Cây dừa xanh toả nhiều tàu Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng Thân dừa bạc phếch tháng năm Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao Đêm hè hoa nở cùng sao Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh Ai mang nước ngọt, nước lành Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa Tiếng dừa làm dịu nắng trưa Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo Trời trong đầy tiếng rì rào Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra.. Đứng canh trời đất bao la Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi 1967 Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hoá dân tộc, 1999 Nội dung và cảm nhận bài thơ Cây Dừa Bài thơ miêu tả cây dừa giống như con người luôn gắn bó với đất trời và thiên nhiên. Qua việc miêu tả cây dừa, tác giả Trần Đăng Khoa ca ngợi vẻ đẹp nên thơ, đáng yêu của vườn quê, của thiên nhiên, của con người Việt Nam. Dừa là hình ảnh hết sức quen thuộc đối với mọi người, bởi trên đất nước Việt Nam, đi tới miền quê nào, ta cũng có thể mặc sức ngắm nhìn những rặng dừa thẳng tắp, cao vút. Một hình ảnh quen thuộc đến là vậy, nhưng khi vào thơ Khoa, cây dừa lại hiện lên hết sức mới mẻ, độc đáo, ngỗ nghĩnh và thân thương làm sao. Để có được điều đó, Trần Đăng Khoa đã quan sát cảnh vật bằng cả tấm lòng thiết tha, chân thành. Với tình yêu thiên nhiên và khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế, Trần Đăng Khoa đã miêu tả cây dừa một cách sinh động với tất cả các bộ phận vốn có của nó. Hình ảnh những rặng dừa che chở, bao bọc, mang lại sự yên bình cho làng quê yêu dấu đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong văn học nói riêng và trong đời sống của người dân Việt Nam nói chung. Và hình ảnh đó lại một lần nữa được khắc sâu qua ngòi bút của một nhà thơ nhỏ tuổi, nhưng lại mang một tình yêu lớn với quê hương với thiên nhiên – nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ "Cây dừa" được trần Đăng Khoa viết khi anh còn là một cậu bé, nhưng những gì tác giả nhỏ tuổi này gửi gắm qua hình ảnh cây dừa lại là sự đúc kết của một con người không chỉ có tình yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết mà còn chứa đựng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, về tính cách của con người Việt Nam. Qua ngòi bút của Khoa, cây dừa trở thành hiện thân của con người Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp: nhân hậu, thân thiện, thích kết giao bè bạn; lam lũ, chịu thương, chịu khó; có tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, luôn hiên ngang và dũng cảm...Đồng thời, bài thơ cũng là một minh chứng cho năng lực quan sát hết sức nhạy bén, tinh tế, đặc biệt là khả năng cảm nhận thiên nhiên bằng mọi giác quan, bằng sự mở rộng của tâm hồn và trí tưởng tượng phong phú, độc đáo.