Nghệ thuật là một khái niệm khá rộng, là một giá trị được tạo ra từ hoạt động sáng tạo của con người, mà sự sáng tạo thì luôn vô hạn. Đó là điều làm cho nghệ thuật trở nên trừu tượng, bay xa và không bao giờ ngừng phát triển. Nếu hoạt động xây dựng tạo nên nhà cửa, các hoạt động hóa sinh tạo nên những phát minh vĩ đại thì hoạt động nghệ thuật tạo nên những giá trị tinh thần vô giá được lưu truyền nối tiếp qua nhiều thế kỷ! Hội họa có thể được coi là một phần quan trọng của hoạt động nghệ thuật. Chúng ta có thể nhớ về một Vincent Van Gogh với tranh sơn dầu truyền thống, một Picasso với những bức vẽ giá trị vượt thời gian hay Nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci.. mỗi khi nhắc đến hội họa. Nhưng bên cạnh đó, hội họa vô cùng bình dị khi mà 1 bức vẽ của bé con lại lay động cả một tập thể.. Nghệ thuật hay hội họa nói riêng, không hề có bất kỳ nguyên tắc gò ép nào, chỉ cần chúng ta bắt gặp và đồng cảm, và hiểu về điều người vẽ muốn truyền tải, thì đó.. là nghệ thuật! Câu chuyện hôm nay tôi muốn chia sẻ là về nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Nghệ thuật nếu nói khó thì cũng rất khó, nói dễ thì cũng sẽ dần trở nên dễ dàng hơn. Đến bây giờ tôi cũng không rõ có thể coi họa sỹ là một nghề hay không nữa! Hãy nhìn vào cuộc đời của những vị họa sỹ tài ba, một số có cuộc sống với hào quang rực rỡ, tiền tài đầy túi, nhưng lại có người sống cơ cực đến mức không đủ khả năng chi trả cho giấy và màu vẽ, hay bất hạnh hơn, có người chỉ thật sự sống khi họ đã.. không còn trên đời nữa! Họ có thể dành phần lớn thời gian của mình để vẽ, nhưng khi họ không bán được tranh thì khả năng họ trở thành kẻ vô gia cư có thể đến bất cứ lúc nào! Nghệ thuật luôn cần cảm xúc, và khi chúng ta bắt nhịp được những cảm xúc với nhau, chính là lúc nghệ thuật thật sự thăng hoa. Nhưng cách truyền tải cảm xúc của mỗi vị họa sỹ là khác nhau, cảm nhận của chúng ta cũng vậy, nên hội họa là một bộ môn nghệ thuật rất khó để nắm bắt và hiểu rõ như kinh tế học hay nghiên cứu học! Vậy có ai có thể sống hoàn toàn chỉ bằng cách vẽ tranh không nhỉ? Hội họa hay nghệ thuật chân chính không có dấu chân của toan tính tiền bạc! Vậy nên đời nghệ sỹ phần lớn họ phiêu bạt và.. họ nghèo lắm! Nhưng đổi lại, dường như họ có cả thế giới trong tay! Họ tự do biểu đạt bản thân mình qua những nét vẽ, họ vẽ nên thế giới của riêng mình, họ truyền cảm hứng cho mọi người, họ sống vui bình dị và thư thái với những đứa con tinh thần của họ! Nghệ thuật như tiếng lòng họ, khi không còn cách nào nói cho thế giới biết mình đang sống, họ hoạt động nghệ thuật, họ vẽ về cuộc sống, thêu dệt những nỗi buồn trở nên đẹp hơn, họ vào đời bằng cặp mắt u buồn, nhưng nỗi u buồn ấy là cảm xúc vô tận cho đam mê hội họa, đam mê nghệ thuật vô điều kiện! Tôi luôn yêu mến và kính trọng những giá trị nghệ thuật nhân văn, đi mãi với thời gian. Nó minh chứng cho những người nghệ sỹ chân chính, tài năng và đầy kiêu hãnh! Thật ra khi viết những dòng này, tôi đã suy nghĩ rất lâu, vì nó khá khó hiểu, hay chính bản thân tôi cũng không phải nhà hoạt động Nghệ thuật gì cả! Cho đến khi tôi có dịp đến chơi nhà người bạn lâu năm là cựu du học sinh Nhật Bản và bắt gặp những bức tranh bạn ấy vẽ khi còn ở bên Nhật! Tôi đã thật sự trầm trồ, dù bạn ấy nói phần lớn bạn ấy chỉ vẽ trong đêm khi đang rất bế tắc và cô đơn, nhưng tranh của bạn ấy rất căng tràn sức sống và hy vọng! Từ đó tôi hiểu rằng, sự lạc quan, niềm tin vài tương lai cũng là một kiểu nghệ thuật, bất kỳ ai cũng có thể làm nghệ thuật khi tâm họ hướng tới những điều tốt đẹp! Những tác phẩm nghệ thuật đối với tôi mà nói, là những thước phim đầy sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Họ viết một câu chuyện, đan xen với những bài học cuộc sống, truyền tải những truyền thống tốt đẹp, sự đoàn kết, tình bạn, tình yêu.. và rồi chúng ta biết đến nhiều nền văn hóa khác nhau với những văn minh hiện đại, với những niềm tự hào về những điều mình đang có, về sự chăm chỉ ham học hỏi, sự đoàn kết, kính già yêu trẻ.. Tất cả tạo nên một bức tranh nghệ thuật không gì có thể sánh bằng.. Nghệ thuật đã từng vực dậy con tim yếu đuối của tôi, giúp tôi có thêm những lẽ sống mới cho cuộc đời! Vậy còn bạn, bạn có câu chuyện nghệ thuật nào không?