Giai thoại kể rằng, vào mùa hè, Vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Trị. Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa: - Tay dơ thì lấy nước mà rửa, còn "nước" bẩn lấy chi mà rửa? Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp: - Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch? Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói: - Nước dơ thì phải lấy máu mà rửa, hiểu không? Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương. Khi đất nước bị dơ bẩn bởi sự chà đạp của ngoại bang thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc. Với vua "Có mắt mà không thấy dân khổ là Mù - có tai mà không nghe dân than là Điếc - có miệng mà không dám lên tiếng bảo vệ dân, chống lại cường quyền là Câm!" Tuy nhiên, khi hợp sức với tổ chức Việt Nam Quang Phục hội để bàn tính chuyện đánh Pháp, do kế hoạch bị lộ, vua bị bắt giam. Khi toàn quyền Pháp ở Hà Nội đích thân ra gặp và dụ dỗ, vua vẫn thủy chung trả lời: "Các ngài muốn buộc tôi làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi là một ông vua trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi thư tín và chính kiến với chính phủ Pháp". Nằm trong "bộ ba" ông vua yêu nước của thời Pháp đô hộ, vua Duy Tân là điểm sáng của hậu duệ Nguyễn Phúc Ánh, và góp phần đem lại cái nhìn công tâm hơn của người đời dành cho Nguyễn triều!