Đề thi môn Ngữ văn THPTQG ngoài mục đích hướng đến xét tốt nghiệp là chính, còn có mục đích phân loại để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên trong câu hỏi của phần nghị luận văn học (câu 5 điểm) cũng sẽ có phần vừa sức cho thí sinh ở mức học trung bình (vế đầu của đề bài) và phần khó hơn cho thí sinh khá, giỏi (vế sau của đề bài). Ví dụ: Câu 5 điểm trong đề thi THPTQG năm 2018: Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả. Phần in đậm trong đề ví dụ trên là vế câu hỏi phụ chủ yếu để phân loại học sinh. Phần này, đa số những học sinh khá, giỏi, nắm vững kiến thức bài học, có kĩ năng khái quát kiến thức.. mới có thể làm trọn vẹn. Tùy từng văn bản mà câu hỏi kèm theo có thể là một vấn đề về nội dung, có thể là một vấn đề về nghệ thuật. Câu hỏi phụ kèm theo này thường chỉ yêu cầu thí sinh viết với dung lượng vừa phải, thường là một đoạn hoặc một vài đoạn nhỏ khoảng 10 – 20 dòng sau khi nghị luận vấn đề trọng tâm ở phần đầu bài viết. Tuy chỉ 10 -20 dòng, nhưng phần này có thể chiếm 0.75 – 1 điểm trong biểu điểm của câu nghị luận văn học. Những chia sẻ sau đây là một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm thường gặp trong đề thi, đề kiểm tra bên cạnh các câu hỏi chính. Một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm 1. Nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ. – Chất sử thi trong văn học tập trung phản ánh những vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước: Tổ quốc còn hay mất, tự do hay nô lệ. Nhân vật chính là những con người đại diện cho phẩm chất và ý chí của dân tộc; gắn bó số phận cá nhân với số phận đất nước; luôn đặt lẽ sống của dân tộc lên hàng đầu. Giọng điệu sử thi là giọng ngợi ca, trang trọng và đẹp tráng lệ, hào hùng. – Nguyễn Khoa Điềm hướng về những con người bình dị đã cần cù làm lụng và đánh giặc bảo vệ đất nước giữa những ngày kháng chiến chống Mĩ ác liệt, đất nước còn chia cắt. Đoạn thơ được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh. 2. Nhận xét cách nhìn mới mẻ của tác giả về Đất Nước: – Nhìn Đất Nước đa diện, tinh tế, sâu sắc, đặc biệt nhà thơ phát hiện quá trình Đất Nước hình thành và phát triển gắn liền với đời sống bình dị của nhân dân lao động. Đất Nước kết tinh đời sống tâm hồn, phẩm chất đẹp đẽ, truyền thống đạo lí ngàn đời của dân tộc. – Cách nhìn mới mẻ về hình tượng Đất Nước cho thấy sự gắn bó, am hiểu, lòng tự hào và tình yêu đất nước sâu nặng, phong cách thơ trữ tình- chính luận của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. 3. Nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích a. Chất liệu văn hóa được Nguyền Khoa Điềm sử dụng hết sức quen thuộc đối với mỗi con người Việt Nam: - Đó là những phong tục, tập quán, những truyền thống từ ngàn đời () - Những câu ca dao, tục ngữ; những câu chuyện cổ tích thần thoại.. đã gắn liền cuộc sống thường ngày của nhân dân Việt Nam. b. Chất liệu văn hóa được Nguyền Khoa Điềm sử dụng hết sức mới lạ: - Mới lạ trong cách sử dụng sáng tạo: Tác giả chỉ gợi lên bằng một vài chi tiết, từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu chọn lọc (riêng câu dân ca Bình - Trị - Thiên gần như là nguyên văn) qua đó dẫn dắt người đọc vào thế giới của những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc: + Cách dẫn dắt vào những câu chuyện cổ tích đem đến một không gian vừa xa xôi, vừa gần gũi (ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể) . + Sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng (miếng trầu bà ăn, trồng tre đánh giặc, tóc búi sau đầu, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm) . - Mới lạ vì mỗi câu ca dao, tục ngữ, mỗi câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết.. đều gắn với chiều sâu của lịch sử, chiều sâu văn hóa, tâm hồn nhân dân. * Đánh giá chung: Qua chất liệu văn hóa dân gian ta thấy Đất Nước vừa trở nên gần gũi, bình dị vừa lớn lao, kỳ vĩ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã suy luận, lý giải về Đất Nước trên nhiều bình diện khác nhau: Từ không gian địa lý, thời gian lịch sử và đặc biệt là bề dày văn hóa. Đất Nước gắn liền với truyền thống văn hóa trong lịch sử bốn ngàn năm của Nhân dân. Dù ở phương diện không gian địa lý, thời gian lịch sử, Đất Nước đều được suy luận, lý giải gắn liền với truyền thống văn hóa của Nhân dân. 4. Nhận xét về sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Khoa Điềm: + Thơ ông có sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Ông đã có những khám phá mới mẻ và sâu sắc khi thể hiện về hình tượng đất nước trên nhiều bình diện: Địa lý, lịch sử, văn hóa.. + Thơ ông có giọng điệu riêng, vừa tâm tình sâu lắng thiết tha vừa đầy suy tư triết lý. Màu sắc văn hóa dân gian mà ông đem vào thơ cũng tạo nên một không gian vừa gần gũi thân thuộc với tâm hồn mỗi người Việt Nam lại vừa bay bổng lãng mạn. + Ngôn ngữ thơ vừa giản dị tự nhiên theo kiểu "thơ trữ tình điệu nói" lại vừa uyển chuyển đầy sáng tạo. Ẩn sâu trong đó là chiều sâu trí tuệ, văn hóa và một tình yêu đối với đất nước. 5. Nhận xét nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Biểu hiện: + Cảm xúc nồng nàn là tình yêu tha thiết, mãnh liệt của NKĐ dành cho đất nước; nhân dân + Suy tư sâu lắng là cách cảm nhận và lí giải sâu sắc, mới mẻ về mối quan hệ của đất nước đối với mỗi người - Tác dụng: Sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng góp phần thể hiện phong cách thơ trữ tình chính luận của NKĐ; tác động sâu sắc đến lí trí và con tim của người đọc, làm thay đổi nhận thức về đất nước, đánh thức tình yêu đất nước và khát khao được dâng hiến cho đất nước của mỗi người.. Xem tiếp bên dưới: Câu hỏi phụ cho các đoạn cụ thể.
6. Nhận xét về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian, đoạn 9 câu đầu - Biểu hiện: Hệ thống hình ảnh, từ ngữ được khai thác và vận dụng khéo léo, sáng tạo từ văn hóa, văn học dân gian (phong tục, truyện cổ tích, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ) : Tục ăn trầu, là miếng trầu giao duyên, miếng trầu nên nghĩa nên tình đã thành một nét đẹp trong văn hóa Việt; là cách búi tóc cuộn sau gáy quen thuộc vừa đẹp vừa gọn của người phụ nữ Việt Nam; là cách đặt tên con cái từ những vật dụng hằng ngày; là kho tàng truyện cổ tích của người Việt mà mỗi khi bốn tiếng "ngày xửa ngày xưa" cất lên ai cũng nhớ; là truyền thuyết "Thánh Gióng" đánh giặc ngoại xâm; là tình nghĩa vợ chồng trọn nghĩa vẹn tình trong ca dao. - Ý nghĩa: Chất liệu dân gian vừa gợi cảm nhận về một đất nước dung dị, gần gũi, đời thường vừa gợi dậy trong tâm thức người đọc cả một bề dày và chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc với những nét rất đặc thù, rất đáng tự hào. 7. Nhận xét về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu [..] Những cuộc đời đã hóa núi sông ta - Biểu hiện: Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng phong phú, đa dạng gắn với nhiều vùng miền: Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc trong đời sống của người dân; có ca dao, tục ngữ, cổ tích, truyền thuyết. Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng sáng tạo: Tác giả chỉ gợi lên bằng một vài chi tiết, từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu chọn lọc. - Ý nghĩa: + Tác giả vẫn giữ được ý nghĩa sâu sắc nhất của những câu ca dao, câu chuyện cổ tích, truyền thuyết. Tạo ra cho tác phẩm một thế giới nghệ thuật vừa gần gũi, quen thuộc, vừa bay bổng, diệu kì. Đồng thời tạo được cho ngôn ngữ thơ tính hàm súc, cô đọng. + Giúp cho nội dung chính luận của đoạn thơ hiện lên một cách trữ tình. + Góp phần thể hiện sự độc đáo trong phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tài hoa, kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và triết luận. 8. Làm rõ nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước qua đoạn: Đất là nơi anh đến trường [..] Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng Biểu hiện: - Tác giả tách hai thành tố "Đất" và "Nước" để đưa ra những định nghĩa mới mẻ về Đất Nước. - Mượn chất liệu văn hóa, văn học dân gian đậm đặc để diễn tả những suy tư, trăn trở về Đất Nước. - Đi sâu vào tìm hiểu, nhìn nhận đất nước ở bình diện văn hóa là một nét mới mẻ, độc đáo trong thơ ca. - Giọng thơ sâu lắng, hình ảnh thơ gần gũi, bình dị. - Câu chuyện Đất Nước được chuyển tải dưới câu chuyện tình yêu của Anh và Em tạo giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, chất trữ tình Ý nghĩa: Cách cảm nhận độc đáo, mới lạ của NKĐ mang đến hình ảnh một đất nước vừa kì vĩ, lớn lao vừa gần gũi, bình dị; góp phần thể hiện tình yêu đất nước thiết tha, mãnh liệt và tài năng sáng tạo nghệ thuật của tác giả. 9. Nhận xét nhận xét cách cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm - đoạn: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu [..] Những cuộc đời đã hóa núi sông ta - Biểu hiện của cách cảm nhận: Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận đất nước là mối quan hệ hài hòa, thống nhất các phương diện lịch sử, địa lí, văn hóa trong mối liên hệ gắn bó với nhân dân; thiên nhiên đất nước trở nên thiêng liêng gần gũi hơn khi có sự hóa thân của nhân dân, in dấu tâm hồn, lối sống nhân dân. - Ý nghĩa: Đây là quan niệm mới mẻ, sâu sắc thể hiện cái nhìn có chiều sâu và phát hiện riêng của nhà thơ về đất nước; góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc ở thế hệ trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam thời chống Mĩ, đồng thời khơi gợi tình yêu, trách nhiệm với đất nước của tuổi trẻ hôm nay. 10. Nhận xét về sự hòa quyện giữa chất chính luận và chất trữ tình qua đoạn: Em ơi em Hãy nhìn rất xa [..] Nhưng họ đã làm nên Đất Nước Biểu hiện: - Chất chính luận: Đoạn trích thể hiện những suy tư của NKĐ về đất nước dưới góc nhìn lịch sử; đoạn thơ là sự khẳng định vai trò của nhân dân trong bề dày lịch sử dân tộc. - Chất trữ tình: + thể hiện ở cảm xúc lắng sâu (tình cảm yêu mến, trân trọng nhân dân; tình yêu, niềm tự hào về đất nước) + thể hiện ở lời thơ tâm tình như cuộc trò chuyện giữa anh - em Ý nghĩa: Sự hòa quyện của chất chính luận và chất trữ tình vừa giúp cho nội dung tư tưởng của đoạn trích thêm sâu sắc vừa làm cho đoạn trích có sức lay động, truyền cảm, biến tư tưởng, quan niệm, nhận thức thành cảm hứng nghệ thuật.