Câu Hỏi So Sánh Địa Lý Vùng Kinh Tế Tổng Hợp - Phần 2

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Trà Lam, 1 Tháng mười 2021.

  1. Trà Lam

    Bài viết:
    46
    CÂU HỎI SO SÁNH ĐỊA LÝ VÙNG KINH TẾ

    Câu 3: So sánh việc phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên với Trung Du và Miền núi Bắc Bộ.

    1. Giống nhau

    A. Quy mô và vai trò

    - Đây là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn ở nước ta.

    - Vùng trồng cây công nghiệp tập trung trên quy mô rộng lớn, thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cũng như vùng sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thị trường và xuất khẩu

    B. Hướng chuyên môn hóa

    - Là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm được hình thành từ lâu (các đồn điền chè, cao su, hồ tiêu)

    - Đều chuyên môn hóa cây công nghiệp lâu năm

    - Đứng đầu cả nước về 1 loại cây công nghiệp lâu năm và đóng góp quan trọng cho xuất khẩu

    C. Điều kiện phát triển

    - Có nhiều tiềm năng tự nhiên (đất, nước, khí hậu)

    - Cư dân có truyền thống, kinh nghiệm trồng và chế biến các sản phẩm cây công nghiệp lâu năm

    - Dân cư thưa thớt, chất lượng lao động thấp, kĩ thuật chuyên môn còn hạn chế

    - Cơ sơ vật chất hạ tầng còn yếu kém, thiếu hụt

    - Nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chủ trương chính sách về phát triển cây công nghiệp, đầu tư cở sở hạ tầng, giao thông, cơ sở chế biến

    - Thị trường tiêu thụ rộng lớn trong và ngoài nước

    2. Khác nhau

    A. Quy mô

    - Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ hai cả nước sau ĐNB, có các vùng chuyên canh lớn với mức độ tập trung hóa cao

    - Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ ba cả nước, với mức độ tập trung hóa thấp hơn

    B. Hướng chuyên môn hóa

    - Tây Nguyên chuyên môn hóa sản phẩm cây công nghiệp lâu năm đa dạng: Cà phê, cao su, chè..

    - TDVMNBB chủ yếu chuyên môn hóa cây chè

    C. Điều kiện phát triển

    - Địa hình:

    + Tây Nguyên gồm các cao nguyên xếp tầng, mặt bằng rộng và tương đối phẳng, thích hợp xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm có quy mô lớn

    + TDVMNBB địa hình bị chia cắt tương đối mạnh, ảnh hưởng tới mức độ tập trung hóa và quy mô các vùng chuyên canh

    - Đất trồng:

    + Tây Nguyên: Đất đỏ bazan diện tích khá lớn, đất có tầng phong hóa sâu, giàu chất dinh dưỡng thích hợp để phát triển cây công nghiệp lâu năm

    + TDVMNBB: Đất feralit trên đá phiến và đá vôi, thích hợp với cây chè, trẩu, sở

    - Khí hậu:

    + Tây Nguyên có khí hậu cận xích đạo, nóng quanh năm, phân thành hai mùa: Mưa và khô rõ rệt, khí hậu có sự phân hóa theo độ cao nên ngoài cây trồng nhiệt đới còn có thể phát triển thêm cây cận nhiệt như chè. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước vào mùa khô.

    + TDVMNBB: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh lại có sự phân hóa theo độ cao địa hình nên có thế mạnh đặc biệt phát triển cây trồng ôn đới và cận nhiệt. Khó khăn rét đậm, rét hại, sương muối..

    - Dân cư và nguồn lao động:

    + TN là vùng thưa dân nhất và là vùng nhập cư lớn nhất cả nước, trình độ lao động cũng thấp hơn TDVMNBB

    + Người dân TDVMNBB có kinh nghiệm trồng và chế biến chè, TN có kinh nghiệm chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu

    - Cơ sở vật chất, hạ tầng: Nhìn chung Tây Nguyên còn gặp khó khăn hơn so với TDVMNBB

    Câu 2: So sánh hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

    1. Giống nhau

    A. Quy mô và vai trò

    - Là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước về diện tích và sản lượng, cung cấp những sản phẩm cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực cho cả nước.

    - Có mức độ tập trung đất đai tương đối cao, quy mô cây công nghiệp lớn.

    B. Hướng chuyên môn hóa

    - Đều có hướng chuyên môn hóa là cây công nghiệp lâu năm

    - Đều đạt hiệu quả cao với hướng chuyên môn hóa này

    C. Điều kiện phát triển

    - Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

    + Đất đỏ bazan, địa hình tương đối phẳng với những mặt bằng khá rộng, thuận lợi để xây dựng các vùng chuyên canh có quy mô lớn.

    + Khí hậu cận xích đạo quanh năm nóng, có sự phân hóa thành mùa mưa và mùa khô rỏ rệt. Thuận lợi cho phơi sấy và bảo quản sản phẩm. Khó khăn: Thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô.

    - Điều kiện kinh tế - xã hội:

    + Ngay từ thời Pháp thuộc đã hình thành các đồn điền cao su và cà phê, nên có sự tích tụ cơ sở vật chất và tích tụ kinh nghiệm sản xuất

    + Dân cư có nhiều kinh nghiệm trồng và chế biến

    + Đã hình thành hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho việc trồng, chế biến và tiêu thụ.

    + Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước

    + Thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài

    2. Khác nhau

    A. Quy mô

    - ĐNB là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước

    - TN là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ hai

    B. Hướng chuyên môn hóa

    - ĐNB: Cây công nghiệp lâu năm và hằng năm, trong đó cao su là cây quan trọng nhất, cà phê đứng thứ hai, là vùng chuyên canh điều lớn nhất. Ngoài ra còn có các cây công nghiệp hằng năm như: Lạc, mía, đậu tương, bông, thuốc lá..

    - TN: Ưu thế là cây công nghiệp lâu năm trong đó cà phê là cây trồng quan trọng nhất, ngoài ra còn có chè..

    C. Điều kiện phát triển

    - Địa hình:

    + ĐNB: Là vùng đồi lượn sóng, khá bằng phẳng chưa bị chia cắt mạnh bởi dòng chảy sông ngòi, độ cao phổ biến dưới 200m

    + TN: Gồm các cao nguyên xếp tầng, độ cao trung bình 500-600m, bề mặt khá bằng phẳng với diện tích lớn, thuận lợi để biết xây dựng các vùng chuyên canh có diện tích lớn hơn ở DNB

    - Đất đai:

    + ĐNB: Đất đỏ bazan, đất xám phù sa cổ, thích hợp với phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây công nghiệp hằng năm

    + TN: Đất đỏ bazan màu mỡ với diện tích lớn thích hợp phát triển cây công nghiệp lâu năm

    - Khí hậu:

    + ĐNB: Khí hậu không phân hóa theo độ cao nên chỉ trồng các cây công nghiệp nhiệt đới, mùa khô không sâu sắc như ở Tây Nguyên

    + TN: Khí hậu có sự phân hóa theo độ cao nên có thể trồng các cây công nghiệp cận nhiệt, mùa khô rất sâu sắc

    - Nguồn nước:

    + ĐNB: Có điều kiện thủy lợi tốt hơn

    + TN: Mùa khô mực nước ngầm hạ xuống rất thấp nên việc giải quyết nước khó khăn và tốn kém

    - Dân cư – lao động

    + ĐNB:

    · Là vùng nhập cư lớn thứ hai cả nước

    · Dân số đông với mật độ dân số cao

    · Nguồn lao động dồi dào có kinh nghiệm trồng và chế biến, người lao động nhanh nhạy với thi trường

    + TN:

    · Là vùng nhập cư lớn nhất nước

    · Mật độ dân số thấp

    · Trình độ dân cư và lao động còn thấp

    - Cơ sở vật chất – kĩ thuật và kết cấu hạ tầng

    + ĐNB:

    · có cơ sở hạ tầng kĩ thuật tốt nhất nước ta và được tích lũy qua nhiều năm

    · Có nhiều cơ sở công nghiệp chế biến

    · Mạng lưới giao thông thuận tiện

    · Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu

    + Tây Nguyên: Cơ sở hạ tầng kĩ thuật yếu kém nhất cả nước, xa các cảnh và trung trung công nghiệp lớn

    - Vốn đầu tư:

    + ĐNB là vùng thu hút vốn đầu tư mạnh nhất cả nước, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nhà nước

    + Tây Nguyên: Việc thu hút vốn đầu tư còn rất hạn chế
     
    Mymy.usLỤC TIỂU HỒNG thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...