Chàng thơ kính cận Moon Phạm * * * 1. Tôi từng được lũ bạn thân đặt cho cái biệt danh hết sức ngáo ngơ, Nàng Thơ Cổ Giữa Sài Gòn, cái biệt danh nghe kêu thế nhưng tôi chả lấy làm tự hào tí xíu nào. Bởi lẽ, từ lúc cầm bút tự xưng mình là nhà văn, tôi chưa lần nào cho ra đời được một tác phẩm nào gọi là ra hồn cả! Thế thì biệt hiệu Nàng Thơ nghe có chướng tai không cơ chứ? Nhưng mà cũng đúng thật! Tôi là một nhà văn dở hơi nhất cái dòng đời này. Lũ bạn thường mắng tôi thế! Bởi lẽ, giữa cái thành phố hiện đại này, lắm người vội vã với guồng quay công việc rồi cuộc sống, tôi lại chầm chậm với ước ao đi tìm lại những cái cũ của Sài Gòn, tôi nâng niu từng câu chuyện cũ rích để rồi đưa vào tác phẩm của mình. Nhưng tìm ở đâu ra cơ chứ? Khi quá khứ là một phần của hoài niệm và đã là hoài niệm thì ai cũng muốn giữ lại cho riêng mình, dù là ít hay nhiều cũng phải giữ. Vì đánh mất hoài niệm là đã đánh mất một phần của bản thân, phải không? Nhưng tôi lại là con người đi săn lùng cái phần hoài niệm xưa cũ ấy, hoài niệm của một mình tôi là không đủ để viết thành một câu chuyện thế là tôi lại tham lam đi tìm lấy hoài niệm của mọi người trong cái thành phố Sài Gòn vội vã này. Và bạn biết đấy! Tôi đã mãi luôn cô độc trong hành trình đi tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình cho đến tận khi tôi gặp anh - Chàng Thơ Mắt Kính của tôi. 2. Từ lúc chưa gặp anh, tôi luôn giống như một nhà khảo cổ đang đội lốt nhà văn để đi lùng sục cái gọi là hoài niệm. Một cô gái mỏng manh lạc lõng giữa Sài Gòn rộng lớn. Tôi liên tục đào bới từng ngóc ngách của cái thành phố này mong tìm ra một cái gì thuộc về mình, nhưng chưa bao giờ thành công. Cho đến tận vào mùa thu năm ấy, lá vàng rơi khắp mọi con đường tôi đi qua. Từ quán cà phê nhìn ra đường, cây đã bắt đầu trơ trọi với những cành dài ngắn khẳng khiu. Vào mua thu năm ấy, anh xuất hiện. Tựa như một chiếc lá mùa thu, nhẹ nhàng đáp xuống cuộc đời tôi. Rồi hết mùa thu năm ấy, khi những cái cành trơ trọi kia bắt đầu có chút mầm xanh của sự sống, chúng tôi chính thức ở bên nhau, trở thành một cặp đôi thơ thẫn giữa Sài Gòn. Từ lúc quen Châu, tôi mới nhận ra trong anh chứa đựng cả bầu trời hoài niệm. Anh bỗng nhiên vừa trở thành người yêu vừa trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong tôi. Hoài niệm trong anh là những món ăn thuở bé, là những miền kí ức tuổi thơ, là những nơi anh đã từng đi qua và ghé lại, là những góc nhỏ Sài Gòn mà tôi bỏ lỡ và cả những mối tình trong quá khứ. Từ lúc có anh bên cạnh, tôi biến anh thành Chàng Thơ trong tác phẩm của mình mặc kệ anh có đồng ý hay không! Những mối tình, những bức ảnh anh chụp được đều xuất hiện trong từng trang văn của tôi. Vô thức, tôi quên đi mình là nhà văn đi tìm hoài niệm, đi tìm những điều cũ trong cái Sài Gòn đầy điều mới lạ này. Tôi đã trở thành một tên đồ tể, hằng ngày đem mổ xẻ tâm hồn của anh để đem rao bán giữa chợ trời. Thật tệ khi tôi không nhận ra được sự mệt mỏi của anh, cho đến lúc anh bắt đầu sợ hãi và chạy trốn khỏi tôi. Anh chạy trốn Sài Gòn mà anh đã từng yêu để đến với Hà Nội xa lạ! Bắt đầu.. Tôi mất anh! 3. Anh đi rồi! Sài Gòn trong tôi, cảm hứng trong tôi cũng tiêu biến như bọt biển. Kẻ Bắc người Nam, khoảng cách xa như vậy đấy thì làm sao anh còn có thể dùng ánh mắt dịu dàng cùng giọng nói trầm ấm để kể tôi nghe câu chuyện tình xưa của anh. Làm sao tôi và anh có thể cùng nhau ngồi trên con xe gắn máy để lẽo đẽo khắp phố xá, thăm thú những nơi còn sót lại của Sài Gòn những năm 1975. Thật sự không thể nào! Anh đi rồi, tôi lại quay về cuộc sống hằng ngày, một mình đơn độc đi tìm hoài niệm. Cảm xúc trong tôi rỗng tuếch như một cái chai hết nước bị người ta quăng lăn lóc dưới vệ đường. Tôi lang thang khắp phố phường cũng chả tìm ra được tẹo nào niềm vui. Chàng Thơ của tôi không còn kề cạnh nữa. Buồn thật! Đôi lúc, tôi dùng dằn tự hỏi phải chăng tôi yêu anh hay yêu những miền kí ức của anh, yêu cái cảm giác anh trở thành cảm hứng sáng tác trong tôi? Đến đây tôi lại không trả lời được. Chắc phải đợi đến lúc gặp lại anh tôi mới có thể tìm ra câu trả lời. Nhưng rồi.. Đợi mãi cũng chẳng thấy Chàng Thơ của tôi quay lại! Đã thêm hai mùa thu qua rồi! Chắc Hà Nội đã níu chân anh lại bằng những hiện thực mới và tôi lại trở thành hoài niệm cũ trong anh chăng? Có khi nào, lúc này đây anh lại đang kể về tôi cho một cô nhà văn nào đó ở Hà Nội nghe và sau đó tôi lại trở thành cảm hứng sáng tác cho cô ấy. Nghe thật là chua xót biết bao nhiêu! Người đi tìm hoài niệm bỗng trở thành hoài niệm! À.. Hình như đến đây tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi: Tôi có yêu Chàng Thơ của mình không? Tôi ngay lập tức nhắn tin cho anh, tin nhắn gửi đi trong cơn bấn loạn, như lần đầu tôi nhìn thấy anh dưới cơn lá mùa thu rơi rụng. Lúc ấy, tim tôi cũng đập nhanh như thế! Hoài niệm trong tôi sống dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. "Anh quay về được không?" Tin nhắn gửi đi, rất lâu sau mới có phản hồi. Tôi nhớ rõ tiếng chuông ngày hôm ấy, ánh sáng xanh chiếu từ màn hình điện thoại xuyên thủng tầng tầng lớp lớp trái tim tôi, làm cho đám rêu xanh phủ kín tâm hồn tôi lụi tàn. "Xin lỗi! Anh không làm Chàng Thơ của em được nữa!". Giờ đây, anh không còn là người đi kể hoài niệm cho tôi nữa, mà cả tôi và anh đều đã trở thành một phần hoài niệm của nhau. Sài Gòn sẽ không còn từng buổi đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, góc cà phê quen sẽ không còn hình ảnh cặp đôi Mắt Kính. Trong hồn văn của tôi cũng không còn Chàng Thơ nào nữa vì Chàng Thơ của tôi đã bỏ tôi mà đi rồi.. Ra đi, để trở thành Chàng Thơ của một Nàng Thơ mới không phải tôi. 4. Hôm nay từ tòa soạn trở về nhà, ghé ngang hòm thơ trước của tôi vô tình nhận được một hộp bưu thiếp rất to. Trên hộp còn in cả hình hai con bướm rất đầy màu sắc đang quấn quýt lấy nhau rất hữu tình, địa chỉ gửi từ Sài Gòn, nơi từng là một con hẻm nhỏ nằm ngoằn ngèo tận mấy khúc cua, mà mấy lần từng đến đây tôi suýt lạc, lạc riết thành quen – nhà Chàng Thơ Mắt Kính. Nhưng ngày gửi lại cách rất xa từ tận mùa thu hai năm trước, giấy cũng đã bắt đầu ngã màu vàng, nét mực cũng đã nhòe đi. Tôi đem vào phòng, mở ra là một sấp ảnh cùng một quyển sổ rất dày với bìa nâu mang tên Hoài Niệm Cuối Cùng Ở Sài Gòn. Tôi đưa tay lật giở từng trang giấy đã phủ bụi mờ, nét bút quen thuộc. Tôi lại cảm thấy lòng mình rất lạ, cái cảm giác như mình đã khai quật được thứ mình đánh mất hằng trăm năm nhưng giờ đây lại phải đưa nó vào lồng kính mà trưng bày. "Gửi Nàng Thơ của anh! Có lẽ em sẽ bất ngờ khi nhận được quyển nhật kí này. Vì có lẽ khi em nhận được thì những gì anh viết trong này đã trở thành hoài niệm của em rồi. Còn anh thì không phải. Vì người chết không thể mang theo được hoài niệm của kiếp này vì còn phải uống canh Mạnh Bà mà em nhỉ? Anh xin lỗi vì những ngày tháng cuối cùng đã không thể cùng em đi khắp Sài Gòn để hoàn thành trọn vẹn hồn thơ trong em! Cuối cùng anh lại không còn là Chàng Thơ của em được nữa. Những ngày cuối cùng này, anh vẫn ở Sài Gòn, vẫn cùng em ngắm mùa thu lá rơi giữa cùng một khung trời, vẫn đi qua từng góc tường nhỏ rêu phủ, vẫn ghé quán cà phê chúng ta hay ngồi, vẫn nhìn thấy em đang đi lùng sục hoài niệm giữa lòng Sài Gòn tấp nập. Và anh đã biết, không có anh em có thể vẫn sẽ tốt vì em mạnh mẽ như loài rêu mọc phủ từng góc tường mà ta đã từng qua. Anh đi hoài niệm anh xin gửi lại, mong rằng hoài niệm ấy có thể lấp đầy hồn văn của em trong khoảng thời gian em đi tìm Chàng Thơ mới. Anh chỉ xin mang đi một chút kí ức về Nàng Thơ trong anh. Vĩnh biệt Nàng Thơ của anh." Đọc xong thơ anh viết, tôi không khóc. Tôi đưa tay sờ lên gò má, nóng ran nhưng không có một giọt nước mắt nào rơi cả. Tôi đến bên cửa sổ, lá mùa thu đã bắt đầu rơi rồi! Lại một mùa thu của Sài Gòn sắp đến. Kéo ngăn tủ lấy tập bản thảo đã hai năm qua vẫn còn dang dở, phủi đi lớp bụi thời gian bám đầy trên đó, kẹp lá thư anh gửi vào giữa. Tạm ghi mấy dòng vào trang cuối cùng còn đang viết dở dang. "Sài Gòn Mùa Thu Năm Ấy. Chàng Thơ của tôi đã ra đi. Hồn thơ tôi từ đấy đã chết rồi." Hết