Cầu Tre Lắc Lẻo Thể loại: Tản văn Tác giả: Lê Quang Huy * * * Ầu ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tra lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Câu hát của bà mẹ nhà bên cạnh làm tôi chợt nhớ về những chiếc cầu tre ở quê nhà. Trong vô vàn hình ảnh làm nên hồn quê, phải kể đến hình ảnh chiếc cầu tre bắc qua conkênh hay rạch nhỏ. Chiếc cầu rất đổi đơn sơ – dù tác dụng của nó rất lớn lao – đi đâu ở khắp miền Nam Bộ cũng bắt gặp. Người ta dùng vài thân tre già hoặc thân cây tạp gác qua những cái giá tréo đã cắm xuống dòng kênh, gá thêm tay vịn bên trên, đôi bờ không còn ngăn cách, lòng người xóa được nỗi phiền. Vậy đó, người miền Tây thường bắt những chiếc cầu đơn giản để dễ dàng đi lại, thăm viếng hay đám tiệc. Lâu dần trở thành hình ảnh không thể thiếu của vùng sông nước miền Tây. Vô tình nó tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị kênh rạch ngăn đôi. Không chỉ trong lời ru, xầu tre còn đi vào lời ca, như Làng tôi, nghe đu đưa mấy nhịp cầu tre Làng bên, băng qua kinh nối tình miền quê. Chiếc cầu nối liền đôi bờ lối xóm láng giềng. Bạn bè, họ hàng muốn lui tới thăm nhau, nhờ chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch đỡ phải lội nước hay đợi đò. Chiếc cầu tre giản dị, dễ thương là điểm hẹn hò, chia tay, gặp lại của biết bao đôi trai gái. Và khi đã trở thành vợ chồng vẫn nhắc hoài kỷ niệm bên "chiếc cầu tre lắc lẻo". Còn nhớ khi còn nhỏ không chờ cha mẹ tập đi cầu tre, bạn bè tôi thằng lớn chỉ cho thằng nhỏ cách bước chân, cầm tay vịn. Có hôm tôi tuột chân rớt xuống kênh, cả bọn tên bờ nhào xuống kéo tôi lên và.. tập tiếp. Bọn tôi ngày ấy thường tụ tập ngồi vắt vẻo trên chiếc cầu tre nghêu ngao ca hát sau những trận đá banh tưng bừng, rồi cả bọn thi nhau lên cầu nhảy xuống kênh. Nước văng tung tóe hòa lẫn tiếng cười ngây ngô của tuổi thơ ngày ấy. Tuổi thơ chúng tôi ngày xưa ai cũng tự tập bơi và bơi rất giỏi, không sợ đuối nước như bây giờ. Nước sông mát dịu như ôm ấp tâm hồn thơ dại của chúng tôi. Đối với tôi, trò chơi leo lên cầu tre nhảy xuống kênh ngày xưa vẫn luôn còn mãi trong ký ức, để khi nhắc lại mà da diết nỗi nhớ quê. Hôm rồi về quê thăm nhà. Thật bất ngờ! Chiếc cầu tre biến mất. Một chiếc cầu bằng bêtông sừng sững hiện ra. Vậy là từ nay ba mẹ tôi đỡ phải vất vả qua cầu những khi mưa dầm. Trẻ em tự do tung tăng đến trường mà không nhờ người lớn đón đưa. Bộ mặt nông thôn quê tôi thay đổi theo hướng hiện đại dần theo thời gian. Trong niềm vui ấy bất chợt tôi có cảm giác như mất đi một người bạn thân thiết đã gắn bó trong những năm tuổi thơ. Tôi chợt nghĩ: Trong tiến trình công nghiệp hóa hôm nay liệu đứa trẻ nhà bên có dịp được đứng trên những "chiếc cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" hay chỉ nhận ra qua hình ảnh cùng câu hát "ầu ơ..". Dầu sao chiếc cầu tre miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. ---Hết---