Review Truyện Cây Oliu Màu Trắng - Cửu Nguyệt Hi

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Linda Yến, 14 Tháng tư 2020.

  1. Linda Yến Đại cát đại lợi!

    Bài viết:
    139
    Xin chào! Hôm nay mình xin giới thiệu một bộ mới của tác giả Cửu Nguyệt Hi kể về chuyện tình của anh chàng quân nhân và cô phóng viên chiến tranh với những cung bậc cảm xúc lãng mạn và đầy tính nhân văn.

    Mời bạn cùng đọc review: Cây oliu màu trắng nhé.

    [​IMG]

    Từ lâu, chiến tranh là một trong những tội ác lớn nhất của con người, cho dù trong thời kỳ nào, quá khứ hay thời điểm hiện đại, nó vẫn cướp đi bao nhiêu mạng sống và làm thiệt hại của cải vật chất. Một cuộc chiến, dù thắng hay thua, nhưng vết thương cùng những mất mát nó để lại trong lòng những người còn sống thì in hằn mãi như một vết sẹo xấu xí.

    "CÂY OLIVE MÀU TRẮNG" của Cửu Nguyệt Hy là một tác phẩm mang hơi thở mới trong dòng truyện ngôn tình Trung Quốc, một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh nơi một đất nước vùng Trung Đông xa xôi, về tình yêu của một chàng quân nhân trẻ với cô gái phóng viên chiến trường. Cuốn sách đặc biệt có lẽ là vì chất giản dị, gần gũi của nó, vì tính nhân văn và cách truyền tải nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm động của tác giả. Cửu Nguyệt Hi lựa chọn đi sâu vào cuộc chiến ấy, đủ để bạn đọc hình dung ra được sự tàn ác vô nhân đạo của nó, những nghiệt ngã đau đớn hơn cả là di chứng nặng nề in hằn trên cơ thể và tâm hồn của những người sống sót trở về. Súng đạn và bom mìn không phải là thứ duy nhất có thể lấy đi mạng sống, mà những tổn thương tinh thần cùng hậu chấn thương tâm lý là những mảnh đạn găm trong tim, khiến người ta chết dần chết mòn.

    Lý Toản cũng như bao người lính khác trong cuộc chiến trường kỳ với lực lượng khủng bố, anh là chiến sĩ can đảm, chấp hành nghiêm nhiệm vụ được đưa và sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy. Cửu Nguyệt Hi khắc họa một hình tượng nhân vật gần gũi, bình dị, một người quân nhân nếu không mặc quân phục thì không ai nhận ra anh là ai. Những người mà ta có thể đi lướt qua trên phố, họ điềm tĩnh, bình thản, nào có ai hay họ đã từng là những người chiến sĩ cầm súng dưới ánh nắng sa mạc như muốn thiêu đốt da thịt, mang trên mình những vết sẹo cả vô hình lẫn hữu hình. Hay như Tống Nhiễm, nữ phóng viên chiến trường tận tâm vì nghề, dũng cảm và kiên cường, cô không đeo những khẩu súng trường trên vai nhưng dùng chính ngòi bút của mình để phản ánh sự tàn độc của cuộc chiến. Cô liều mạng để có thể chụp được những bức ảnh quý giá, ghi lại được những thước phim tư liệu.. Đó là nghiệp vụ của cô, tìm kiếm, phản ánh và bảo vệ sự thật. Không ít trường hợp những phóng viên chiến trường đã bỏ mạng nơi đất nước đầy máu lửa và tiếng bom đạn, được đưa về nước trong những chiếc quan tài. Họ cũng như những người lính, âm thầm hi sinh tất cả cho một điều vĩ đại hơn, kể cả khi cái giá phải trả đắt thế nào.

    Nhưng "CÂY OLIVE MÀU TRẮNG" không chỉ tập trung vào những cảnh tượng máu đổ đầu rơi trên chiến trường, mà còn cả cuộc sống hậu chiến tranh. Những người sống sót trở về sau một trận chiến lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác, còn khốc liệt và đáng sợ hơn cả đạn lạc, máu chảy và bom nổ xé tai. Không có quân địch lăm le nòng súng, không có những tiếng khóc oán than hay những trận đột kích bất ngờ, mà thay vào đó là cuộc chiến nội tâm, cào xé họ từ sâu bên trong. Nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ, mỗi đêm khi nhắm mắt thiếp đi, những cơn ác mộng đó hành hạ họ ngay cả trong giấc ngủ.

    Những lọ thuốc chữa trầm cảm, những buổi trị liệu.. Đó là những căn bệnh hậu chấn thương tâm lý, những vết sẹo tinh thần bất cứ lúc nào cũng có thể rách toạc và chảy máu trở lại. Chiến tranh kết thúc, nhưng một phần bên trong họ đã bị hủy hoại mãi mãi.

    Trong những năm tháng cuối đời, Lý Toản đã phải vật lộn với những chấn thương tâm lý, cơ thể tàn tật yếu ớt nhưng kiên cường chống chọi với bệnh tật, những cơn chấn động thần kinh cùng ảo giác, những cơn ác mộng vào ban đêm.. Anh cần một chỗ dựa tinh thần vững chắc, một cái phao để bám vào khi căn bệnh khiến mọi thứ xung quanh quay cuồng và vỡ vụn, ranh giới giữa thực và ảo chỉ mỏng như một lớp vải lụa.

    ".. Một khi gặp phải yếu tố gây kích động, thế giới trước mắt cậu ấy sẽ lập tức biến thành chiến trường. Nhà cao trong mắt cậu ấy sẽ thành đống đổ nát bốc cháy, ô tô chính là xe tăng, tạp âm trở thành tiếng súng, người lạ là quân địch, có thể chiếc ô dài cũng trở thành súng trường. Trong tình huống đó, cậu ấy sẽ phản ứng thế nào? Tôi nghĩ, chắc cô đã đoán được, và có thể còn chứng kiến rồi cũng nên. Tôi đã gặp quá nhiều người lính như thế này. Chiến tranh kết thúc, nhưng họ không trở về cuộc sống bình thường được nữa".

    Nhưng Lý Toản may mắn hơn nhiều người khi ít nhất anh còn Tống Nhiễm ở bên, làm bờ vai âm thầm giúp anh vượt qua cuộc chiến hằng ngày, cho dù cô cũng có cuộc chiến của riêng mình. Họ nương tựa vào nhau, hai linh hồn lạc lõng giữa cuộc sống đô thị tấp nập vô tình, với những tâm sự cùng quá khứ chỉ mình họ biết. Cả hai đã mất đi những người bạn thân thiết, những người lính quả cảm như Benjamin, George, cậu chàng Shashin mới tuổi đôi mươi, rồi bao nhiêu quân nhân khác.. Họ sống sót trở về, nhưng họ cũng mất mát quá nhiều.

    Cây Olive màu trắng – một ảo giác tuyệt đẹp mà Lý Toản và Tống Nhiễm đã thấy trên sa mạc. Nó đẹp đẽ, thuần khiết và nổi bật lên trong cảnh chiến trường máu lửa bom đạn, và nó cũng tan đi nhanh như cách nó tới. Và nó cũng đồng hành với Lý Toản trong những năm tháng trước khi mất của anh, khi anh nhìn ra ngoài cửa sổ và ảo ảnh mà anh thấy là cành olive trắng. Nó như tia sáng ấm áp chiếu rọi đêm đen, như những tâm hồn quả cảm, kiên nghị và bất khuất của những người lính, là tình yêu ươm mầm trong cảnh chiến tranh chết chóc, là sự đùm bọc, chở che giữa người với người.. Đó là những cây olive trắng tinh khôi, những tia hy vọng giữa lúc tuyệt vọng, là hóa thân của những tâm hồn lương thiện và đẹp đẽ nhất.

    Đọc "CÂY OLIVE MÀU TRẮNG", độc giả được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc cùng nhân vật, bị cuốn theo nhịp kể lúc chậm rãi, nhẹ nhàng, lúc căng thẳng, dồn dập rồi lắng sâu, cảm động của Cửu Nguyệt Hi. Để khi gấp sách lại, tâm trí ta còn in mãi hình ảnh người quân nhân Lý Toản mạnh mẽ và nữ phóng viên Tống Nhiễm can đảm, và những tâm hồn cho dù đi qua khói lửa nhưng vẫn ấm áp ánh sáng của tình thương và sự dịu dàng.

    "Phẩm chất chói sáng nhất chính là thấu hiểu, tha thứ, là trải qua tất cả khổ nạn vẫn giữ vững được tấm lòng nguyên vẹn, mỉm cười dịu dàng với thế giới".
     
    Hạ Quỳnh Lam, AdminDonna Queen thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng sáu 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...