Câu hỏi phụ/ Yêu cầu phụ bài Việt Bắc - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng mười một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề thi môn Ngữ văn THPTQG ngoài mục đích hướng đến xét tốt nghiệp là chính, còn có mục đích phân loại để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên trong câu hỏi của phần nghị luận văn học (câu 5 điểm) cũng sẽ có phần vừa sức cho thí sinh ở mức học trung bình (vế đầu của đề bài) và phần khó hơn cho thí sinh khá, giỏi (vế sau của đề bài).

    Ví dụ: Câu 5 điểm trong đề thi THPTQG năm 2018:

    Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

    Phần in đậm trong đề ví dụ trên là vế câu hỏi phụ chủ yếu để phân loại học sinh. Phần này, đa số những học sinh khá, giỏi, nắm vững kiến thức bài học, có kĩ năng khái quát kiến thức.. mới có thể làm trọn vẹn.

    Tùy từng văn bản mà câu hỏi kèm theo có thể là một vấn đề về nội dung, có thể là một vấn đề về nghệ thuật.

    Câu hỏi phụ kèm theo này thường chỉ yêu cầu thí sinh viết với dung lượng vừa phải, thường là một đoạn hoặc một vài đoạn nhỏ khoảng 10 – 20 dòng sau khi nghị luận vấn đề trọng tâm ở phần đầu bài viết. Tuy chỉ 10 -20 dòng, nhưng phần này có thể chiếm 0.75 – 1 điểm trong biểu điểm của câu nghị luận văn học.

    Những chia sẻ sau đây là một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Việt Bắc - Tố Hữu thường gặp trong đề thi, đề kiểm tra bên cạnh các câu hỏi chính.

    Một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Việt Bắc - Tố Hữu

    1. Nhận xét về tính dân tộc trong đoạn thơ

    – Về phương diện nội dung:

    + Vẽ lên bức tranh thiên nhiên, cuộc sống Việt Bắc mang nét đặc trưng của một miền quê đất nước.

    +Làm hiện lên hình ảnh những con người Việt Nam với những vẻ đẹp truyền thống từ ngàn đời: Cần cù, tài hoa, thủy chung, tình nghĩa

    + Khẳng định nghĩa tình gắn bó thắm thiết của con người. Đó là ân tình cách mạng mà chiều sau là truyền thống đạo lí thủy chung của dân tộc.

    Về phương diện nghệ thuật:

    + Sử dụng thành công thể thơ lục bát- thể thơ truyền thống dân tộc.

    + Vận dụng hiệu quả lời ăn, tiếng nói giản dị của nhân dân trong đời sống và ca dao (tiêu biểu là đại từ ta- mình).

    + Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.

    + Ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu.

    2. Nhận xét khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong đoạn "Những đường Việt Bắc của ta.. Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng".

    Đoạn thơ tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đề tài: Phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật trữ tình là con người kháng chiến. Tiêu biểu cho con người Việt nam trong chiến tranh đồng lòng, đồng sức, đoàn kết, nhất trí để giải phóng đất nước. Nhịp thơ nhanh, chắc gợi không khí khẩn trương, sôi sục, cũng như những chiến thắng càng ngày càng lớn, càng ngày càng mạnh. Ngôn ngữ thơ giàu chất nhạc, giàu chất họa. Bên cạnh đó, Tố Hữu còn sử dụng các biện pháp nghệ thuật: Liệt kê (Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên) ; nhân hóa (rừng che, rừng vây) ; nói quá (bước chân nát đá) ; sử dụng từ láy (rầm rập).. Những thành công nghệ thuật nói trên đã giúp Tố Hữu làm sống lại một mảng hiện thực đã qua của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc hành quân mang tính lịch sử của dân tộc lại được nhìn bằng đôi mắt thi sĩ lãng mạn, cảm quan lạc quan hướng về tương lai của người chiến sĩ. Qua không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng, khí thế hào hùng ở Việt Bắc có thể thấy rõ cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kỳ, gian khổ những dân tộc Việt Nam không nhụt chí, trái lại vẫn vững vàng, kiên cường, chung sức chung lòng đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.

    [​IMG]

    3. Nhận xét màu sắc dân tộc được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đoạn thơ 8 câu thơ đầu

    Tố Hữu là nhà thơ dân tộc trong cái ý nghĩa đầy đủ và tự hào của khái niệm này. Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, nhất là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu nói chung và bài thơ Việt Bắc nói riêng đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Tính dân tộc của thơ Tố Hữu được thể hiện xuyên thấm trong Việt Bắc: Về nội dung (phản ánh và thể hiện được đời sống tinh thần, đời sống tâm hồn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân tộc). Hình thức (có ngôn ngữ nghệ thuật, thể thơ và nhạc điệu mang đậm màu sắc dân tộc góp phần vào sự phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt). Tuy nhiên đề chỉ yêu cầu làm sáng tỏ tính dân tộc trong hình thức. Cụ thể:

    - Thể thơ: Tố Hữu đã sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc: Lục bát. Thi sĩ đã sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ này và có những biến hóa, sáng tạo cho phù hợp với nội dung, tình ý câu thơ.

    - Kết cấu: Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca là kết cấu mang đậm tính dân tộc, và nhờ hình thức kết cấu này mà bài thơ có thể đi suốt 150 câu lục bát không bị nhàm chán.

    - Hình ảnh: Tố Hữu có tài sử dụng hình ảnh dân tộc một cách tự nhiên và sáng tạo trong bài thơ: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; mưa nguồn suối lũ;

    - Ngôn ngữ và các biệp pháp tu từ: Tính dân tộc được thể hiện rõ nhất trong cặp đại từ nhân xưng' ta - mình, mình - ta' quấn quýt với nhau và đại từ phiếm chỉ 'ai' (dẫn chứng). Đây là một sáng tạo độc đáo và cũng là một thành công trong ngôn ngữ thơ ca của Tố Hữu. Các biện pháp tu tù quen thuộc: Sử dụng từ láy, điệp từ, so sánh, nhân hóa..

    - Nhạc điệu: Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc từ thể thơ lục bát: Nhịp nhàng tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa, sáng tạo, không đơn điệu

    Bởi thế, 8 câu thơ đầu đã diễn tả thật xúc động những quyến luyến thiết tha, những băn khoăn trăn trở của người ở lại. Trong cuộc chia tay đặc biệt này, họ chưa chia xa mà đã nhớ thương vời vợi, chưa cách biệt mà đã khao khát mong chờ. Tình nghĩa thủy chung, sự gắn bó giữa đồng bào Việt Bắc với người cán bộ kháng chiến phản ánh truyền thống đạo lí từ ngàn đời của dân tộc. Nói đến ân nghĩa thủy chung, Tố Hữu nói lên được niềm tự hào về truyền thống nhân ái của dân tộc. Hiện thực Cách mạng được Tố Hữu phản ánh một cách chân thực, gợi cảm phù hợp với tình cảm của dân tộc. Đoạn thơ là nỗi nhớ thương, lưu luyến trong giây phút chia tay, là nghĩa tình thắm thiết với Việt Bắc, quê hương Cách mạng, với đất nước và nhân dân, với cuộc kháng chiến nay đã thành kỉ niệm khiến niềm vui hiện tại luôn gắn kết với nghĩa tình trong quá khứ và niềm tin ở tương lai. Đoạn thơ là khúc hát tâm tình chung của con người Việt Nam trong kháng chiến mà bề sâu của nó là truyền thống ân nghĩa, là đạo lý thủy chung của dân tộc. Đó là biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ "Việt Bắc".

    4. Chỉ ra chất dân gian trong đoạn thơ 8 câu đầu

    - Tám dòng thơ đầu là cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn nhưng là cuộc chia tay lớn mang tính chất chính trị trọng đại qua hình thức của cuộc chia tay tình tứ của lứa đôi. Đoạn thơ đậm đà tính dân tộc, với thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng nhuần nhuyễn, kết cấu đối đáp, cách ví von thường thấy trong ca dao được sử dụng sáng tạo, cặp đại từ nhân xưng mình – ta với sự biến hóa linh hoạt, tác giả đã tạo dựng được hình tượng kẻ ở, người đi đại diện cho tình cảm của cả cộng đồng.

    5. Nhận xét phong cách nghệ thuật Tố Hữu trong đoạn thơ: "Ta với mình, mình với ta, .. Chày đêm nện cối đều đều suối xa"

    Đoạn thơ tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

    - Tiếng thơ trữ tình – chính trị (sự kiện lịch sử năm 1954 trở thành cảm hứng)

    - Tính dân tộc đậm đà

    Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát. Một thể thơ truyền thống của dân tộc phù hợp với những vấn đề đạo lý và nghĩa tình. Nhịp thơ chậm, thể hiện tiếng lòng của người ra đi lưu luyến, lâng khuâng, bin rịn. Ngôn ngữ thơ bình dị, dễ hiểu, giàu hình ảnh, giàu chất nhạc. Bên cạnh đó Tố Hữu sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: Lặp từ"nhớ, nhớ sao) nhân hóa, so sánh, sử dụng thành ngữ.. những thành công nghệ thuật nói trên đã giúp cho Tố Hữu làm sống lại một mảng hiện thực đã qua của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ đã khái quát được cuộc sống sinh hoạt ở chiến khu Việt Bắc gian nan, nghèo khó mà nghĩa tình, lạc quan. Điều quan trọng nhất đó là Tố Hữu gửi vào những lời thơ ấy ân tình sâu nặng của người cán bộ với Việt Bắc - mảnh đất là cái nôi của cách mạng.

    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    6. Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn con người kháng chiến trong đoạn thơ: "Mình đi có nhớ những ngày.. Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?"

    Biểu hiện: Cả người đi, người ở trong đoạn trích trên đều mang những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý:

    - Họ là những con người tuy nghèo khổ về vật chất "miếng cơm chấm muối" nhưng lại yêu nước, cùng chung chí hướng đánh đuổi kẻ thù: "Mối thù nặng vai".

    - Họ là những con người thủy chung, nặng sâu tình nghĩa, đồng cam cộng khổ sát cánh bên nhau trong kháng chiến: "Đậm đà lòng son", "mình về rừng núi nhớ", "mình đi mình có nhớ mình"; chia tay mà lòng luôn nhớ về nhau, lưu luyến bịn rịn, không nỡ rời xa.

    Ý nghĩa: Vẻ đẹp của con người kháng chiến thể hiện vẻ đẹp của truyền thống đạo lí dân tộc, giúp khơi gợi trong chúng ta những tình cảm cao quý, thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam.

    7. Nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu:

    – Đoạn thơ nói riêng và bài thơ Việt Bắc, thơ Tố Hữu nói chung đều thể hiện tính chất trữ tình chính trị sâu sắc: Nói đến sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao, nói đến những tình cảm lớn nhưng lại dùng lối đối đáp của một cuộc trò chuyện tâm tình, giọng thơ thiết tha, sâu lắng..

    – Tính chất trữ tình chính trị làm nên tầm vóc sử thi của thơ Tố Hữu, sự gắn bó của thợ ông với vận mệnh của dân tộc, thể hiện lòng yêu nước và nhiệt huyết cứu nước, quyết tâm dùng thơ ca làm vũ khí đấu tranh cách mạng của nhà thơ.

    8. Nhận xét phong vị dân gian trong đoạn thơ sau:

    Ta với mình, mình với ta

    ..

    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    - Khái niệm phong vị dân gian Phong vị dân gian: được hiểu là chất dân gian, là màu sắc, hương vị dân gian.

    - Phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc được tạo nên từ cách vận dụng nhuần nhuyễn những yếu tố nghệ thuật quen thuộc của văn học dân gian. Đoạn trích nêu trên thể hiện rất rõ phong vị dân gian đó.

    - Biểu hiện 1: Kết cấu đối đáp trong khung cảnh chia tay đầy lưu luyến - đây là một mô típ quen thuộc trong ca dao, dân ca.

    - Biểu hiện 2: Những từ "mình", "ta" và cấu trúc lời hỏi, lời đáp đối ứng, gợi nhớ đến những câu ca dao về tình cảm lứa đôi.

    - Biểu hiện 3: Nhiều hình ảnh ước lệ quen thuộc của ca dao, dân ca được Tố Hữu sử dụng rất thích hợp với khung cảnh và tâm trạng trong bài thơ như "Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu", "nhớ gì như như nhớ người yêu"..

    - Biểu hiện 4: Phong vị ấy còn thể hiện ở âm điệu thiết tha, quyến luyến như những lời ru trong ca dao, dân ca.

    - Biểu hiện 5: Không chỉ dừng ở những yếu tố hình thức, phong vị ca dao, dân ca của bài "Việt Bắc" nói chung, đoạn trích nói riêng còn thấm sâu trong nội dung tư tưởng - cảm xúc. Đó là sự trân trọng, thiết tha với mọi nghĩa tình, ân tình, đề cao đạo lí thủy chung, son sắt vốn là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dân tộc và được thể hiện sâu đậm trong ca dao, dân ca.

    9. Nhận xét về nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu (đoạn 8 câu đầu)

    - Chất trữ tình chính trị: Sự kiện lịch sử lớn, tình cảm lớn được thể hiện tràn đầy cảm xúc.

    - Đoạn thơ đã giới thiệu cảm hứng chủ đạo của thi phẩm, và thể hiện tập trung những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật của tác giả. Những nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật Tố Hữu đã tạo nên diện mạo riêng và sự thành công cho thơ ông. Nó còn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho thơ ca cách mạng, đặc biệt là thơ trữ tình – chính trị. Đồng thời bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với cách mạng và kháng chiến.

    - Tính dân tộc đậm đà:

    + Về nội dung: Thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung, sâu nặng, nghĩa tình của người cách mạng với nhân dân Việt Bắc và ngược lại; khắc họa bức tranh thiên nhiên quen thuộc..

    + Về nghệ thuật: Thể thơ lục bát truyền thống; sử dụng kết cấu đối đáp mình - ta của ca dao, dân ca; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị; vận dụng những phép tu từ quen thuộc của ca thơ ca dân gian; giai điệu thơ ngọt ngào, sâu lắng; sử dụng các từ láy, dùng vần và phối hợp các thanh điệu.. kết hợp với nhịp thơ tạo thành nhạc điệu phong phú, diễn tả nhạc điệu bên trong của tâm hồn mà ở bề sâu của nó là điệu cảm xúc và tâm hồn dân tộc.

    10. Nhận xét về tính dân tộc của thơ Tố Hữu trong 8 câu đầu

    - Tính dân tộc:

    + Về nội dung: Đoạn thơ làm nổi bật nghĩa tình gắn bó sâu nặng và tấm lòng chung thủy, sắt son của người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc – đó nét đẹp của truyền thống ân tình, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

    + Về nghệ thuật: Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát của dân tộc, mang âm hưởng gần gũi với ca dao; sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt..

    - Tính dân tộc làm nên nét hấp dẫn riêng cho bài thơ Việt Bắc, nét phong cách độc đáo của thơ Tố Hữu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng năm 2024
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    11. Nhận xét vềtình cảm của nhà thơ với quê hương Việt Bắc qua đoạn: Nhớ gì như nhớ người yêu.. suối xa

    Biểu hiện:

    - Nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng, thể hiện tình cảm thủy chung, ân nghĩa với quê hương Việt Bắc.

    - Cảm xúc say đắm trước vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, bộc lộ tình yêu thiết tha, trìu mến với đất nước và con người nơi đây.

    - Niềm xúc động lớn lao và lòng biết ơn sâu sắc trước tình nghĩa yêu thương, đồng cam cộng khổ của con người Việt Bắc.

    Tác dụng: Tình cảm sâu nặng với quê hương Việt Bắc góp phần thể hiện phong cách thơ Tố Hữu: Trữ tình – chính trị; đậm đà tính dân tộc.

    12. Nhận xét về sự tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Tố Hữu trong đoạn: Mình đi có nhớ những ngày.. nghĩa tình bấy nhiêu.

    - Tố Hữu sử dụng ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian: Đại từ xưng hô quen thuộc trong ca dao, dân gian (mình, mình – ta ) được sử dụng sáng tạo, biến hóa, trở nên đa thanh, đa nghĩa; các biện pháp tu từ như điệp từ, điệp ngữ, so sánh ngầm, nghệ thuật tiểu đối.. được sử dụng tài tình, phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt.

    - Sự tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ góp phần tạo nên một thi phẩm "Việt Bắc" nồng đượm hương vị ca dao, thể hiện phong cách nghệ thuật đậm đà tính dân tộc của ngòi bút Tố Hữu; góp phần làm tiếng Việt thêm giàu có, ý nghĩa..

    13. Nhận xét về tính sử thi trong thơ Tố Hữu trong đoạn: Những đường Việt Bắc của ta

    Tính sử thi được thể hiện trong đoạn thơ:

    - Nội dung:

    + Vẻ đẹp hào hùng, hiên ngang, mang sức mạnh làm rung chuyển trời đất.

    +Đại diện cho vẻ đẹp của cộng đồng

    - Nghệ thuật: Đoạn thơ đậm chất sử thi; giọng thơ sôi nổi hào hùng; từ ngữ giàu chất tạo hình, biểu cảm; sử dụng nhiều biện pháp tu từ như: So sánh, nói quá, nhân hóa, liệt kê, điệp từ.. tạo nên âm hưởng hùng tráng xuyên suốt đoạn thơ.

    Tính sử thi góp phần tạo nên vẻ đẹp hùng tráng cho lời thơ, khẳng định phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

    14. Nhận xét chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu qua đoạn: Mình đi có nhớ những ngày.. nghĩa tình bấy nhiêu.

    - Biểu hiện: Chất chính trị: Tác giả nhắc đến những kỉ niệm của 15 năm gắn bó, những địa danh như "Tân trào", "Hồng Thái", khẳng định Việt Bắc là cái nôi của cách mạng. Chất trữ tình thể hiện ở những câu hỏi dồn dập của người ở lại với người đi, thực chất là gợi nhớ và nhắc nhở đừng quên tháng năm chiến khu Việt Bắc. Những vấn đề chính trị trong đoạn thơ đã được chuyển hóa thành vấn đề tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành với mọi người qua giọng thơ ngọt ngào, nhịp thơ như nhịp võng đưa trong hát ru êm ái, du dương, nhẹ nhàng, tha thiết; hình ảnh thơ đậm chất dân tộc, gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Bắc.

    - Ý nghĩa: Chất chất trữ tình chính trị của đoạn thơ đã làm nổi bật phong cách thơ độc đáo của Tố Hữu; thể hiện sâu sắc cảm hứng chủ đạo của cả bài thơ, đó là nỗi nhớ thương lưu luyến trong giờ phút chia tay, là nghĩa tình thắm thiết với Việt Bắc, quê hương cách mạng, với đất nước và nhân dân.

    15. Nhận xét về tình yêu quê hương đất nước của tác giả qua đoạn bức tranh tứ bình

    Biểu hiện:

    - Ở Việt Bắc tình yêu quê hương đất nước thể hiện ở sự cảm nhận một bức tranh thiên nhiên ấp áp, hòa hợp với con người;

    - Đoạn thơ thể hiện sự gắn bó của nhân vật trữ tình với mảnh đất thủy chung, tình nghĩa.

    - Tình yêu Việt Bắc của tác giả là tình yêu với quê hương cách mạng, biểu hiện một tình yêu nước lớn lao và niềm tin vào tương mai tươi sáng của đất nước

    Ý nghĩa:

    Tình yêu quê hương đất nước mang đến cho nhà thơ những cảm nhận và cách thể hiện độc đáo về vẻ đẹp của cảnh vật, con người quê hương cách mạng, tạo nên mạch cảm xúc dạt dào, khơi gợi trong mỗi người đọc tình cảm thiêng liêng với đất nước.
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    16. Nhận xét về giọng điệu riêng của thơ Tố Hữu qua 8 câu đầu

    - Giọng thơ tâm tình ngọt ngào là một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó được thể hiện rất rõ trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc.

    - Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết là giọng thủ thỉ tâm tình; giọng của tình thương mến; đằm thắm, réo rắt, ngân nga, sâu lắng.

    - Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng, nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng thi sĩ lại dùng giọng, lời của người yêu để trò chuyện, giãi bày tâm sự, cảm xúc. Điều đó tạo nên âm hưởng trữ tình sâu đậm của khúc hát ân tình; đồng thời tạo nên nét riêng về giọng điệu của thơ ông; góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho loại thơ trữ tình chính trị.

    17. Nhận xét về tình cảm của nhà thơ với quê hương Việt Bắc qua đoạn: Nhớ gì như nhớ người yêu

    Biểu hiện: Đoạn thơ thể hiện tình cảm của nhà thơ với quê hương Việt Bắc:

    - Nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng, thể hiện tình cảm thủy chung, ân nghĩa với quê hương Việt Bắc.

    - Cảm xúc say đắm trước vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, bộc lộ tình yêu thiết tha, trìu mến với đất nước và con người nơi đây.

    - Niềm xúc động lớn lao và lòng biết ơn sâu sắc trước tình nghĩa yêu thương, đồng cam cộng khổ của con người Việt Bắc.

    Ý nghĩa: Tình cảm gắn bó sấu nặng của nhà thơ với Việt Bắc tạo nên mạch cảm xúc tuôn trào cả bài thơ, góp phần thể hiện đạo lí truyền thống của dân tộc: Tình nghĩa, thủy chung..

    18. Nhận xét về cái tôi trữ tình của nhà thơ Tố Hữu được thể hiện trong đoạn trích: Ta đi ta nhớ những ngày/.. suối xa

    - Cái tôi đã hòa chung với cái Ta của cộng đồng, dân tộc. Mình là ta – Ta là mình – Ta với mình như hòa quyện vào nhau, đan xen nhau. Tố Hữu đã đặt mình vào vị trí của những con người kháng chiến, nói về mình về người để bày tỏ những ân tình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những nghĩa tình cách mạng.

    - Qua "Việt Bắc" nói chung và đoạn trích nói riêng, cái tôi trữ tình của Tố Hữu trong chặng đường thơ này là cái tôi nhập vai nhằm làm nổi bật, tôn vinh lên hình tượng những con người kháng chiến, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người dân kháng chiến.

    À "Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc".

    19. Nhận xét tình cảm cách mạng của Tố Hữu qua đoạn 8 câu thơ đầu

    +Tình cảm cách mạng trong đoạn thơ thiết tha, sâu lắng, chân thành; được thể hiện qua phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu

    +Tình cảm cách mạng trong đoạn thơ xuất phát từ những con người yêu nước, giác ngộ cách mạng, tự nguyện gắn bó với cách mạng, nhân dân, sẵn sàng dấn thân vì đất nước.

    +Tình cảm cách mạng là tình cảm từ hai phía trong kháng chiến gian khổ nhưng thật hào hùng. Tình cảm ấy đã được thể hiện thật xúc động trong cảnh chia tay với tâm trạng lưu luyến bịn rịn và nỗi nhớ tha thiết của người đi – kẻ ở.

    + Tình cảm được gợi tả bằng thể thơ lục bát truyền thống và kết cấu theo lối đáp giao duyên trong ca dao dân ca.

    => Thể hiện thành công tài năng nghệ thuật và tình cảm gắn bó với cách mạng của Tố Hữu ở mỗi chặng đường cách mạng.

    20. Nhận xét về chất trữ tình trong thơ ca chính trị của Tố Hữu, đoạn bức tranh tứ bình

    Chất trữ tình trong thơ Tố Hữu là sự hòa quyện tinh tế, nhẹ nhàng giữa 2 vẻ đẹp là thiên nhiên và tình người thời kháng chiến.

    Chất trữ tình kết hợp chất chính trị đã tạo nên một biên niên sử trong thơ ca kháng chiến chống Pháp đồng thời tạo nên phong cách thơ trữ tình-chính trị riêng có của Tố Hữu.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...