Raghin là "thứ triết lý thích hợp nhất đối với một người ăn không ngồi rối ở cái xứ Nga-la-tư này" và nói thẳng cho Raghin biết rằng: "Ông coi khinh đau khổ, nhưng chắc hẳn nếu cánh cửa chẹt phải ngón tay ông, ông sẽ gào tướng lên cho mà xem" . Mặc dù quan điểm của Grômốp hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Raghin, nhưng vì sống đơn độc, xa rời cuộc sống, Raghin vẫn lui tới phòng số 6 để nói chuyện, chia sẻ ý nghĩ của mình với Grômốp. Mọi người bắt đầu nghi ngờ Raghin cũng hóa điên. Tên y sĩ đang muốn hất cẳng Raghin để chiếm lấy địa vị của ông, đã lợi dụng tình hình ấy và phao tin bác sĩ hóa điên và đã lừa ông để tống giam ông vào trong phòng số 6. Ở đây, thực tế khắc nghiệt đã bắt đầu mở mắt cho Raghin. Mới ngồi trong phòng số 6 có một tiếng đồng hồ mà Raghin đã thấy khó chịu vô cùng. Ông đập cửa, chửi rủa ầm ĩ, nhưng đã bị Nikita đấm vào mặt làm cho hộc máu mồm. Đến bây giờ Raghin mới nghĩ rằng tại sao lại có chuyện là trong hơn hai mươi năm trời ông không biết và không muốn biết tất cả những điều này. Đến bây giờ Raghin mới thấy rằng không thể nào lãnh đạm được nữa mà cần phải kiên quyết phản kháng cái chế độ nhà tù và những tên cai ngục, nhưng sức ông không còn nữa – ngày hôm sau ông đã chết.

    Tác phẩm Phòng số 6 của Chekhov đã làm chấn động dư luận cả xã hội Nga. Ý nghĩ của ông cho rằng nước Nga là một cái nhà tù lớn được các độc giả đương thời nhận ra ngay. Nhà văn Lexcôp, một người xa lạ với tư tưởng cách mạng, cũng đã hiểu rằng: Trong Phòng số 6, những trật tự và tính cách chung của chúng ta đã được miêu tả một cách thu nhỏ lại. Khắp nơi là phòng số 6. Đó là nước Nga. Lênin thời còn trẻ, khi đọc tác phẩm này đã có cảm giác khủng khiếp tựa như đang bị nhốt trong phòng số 6. Như vậy, ở trong cái nhà tù khổng lồ của nước Nga, hàng triệu người đang bị chết dần chết mòn chẳng khác gì những kẻ xấu số trong phòng số 6; nhưng cũng ở đây, vẫn còn tồn tại những kẻ như Raghin – những kẻ bàng quan vô trách nhiệm, những kẻ che đậy sự hèn nhát và biện hộ cho thái độ thủ tiêu đấu tranh của mình bằng các loại triết lí đạo đức nhẫn nhục, chịu đựng, "không dùng bạo lực để chống lại điều ác" . Qua cái chết thảm hại của bác sĩ Raghin, Chekhov đã vạch ra tiền đồ tối tăm của những kẻ lãnh đạm, sự phá sản của các loại triết lí nhẫn nhục và qua hình tượng Grômốp, ông đã nói lên sự bất lực của giới trí thức Nga trước hiện thực đen tối của xã hội. Những con người nhỏ bé do hoàn cảnh xã hội tạo nên.

    Truyện ngắn Nhà tu hành vận đồ đen nhân vật chính của câu chuyện là chàng trai Anđrây Vaxilích Kôrvin – một thạc sĩ trẻ tuổi. Vì anh ta làm việc quá căng thẳng, mệt mỏi nên theo lời khuyên của bác sĩ anh về thôn quê ở qua suốt mùa xuân, mùa hè. Anh về quê mình ba tuần, sau đó anh lên đường đến nhà cụ Pêxốtxki, một người làm vườn nổi tiếng của nước Nga, người trước đây đã từng đỡ đầu, dạy dỗ anh. Khi Kôrvin đến nơi thì bắt gặp cụ Pêxốtxki và Tanhia, con gái của cụ, đang lo lắng vì tối nay có sương mù sẽ gây ảnh hưởng xấu đến vườn cây ăn quả. Vì người trông vườn có việc đi vào thành phố nên tối nay hai bố con cụ Pêxốtxki sẽ thay nhau đi đảo qua khu vườn xem mọi việc có êm thấm không. Kôrvin ngồi với Tanhia suốt buổi tối và quá nửa đêm thì cùng cô đi vào trong vườn. Hai người đi cạnh bên nhau và cùng ôn lại chuyện trước kia khi Kôrvin còn ở đây. Cho là về thôn quê nghỉ ngơi nhưng Kôrvin vẫn tiếp tục nhịp sống căng thẳng và sôi nổi như ngoài thành phố, anh đọc và viết rất nhiều. Có một lần khi trò chuyện với Tanhia, Kôrvin đã kể cho cô nghe về huyền thoại nhà tu sĩ vận đồ đen. Mấu chốt câu chuyện mà anh muốn nói đến đó là trong tương lai nhà tu sĩ vận đồ đen sẽ lại xuất hiện và hiện ra cho tất cả mọi người cùng thấy. Kôrvin cũng rất háo hức, trông chờ để được gặp nhà tu sĩ vận đồ đen ấy. Tanhia chẳng có vẻ gì thích thú với câu chuyện huyền thoại mà Kôrvin kể. Nhưng đối với Kôrvin, câu chuyện ấy cứ ám ảnh anh ta và Kôrvin cũng không nhớ rõ anh đã nghe hay đọc được câu chuyện huyền thoại ấy ở đâu. Không chỉ ám ảnh bởi câu chuyện ấy mà Kôrvin còn thấy mình gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà tu hành vận đồ đen và anh ta cảm thấy hạnh phúc với những lần gặp gỡ vị tu sĩ đó. Kôrvin ngỏ lời với Tanhia, sau sự bối rối, ngượng ngùng thì cô đồng ý lời cầu hôn của anh. Những cuộc gặp gỡ giữa Kôrvin và vị tu sĩ vận đồ đen diễn ra ngày càng nhiều. Đó cũng chính là lúc căn bệnh của anh ngày một trầm trọng. Tanhia nhận ra điều ấy và hai bố con của cô đã đưa Kôrvin đi chạy chữa. Sau một thời gian chạy chữa bệnh tình của Kôrvin có khá hơn, bác sĩ khuyên anh về ở thôn quê. Thời gian này Kôrvin không còn nhìn thấy vị tu hành vận đồ đen nữa. Về ở nhà bố vợ anh được hai bố con Tanhia chăm sóc tận tình, chu đáo nhưng tính tình của anh ta lại thay đổi, không giống như trước đây, hay cáu giận một cách thất thường. Kôrvin tỏ thái độ không hài lòng với bố vợ mặc dù ông không có làm điều gì lầm lỗi và càng ngày anh ta càng chán ghét ông cụ. Mối quan hệ của hai người dần trở nên xấu đi, điều này làm cho Tanhia rất đau khổ. Không thể cứu vãn được hạnh phúc gia đình khi Kôrvin ngày càng trái tính trái nết, Tanhia đã li dị với anh và trở về sống với bố. Một thời gian sau Kôrvin chính thức được nhận làm giảng viên và anh sống với Vácvara Nhikôlaiépna, người vợ mới của anh ta. Kôrvin không thể lên bục giảng được vì anh ta bị bệnh ho ra máu. Kôrvin được vợ đưa đến Krưm để dưỡng bệnh. Cũng trong thời gian này anh nhận được thư của Tanhia báo tin là bố cô đã chết và người gây ra cái chết cho bố cô không ai khác ngoài Kôrvin, Tanhia nói thêm rằng cô hận Kôrvin đến tận xương tủy và anh ta chỉ là một kẻ điên rồ. Kôrvin không đọc hết bức thư mà xé nó đi và lòng anh hiện lên một nỗi sợ hãi. Kết thúc tác phẩm là cái chết của Kôrvin, khi ngã xuống anh còn tuyệt vọng gọi tên Tanhia. Trước lúc chết anh lại thấy vị tu hành vận đồ đen xuất hiện nói chuyện cùng anh, vị tu sĩ ấy nói rằng "anh là một thiên tài, anh đang hấp hối vì cơ thể yếu ớt của con người anh đã mất cân bằng và không thể tiếp tục làm phần vật chất để chứa đựng thiên tài của anh nữa" . Và khi chết trên gương mặt của Kôrvin còn đọng lại một nụ cười chứa chan hạnh phúc. Chính xã hội Nga tù túng, ngột ngạt và thái độ bàng quan trước cuộc sống, thói hám hư danh đã khiến Kôrvin trở nên nhỏ bé.

    Nhân vật khuất phục hoàn cảnh, bộc lộ tâm lí bạc nhược, ngụy biện không có một số phận tốt đẹp. Đó cũng là lời nhắc nhở của nhà văn với những ai thờ ơ trước cuộc sống cuộc sống đầy rẫy khổ đau. Họ bàng quan trước cuộc sống chính là bỏ mặc cuộc đời mình, làm như vậy chỉ đi đến những điều bi kịch

    2.2. Khác vọng về sự thay đổi.

    Đối tượng mà Chekhov muốn viết là con người nhỏ bé trong văn học Nga, họ là những con người không có quyền lực, quyền hành trong tay họ, nếu có, thì cũng là cái gì đó rất cỏn con, chỉ có hiệu lực lên những con người nhỏ bé khác, tài sản cũng không nhiều, họ là những người có số phận đáng thương, thường bị coi thường, hiếp đáp. Con người nhỏ bé có thể là một người nông dân nghèo khó, khốn khổ, hay cũng có thể là một anh viên chức hiền lành hay bị mọi người cười cợt.

    Khi chọn đề tài "Con người nhỏ bé", Trekhov có một ngã rẽ khác biệt, gần như trở thành một phản đề với "con người nhỏ bé" truyền thống. Con người nhỏ bé trong văn học Nga thế kỉ XIX, thường được khắc họa là những con người đáng thương, tội nghiệp. Nhà văn dành cho họ một tình cảm yêu thương tha thiết, chân thành. Các nhà văn thuộc phái dân túy, đi tìm chân lý trong nhân dân, còn khai phá được ở những con người bé nhỏ ấy những hạt ngọc sáng ngời từ trí thông minh của trái tim, họ quan niệm, về với nhân dân chính là tiệm cận chân lý nhất. Trekhov, trong cái nhìn đa diện nhiều chiều của mình, không chỉ nhìn thấy những mặt tích cực, mà còn thấy được mặt tiêu cực của những con người nhỏ bé.

    Một trong những mắt tiêu cực mà Chekhov muốn nhắc tới là thói nô lệ tinh thần, thứ ngục tù tâm hồn giam giữ con người nhỏ bé, là một hiện tượng tiêu cực. Ví như qua tác phẩm "Cái chết của một viên chức", nó làm cho anh chàng Treviacov, một con người nhỏ bé đích thực, trở nên lố bịch, hèn nhát và gây phản cảm với người đọc. Sự cam chịu vị trí dưới đáy của con người nhỏ bé chính là biểu hiện của nô lệ tinh thần. Ở Treviacov, sự cam chịu ấy còn biểu hiện ở mức cao độ hơn, cực đoan hơn: Sự sợ sệt, khúm núm một cách vô lý, lố bịch. Thói nô lệ tinh thần làm tầm thường hóa con người, hạ thấp nhân cách và văn hóa của họ. Thói nô lệ tinh thần, rõ ràng làm số phận con người nhỏ bé, vốn đã đáng thương, lại càng đáng thương hơn, cuộc đời của họ như là một cái bóng lủi thủi trong xã hội, là những đời thừa, với những cái chết cũng vô nghĩa lý không kém. Trớ trêu hơn cả, những điều ấy, là do chính con người nhỏ bé gây ra cho mình.

    Thói nô lệ tinh thần ở Treviacov còn gắn với một bi kịch cũng khá quen thuộc trong các sáng tác của Trekhov: Bi kịch không hiểu biết lẫn nhau của con người. Đó là thứ bi kịch ngầm bên trong văn bản, là bức tường ngăn cách tâm hồn con người, khiến họ không thể hiểu nhau, khiến những hiểu lầm, mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết. Chính vì vậy, mặc dù với dung lượng ngắn và rất hài hước, nhưng số phận của Treviacov mang dáng dấp của một bi kịch thu nhỏ. Sự hiểu lầm giữa Treviacov và vị tướng là mâu thuẫn không thể giải quyết được. Và khi mâu thuẫn ấy lên đến đỉnh điểm, nhân vật bi kịch trả giá bằng cái chết. Chính tinh thần nô lệ đã vây hãm Treviacov khiến anh không thể tìm được tiếng nói chung với tướng Brizalov, và nó biến một sự việc cỏn con trở thành cái chết của một con người.

    Ta thấy rõ, cảm hứng hài hước – châm biếm là cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn "Cái chết của một viên chức". Cám hứng ấy là chất men tạo nên tình huống truyện độc đáo như một sân khấu hài kịch, và tạo nên hình tượng nhân vật chính Traviacov như một anh hề bước trên sân khấu cuộc đời, với những suy nghĩ, hành động hết sức nghịch lý, nực cười. Cảm hứng châm biếm – hài hước cũng thể hiện rõ trong những dòng bình luận của nhà văn:

    "Bỗng dưng.. Trong các truyện ta thường gặp chữ" bỗng dưng "này. Các tác giả đã có lý: Cuộc đời quả là đầy rẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng dưng mặt y nhăn nhó, mắt y hoa lên, hơi thở nghẹn lại.. y rời mắt khỏi chiếc ống nhòm, hơi cúi xuống và.. hắt xì! Các bạn thấy đấy, y đã hắt hơi. KHông ở đâu có lệ cấm người này người nọ hắt hơi cả. Người nhà quê hắt hơi, cảnh sáng hắt hơi và đôi khi viên chức cấp ba cũng hắt hơi. Ai mà chẳng hắt hơi ."

    Giọng điệu ở đây thật hóm hỉnh, tưởng như bình thản, tự nhiên, ấy vậy mà hàm chứa bên trong cái cười chế giễu, chê trách. Cảm hứng châm biếm là một sự nhạo báng trước các hiện tượng tiêu cực của đời sống, để đấu tranh chống lại nó, thay đổi nó. Nhưng cái cười ở đây, có lẽ không quá gay gắt và quyết liệt, nó hài hước một cách duyên dáng, nhưng nó thấm thía và sâu sắc.

    Đề cập đến số phận của con người, là những mặt tích cực, tiêu cực trong xã hội Nga lúc bấy giờ, hướng đến khác vọng, đấu tranh, kêu gọi để thay đổi. Bởi thế mà chất nhân văn là phần chủ đạo trong tư tưởng cũng như sáng tác của tác phẩm. Viết về con người, những mặt tốt – xấu, hèn mọn – cao cả.. kêu gọi tất cả mọi người, hướng họ đến sự thay đổi, sự phát triển của xã hội.

    III. Tổng kết:

    Chất nhân văn trong truyện ngắn Chekhov thể hiện rất rõ qua quan niệm sáng tác, đối tượng sáng tác của nhà văn. Đó là ông luôn viết về những con người tầm thường, làm những ngành nghề tầm thường, số phận nhỏ bé.. Thước đo phẩm chất của họ, trong từng hoàn cảnh mà họ thể hiện mặt tốt xấu của mình. Xong đề hướng đến sự kêu gọi, sự thay đổi, sự hoàn thiện vì con người trong xã hội lúc bấy giờ.
     
    Admin, Vyl Hana, taodi2 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...