Đề bài: Chân dung những người nghệ sĩ tài hoa trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân? Dàn bài (Đề bài thuộc dạng bài: Phân tích một nhóm nhân vật trong 1 tác phẩm) Đặt vấn đề: Giới thiệu về: + tác giả (Nguyễn Tuân), + tác phẩm ( "Chữ người tử tù" trong tập truyện Vang bóng một thời), + nhân vật sẽ phân tích (Huấn Cao, Viên quản ngục và Thầy thơ lại). Giải quyết vấn đề: 1. Khái quát - "Chữ người tử tù" hướng về vẻ đẹp vang bóng 1 thời. - Tác phẩm xoay quanh nghệ thuật thư pháp, thú chơi chữ của người xưa. 2. Phân tích nhân vật - Chân dung Huấn Cao: + Vẻ đẹp tài hoa + Khí phách hiên ngang + Nhân cách cao đẹp - Chân dung Viên quản ngục: + Đại diện cho trật tự xã hội đương thời, con người công cụ + Yêu cái đẹp, có tâm hồn nghệ sĩ, sở thích cao quý và tấm lòng biệt nhỡn, liên tài. + Coi trọng thiên lương - Chân dung Thầy thơ lại: + Con người công cụ, giúp việc cho Viên quản ngục + Biết giá người + Là cầu nối cho những tâm hồn nghệ sĩ tham gia sáng tạo cái đẹp 3. Điểm giống Cả ba người đều có: Nhân cách thanh cao, trong sáng, yêu cái đẹp, trọng cái tài và đối xử với nhau rất văn hóa. 4. Điểm khác - Vị trí xã hội hoàn toàn khác nhau: + Huấn Cao: Chống lại triều đình, trở thành tử tù chờ ngày chết + Viên quản ngục và Thầy thơ lại: Công cụ của triều đình và xã hội - Hoàn cảnh sống: + Huấn Cao: Chọc trời khuấy nước, là lối sống của 1 bậc đại trượng phu + Viên quản ngục và Thầy thơ lại: Sống giữa chốn ngục tù nhơ nhuốc đầy lừa lọc, dối trá - Tính cách: + Huấn Cao: Vốn khoảnh, có phần kiêu ngạo tạo nên sự uy nghi lẫm liệt của 1 bậc anh hùng + Viên quản ngục: Khiêm nhường + Thầy thơ lại: Sôi nổi, nhiệt tình. => Ba nhân vật, ba tính cách, ba số phận nhưng đều là những nét son và là những ngọn lửa lung linh giữa cuộc đời vàng thau lẫn lộn. Họ đã được Nguyễn Tuân khắc họa bằng bút pháp tạo hình tài hoa và uyên bác. Kết thúc vấn đề: - "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân đã dựng lên những bức chân dung nho nhã. - Họ khẳng định cho sự bất diệu của những giá trị tinh thần cao đẹp. Bài làm Văn học nghệ thuật là chất nhụy của cuộc sống và con người như những con ong cần mẫn hái lấy nhụy hoa để mang về làm đẹp cho cuộc đời. Bước vào thế giới văn chương ta như được sống trong những thế giới muôn màu, muôn vẻ, đầy ánh sáng tinh mỹ mát lành và hít thở trong bầu không khí của vẻ đẹp thanh thuần, trong sáng và thiện lương. Văn học chân chính sẽ để lại những ấn tượng duy nhất và duy mỹ trong lòng người đọc và để làm được điều đó, trước tiên phải để lại những hình tượng, những bức chân dung nhân vật khó phai nhòa. Truyền ngắn "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân với sự xuất hiện của Huấn Cao, Viên quản ngục và Thầy thơ lại chính là một trong những tác phẩm đắt giá như thế. Trong tinh hoa văn học nghìn đời của dân tộc, Nguyễn Tuân được biết đến là một nhà văn, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. "Vang bóng một thời" là tác phẩm xuất sắc nhất của ông mà trong đó, truyện ngắn "Chữ người tử tù" được cho là thành công hơn cả. Trong tác phẩm của mình, nhà văn đã xây dựng được những bóng hình lồng lộng giữa cuộc đời đầy xô bồ và nghiệt ngã: Huấn Cao, Viên quản ngục và Thầy thơ lại. Văn nhân đã hướng ngòi bút của mình về một vẻ đẹp đã có một thời vang bóng- nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ của người xưa, lấy đó làm đòn bẩy để trạm trổ nổi bật lên những bức tượng đẹp đẽ và thanh cao. Thế giới thiên nhiên đẹp vô ngần! Nó quyến rũ và làm đắm say lòng người bởi muôn hình muôn vẻ của nó: Với những thung lũng đong đầy ánh sáng và cỏ cây, với những con thác cheo leo hùng vĩ, với những cơn sóng biển rì rầm suốt đêm ngày, và nó, chính nó, vẻ đẹp từ thiên nhiên ấy cũng đi văn chương, chính là văn chương để con người mê mẩn chinh phục. Thế giới thiên nhiên, thế giới văn chương chẳng hay tự bao giờ đã đi vào thượng tầng kiến trúc của đời sống, nó cuồn cuộn chảy như máu như thịt, nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách thanh cao của con người bởi "Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện, cái ác, cái đúng, cái sai mà còn khơi dậy trong ta những tình cảm, thẩm mỹ phong phú và đa dạng." Niềm khơi gợi ấy đã được Nguyễn Tuân chắp bút và nhào nặn lên một nhân vật Huấn Cao với tài hoa dạt dào như sóng nước, thiên lương trong sáng mát lành và một khí phách hiên ngang của bậc vương giả. Nói về tài hoa ông Huấn, Nguyễn Tuân không trực tiếp liệt kê ra mà gián tiếp bộc lộ chúng qua những lần trò chuyện giữa Thầy thơ lại và Viên quản ngục. Bằng cách này, Nguyễn Tuân đã khẳng định sự tinh tế và ánh mắt khác đời của mình, tạo nên sự hứng thú, hấp dẫn và thuyết phục cao độ cho người đọc. Trong xã hội phong kiến xưa, văn phải hay, chữ phải tốt lại thêm võ công điệu nghệ mới được coi là một trang anh hùng. Vậy nên, chữ viết chính là một điều tiên quyết, khẳng định cho những con người có tu dưỡng ấy. Và Nguyễn Tuân, ông xây dựng hình tượng ông Huấn, vừa có thể viết chữ nhanh lại còn rất đẹp. Cái tài ấy được bộc lộ khéo léo qua lời kể của Viên quản ngục: "Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó không?" Có thể thấy, cái tài của ông Huấn đã vang danh khắp thiên hạ mà chỉ cần nghe đến thôi cũng đủ khiến người ta nể phục và kính trọng. Thái độ ấy với ông Huấn là hoàn toàn có cơ sở bởi để viết được một chữ đẹp là cả một quá trình gian nan khổ luyện không từ bỏ mới có thể thành công. Những con người viết được chữ đẹp đều là những con người có sự kiên trì, bền bỉ, có sự tu dưỡng và đều là những bậc hiền nhân, những người có tri thức và họ hoàn toàn xứng đáng có được sự kính ngưỡng của người đời. Không chỉ có tài viết chữ đẹp, Huấn Cao còn có tài phá khóa vượt ngục. Điều đó nói lên sức mạnh và lí tưởng của một bậc đại trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất, nói lên hoài bão thiết tha "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.", được tự do tung hoành, ngang tàng và khí phách đến cả những song sắt nhà tù, những lề thói phong kiến cũng không ngăn cản được bước chân con người ấy. Cái tài của ông Huấn khiến ai ai cũng phải nể sợ mà nhiều hơn là trân trọng và ngưỡng mộ: "Thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà!" Huấn Cao còn hiện lên với hình tượng của người anh hùng lẫm liệt, khí phách hiên ngang, ngạo nghễ. Ông là một con người có học thức, có tầm nhìn xa trông rộng, ông nhận thấy rõ những nhầy nhụa, nhơ nhớp của vũng bùn phong kiến nên đã đứng lên làm người thủ xướng, chống lại triều đình. Ông không chịu cảnh vào luồn ra cúi mà chỉ đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân, giúp nhân dân đẩy lùi áp bức, cường quyền. Nghiệp lớn không thành, Huấn Cao bị bắt giam, trở thành tử tù chờ ngày xử chém nhưng ông vẫn không hề sợ hãi hay mảy may lo lắng mà vẫn tỏ rõ ý chí không chịu khuất phục: "Chọc trời khuấy nước mặc dầu Dọc ngang nào biết trên đầu có ai." (Truyện Kiều – Nguyễn Du) Cùng là đến với cái chết nhưng Huấn Cao cùng Từ Hải của Nguyễn Du hoàn toàn khác nhau. Huấn Cao bị chém đầu nhưng ý chí vẫn còn đó, còn Từ Hải mặc dầu chết đứng nhưng đã sớm nghe lời Kiều mà quy hàng triều đình. Nếu không chết trên chiến trường như đã xảy ra thì có lẽ Từ Hải cũng sẽ "chết" trong nhục nhã: "Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?". Ngồi trong triều đình đấy, sống nhăn răng ra đấy nhưng ánh hào quang lấp lánh của người anh hùng chống bất công, ưa tự do nay còn đâu nữa. Đã đớn hèn đầu hàng kẻ thù thì cái chết chính là điều tất yếu và nó sẽ đến theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có lẽ vì hiểu được tấm gương Từ Hải mà Huấn Cao dù cho có tan xương nát thịt, có chết cũng không uốn mình, không hàng phục. Điều đó đã được thể hiện ngay từ những bước đầu tiên ông đặt chân tới nhà ngục: "Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái." Ông Huấn đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc qua một loạt những hành động thản nhiên như không đó. Nét mặt lạnh lùng, cử chỉ mạnh mẽ, âm thanh của chiếc gông 7, 8 tạ nện mạnh xuống nền đá cùng hình ảnh "một cơn mưa rệp" khiến người đọc tưởng chừng như thanh gông ấy không còn đánh vào nền đá nữa mà là đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội phong kiến, thẳng tay đối đầu mà không hề e ngại, run sợ điều gì. Ông hoàn toàn không đếm xỉa gì tới phản ứng của kẻ thù mặc cho những ngày cuối đời có bị bọn chúng hành hạ đến thế nào. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng hết sức ấn tượng, phác họa bóng lưng người thủ xướng hiên ngang đầy lẫm liệt. Trước cách ứng xử kì lạ của Viên quản ngục, dù có ngạc nhiên, thắc mắc nhưng Huấn Cao vẫn "thản nhiên nhận rượu thịt", coi đó như một việc làm trong cái hứng sinh bình khi chưa bị bắt giam vào đề lao. Ông Huấn tỏ ra đanh thép, khinh bạc trước "lễ mọn" và lời bày tỏ của Viên quản ngục: "Ngài có cần gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất!" Huấn Cao đã đanh mặt trả lời: "Ta chỉ muốn ngươi ngày mai đừng đặt chân vào đây nữa." Biết rõ có lẽ sẽ phải chịu đòn roi tra tấn nhưng con người ấy vẫn không hề cúi đầu lùi bước. Hình ảnh của ông khiến ta nhớ đến một vị tướng thời Trần khi bị giặc Nguyên Mông bắt về quy hàng vẫn dõng dạc nói: "Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc." Nhân cách của những con người ấy thật khiến ta ngưỡng mộ và tự hào. Và Huấn Cao, bấy giờ tựa như một vầng sáng chói, đem đến ánh sáng kì ảo gột rửa cho chốn lao tù bẩn thỉu, hôi tanh. Ngày mai đã đi ra pháp trường nhưng khi biết được cái sở nguyện cao quý của Viên quản ngục, Huấn Cao vẫn không ngần ngại mà mỉm cười cho chữ. Dưới điều kiện tối tăm, hôi hám và bẩn thỉu nơi buồng giam chật hẹp, cái đẹp vẫn được sinh ra. Huấn Cao "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" vẫn đang đậm tô những nét chữ trên mảnh lụa trắng còn nguyên lần hồ. Dù không biết những chữ đó là gì nhưng ta biết đó là những chữ không chỉ đẹp về hình thức mà còn cao quý về nội dung, là những chữ mà người xưa luôn gợi khen: "Hàng hàng như gấm thêu, lời lời như châu ngọc, đẹp như phun châu nhả ngọc, báu khoe tinh thần." Nó chứa đựng vẻ đẹp hoàn mỹ, mười phân vẹn mười khiến ai ai cũng kính ngưỡng. Ta còn cảm phục hơn cả đó chính là tinh thần của Huấn Cao. Trong cuộc đời, có mấy ai mà không sợ chết, nhưng cố nhiên trong đó lại có Huấn Cao. Hay phải chăng, "ngôi sao chính vị" ấy đã sẵn sàng "từ biệt vũ trụ" để đến một không gian bao la, rộng lớn và đẹp đẽ hơn nhiều. Dòng chữ cuối cùng mà ông Huấn để lại phải chăng chính là những gì tinh túy của cuộc đời "ngôi sao Hôm" tỏa sáng nhưng chóng tàn ấy, là tất cả những hoài bão tung hoành của cả cuộc đời vị "hùm thiêng" thất thế. Con người tưởng chừng như được đúc bằng sắt thép không gì lung lạc được ấy hóa ra thật tinh tế, bao dung và độ lượng với một thiên lương trong sáng vô ngần. Ông rất coi trọng những con người biết thưởng thức trân trọng cái đẹp, cái tài và giữ gìn được thiên lương trời phú. Chính vì vậy mà khi biết được niềm khao khát của viên quản ngục, Huấn Cao đã ân hận và áy náy rất nhiều. Ông nhận ra, Viên quản ngục không hề xâu xa như bọn quan lại triều đình kia mà vô cùng yêu mến thậm chí là tôn sùng cái đẹp. Con người "nhất sinh không vì vàng ngọc mà ép mình viết câu đối ấy" đã hết sức ân hận: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." Có thể thấy, với Huấn Cao, dù sinh ra ở đâu, dù làm việc gì, trước đây có định kiến như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng. Từ vị trí là kẻ thù, Huấn Cao đã thừ nhận Viên quản ngục là một người tri kỉ, một con người cùng yêu cái đẹp mà cho chữ, cho lời khuyên đắt giá. Đằng sau nét cứng cỏi của ông, ta lại thấy được một trái tim ấm nồng đáng quý, đáng trân trọng. Hình tượng Huấn Cao đã được xây dựng bằng bút pháp hết sức tạo hình, chân dung nhân vật được tạo dựng trong không khí đâm màu huyền thoại gợi về một áng văn vàng son với sức tỏa chiếu, lay động đến muôn đời. Không rực rỡ như Huấn Cao nhưng Viên quản ngục cũng là một bông hoa ngào ngạt sắc hương, là "một thanh âm trong trẻo chen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn hoạn và xô bồ." Nhân vật đặc biệt ấy đã để lại trong ta nhiều cảm xúc! Cũng giống như cô bé bán diêm, Nguyễn Tuân cũng không đặt tên cho nhân vật Viên quản ngục mà chỉ xưng hô bằng danh từ chung "Viên quản ngục" – cái tên đã trực tiếp nói lên nghề nghiệp của nhân vật này. Sâu xa hơn, đằng sau ý đồ nghệ thuật ấy, Nguyễn Tuân đã khẳng địng đây là một con người công cụ, đại diện cho triều đình cũng như bộ mặt cai trị xã hội đương thời, là những kẻ đối lập hoàn toàn với những con người như Huấn Cao và khẳng định, ngoài kia còn có vô vàn những con người như thế nữa. Ngòi bút tinh tế của Nguyễn Tuân còn được chứng minh qua hoàn cảnh sống đặc biệt của Viên quản ngục. Sống giữa gông xiềng tội ác, hẳng ngày phải làm nhân chứng và chứng kiến biết bao tàn nhẫn, máu tanh, viên quản ngục khiến cho người đọc tưởng như đang đi trên một lớp băng, một tấm kính mỏng mà bên dưới là vực sâu vạn trượng, khoảng không tăm tối của những giống loài ác quỷ tởm kinh mà cố nhiên, chỉ có cái chết mới mong giải thoát được, cái chết trên ngưỡng cửa trở về giống như người nông dân tha hóa – Chí phèo, cái chết đớn đau, quoằn quoại của Lão Hạc giàu lòng tự trọng hay những cái chết của vô vàn người nông dân khác nữa. Có lẽ, vì nhìn thấu được tấm kính, lớp băng ấy mà Viên quản ngục luôn không ngừng dằn vặt, day dứt, lo lắng và hãi hùng. Ông trăn trở, nghĩ ngợi về câu nói của Thầy thơ lại mà thốt lên: "Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi." Đau lòng làm sao! Những con người bị xã hội đưa đẩy ấy đâu có ít gì. Ngay trong "Đời thừa" của nhà văn Nam Cao, ta cũng bắt gặp nhân vật Hộ tương tự như thế, xuất phát điểm là một con người ôm ấp một hoài bão lớn, một mộng đẹp văn chương nhưng lại bị cái nghèo, cái đói ghì nặng lên đôi vai, khiến anh phải chạy theo thứ văn chương nhạt nhẽo, thô thiển để có tiền mưu sinh. Bi kịch ấy lại một lần nữa lặp lại gần như tương tự khi lương tri và lương tâm đã cho Viên quản ngục ấy nhận thức được những cái sai trái, thất đức trong công việc của mình, nhưng vì bao nỗi khổ tâm "thứ nhất con đói, thứ hai nợ đòi, thứ ba nhà dột" như dân gian đã nói mà phải sống chung với cái ác, cái xấu. Đau đớn lắm chứ! Xót xa lắm chứ! Nhưng biết làm thế nào bây giờ! "Cái xã hội chó đểu" ấy! Tấm bi kịch của Viên quản ngục cũng phần nào phản ánh những bi kịch chung của hầu hết những người nông dân, những con người bé nhỏ điêu linh dưới đáy xã hội đương thời. Viên quản ngục là người có tấm lòng biệt nhỡn, liên tài. Chính vì thế nên khi hay tin trong số tử tù sắp tới có Huấn Cao, ông đã vô cùng lưỡng lự. Một cuộc đấu tranh tư tưởng đã xảy ra và ông quyết định sẽ biệt đãi ông Huấn cũng như năm người bạn tù. Đó là một quyết định đúng đắn bởi "bộ mặt tự lự bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là nước mắt ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ". Đó còn là một sự quyết tâm, một quyết định liều lĩnh đặt cược bằng cả tính mạng của Viên quản ngục nhưng tin chắc rằng, Viên quản ngục sẽ không bao giờ hối hận về quyết định ấy. Ngay khi mới gặp mặt, viên quan coi ngục đã nhìn sáu tên tù mới vào với "cặp mắt hiền từ" và "lòng kiêng nể" dù muốn cũng giấu không nổi ngục đã khiến ai cũng lấy làm lạ. Dưới sự "nhắc khéo" của mấy tên lính, Viên quản ngục chỉ ung dung nói: "Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời". Chưa hết, trong suốt những ngày trong buồng giam, Viên quản ngục luôn sai thầy thơ lại mang rượu thịt đến cho Huấn Cao. Tới khi bị Huấn Cao trực tiếp từ chối bước chân vào buồng giam, Viên quản ngục không hề tức giận, thậm chí còn có phần thấu hiểu. Trong tâm tưởng của Viên quản ngục, Huấn Cao cũng là một trong những con người "chọc trời quấy nước", mà những con người ấy "đến trên đầu người ta, người ta cũng chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù. Viên quản ngục tự biết phận mình thấp bé, đâu dám làm cao nhưng vì ngưỡng mộ cái tài, cái đức của Huấn Cao mà Viên quản ngục luôn mong mỏi, canh cánh hoàn thiện được mong ước. Viên quản ngục còn là một con người yêu quý cái đẹp, có tâm hồn nghệ sĩ và một sở thích cao quý. Viên quản ngục yêu lắm, mê lắm nét chữ của Huấn Cao. Bởi" chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm "và từ khi biết đọc vở nghĩa sách thánh hiền, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay Huấn Cao viết vì" có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời ". Đến khi được Huấn Cao chính tay cho câu đối, Viên quản ngục còn vội vã, khúm núm hơn. Sự vội vã, khúm núm ấy chính là sự xúc động, trân trọng không nói nên lời khi nét bút đẹp đẽ được sinh ngay trước mặt mình. Sở nguyện của Viên quản ngục được thỏa mãn, Huấn Cao còn dành tặng những lời khuyên chân thành cho quan ngục:" Viên quản ngục cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào "kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Cái bái lạy này là lạy tạ ơn, Huấn Cao vừa thỏa mãn ước nguyện vừa giúp Viên quản ngục tìm ra con đường tươi sáng hơn cho bản thân, làm cho Viên quản ngục càng thêm yêu mến và kính trọng Huấn Cao. Viên quản ngục còn có một thiên lương trong sáng. Sinh hoạt giữa chốn ngục tù đầy rối ren tà ác ấy, Viên quản ngục vẫn giữ cho mình một sở nguyện cao quý. Nắm trong tay Huấn Cao nhưng Viên quản ngục chưa từng nghĩ sẽ dùng quyền uy của mình để ép Huấn Cao cho chữ mà tìm cách làm thân, mong mỏi có ngày Huấn Cao viết cho mấy chữ. Ông thấy thương tiếc cho những vị anh hùng cương liệt nên bất chấp tất cả mà "biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại". Cái thiện lương của Viên quản ngục đã đánh động vào trái tim của biết bao thế hệ và đúng như Nguyễn Tuân nói: "Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt". Cái đẹp, cái thiện có thể được sinh ra ở nơi tối tăm, bẩn thỉu nhất nhưng sẽ không bao giờ sống chung với cái xấu, cái ác. Điều đó hoàn toàn đúng và đã được chứng minh qua sự xuất hiện của Viên quản ngục. Cũng như Viên quản ngục, thầy thơ lại cũng không được đặt tên và cả hai nhân vật này đều là những công cụ của bộ máy phong kiến đương thời, là tay sai cho lũ quan lại hách dịch chuyên bóc lột nhân dân. Tuy sống và làm việc với bao cám dỗ lộc lừa, thầy thơ lại vẫn giữ cho mình một tấm lòng trong sáng, biết giá trị của con người. Cũng như Viên quản ngục, thầy thơ lại vô cùng ngưỡng mộ Huấn Cao. Khi biết tin về ông Huấn, thầy thơ lại đã chậc lưỡi đáp lời viên quản ngục: "Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm.", "Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc". Cả những lúc đối diện với Huấn Cao, thầy thơ lại đều hành xử vô cùng khúm núm và lễ phép, tự xưng "tôi", hô "ngài". Đó là những hành động cung kính nhún nhường chưa từng có đối với một tên tử tù nhưng thầy thơ lại với tấm lòng của mình đã làm điều ấy. Thầy thơ lại cũng đồng tình với những sở thích của Viên quản ngục. Bởi bản thân Thầy thơ lại cũng là một con người yêu cái đẹp. Điều đó được chứng minh qua cử chỉ "run run" bưng chậu mực của Thầy thơ lại. Run run không phải vì lo sợ mà là vì kích động và vui sướng khi được tận mắt nhìn thấy cái đẹp ra đời. Đối với Viên quản ngục, Thầy thơ lại còn là một người đầy tớ trung thành. Nếu Thầy thơ lại báo với quan trên, Viên quản ngục sẽ chẳng được yên, thậm chí còn bị phát tù, bị xử chém vì tội tiếp tay cho giặc, nhưng Thầy thơ lại không làm thế. Thầy thơ lại đã hết mực ủng hộ và tận tình giúp đỡ để Huấn Cao và Viên quản ngục được hiểu nhau. Thầy thơ lại giúp Viên quản ngục đưa rượu và đồ nhắm cho Huấn Cao mỗi ngày, khi Huấn Cao sắp bị xử chém, chính thầy thơ lại là người kể cho Huấn Cao nghe cái sở nguyện của Viên quản ngục nhờ đó nó mới được hoàn thành. Nhân vật Thầy thơ lại ở "Dòng chữ cuối cùng" được kể bằng giọng văn chân chất đến vụng về: "Nghe xong chuyện cảm động của ngục quan, thầy thơ lại nói" Dạ bẩm ngài cứ yên tâm đã có tôi "rồi ù té chạy xuống phía trại giam ông Huấn. Thầy đấm cửa thùm thùm, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục và báo tin buồn luôn thể cho ông Huấn Cao biết việc về kinh chịu án tử hình". Đến "Chữ người tử tù", thầy thơ lại đã rút được bài học quan trọng về đi đứng, nói năng: "Thầy thơ lại cảm động, nghe xong chuyện nói:" Dạ bẩm, ngài cứ yêu tâm, đã có tôi "rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình". Xem ra, không phải ngay từ đầu Nguyễn Tuân đã có những câu văn hay! Và cũng sẽ không phải nói quá nếu như nói rằng thầy thơ lại chính là chiếc cầu nối bằng vàng ròng vững chắc để hai tâm hồn nghệ sĩ của Huấn Cao và Viên quản ngục đến được gần nhau, cùng nhau tham gia sáng tạo nên cái đẹp. Viên quản ngục và thầy thơ lại là hai nhân vật độc đáo đem lại cho ta nhiều cảm xúc. Họ như những bông sen trắng "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" giữa dòng đời đầy nghiệt ngã. Dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Tuân, tượng đài hai con người ấy chẳng thể nào mờ nhạt với thời gian. "Cái đẹp cứu rỗi thế giới!" - Đó là câu nói của đại văn hào Nga Đốt-xtôi-ép-xki trong tiểu thuyết "Thằng ngốc". Trên tinh thần ấy mà M. Goóc-ki, nhà văn lớn nước Nga nói: "Bẩm sinh con người là một nghệ sĩ. Chỉ có con người, vị chúa tể của muôn loài mới biết coi cái đẹp là phương tiện, là mục đích cũng là nội dung của cuộc sống. Cái đẹp sẽ giúp con người sống sang trọng và tinh tế, cao thượng và trong sáng". Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp của Thầy thơ lại và cả Viên quản ngục, bởi dù có khoác lên mình bộ quần áo lem luốc, bẩn thỉu đến đâu, cái đẹp trong nhân cách của các nhân vật vẫn còn mãi và như dân gian ta thường nói "Hữu xạ tự nhiên hương", "Ở hiền thì gặp lành", Thầy thơ lại và Viên Quản ngục sẽ có và giữ được cho mình một tình yêu cái đẹp, thuần khiết và đáng trân trọng như thế! Đến với bức chân dung của ba con người đặc biệt, ta dễ dàng nhận thấy trong họ những nét tương đồng không thể chối từ. Cuộc đời muôn nẻo, muôn mặt, ta đo được sông mấy thước, núi cao mấy trượng nhưng chẳng ai đo được lòng người sâu bao nhiêu. Bởi vậy nên đại thi hào Nguyễn Du mới nói "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Vậy, ta tự hỏi cuộc đời này còn bao nhiêu cái tâm trong sáng thiện lương? Đều đã là một thời quá khứ và nay ta bắt gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân ba nhân cách thanh cao, trong sáng và vẹn nguyên ấy. Huấn Cao không vì cái chết mà cúi đầu, Viên quản ngục và Thầy thơ lại không vì lề thói, khoảng cách hay luật lệ mà cả ba cứ tự nhiên mà đến với nhau. Giao thoa và mở lòng với nhau trong giây phút cái đẹp lên ngôi xua tan đi bóng tối. Họ từ chỗ xa cách, dẫn đến nghi ngờ và thường phải dò ý nhau, đã tiến dần đến chỗ hiểu nhau, rồi quý trọng nhau và trở thành tri âm tri kỉ của nhau. Họ gặp nhau vì tình yêu cái đẹp, niềm trọng cái tài, họ đối xử với nhau rất văn hóa và chân thành. Viên quản ngục và thầy thơ lại yêu nét chữ đẹp của ông Huấn nên mới biệt đãi ông, còn ông Huấn vì yêu tấm lòng biệt nhỡn liên tài của hai người mà đồng ý cho chữ. Trong từng câu chữ, từng hoàn cảnh, ta thấy được sự trân trọng và tôn trọng họ dành cho nhau. Đó là những nét đẹp ngời sáng, nét đẹp văn hóa của bậc nho sĩ thời xưa, là nét đẹp trường tồn vĩnh cửu với núi sông mà vui mừng thay thời gian không thể lay chuyển được. Cả ba bóng hình ấy đều mang trong mình một tầm vóc cao lớn, đại diện cho hai thế hệ: Một bên đội trời đạp đất còn một bên thích nghi, hòa nhập mà không hòa tan. Những con người ấy, bằng phương thức hài hòa vốn có đã hình thành bố cục "tam vị nhất thể", tuy ba mà một, cùng nhau hướng về ánh sáng, chờ mong và nâng đỡ cái đẹp sinh ra. Giống nhau là vậy nhưng họ cũng có những điểm khác biệt. Nguyễn Tuân đã thật sâu sắc khi sắp xếp để ta bắt gặp cuộc gặp gỡ kì lạ giữa những con người ấy. Với vị thế xã hội hoàn toàn khác nhau, họ hoàn toàn đứng về hai chiến tuyến trái ngược. Huấn Cao là một trang anh hùng, sẵn sàng làm giặc triều đình, vì dân dẹp loạn mà phạm tội phản nghịch chỉ chờ ngày chém, còn Viên quản ngục và thầy thơ lại là những con người đại diện cho xã hội đương thời, nắm trong tay sinh mệnh những ngày cuối cùng của Huấn Cao. Họ là những kẻ thù không đội trời chung nhưng vì cái đẹp mà lại trở thành tri kỉ. Thật kì diệu làm sao! Vị thế xã hội khác nhau dẫn đến hoàn cảnh sống của họ cũng khác nhau. Huấn Cao là con người chọc trời khuấy nước, sống một lối sống của một bậc đại trượng phu với chí lớn tung hoành ngang dọc, hoài bão chân thành tìm lại bình yên cho nhân dân. Ông Huấn được miêu tả đã đạt đến tầm sử thi mà cũng hết sức bình dị. Ước nguyện "cánh bằng xé gió" không thành cũng tạo cơ hội để ông gặp Viên quản ngục và thầy thơ lại – hai con người vì chọn sai nghề mà phải sống phải chịu đựng giữa chốn ngục tù đầy nhơ nhớp rối ren. Với Viên quản ngục và Thầy thơ lại, Huấn Cao là ngọn đèn soi sáng, để hai người quyết chí rời khỏi bến mê, còn với Huấn Cao, hai người là một ánh sáng le lói để ông tiếp tục tin vào những điều tốt đẹp bởi trong hoàn cảnh ngục tù ấy, 2 bông sen kia vẫn còn thơm mãi thì biết bao nơi đau khổ ngoài kia cũng sẽ có những con người như thế. Có lẽ, vì sống trong hoàn cảnh khác nhau mà tính cách họ cũng khác nhau. Huấn Cao được miêu tả có tính kiêu ngạo, "vốn khoảnh" tạo nên sự lẫm liệt, uy nghi của một bậc anh hùng. Dù có thất thế, tính cách ấy chỉ có thêm chứ không có giảm. Trái ngược với ông, do phải cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói đầy giả tạo chốn quan trường, lao ngục mà Viên quản ngục có phần e dè, khiêm nhường hơn. Viên quản ngục biết suy nghĩ thấu đáo trước sau còn thầy thơ lại vẫn giữ được sự sôi nổi, nhiệt tình của mình, nhất là với Huấn Cao. Ba nhân vật, ba tính cách, ba số phận khác nhau nhưng đều là những nét son, là những ngọn lửa lung linh giữa cuộc đời vàng thau lẫn lộn. Họ đã được Nguyễn Tuân khắc họa bằng bút pháp tạo hình tài hoa và uyên bác. Nguyễn Tuân tài hoa ở cách thức nhìn nhận và phản ánh con người của mình, "ngông" trong lối biểu hiện khác đời, khác người. Từ đề tài, nhân vật đến cách thể hiện đều gây bất ngờ, rất độc đáo và giàu sáng tạo. Những chi tiết về cảnh, người của một thời vang bóng cùng một loạt từ ngữ Hán-Việt rất đắt như: Phiến chát, thầy bát, thầy thơ lại, viên quản ngục, thiên lương, án thư, pháp trường, bộ tứ bình, bức trung đường, bái lĩnh.. tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng. Và không thể không kể đến đó là cảnh cho chữ - cảnh chói sáng nhất trong tác phẩm. Nó vừa thiêng liêng vừa tràn ngập ánh hào quang của cái đẹp. Cái đẹp tỏa ra từ phẩm chất, khí phách, nhân cách của các nhân vật đặc biệt toát ra từ vẻ đẹp, cái hay của chữ người tử tù Huấn Cao đã tạo thành chất thơ huyền diệu của tác phẩm. Gấp lại "Chữ người tử tù", Nguyễn Tuân đã lắng đọng trong ta những dư âm còn mãi. Nguyễn Tuân vừa thẳng thắn, vừa tinh tế khắc họa lên những bức chân dung nho nhã mà không kém phần lẫm liệt của ba đóa hoa bất tử Huấn Cao, Viên quản ngục và Thầy thơ lại. Họ chính là lời khẳng định cho sự bất diệt và những giá trị tinh thần cao đẹp không chỉ của tác giả, tác phẩm mà còn của những nét đẹp văn hóa như thú chơi chữ còn mãi với ngàn sau. "Chữ Người Tử Tù" không chỉ là một điệp khúc, là lời ca tụng hân hoan về con người trong chốn tối tăm bùn lầy ấy, mà còn là sự hướng đến cái chân, thiện, mỹ và ca ngợi chúng giữa biển đời. Hãy luôn nhớ rằng: