Cấu tứ là gì? Cấu tứ trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ", "Từ ấy" Gần đây, có khá nhiều dạng bài phân tích nhận xét về cấu tứ của các bài thơ của nền văn học Việt Nam. Thế thì cấu tứ là gì và nó đóng vai trò gì trong một tác phẩm? Hôm nay mình sẽ giải thích cho các bạn khái niệm này nhé! Cấu tứ là gì? Cấu tứ hay còn gọi là tứ, được xem như là một thứ vô cùng quan trọng khi nhắc đến các tác phẩm văn học. Nó được xem là linh hồn, là một mô hình nghệ thuật, thể hiện rõ được cái hồn của tác phẩm văn học. Sở dĩ cấu tứ quan trọng như thế vì nó thể hiện được quá trình suy ngẫm của tác giả khi phác thảo về cả nội dung lẫn hình thức của một tác phẩm. Thông qua cấu tứ, độc giả có thể có một cái nhìn tổng quan về cách thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm. Thế nên không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra cấu tứ của một tác phẩm văn học. Cấu tứ sẽ giúp từng tác giả khẳng định chất riêng của mình, vì nó góp phần định hình phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện về quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời của nhà văn. Vì sao cấu tứ lại quan trọng như thế? Bạn có thể hiểu một tác phẩm văn học như một bức tượng mô phỏng con người, và cấu tứ chính bộ khung sườn bên trong. Để có thể hiểu rõ một tác phẩm nghệ thuật, độc giả buộc phải tìm ra mạch ngầm chảy trong cơ thể nghệ thuật đó - cũng có nghĩa là tìm cấu tứ của tác phẩm. Vậy nên, cấu tứ là một phần vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong bất kể một tác phẩm nào. Một tác phẩm văn học mà không có cấu tứ thì chỉ là một cái xác không hồn. Cần phải làm gì khi một bài văn yêu cầu phân tích về cấu tứ? Đầu tiên để có thể xác định được chính xác việc cần phải làm trong một đề văn đó là cần đọc hiểu đề. Nếu một đề văn chỉ thuần là yêu cầu phân tích cấu tứ bên trong tác phẩm thì chúng ta sẽ triển khai theo một cách khác, nếu có kết hợp giữa cấu tứ và hình ảnh trong bài văn, thơ thì sẽ có cách viết khác. Nhưng nhìn chung khi gặp phải dạng đề này, chúng ta cần phải giải thích được "Cấu tứ là gì?" và làm sao để dễ dàng lồng ghép nó vào trong bài văn của mình. Các bạn có thể giải thích rằng: "Cấu tứ là cách tác giả bố trí và tổ chức các ý và câu trong bài văn bài thơ, từ đó tạo một mạch chuyển đổi ý tưởng, cảm xúc một cách trơn tru. Nhờ có cấu tứ, nhà văn/nhà thơ có thể truyền đạt được suy nghĩ và cảm xúc của mình, đồng thời giúp câu văn mạch lạc/ bài thơ có tình thống nhất hơn." Tiếp theo hãy nêu đến phong cách nghệ thuật, sáng tác của nhà văn nhà thơ đó. Như đã nói ở trên thì cấu tứ sẽ thể hiện phong cách riêng của từng tác giả, thế nên bạn cần phải đưa phong cách nghệ thuật của từng người vào bài viết để thể hiện rõ chức năng của cấu tứ. Phần quan trọng nhất là cần phải chỉ ra cấu tứ bên trong tác phẩm? Cấu tứ của một tác phẩm nằm ở đâu? Cấu tứ sẽ nằm trải dài từ nhan đề của tác phẩm đến tất cả mạch truyện/ mạch thơ của tác phẩm. Thế nên bạn cần xác định chính xác và nắm giữ cảm xúc xuyên suốt quá trình phân tích, tránh trường hợp bỏ sót những điểm mấu chốt, ảnh hưởng đến cấu tứ của tác phẩm. Ví dụ một số cấu tứ trong các tác phẩm văn học Cấu tứ trong bài "Khi con tu hú" Muốn phân tích được cấu tứ trong bài "Khi con Tu Hú" của Tố Hữu thì đầu tiên phải đề cập đến phong cách viết của ông, ví dụ như: Phong cách sáng tác của Tố Hữu là sự kết hợp, pha trộn giữa nhiều trường phái khác nhau. Như Chế Lan Viên đã từng đánh giá rằng thơ của Tố Hữu đi "giữa nhạc và ý", vừa thu hút người đọc và giữ được tầng ý nghĩa sâu bên trong. Thơ của có một chất riêng, đó là sự kết hợp giữa trữ tình, lãng mạn, sử thi và cách mạng. Chất thơ của ông được thể hiện rõ qua cấu tứ của từng bài thơ. Vậy cấu tứ của "Khi con tu hú" nằm ở đâu? Cấu tứ của bài thơ này trải dài từ nhan đề bài thơ và đi xuyên suốt trong cả bài thơ. Nó thể hiện được một quá trình chuyển biến từ cảnh đến ý của người tù trong ngục giam ngày hè với một khao khát cháy bỏng về tự do ngoài kia. Khi phân tích về cấu tứ của "Khi con tu hú" có thể kết hợp phân tích từng câu, đi từ nguyên nhân "con tu hú kêu báo hiệu ngày hè về" đến kết quả "người tù cảm thấy ngột ngạt và muốn hòa mình vào bầu trời tự do" rồi hẵng kết hợp với ý cuối cùng - Mùa hè được Tố Hữu cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình. Cấu tứ trong bài "Từ ấy" Tương tự như "Khi con tu hú", "Từ ấy" của Tố Hữu cũng mang một mạch tứ đi xuyên suốt từ nhan đề cho đến nội dung bài. Nhan đề "Từ ấy" là chiếc chìa khóa quan trọng để khai mở những vấn đề xoay quanh bên trong bài thơ. Cấu tứ của phần nội dung được đi theo từng đoạn thơ, với những ý nghĩa riêng, từ niềm vui khi mới tiếp xúc với ánh sáng Đảng; cho đến lẽ sống cảm thông, chia sẻ trước nỗi đau của con người; và cuối cùng một tình cảm lớn dành cho đất nước, dành cho con người, biến mình thành chiến sĩ anh dũng chiến đấu. Cấu tứ trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" Khi nhắc đến cấu tứ của "Đây thôn Vĩ Dạ" thì chúng ta cũng cần phải đề cập đến phong cách thơ của Hàn Mặc Tử trong bài thơ này - đượm màu tình yêu thiên nhiên, yêu con người thể hiện qua bức tranh thiên nhiên xứ Huế xinh đẹp, với cảnh thôn Vĩ Dạ đầy thơ mộng và tinh tế. Tương tự như hai tác phẩm đã được đề cập trên, cấu tứ của "Đây thôn Vĩ Dạ" cũng đi xuyên suốt từ tiêu đề cho đến toàn bộ bài thơ. Thông qua cấu tứ của bài, Hàn Mặc Tử đã thể hiện được một bức tranh Vĩ Dạ xinh đẹp với những nét đặc trưng của xứ Huế thơ mộng, đồng thời cung cấp cho độc giả một góc nhìn mới để cảm nhận được nghệ thuật của tác phẩm, cảm nhận về thiên nhiên, về cuộc sống, về cả nghị lực vươn lên bệnh tật của ông.