CHÂN DUNG HÌNH THÁI CHỦ THỂ TRONG VĂN HỌC 1.1. Tính chủ thể trong văn học: Văn học là sản phẩm của sự kết hợp giữa khách quan và chủ quan, vừa mang tính xã hội, vừa mang tính chủ thể. Trong tiến trình văn học nhân loại khi thì văn học nghiêng về tính xã hội, khi thì nghiêng về tính chủ thể. Lịch sử quan niệm của con người về vấn đề này có quan niệm đề cao tính xã hội và có quan niệm đề cao tính chủ thể, nhưng cũng có quan niệm chú trọng việc cân bằng giữa tính xã hội và tính chủ thể trong văn học. Quan niệm được số đông chấp nhận là không xem nhẹ tính xã hội của văn học nhưng tính xã hội sẽ nông cạn khi không được liên kết với tính chủ thể, có khi được sự liên kết với tính chủ thể thì tính xã hội của văn học trở nên sâu sắc, diện mạo văn học sẽ đa dạng hơn, xuất hiện nhiều phong cách, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của con người. Trong lịch sử văn học của một dân tộc, một thời đại khi một nền văn học nảy sinh nhiều nhà văn là những chủ thể tài năng thì đó là một nền văn học lớn như ở Nga, Pháp, Mỹ.. Nói đến tính chủ thể trong văn học là nói đến chủ thể nhà văn thể hiện trong sáng tác văn học. Chủ thể này được hình thành từ cấu trúc bao gồm nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố như bản thể phát sinh (người mẹ mang thai), hệ thống phát sinh (gia phả tổ tiên) và điều kiện sống (tự nhiên và xã hội). Trong quá trình hình thành chủ thể, nhà văn luôn luôn diễn ra hai quá trình là khách quan hóa và chủ quan hóa. Cái đọng lại kết tinh ở chủ thể là bản ngã nhà văn, bởi vì quá trình của chủ thể là quá trình tự nâng cao, tự hoàn thiện để là chính mình chứ không phải là trở thành người khác. Marx và Freud đã phát hiện ra hai mặt quan trọng của chủ thể đó là Marx đã phát hiện ra cá nhân bị điều kiện hóa về mặt xã hội, còn Freud phát hiện ra cá nhân bị điều kiện hóa bởi đời sống tâm lí. Nói đến chủ thể nhà văn là nói đến tài năng, nhân cách, tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn được hình thành từ điều kiện xã hội và điều kiện tự ngả thể hiện trong văn học; nói đến rung động của nhà văn trước cái đẹp, cái mới, cái trừu xuất của cuộc sống; nói đến tình cảm, khả năng nhận thức hiệ thực, lựa chọn hiện thực, khái quát và biểu hiện hiện thực thành hình tượng có nghĩa điển hình làm rung động con người của nhà văn. Sáng tác mà không có tài năng thì văn chương nông cạn, nhạt nhẽo; không có lương tâm chỉ là sự đổ nát của tâm hồn. Tài năng của nhà văn trước hết là khả năng nắm bắt những quá trình của cuộc sống một cách nhạy bén và sâu sắc hơn người khác của nhà văn. Đó là khả năng cảm thụ, nhìn thấy cái mà người khác không thấy được của nhà văn. Như vậy, nói đến tính chủ thể trong văn học là nói đến tài năng, sự độc đáo, tầm cao về nhân cách của nhà văn thể hiện trong tác phẩm văn học. Chủ thể nhà văn là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của chính mình. +Chủ thể tiếp nhận: Trước hết, ta nói: "Tiếp nhận văn học là một mảng lý luận văn học đang còn để ngỏ. Nếu xem hoạt động của văn học bao gồm hai mảng lớn sáng tác và tiếp nhận thì bản thân sự tiếp nhận đã hàm chứ một nửa lý luận văn học". Đây là ý kiến của Trần Đình Sử trong một bài viết cách đây hưn hai thập kỉ đã cho thấy được tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận. Có thể nói rằng sáng tác là có tiếp nhận. Có thể nói rằng có sáng tác là có tiếp nhận. Cái nhìn chung về chủ thể tiếp nhận đó là người đề cập đến khâu tiếp nhận như là một phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam. Có thể thấy rằng Trần Đình Sử tuy là người phụ trách phần tiếp nhận văn học trong giáo trình lý luận văn học ở bậc đại học và cao đẳng sư phạm và là người có vai trò đáng kể trong sưu tập chuyên đề Văn học nghệ thuật và tiếp nhận. Không nằm ngoài khuynh hướng phát triển của văn học thế giới, văn học Việt Nam hôm nay đã tiếp thu những nét hiện đại trong phương pháp sáng tác, kĩ thuật trần thuật.. đặc biệt là ảnh hưởng sâu sắc tâm thức hậu hiện đại. Ví dụ: Đọc tác phẩm của Vũ Xuân Tửu chúng ta thấy được cái tâm của con chữ, lòng đam mê với nghiệp viết, một sự gắn bó mãi không ngừng. Với cái nhìn nhận sâu sắc, nhân vật trong thơ ông đa dạng, sống động, nhiều màu, nhưng thâm trầm, tỉ mỉ, tinh tế. 1.2. Khái quát về lời văn nghệ thuật Theo Từ điển thuật ngữ văn học, lời văn nghệ thuật là "dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật, tạo thành cơ sở ngôn từ của văn bản nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học". Thuật ngữ lời văn nghệ thuật rất gần nghĩa với các thuật ngữ ngôn ngữ, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ văn học, lời văn . Đây là những thuật ngữ có nét nghĩa tương đồng nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau nên cần có sự phân biệt. Ngôn ngữ là "hệ thống ngữ âm, những từ và quy tắc kết hợp chúng mà những người trong một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp". Đó mới là chất liệu của tác phẩm văn học chứ chưa phải là lời văn nghệ thuật, hình thức của chỉnh thể thẩm mỹ trọn vẹn. Từ ngôn ngữ đến lời văn nghệ thuật là cả quá trình lao động công phu, gian khổ của nhà văn. Có thẻ ví ngôn ngữ như tấm vải còn lời văn nghệ thuật là bộ y phục nhà thiết kế đã hoàn thành. Ngôn ngữ nghệ thuật là "một hệ thống các phương thức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống các quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mĩ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật. Người ta có thể nói đến ngôn ngữ ba lê, ngôn ngữ chèo, ngôn ngữ điện ảnh. Cũng có thể nói đến ngôn ngữ nghệ thuật của sáng tác văn học trên cấp độ đó". Ngôn ngữ văn học là thuật ngữ dùng để "chỉ một cách khái quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩm mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn hóa, văn học và khoa học". Như vậy, các thuật ngữ ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ văn học có nội hàm rộng hơn thuật ngữ lời văn nghệ thuật. Cũng cần phân biệt rõ hai thuật ngữ lời văn và lời văn nghệ thuật. Theo lí luận văn học có nhiều dạng lời văn: "lời văn nghệ thuật, lời văn luật pháp, cũng như lời văn sách vở và ca hát của nhà thờ trong một số thời đại". Lời văn nghệ thuật chỉ là một dạng trong đó, vì vậy phải dùng thuật ngữ lời văn nghệ thuật mới khu biệt rõlời văn trong tác phẩm văn học. Nếu muốn dùng lời văn thay thế lời văn nghệ thuật theo lối rút gọn thì phải đặt trong văn cảnh cụ thể. Việc phân biệt các thuật ngữ như trên sẽ giúp người đọc ý thức rõ lời văn nghệ thuật là ngôn ngữ mang tính toàn vẹn, cụ thể, sinh động, có giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm văn học chứ không phải ngôn ngữ trong các hoạt động giao tiếp khác hoặc ngôn ngữ ở dạng chất liệu của sáng tác văn học. Lời văn nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là hình thức vật chất duy nhất cho sự tồn tại nội dung tác phẩm. Nhờ lớp lời văn mà toàn bộ thế giới nghệ thuật được định hình. Từ yếu tố trực tiếp, đầu tiên, duy nhất ấy người đọc có cơ sở tìm hiểu, khám phá thế giới hình tượng và các lớp nội dung, ý nghĩa của văn bản nghệ thuật. Nghiên cứu mỹ học, đi sâu vào phân tích mối quan hệ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, so với các yếu tố hình thức khác thì lời văn nghệ thuật được đánh giá là yếu tố thứ nhất của hình thức tác phẩm, yếu tố mang tính nội dung sâu sắc và trực tiếp nhất. Cả hình tượng nhân vật, bức tranh phong cảnh, cốt truyện, kết cấu, chủ đề, cảm hứng, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người.. chỉ được nắm bắt nhờ những hình thức của ngôn từ. Lời văn nghệ thuật còn là phương tiện biểu hiện trực tiếp và rõ nét phong cách nhà văn. M. B. Khrapchenko đã từng lưu ý các nhà phong cách học cần coi trọng lời văn nghệ thuật bởi "ý nghĩa của nó không phải là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn như là hiện tượng của phong cách". Vì vậy, hiểu rõ lời văn nghệ thuật sẽ có điều kiện hiểu tư tưởng nghệ thuật, thế giới nghệ thuật và phong cách nhà văn. Lời văn nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ và các yếu tố bộ phận nhưng không phải là kết quả sự gắn kết thành phần và phương tiện một cách giản đơn. Từ chất liệu và các yếu tố bộ phận, nhà văn phải dày công kết hợp, sáng tạo mới có được lời văn nghệ thuật, hình thức ngôn từ của tác phẩm văn học mang tính cụ thể sinh động, phù hợp với nội dung sáng tác, có giá trị thẩm mỹ cao. Do đó, tìm hiểu lời văn nghệ thuật cần phát hiện được lí do nào đã liên kết phát ngôn trở thành lời văn. Người đọc vừa phải đi sâu "cắt lớp" từng bộ phận thành phần, phương tiện của lời văn nghệ thuật, vừa có nhiệm vụ khám phá mối quan hệ hệ thống của nó, cơ bản cần tập trung vào các phương diện sau: *Phương thức tổ chức lời văn: Lời văn nghệ thuật là một hệ thống cấu trúc chức năng, mỗi yếu tố bộ phận của nó đều góp phần thực hiện hóa tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Để tạo nên hình thức ngôn từ tương ứng với nội dung sáng tác, phản ánh tư tưởng nghệ thuật của mình, nhà văn phải lựa chọn các yếu tố cần thiết từ "kho" nguyên liệu bề bộn rồi sắp xếp, liên kết lại theo những phương thức nhất định. Những phương thức đó quy định cách thức sử dụng phương tiện và sắp xếp thành phần lời văn nghệ thuật theo ý đồ sáng tạo của nhà văn. Lời văn nghệ thuật của mỗi tác giả, tác phẩm có thể do một hoặc một số phương thức tổ chức nhất định. Các nguyên tắc có khi lộ diện, có khi lại chìm trong mạch ngầm văn bản không dễ nhận ra. Đôi khi người ta hiểu ngôn ngữ văn bản mà không hiểu được lời văn của nó. *Các thành phần của lời văn: Từ điển thuật ngữ văn học đã chỉ rõ "lời thơ, lời trần thuật, lời nhân vật, lời thoại trong kịch và các dạng của chúng đều là các bộ phận tạo thành lời văn nghệ thuật". Trong đó "thành phần cơ bản của lời văn nghệ thuật là lời gián tiếp (của người kể chuyện, người trần thuật) và lời trực tiếp (của nhân vật)". Lời gián tiếp là toàn bộ lời văn của tác giả, của người trần thuật, hoặc người kể chuyện. Chức năng của nó là giúp cho các sự vật, hiện tượng như ngoại hình, tình trạng, môi trường, sự kiện, phong cảnh.. vốn không biết nói, được nói lên trong tác phẩm. Lời gián tiếp còn được gọi là lời trần thuật. Lời trực tiếp của nhân vật có thể là lời đối thoại hoặc lời độc thoại. Lời trực tiếp thực hiện nhiều chức năng: Phản ánh hiện thực ở ngoài nhân vật chức năng như một hành động, sự kiện đối với nhân vật khác- chức năng biểu hiện thế giới bên trong của nhân vật. Lời độc thoại nội tâm là dạng đặc biệt của lời trực tiếp, đóng vai trò chính trong việc phản ánh nội tâm nhân vật. Khi xây dựng tác phẩm, nhà văn phải vận dụng toàn bộ các khả năng và phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ toàn dân. Các bình diện ngữ âm (điệp vần, thanh điệu), các phương tiện từ vựng (thực từ, hư từ), cú pháp (câu đơn, câu phức, câu rút gọn, câu đặc biệt), các phương tiện và biện pháp tu từ (nhân hóa, so sánh, tượng trung, liệt kê) đều có khả năng kiến tạo lời văn nghệ thuật. Tóm lại, như M. Bakhtin cho rằng: "Lời văn- tức là ngôn ngữ trong tính toàn vẹn cụ thể và sinh động của nó, chứ không phải ngôn ngữ với tính cách là đối tượng chuyên biệt của ngôn ngữ học". 1.3. Tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Vũ Xuân Tửu Nhà văn Vũ Xuân Tửu sinh năm 1955 quê ở Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện nay, ông đang sống và làm việc tại thành phố Tuyên Quang. Ông là một sĩ quan công an nhưng niềm đam mê văn chương sớm đến với ông nên ông đã "tự đào tạo mình thành một nhà văn" và đạt giải cao nhất trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2005 – 2006. Vũ Xuân Tửu đến với nghiệp viết từ bút ký Đường xuyên cao nguyên đăng trên Văn Nghệ Tuyên Quang năm 1980. Trong số các nhà văn đi tiên phong thời kỳ đổi mới, nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đã bắt kịp xu hướng, đưa vào tiểu thuyết yếu tố kỳ ảo với số lượng tác phẩm phong phú, được dư luận chú ý. "Nhà văn không phải là thày thuốc, nhà văn là nỗi đau", Vũ Xuân Tửu đã bộc bạch như vậy khi nói về nghiệp viết của mình. Đọc tác phẩm của ông chúng ta thấy được cái tâm với con chữ, lòng đam mê với nghiệp viết, một sự gắn bó mãi không ngừng. "Mỗi buổi tối, tôi thường viết ba đến bốn giờ, ngày nghỉ cuối tuần cũng thường viết từ mười đến mười hai giờ. Viết truyện là mang tâm sự của mình đến với bạn đọc về một khoảnh khắc cuộc sống, một nét tính cách nhân vật. Tôi hầu hạ bạn đọc, còn từ điển thì phục vụ tôi. Lúc nào trên giá sách, cạnh bàn viết cũng có khoảng mười loại từ điển để sẵn sàng tra cứu, nhất là lúc sửa chữa tác phẩm. Tôi luôn cẩn trọng với từng câu và từng con chữ với tất cả tấm lòng và ý thức trách nhiệm của mình.. Tôi thấy ý nghĩ hay nhất thường nảy ra lúc đi đường, lúc ban đêm thức giấc và lúc đọc sách." Đọc truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, bạn đọc thường bắt gặp hình ảnh cuộc sống sinh hoạt người dân quê điềm đạm chất phát, người dân miền núi thuần hậu, mộc mạc đậm đà tình nghĩa. Phải chăng, do gắn bó với cái nôi văn hóa Việt Bắc và văn hóa đồng bằng nên trang viết của ông đậm đà, da diết về những con người từ vùng cao đến miền xuôi. Các truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu đã để lại những ấn tượng sâu cho bạn đọc, nhưng đáng chú ý là những trang viết về cuộc sống vùng cao với bao nếp sống, sinh hoạt, tình yêu thương con người thể hiện những cách nhìn mới mẻ về cuộc sống: "Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng", "Cầu vồng trên núi Nàng Tiên", "Suối Miền Xía", "Chuyện ở bản Piat", "Cỏng Hò".. Nổi lên trên hết là sự thẫm đẫm tình người, những tâm tư tình cảm trong từng nhân vật của nhà văn. Các truyện nắn viết về miền xuôi lại là những "lát cắt" sinh động trong đời sống để bạn đọc khó quên. Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, để lại sự trầm lắng sâu xa trong bạn đọc về số phận con người. Vũ Xuân Tửu đã có một số tác phẩm viết theo "hiện thực xã hội chủ nghĩa" thành công. Anh từng đạt nhiều giải thưởng cao, cho những tác phẩm của mình. Vũ Xuân Tửu cẩn thận đến từng câu chữ, ý tứ, thận trọng từng chi tiết. Tác phẩm gần đây nhất của Vũ Xuân Tửu là tiểu thuyết Cửa Đá (2011), Cõi Mê (2011). Tác phẩm được công chúng chấp nhận và ủng hộ. 1. KIẾN TẠO NGÔN TỪ VỚI CHỦ THỂ TÍNH HAY LÀ HÌNH TRÌNH VÀO CÕI MÊ 2.1. Mô thức kiến tạo lời văn nghệ thuật 2.2. 1. Hình thái chủ thể qua lối miêu tả: Gặp gỡ một tác phẩm văn học, khuôn diện đầu tiên bao giờ cũng là lớp vỏ ngôn từ. Vốn là sự hữu hình hóa của tư duy, của thế giới ẩn sâu trong tiểm thức con người, ngôn ngữ mà cụ thể ở đây là ngôn từ nghệ thuật bao giờ cũng có những quyền năng của riêng nó. Có thể nói văn bản nghệ thuật nào cũng như "cõi mê" thứ nhất của người nghệ sĩ, một "cõi mê" mơ hồ đầy khoảng trống buộc người đọc phải tự xây dựng lối ra cho chính mình. Bằng hình thái cấu trúc lớp vỏ ngôn ngữ Vũ Xuân Tửu gợi mở cánh cửa dẫn độc giả vào thế giới nghệ thuật của riêng mình, vào "cõi mê" của riêng ông. *Nhân vật qua lời văn hay là một hình thái khác của chủ thể sáng tạo Tiểu thuyết "Cõi mê" cùng nhịp điệu cũng như cấu trúc của nó quả thực tựa như một bộ phim công phu, không có những kịch tính đến nghẹt thở, những con chữ cứ nhẹ nhàng, tĩnh lặng đến mơ hồ nhưng ẩn sâu trong đó là những đợt sóng dữ dội của tài năng chủ thể, biết bao nhiều điều dồn nén trong những câu từ tưởng như êm dịu. Vũ Xuân Tửu đã kết thúc tác phẩm bằng câu hỏi đầy mơ hồ của Đồng: "Thưa lão trượng, đây là cõi mê chăng?" Một cái kết đầy dư vang, nó khiến độc giả phải một lần nhìn lại toàn bộ tiểu thuyết để có thể tìm ra câu trả lời cho chính mình. Để rồi khi quay ngược "thước phim" Cõi mê, đọng lại là cuộc đời của Đồng và Huyền cùng tình yêu của họ. Một trong những điểm nhấn của "Cõi mê" là những phân cảnh ân ái của Đồng và Huyền. Viết về tính dục là điều không dễ dàng, người cầm bút phải xử lý câu chữ như thế nào để không tạo cảm giác thô tục nhưng đồng thời cũng phải giữ lại những nét đẹp nhân bản vốn có của nó. Toàn bộ Cõi mê là bầu không khí huyền ảo lại như pha chút liêu trai, dị ảo của những câu chuyện ma quái cùng những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại mang dự cảm mạnh mẽ về tương lai. Nhưng lần giao hoan ngập tràn tình yêu của Đồng và Huyền đã góp phần tạo nên không khí lãng đãng cho tác phẩm. Nhân vật của Vũ Xuân Tửu không được khắc họa nhiều qua vẻ bề ngoài mà hiển hiện qua những giấc mơ chập chờn về đối phương, ám ảnh và hồi tưởng về những phút giây gần gũi của hai người. Một nét đẹp mang hơi thở phồn thực, "trần" nhưng không "tục". Khi miêu tả vẻ đẹp của người yêu, Đồng đã ví Huyền, ví những đường nét trên cơ thể nàng với những vẻ đẹp trong sáng, mong manh mà tuyệt đẹp của thiên nhiên: "Huyền từ buồng tắm đi ra, má ửng hồng, mắt sáng long lanh, nụ cười hé nở trên môi, đôi bầu vú vổng lên. Từ dưới rốn, có vệt nước chảy xuống bắp đùi thon thon, cao cao.. Và kia, một túm đen đen bết như nhung, còn dính những hạt nước li ti, nhưng những giọt sương ban mai đọng trên lá cỏ." Khi tình yêu thăng hoa bằng những ái ân, con người không chỉ đẹp các vẻ đẹp nguyên sơ mà ở đó còn là yêu thương là những giá trị đáng trân quý trong tính cách của mỗi người. Với Đồng "không có tình yêu thì không bao giờ có tình dục", anh "không bao giờ lợi dụng hoàn cảnh", "anh cần sự hiến dâng", cần sự tự nguyện từ hai phía. Dù nhiều lần gần gũi nhưng Đồng bao giờ cũng biết đâu là điểm dừng, cái gì có thể kìm chế dục vọng bản năng đang cháy rực của người đàn ông trong mỗi cuộc tình như thế? Nếu không phải là tình yêu, là tình thương, là sự trân trọng và tôn trọng người mình yêu thì không gì có thể làm thế. Còn với Huyền, những con chữ cũng mời chào, đầy sức gợi như chính vẻ đẹp của nàng. Không bao giờ miêu tả nhân vật một cách cụ thể có lẽ là một đặc điểm của chủ thể sáng tạo. Nó khiến người đọc phải tưởng tượng, phải tự hình dung ra chân dung nhân vật, từ bề ngoài đến thế giới nội tâm bên trong họ. Huyền trong lời Ba Khơ là một người con gái "đẹp người, biết cách quyến rũ, rủ rê đàn ông bằng ánh mắt, bằng nụ cười", và quả thật, trong ánh mắt của Đồng nàng đẹp đầy khêu gợi như thế. Nhưng nhà văn nói một đẻ mà độc giả phải hiểu mười, cái ta đọc chỉ là bề nổi của tảng băng trôi khổng lồ. Bằng những chi tiết tưởng giản đơn nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa cần được giải phóng. Tình yêu của Đồng và Huyền không chỉ là sự định nghĩ cho tình yêu chân chính mà còn là quan niệm của nhà văn về vai trò của tình dục, là những khát khao đầy tính nhân bản của con người. Ở Huyền ta vừa thấy một người phụ nữ chuẩn mực, coi trọng và giữ gìn trinh tiết nhưng đồng thời cũng hiển hiện khát vọng tính dục đầy bản năng. Vũ Xuân Tửu đã trả nhân vật của mình về con người đời thường hết sức chân thực, với đầy đủ biết bao khát khao, biết bao suy tư, dự cảm về cuộc sống, về bản thể của chính mình. Nỗi trăn trở của nhân vật hay của nhà văn chính là trăn trở của muôn người, của cuộc đời đang sống ngoài kia. Vũ Xuân Tửu đã mơ hồ hóa tiểu thuyết của mình bằng cách đan xen nhiều lối trần thuật khác nhau. Có khi là lời kể trực tiếp từ các nhân vật, có khi là dòng hồi tưởng và tự thoại, có phân khúc lại là lời bán trực tiếp, tất cả được sử dụng đầy điêu luyện để thể hiện dụng ý của tác giả. Khi khảo sát Cõi mê chúng tôi nhận thấy rằng chỉ trong một chương nhưng tác giả xây dựng nhiều kết cấu, tổ chức ngôn từ khác nhau. Điển hình như ngay ở chương 2: Mở đầu là chuyến đi Tây Bắc của Đồng cùng đoàn tham quan, sự xuất hiện của hai hòn đá kì lạ như mở đầu cho một loạt những yếu tố kì dị, ma quái về sau; phần tiếp là giấc mơ về những bóng ma cà rồng giữa trận động đất bất chợt miền núi; rồi lại đến những (có lẽ) là nhật ký của Đồng về Huyền và tình yêu anh dành cho cô; để rồi kết thúc là chuỗi hình ảnh gần gũi thân mật của 2 người. Chúng tưởng như rời rạc, thiếu liên kết nhưng rồi đột ngột liên kết với nhau một cách đầy logic ở những chương sau. Cõi mê quả thực hệt như bộ phim dựa trên dòng hồi tưởng của người kể, hiện tại quá khứ tương lai cứ đan xen, có khi ta ngỡ là thực tại nhưng rồi đọc đến cuối trang văn, cuối chương tiểu thuyết mới vỡ lẽ chỉ là một ý nghĩ hoài niệm về quá khứ. Với lối hành văn "một nửa" như thế quả thật Vũ Xuân Tửu đã tạo được dấu ấn riêng cho chính mình. Chân dung chủ thể sáng tạo qua các nhân vật còn hiện diện như một cây bút cực kỳ công phu trong cách xây dựng câu văn con chữ. Có thể thấy rằng Vũ Xuân Tửu thường xuyên sử dụng những câu miêu tả rất dài, giàu hình ảnh, nhưng những câu đề cập hành động của nhân vật lại thường ngắn. Một lần nữa, với cách lựa chọn hình ảnh trong miêu tả so sánh đã khắc họa thật rõ nét cá tính sáng tạo hay là hình thái chủ thể trong tiểu thuyết. Ví như cái cách nói về cảm nhận của Huyền về tình yêu của Đồng, trong tình ái, không phải cứ được yêu nhất thì con người sẽ hạnh phúc. Huyền tự hào nhưng là "tự hào một cách tội lỗi". Thế nào là "tự hào một cách tội lỗi"? Có lẽ mỗi độc giả phải tự định nghĩ theo cách của riêng mình, như thế nghĩa là lại một khoảng trống ngôn từ nữa trong cách kiến tạo lời văn độc đáo của Vũ Xuân Tửu. *Thiên nhiên miền ngược – tấm gương phản chiếu chân dung chủ thể sáng tạo nghệ thuật: Điều đầu tiên gây ấn tượng đối với độc giả khi tiếp cận tiểu thuyết Cõi mê đó là lối miêu tả thiên nhiên đặc biệt giàu hình ảnh. Hình ảnh con sông Đà một lần nữa xuất hiện trong trang văn, thậm chí chủ thể đã liên tưởng đến "Túy bút sông Đà" của Nguyễn Tuân nhưng ở đây, khi ngắm nhìn bức tranh sông Đà dưới con mắt của Đồng, ta vẫn thấy những đường nét rất riêng: "Chỗ vực sông, bên tả ngạn, có một bãi sỏi. Cơ man là sỏi, có những viên sỏi màu trắng ngà, có những viên đỏ như hồng ngọc, có những viên màu gan gà, màu hồ thủy.. Chúng có muôn hình vạn trạng. Có những viên dẹt như cái la bàn gỗ của thày phong thủy.." Hoặc có khi ta bắt gặp cả một câu dài với thật nhiều hình ảnh chỉ để miêu tả vết tích còn lại của một di tích lịch sử: ".. hai cái công đã cụt cả vọng lầu, đứng chơ vơ, buồn thảm, khiến người ta liên tưởng đến một kỵ sĩ trúng trái phá mất ngựa, cụt đầu, chỉ còn bên vai và một mảng ngựa vỡ toác." Câu văn đầy sức gợi với sự so sánh sinh động. Có thể thấy chủ thể luôn ý thức tái hiện thiên nhiên, sự vật bằng những hình ảnh gần gũi, tái hiện cái trừu tượng bằng cái cụ tượng, làm cho lời văn trở nên trực quan, giàu sức gợi. Tác giả cũng thường xuyên sử dụng những hoán dụ cảm giác, ẩn dụ tu từ để tăng tính gợi cảm cho lời văn: "Hai viên đá tỏa ánh sáng xanh và lạnh, đồng thời phát ra những tiếng lanh canh như đàn đá" . "Lạnh" vốn là tính từ chỉ cảm giác được gắn với ánh sáng. Một thứ ánh sáng màu xanh vốn gĩ đã gây cảm giác kì dị nay lại mang thêm hơi lạnh càng đậm tô sự kì lạ đến rợn người của sự vật, hệt như một vật từ cõi âm lạc đến dương gian vậy. Xưa nay, nói đến tiểu thuyết, đa phần chúng ta tập trung vào khai thác các nhân ít khi quan tâm đến các yêu tố ngoại cảnh. Nhưng đến với Cõi mê, bên cạnh nhân vật ta còn cần chú ý đến thiên nhiên cảnh vật như một thành tố quan trọng tạo nên linh hồn của tác phẩm. Có thể nội dung tác phẩm được đặt trên nền một chuyến tìm hiểu văn hóa nên có sự đan xen yếu tố tùy bút (trong nhưng phân cảnh miêu tả) với yếu tố tự sự. Điều này lý giải tại sao các câu miêu tả thường dài, nhiều hình ảnh hơn là các câu kể. Nhưng đáng nói hơn tất thảy đó là thiên nhiên trong Cõi mê mang tính dự cảm, dự báo mạnh mẽ, nhạy cảm hệt như những rung cảm trong tận sâu tiềm thức con người. Ngày Huyền đuối nước "nước sông Lô xanh, xanh đến rợn người", cái nhìn rợn ngợp như muốn xua đuổi bất cứ con người có ý định đến gần nó, như để báo trước sự nguy hiểm cận kề nếu cứ cố gắng tiếp cận sông nước. Và rồi, Huyền quả thực đã chìm mãi trong làn nước xanh thẳm tối tăm lạnh lẽo ấy. Thiên nhiên thường làm thước đo trong sự so sánh của con người nhưng Vũ Xuân Tửu thì ngược lại, ông viết: "Ngoài chái nhà, bụi tre kẽo kẹt trong gió đêm, tựa như có ai đó vừa cựa mình, vừa nén tiếng thở dài, lại vừa nghiến răng chèo chẹo". "Tiếng thở dài, tiếng nghiến răng" cộng hưởng cùng "tiếng gió đêm" khiến câu văn bỗng dưng mang sắc thái ma mị, rùng rợn, góp phần tăng tính lỳ kì hấp dẫn cho toàn tác phẩm. Và có lẽ đây cũng chính là một hình thái độc đáo của tính chủ thế Vũ Xuân Tửu trong sáng tạo thế giới nghệ thuật riêng ông. 2.2. 2. Lời thoại của nhân vật Lời văn nghệ thuật là đặc sản là thước đo sự sáng tạo của mỗi nhà văn, chính vì thế mỗi tác giả luôn ý thức chứa đựng tính chủ thể riêng biệt trong từng lời văn nghệ thuật độc đáo của mình. Và tác giả Vũ Xuân Tửu cũng không ngoại lệ, mô thức kiến tạo lời văn của ông không chỉ suất thần trong những lời văn miêu tả nhân vật, thiên nhiên mà còn bộc lộ rõ qua từng "lời ăn tiếng nói" trong tác phẩm. Cụ thể hơn là trong "Cõi mê" không chỉ đơn thuần là các cuộc thoại trực tiếp giữa các nhân vật mà còn xen lẫn đối thoại với độc thoại, đồng thời giữa tất cả còn là những dong độc thoại nội tâm của nhân vật với chính những trăn trở suy nghĩ của mình. Ngoài ra với việc sử dụng lời văn tài tình tác giả còn phân thân thành người kẻ hay chính nhân vật trò chuyện với chính người đọc của mình. Hơn nữa qua đó ta thấy được nét đa chiều của tư duy nghệ thuật độc đáo mang tên Vũ Xuân Tửu. Hầu như tất cả các cuộc thoại giữa các nhân vật đều có mối liên quan mật thiết với bối cảnh mà ông dựng lên, chính những bối cảnh là chất xúc tác làm từng lời thoại sống động và thực hiện tốt chức năng trực tiếp đặc tả ngoại hình, cá tính, tâm lý.. đúng chất của mỗi nhân vật. Trong Cõi mê – Chương 1 mở đầu là hàng loạt tình huống đối thoại được phát triển một các tự nhiên như chính bối cảnh thiên nhiên rừng núi nơi đây. Nhà văn không bó buộc số lượng nhân vật nói, ông để lời thoại sinh ra trong sự phóng khoáng với sự góp mặt của tất cả người dân bản. Ngôn từ ông dành cho từng lời thoại của nhân vật cũng rất khác nhau: Với Huyền và Đồng luôn sáng lên sự hiểu biết và tìm tòi.. riêng với Huyền lời nói của nhân vật này cũng có những nét duyên riêng của người con gái đang yêu, cô hay hát cô thơ mộng đồng thời cũng có lúc thẹn thùng khi nói trúng tim đen. Có lẽ sự hiểu biết của tác giả không dừng lại ở thiên nhiên, địa danh nơi chốn của người Sán Dìu, mà ông còn sống cả trong "cái bụng" của họ, từng lời nói của dân đầu cầu, tay kéo thuyền, hay già làng đều bộc rõ cái sự chân chất giản dị của rừng núi: "Giời đã sinh ra hang, thì làm sao mất được", "Ngày xưa, có khi đi chợ cũng soọng cô. Ngày tết hát soong cô cả tuần. Chia tay mà chẳng muốn rời, có khi còn quay lại hát tiếp mấy ngày nữa." Từ ngữ, lời văn Vũ Xuân Tửu sử dụng gắn với cuộc sống bình dị của địa phương và tính cách của mỗi nhân vật cũng mang sắc thái riêng. Lời ăn tiếng nói cũng thể hiện phong tục lối nghĩ của người dân tộc đối với đời sống, khi Đồng suýt lộn cố xuống sông và những câu nói mê man về Huyền thì những bà nạ dòng cũng phán đoán: "Bị ma làm rồi- Có khi con mà đạp nước đấy" rồi hỏi "Đã cát tiền duyên chưa?". Với họ những việc như thế trên sông nước cũng chỉ do ma mà ma là người yêu thì phải cắt tiền duyên chứ không sẽ bị bám suốt đời. Tác giả như sống lớn lên với đất mẹ miền núi ông am hiểu từng bước đi lối nghĩ của từng người, ông miêu tả chân thực từng lời nói của họ đến cả những từ ngữ hằng ngày: "Buồn ngủ thì sấm đánh bên tai, sét đánh trên đầu vẫn ngủ. Này, ta làm bữa cộ cang, ăn nhẹ ban đêm, rồi lăn ra ngủ tít thò lò ra ấy mà". Từng câu nói như vừa đủ để giải thích cho những câu hỏi mà Huyền và Đồng thắc mắc, không quá câu nệ, trang trọng hóa các vấn đề, tác giả cho nhân vật giữa trong mình cái hồn của dân bản nơi đây, dùng chính cái chân thật mà bày tỏ cái yêu cái tự hào của con người nơi này. Lối đặt lời nói xen lẫn lời hát cũng tạo nên hiệu ứng ca từ trong văn chương của ông, đọc văn lại như hát như đắm chìm trong từng lời soong cô: "Sáng nay cơm sớm là em ăn Cái lối đi sớm là em đi Cái nón đẹp nhất là em đội Cái ô giấy vàng là em mang" Những từ ngữ "giời, hang, soọng cô..", tiếng cười "khơ khơ khơ" lẫn lối nói bộc trực được tác giả sắp xếp một cách khéo léo trong từng lời nói không chỉ miêu tả cái cái đẹp thuần khiết ở con người dân tộc, mà còn thể hiện tư tưởng thẩm mỹ riêng của tác giả. Và cái hay trong ngôn từ mà tác giả sử dụng trong lời thoại nhân vật đáng nói đến là đề cập đến điều tưởng chừng như dung tục như lại thật tư nhiên và gần gũi. Rõ nhất là trong lời giải thích hồn nhiên của Ba Khơ về việc đóng cửa hang "Một lúc một lúc thì cho hai cái ăn cơm gặp nhau. Một lúc, một lúc, một lúc nữa thì cho hai cái đi đái gặp nhau. Hỏng hết hỏng hết cả nền kho. Thế là cụ tức quá mới bắt phải khóa lại chứ". Chính sự tài ba trong việc sử dụng ngôn ngữ, tác giả đã khéo léo biến cái khó nói trở thành lời thoại mang đúng chất "dân bản" được bày tỏ ra rất tự nhiên. Hay chính trong những cuộc trò chuyện giữa Huyền và Đồng trong những lúc ái ân lời ăn tiếng nói của họ cũng bộc lộ lên khát khao cháy bỏng được dâng hiếng hay hưởng trọn tình yêu rực rỡ của mình, từ ngữ mà tác giả dành cho nhân vật của mình cũng có lúc rất đời thường và gần gũi, cũng lúc ngôn ngữ ấy lại hoa mỹ của những người học cao: "Anh luôn phục tùng em. Em là Chúa Trời của anh" Hay Huyền nói "Là khi cái lin-ga đi chưa quá môi lớn của yo-ni". Sau từng lời văn mà tác giả cho nhân vật của mình thể hiện là cá tính, tâm lý nhân vật dần bộc lộ, đồng thời những tư tưởng ẩn sâu trong tác phẩm cũng dần hiện lên "Tình cảm không dấu được đàn bà, cách viết không giấu được độc giả". Chính cái ngôn từ bình dị ấy đã tạo nên lời văn nghệ thuật sáng giá trong tác phẩm của ông. Còn với Huyền và Đồng lời thoại giữa họ trở nên tình tứ hơn bởi những từ ngữ treo ghẹo của "bọn đang yêu" : " -Anh biết nhiều nhỉ? Đi lắm cũng có ngày gặp.. -Gặp em.. -Anh nói thế, khác nào coi em là ma.. -Ma cũng chơi! -Coi chừng, lạnh như.. ma đấy" Tác giả để nhân vật xưng hô anh-em một cách tự nhiên như lối xưng hô của bao người yêu nhau bình dị khác, họ yêu thật, thương thật nên mọi câu từ dành cho nhau cũng rất tự nhiên không màu mè. Nhưng sâu trong đó qua từng lời nói của hai người tác giả cũng làm người đọc có những bối rối, những cảm giác mơ hồ rợn người không thể tả về cuộc tình này. Lời văn kể và lời nhân vật có lúc được tác giả sắp xếp phân chia rạch ròi, lại có lúc như hòa quyện tạo nên nửa hư nửa thật. Có lẽ tài năng của Vũ Xuân Tửu là dùng từ ngữ để tạo ảo giác cho chính nhân vật của mình cũng như bạn đọc, lúc như có người kể chuyện lại có lúc như chính nhân vật nói lên suy tư linh cảm của mình. Trong Cõi mê chương 3 trang 32 cuộc thoại giữa Đồng và cô thôn nữ mặc áo trắng, trên bình diện lời kể, câu nói của Đồng rõ là họ nói chuyện, họ cầm tay.. Nhưng xét ở cái nhìn tổng quát của người kể thì thật sự có điều chẳng lành đó là ma. Tác giả tạo nên trong truyện những điểm nhìn khác nhau từ đó những cảm giác của người đọc cũng liên tục thay đổi.. có nhiều lúc làm người ta còn phân vân là thực hay mơ. Cộng thêm với lối sử dụng những từ ngữ liêu trai, những lời thoại thường đề cập đến cảm giác lạ của con người về ma quái đã dần tạo nên một hiệu ứng xuyên suốt trong tác phẩm đối với người đọc là những linh tính những ngờ vực rợn người cho cuộc tình này khi tác giả liên tục xáo trộn cõi mê và cõi thực. Chương 13 trong Cõi mê, cũng những câu nói yêu đương những hành động âu yếu mà Đồng và Huyền dành cho nhau nhưng lại mang cảm giác rợn người "-Anh đi cùng em nhá -Ấy không được đâu. Sếp của em bảo là, anh còn nặng nợ trần gian. Bởi thế sếp mới không nhận anh đấy" những lời nói của con người nhưng tác giả đã thêm vào đó những từ ngữ của "cõi âm" làm đoạn thoại mang một luồng âm khí, không đơn thuần là giao tiếp mà còn là sự hòa quyện tiếng nói của cõi dương và cõi âm ti. Không những thế tác giả còn tài tình tạo tạo nên những lời độc thoại biến cả bối cảnh trở nên kịch tính, như tiếng gọi thất thanh của Huyền "-Mẹ ơi! Đồng ơi!" tiếng gọi vô vọng vào trong dòng nước hay là tiếng tuyệt vọng cho sự sống của chính mình.. Ngay sau đó hàng loạt lời thoại giữa Đồng và Huyền lại tiếp tục diễn ra, một ảo giác khó hỉu mơ hồ về sự tồn tại của Huyền. Lời thoại của các nhân vật không chỉ có chức năng truyền tải đề tài nội dung mà chính lời nói của họ bộc lộ tính cách, tâm lý cũng như lối suy nghĩ riêng của họ về đời sống, qua đó ta nhận thấy được hành vi ngôn ngữ đặc biệt là hành vi đối thoại của mỗi người: Hoặc họ nói với nhau, hoặc họ tự trò chuyện với chính mình. Nét độc đáo ở đây mà Vũ Xuân Tửu sử dụng không đơn thuần là độc thoại hay đối thoại là ông nhuần nhuyễn xen kẻ lời độc thoại nội tâm của nhân vật này với cuộc thoại với nhân vật khác. Hay nói dễ hiểu hơn ông dùng phương pháp hồi tưởng để thể hiện sự nhớ thương da diết đến chiềm đắm trong cơn mê của Đồng. Trang 124 chương 15 sau những lời độc thoại nội tâm với chính mình về nỗi dai dứt không nguôi trước sự ra đi của Huyền là cả một kí ức ùa về trong tâm trí Đồng, một cuộc đối thoại được tái hiện lại cũng như y nhớ về những điềm báo không lành đã xảy ra khi Huyền còn sống. Cuộc đời vốn có sự sắp đặt, như định mệnh và chính lúc đau đớn mới bình tỉnh nhận ra. Và cái sáng tạo nhất làm nên nét riêng của Vũ Xuân Tửu trong cách xây dựng tình huống đối thoại là: Chính trong thực tại lại là nền móng của những cảm giác hư ảo, chính những nỗi đau vốn có như không bao giờ lành trở thành sự dai dẳng bám víu trong lý trí của Đồng. Lời thoại đời thường của những người đang yêu kết hợp với những hình ảnh thần tiên hóa "đàn bướm-bọ xít, đàn ngựa, luồng sáng hào quang của đom đóm hay hình ảnh đêm hồng" hòa vào nhau tạo nên một áo giác hư hư thực thực, vừa cảm nhận tình yêu nồng nàn hạnh phúc nhưng cũng dễ xa rời tan theo mây khói. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cá tính trong mỗi nhân vật đồng thời chở tư tưởng chủ đề mà nhà văn truyền tải đến, cuối tác phẩm Cõi âm tác giả đã chọn lời văn là câu độc thoại vô thanh không hồi đáp của Đồng dành cho cụ già: "Thưa lão trượng, đây là cõi mê chăng?". Ngôn từ trong lời văn được chọn lọc một cách tinh tế cộng với sự sắp đặt trong bối cảnh "kì vĩ và con người của chốn bồng lai" tạo nên một cảm giác vừa thực nhưng lại là hư.. Cái ảo giác cũng đeo đuổi đến tận cuối cùng hay tình yêu cũng là những cung bậc hư ảo, thăng hoa? 2.2. Giọng điệu trần thuật: Cõi mê - tác phẩm nghệ thuật như là một tấm gương phản chiếu chủ thể nghệ thuật của nhà văn, qua cách kiến tạo lời văn. Một trong những yếu tố kiến tạo nên lời văn nghệ thuật mang phong cách của cái tôi đầy nội cảm Vũ Xuân Tửu chinh là giọng điệu trần thuật. Trần thuật trong "Cõi mê" của Vũ Xuân Tửu chủ yếu gồm ba chất giọng chính: Trữ tình hoài niệm, châm biếm hóm hĩnh và giọng trầm suy tư. 2.2. 1. Giọng điệu trữ tình hoài niệm Khi đã vượt qua ranh giới ải âm dương, người ta mới hiểu được tất cả những dấu hiệu xuất hiện trong quá khứ đều có một ý nghĩa báo trước nhất định- mà dân gian thường gọi đó là "điềm báo", là "định mệnh". Tất cả những dấu hiệu dự báo cho sự chia ly của Đồng và Huyền đều được báo trước bằng sự sắp xếp một cách ngẫu nhiên của người trần- và hữu ý của thượng đế trong những lần hẹn hò đôi lứa. Sự sắp xếp ấy, khi đã được gọi với cái tên "định mệnh", hiển nhiên được tái hiện lại trong tác phẩm bằng những dòng hồi tưởng, chiêm nghiệm sâu lắng của Đồng- người được ở lại dương thế. Bắt đầu bằng hình ảnh chiếc guốc cao gót bên tả, đặt cạnh đôi giày giả gia bên hữu. Dòng hoài niệm ùa về.. Đó là một nét chấm phá mang tính "gợi". Từ thực tế chia ly đôi ngã, Đồng nhớ về hình ảnh tượng trưng cho sự chia ly như đã được ông trời dựng trước trong quá khứ: "Nhìn kìa, thoạt nhìn cứ tưởng hợp lý, cùng một đôi, trai tay trái, gái tay phải, nhưng mỗi người một chân thì đi làm sao được." "Mỗi người một chân thì đi làm sao được"; guốc cao ở cõi âm, giày da lại đi trên cõi dương thì chung một đường sao được? Sự tách biệt mỗi chiếc từ một đôi hoàn chỉnh hay là một biểu tượng về sự chia ly: Từ một đôi uyên ương, âm đương lại tách biệt mỗi người một ngã? Điều đó chỉ được Đồng nhận ra cho đến khi Huyền ra đi. Định mệnh thứ hai được quá khứ dựng lên chính là điềm báo trực tiếp về cái chết của Huyền: Đuối nước. Khi hai người ngâm mình trong bồn nước quá lâu, ngón tay cô bị nhăn nheo, Huyền đã rất sợ và liên tưởng đến cảnh "da ngón tay bong ra như cánh hoa mọng nước" giống những người bị đuối nước. Nỗi sợ hãi của Huyền ngay sau đó đã được kiểm nghiệm bằng thực tế bằng cái chết của chính cô. Giọng văn hồi tưởng nhưng đầy ám ảnh. Như một thước phim tua nhanh quá khứ, nhưng ngay lúc bi kịch lại dừng lại thật chậm, thật chậm bóp nghẹn tim độc giả. Tất cả những hình ảnh hiện lên ở quá khứ hết thảy đều dùng để khắc họa chân thật cái chết của Huyền. Ngòi bút của Vũ Xuân Tửu mạnh mẽ, dứt khoát và không hề né tránh hiện thực, thể hiện cái tôi đầy bạo dạn và cách nhìn thực tế bằng một đôi mắt rất thẳng thắng của nhà văn. 2.2. 2. Giọng điệu châm biếm hóm hĩnh, khéo léo: Văn của Vũ Xuân Tửu châm biếm, đả kích thực tại, nhưng không hề "đao to búa lớn" mà rất nhẹ nhàng, sâu lắng và đầy hóm hĩnh. Ông dám mang hiện thực đầy xảo trá vào tác phẩm, nhưng lại khéo léo làm dịu dư luận bằng những tiếng cười nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm. Trần thuật gián tiếp bằng cách cho chính nhân vật trong tác phẩm "nhận xét" lẫn nhau qua cách gọi của Đồng dành chô ông chuyên viên: Thân hình là "quả trứng gà", và cái đầu là "quả trứng chim cuốc" với "lỗ chỗ những vết tàn nhang". Tại sao ông chuyên viên lại được gán với những hình ảnh không mấy đẹp đẽ và hết sức tầm thường ấy? Điều gì cũng có lý do riêng của nó, lý do sẽ được lý giải bằng hàng loạt những câu văn miêu tả mang tính chất châm biếm của Vũ Xuân Tửu. Học vài câu thơ, rồi được mời về làm chuyên viên văn hóa, "chọn lấy vài việc gây tiếng vang, xúc tiến các mối quan hệ, nhất là qua vợ, con hoặc tình nhân của các sếp.. Chả mấy chốc làm lãnh đạo như bỡn". Cái cách thăng quan, tiến chức của ông được Vũ Xuân Tửu miêu tả như một trò đùa, chính cách miêu tả ấy tao nên tiếng cười về một xã hội với đầy rẫy những ông to bà lớn kệch cỡm. Cũng ông chuyên viên ấy, cách nhìn của Huyền như bổ sung cho Đồng với hình ảnh một "sếp lớn" vơ đầy của dân với: "Cái bụng nung núc những thịt dọi mỡ đỗ xuống, như một bao tải thịt". Nhân vật kệch cỡm, cá nhân điển hình thứ hai "được" lên án tiếp theo trong tác phẩm là tên trưởng thôn mắc phải "hội chứng lãnh tụ". "Kể khổ, rồi đòi xin quần, áo, giày, tất, sách, vở, bút, mực, thuốc men cho dân biên giới". Nếu sự thực là thay đân nghèo kêu khổ thì thật đáng ca ngợi. Nhưng điều đáng nói là y "kêu" đến mức cánh nhà báo phải chen vào, và nặng hơn nữa là cả chính quyền hẳn hoi còn phải vào cuộc "xử lý". Đằng sau bức màng mang danh "kêu gọi lòng hảo tâm" đó là gì? Vì sao anh ta lại phải kêu gọi mãnh liệt cho quyền lợi tưởng như không thuộc về anh ta đến mức vậy? Há chẳng phải để vét cho cái túi riêng mình? Đó chỉ là hai thành phần nhỏ trong cái xã hội kệch cỡm ấy. Xã hội mà cái xấu không còn chỉ nhan nhãn trên bề mặt nữa, mà loang đến cả cõi âm. Đến đây phải bậc cười trước giọng hí hỡm của Vũ Xuân Tửu: Ông dùng chính giọng điệu kệch cỡm để kể một câu chuyện kệch cỡm như trò đùa: Huyền muốn lên dương thế găp Đồng thì phải đút lót cho "sếp ma"! Ma muốn về lại dương gian thì phải đút lót! Tham ô đang ăn dần ăn mòn đến cả cái thế giới kiệt cùng của cuộc sống, cái thế giới con người ta tưởng như sẽ bỏ lại được tất cả giàu nghèo đi về với nấm mồ, mô đất như nhau. Nhưng không! Ở đó vẫn có quan, vẫn có dân đen, và vẫn có những chuyện phải chạy vạy mới hòng qua.. Ngòi bút đưa thực tế xã hội đến bước đường cùng, buộc phải bọc bạch. Vũ Xuân Tửu đã sử dụng hình ảnh rất đắc: Cảnh đút lót được diễn ra ngay dưới âm phủ! Như một đòn bẩy, cảnh giới mà con người nghĩ sẽ đi về với bàn tay trắng mà còn diễn ra tham ô, đút lót, thì ở cái xã hội bon chen, nơi mà con người dám đặt đồng tiền cả lên "đầu" mình, thì vấn nạn ấy sẽ đi đến đâu? Bằng giọng điệu châm biếm, đả kích thẳng thừng ấy, tác giả đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn tham ô đang ngày ngày gặm nhắm làm mục nát cả xã hội. 2.2. 3. Giọng văn đậm màu triết lý, giàu tính suy tư, chiêm nghiệm Cõi mê hay là cõi của những suy tư, mà ở đó từng con chữ đều mang nặng quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật của chính tác giả. Ở cuối mỗi chương của tiểu thuyết, dường như Hồ Xuân Tửu đều cố tình tạo "một khoảng trống" để lồng ghép tất cả những suy tư, chiêm nghiệm của mình từ những sự vật sự việc được kể trước đó vào trong. Hay nói cách khác, đó như là một cách rút ra bài học cuộc sống, bài học về nghệ thuật sau những móc xích nhỏ trong chuỗi sự việc lớn của cả tiểu thuyết. Đó là nỗi sợ hãi về miệng lưỡi người đời dành những sự thật được viết trong văn chương, lúc con người ta "thật" nhất. Sợ cái sự thật ấy chưa hẳn đã mất lòng, mà qua miệng lưỡi người đời đã thành trọng tội ".. lắm lúc chết vì đam mê. Có khi, lúc bình thường không dám viết những điều kị húy, nhưng khi hăng máu lên là viết tuốt. Sai thì không sai, nhưng qua miệng lưỡi kẻ dèm pha, kích hoạt đến tai cấp trên, thì đúng cũng thành sai, sinh ra tai vạ. Phàm những gì lien quan đến men say đều làm người ta khốn đốn". Vừa triết lý về cái say ở đời (với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), vừa triết lý về cái lẽ đúng sai và cái bóng đàm tiếu của người đời. Âu với ông, ranh giới giữa cái "say" và cái "tỉnh" mơ hồ quá! Chẳng phải cái say đã thức tỉnh tâm hồn, khiến người ta dám viết ra sự thật đấy sao? Vỏ câu văn phủ định, nhưng ý người viết lại khẳng định. Là "kị húy", nhưng sao lại "sai thì không sai"? Câu văn ngỡ như lẩn quẩn, nhưng lại bộc lộ một cách chân thực vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể sang tạo: Cái tôi bạo dạn luôn đứng về phía lẻ phải. Đó là quan niệm điển hình trong sáng tác nghệ thuật. Ngoài ra, trong "Cõi mê" còn có một sự dàn trải dày đặc quan niệm sống của ông qua mỗi chương. Tuy nhiên, quan niệm sống nổi bật nhất và cũng được nhiều người nói đến nhất là quan niệm về dòng sông- dòng chảy cuộc đời được sử dụng trong tác phẩm. Tại sao Hêraclit lại nói: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông"? Bằng giọng điệu tâm tình, với lối trần thuật trực tiếp, Vũ Xuân Tửu đã dẫn dắt bạn đọc vào chính dòng suy tư của mình, và lý giải gần như hoàn toàn quan niệm của Hêraclic một cách gián tiếp qua cuộc đời của Ba Khơ: "Phải, dòng đời như dòng sông. Dòng sông là dòng chảy. Có khi cũng bị ngưng trệ do đắp đập, chắn đăng, nhưng rồi nó lại tự tìm ra dòng chảy. Dòng sông không dừng lại bao giờ. Cuộc đời người ta cũng thế..", Vì "dòng sông không dừng lại bao giờ" nên "không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Đó cũng là lý do vì sao những người vào tù ra tội như Ba Khơ không thể dừng lại mãi ở khúc quanh của cuộc đời mình, mà phải lại tiếp tục cuộc đời. Chứ không kỳ thực "ruột để ngoài da" như Đồng vẫn nghĩ. 2. TỔNG KẾT Lời văn là sản phẩm của sự sáng tạo, là sự vận động kho tàng ngôn ngữ của từng cá nhân nhà văn thông qua những nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trong tiểu thuyết lời văn mang hình tượng vô cùng phong phú và đa dạng. Bởi nó tập họp đầy đủ những đặc điểm về tính chính xác, tính hàm xúc, tính mơ hồ đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm trong lời văn nghệ thuật. Các đặc điểm trên đã làm cho hình thức tiểu thuyết phát độ đến trình độ cao nhất mang đậm dấu ấn sáng tạo của người viết, đem lại sự hứng thú cho bạn đọc. Tiểu thuyết là loại hình phát triển cao nhất trong loại hình tự sự bởi ngôn từ đậm chất cái tôi chủ thể. Khảo sát qua tiểu thuyết cõi mê của Vũ Xuân Tửu, người đọc được chiêm ngưỡng cái đẹp trong cuộc sống đời thường, cái kì ảo như lạc vào cõi mê. Sáng tác của ông mang đậm hơi thở và nhịp sống của con người hiện đại, gần gũi nhưng đầy sự chiêm nghiệm, chân thực nhưng không kém phần kì ảo. Ngôn từ trong tiểu thuyết mang phong cách của chính chủ nhân của nó, cách viết ấn tượng, lời văn mộc mạc không tô vẽ nhằm mang lại cái nhìn thực nhất trong lòng người đọc. Bởi có sự am hiểu về ngôn ngữ vùng miền nên tác giả đã sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ địa phương, dân tộc và một số thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác (cõi mê ). Trong tác phẩm cách sử dụng lời văn hết sức tinh tế, phát ngôn của từng nhân vật hiện lên tích cách của họ, hiện lên bản sắc địa phương, sự ấm áp tìg người đậm dấu ấn phong tục ở mảnh đất vùng cao. Ngữ điệu của lời văn chuyển biến khi thì hóm hỉnh tươi vui, lúc thì trữ tình sâu lắng, khi thì khiêm nhường tôn trọng, và có lúc lại hoại niệm buồn thương tiếc nuối, từ đó gợi lên nhiều màu sắc tâm hồn con người trong cuộc sống, làm nên phong cách riêng cho Vũ Xuân Tửu cũng như tạo ấn tượng khó quên trong lòng người. Trong Cõi mê để lại sự trầm lắng sâu sắc về con người, về cuộc sống, về triết lí nhân sinh. Và lời văn trong cõi mê đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm, không những không khoa trương không cường điệu mà cách sử dụng ngôn từ còn gây ra ảo giác bởi cái hư hư thực thực như chính cái tên cõi mê của nó. Đó là cách Vũ Xuân Tửu tự tách biệt mình với những nhà văn khác, xây dựng nên ngôn từ chân thực và đậm chất cái tôi của nhà văn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Thanh Hương, Đối thoại và tình huống đối thoại trong truyện. 2. Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm nghệ thuật. 3. Vũ Xuân Tửu, Cõi mê, NXB Thanh Niên, 2011.