Truyện ngắn: Câu Truyện Của Na! Sáng tác: Duonghuyhieu * * * Giữa một vùng quê nghèo đất đai bạc màu khó canh tác, cái ăn cái mặc trở thành gánh nặng trên vai mỗi người. Từng lớp trai tráng xếp hàng xách áo ra đi, mang trên vai hy vọng một tương lai ấm no. Đằng đẵng một năm dài, kẻ may mắn tìm thấy miếng cơm, người xui xẻo trắng tay trở về đã không còn là chuyện hiếm gặp trong cái xóm nghèo. Năm nay Na vừa lên năm, từ lúc nó lọt lòng tía đã cùng các chú căng buồm ra khơi đánh cá. Những ngày tía ở nhà Na hay hỏi ông đủ thứ chuyện trên đời. Tía nó tên Hòa, bản chất hiền lành lương thiện, vì là một ngư dân nên làn da ông sạm đen, bàn tay thô ráp to lớn. - Tía ơi sao các chú đều làm ăn xa vậy? Bỏ các thím ở nhà buồn ơi là buồn! Na phụng phịu, gương mặt trẻ con thơ ngây không giấu được nỗi thất vọng trong đôi mắt. Tía Hòa cười đáp: - Vì quê mình còn nghèo con ạ! Bữa cơm độn khoai qua ngày không làm no bụng, chiếc áo bạc màu rách vai không thể giữ ấm khi Đông về. Nên các chú mới đi làm ăn xa, mong kiếm được ít đồng về đỡ đần trước sau. Lúc đó Na còn nhỏ, nó chỉ biết tía Hòa đi má buồn, nó cũng thấy buồn lây. Chớ nào biết gánh nặng ngày ba bữa cơm, chiếc chòi thủng mái chưa được thay sau nhà. * * * Tía đưa nó lên huyện chơi, đây lần đầu tiên Na nhìn ngắm phố phường rộng lớn, những mái lá xập xệ thay bằng mái tôn tường gạch. Hai bên đường đèn đuốc sáng trưng, soi rõ bóng người đi. Tía Hòa dùng số tiền ít ỏi mua cho Na con búp bê nhựa, là loại vài chục ngàn đồng, nhưng trong mắt nó con búp bê đó chính là báu vật, là hy vọng và là động lực để nó tiếp tục sống. * * * Tía ở được vài bữa thì lại ra khơi, ông nhìn nó rất lâu, miệng cười nhưng gương mặt buồn xo. Con bé Na lấy làm lạ bèn hỏi: - Sao tía buồn dữ vậy? Na làm gì sai hả? Tía Hòa lắc đầu, mắt ông đỏ hoe. Đó là lần đầu tiên con Na thấy tía nó rơm rớm nước mắt. Thì ra tía Hòa cũng biết khóc, Na còn tưởng ông mạnh mẽ lắm, như Thánh Gióng vậy. Na hoảng hốt ôm cổ tía Hòa, nó nói lí nhí: - Thôi tía Hòa đừng có khóc, Na thương nè! Tía không muốn đi thì ở nhà với Na, con nuôi tía! Nghe thấy những lời nói ngây thơ của con gái, tía Hòa bật cười, sụt sịt nước mũi. - Tía thương Na quá! Con ở nhà nhớ phải ngoan, thay tía săn sóc má nghe chưa? - Dạ! Na hứa với tía! Nó đứng trên bờ, dõi mắt nhìn theo con thuyền tía Hòa leo lên ngày một xa dần. Đến khi con thuyền to lớn vừa nãy chỉ bằng đầu ngón tay, Na rưng rưng nước mắt òa khóc trên cảng. Lần nào cũng vậy, mỗi khi tía Hòa ra khơi Na đều buồn suốt mấy ngày liền. Nó nhớ tía, nhớ mỗi chiều ông đưa nó ra dọc bờ sông thả lưới, nhớ bữa cơm rau đạm bạc mà ấm cúng. Nó ước gì quê mình không còn nghèo, các chú quay về, tía cũng về với nó. * * * Chừng nửa tháng sau, chú Thần là một người bạn của tía Hòa thình lình xuất hiện xăm xăm đi vô nhà. Vừa thấy má chú Thần liền nói rằng: - Từ sớm mơi tới giờ chị có hay tin gì từ anh Hòa không? - Tin gì của chồng tôi hả chú Thần? Chú Thần khựng lại, chau mày nói: - Thuyền đánh cá của anh Hòa bị sóng đánh lật rồi. Trời ơi! Từ đêm qua tới giờ tôi trông tin từ ngoài ngoải mà không thấy tăm hơi gì. Chú Thần ngồi trên ván gỗ, vẻ mặt buồn rầu, kể chi tiết. - Ngoài biển sóng lớn cao hơn chục mét, đêm qua mưa to, tôi sợ là không còn ai sống sót. Má ngồi trên ván, hai tay ôm mặt nước mắt tuôn dầm dề. Vừa đúng lúc Na đi học về, thấy má khóc nó cũng khóc theo. Nửa tháng chờ tin tía, má nó gầy xuống hẳn, da mặt vàng vọt, cứ nằm khóc hoài. Dần dần má chấp nhận tin chồng chết, không còn buồn nữa, nấu một mâm cơm cúng chồng. Một năm ròng rã trôi qua, hôm Na đi học về, cô bác chung quanh tụ tập trước sân nhà nó xì xầm to nhỏ chuyện gì đó. Tuổi tuy nhỏ nhưng Na hiểu người đàn ông trong nhà nó phải gọi bằng cha, nó tức tưởi ôm cổ má mình. Chất giọng trẻ con trong trẻo như tiếng suối, hòa cùng âm thanh nức nở như tan nát cõi lòng. Nước mắt nó chảy dọc xuống gò má mềm mại, đọng dưới cằm rơi xuống ngực áo má. Nó nói: - Má không thương tía Hòa nữa, không thương Na nữa. Má đừng bỏ con đi lấy chồng được không má? Chẳng phải nó ích kỷ cản bước bà tìm hạnh phúc mới. Chỉ là nó sợ, sợ má có chồng mới sau này có con mới sẽ không thương nó nữa. Con Na đã mất tía Hòa, không muốn mất thêm cả bà. Nó không biết làm gì để níu chân người ngoại trừ khóc. - Na ơi! Đó không phải ai khác, người đàn ông nó sắp gọi là cha. Chú ấy vỗ nhẹ lên tấm lưng bé nhỏ, ân cần lau nước mắt trên mặt. Khoảnh khắc đó Na nhớ tía, khi tía Hòa còn sống luôn lau nước mắt trên mặt mỗi khi nó khóc nhè. - Chú thương má con, thương cả con. Chú hứa sẽ làm người cha tốt, Na đừng ghét chú nhé. Từng giọt rồi từng giọt lã chã rơi xuống, Na nhìn ra hiên nhà nơi có đặt bộ phản tía Hòa thường ngồi rồi khóc nấc lên. Tiếng khóc thương tâm của trẻ con vang vọng từ căn nhà nhỏ, chua chát như tiếng búa nện lên đầu mỗi người có mặt. Người đàn ông đó chuyển đến sống cùng nó và má, chú ấy đối xử với nó rất tốt, săn sóc vồn vã không xem nó là người ngoài. Hễ có gì ngon chú đều dành phần cho nó, dù chỉ là một quả táo rừng hái được khi lên vườn. Dần dà, những hành động của chú làm cảm động mọi người xung quanh, bà ngoại tấm tắc khen người rể mới. Na lẳng lặng ngồi một bên lắng nghe, lòng dâng lên nhiều cơn sóng trào đổ ập lên bờ vai nhỏ bé. Hai bàn tay nó cuộn vào nhau, ấm ức không nói nên lời. Thời gian thấm thoát thoi đưa, Xuân tàn Hạ đến. Con bé Na thơ ngây năm nào đã trở thành cô thiếu nữ. Na lớn lên tuy không quá xinh đẹp, nhưng các nét trên mặt hao hao giống tía Hòa. Thậm chí mỗi lần thấy nó, đôi mắt đã hơi đùng đục chi chít vết chân chim của bà nội đỏ hoe, nó nhận ra điều đó nên dần ít lui đến, tránh khơi lên nỗi mất mát trong lòng bà nội. Nhiều năm sống cùng chú ấy, nó không gọi người đàn ông đó là cha, vì trong mắt nó tía Hòa là người cha duy nhất, là mảnh ghép gia đình hoàn hảo. Những năm đầu tiên ông ta giữ đúng lời hứa, chăm sóc cả hai má con nó. Không bao lâu sau, má mang thai sinh ra một đứa em trai. Sáu tháng sau, bà lại có thai sinh ra một cặp trai gái. Trong nháy mắt cái nhà lá nhỏ càng trở nên chật chội, thiếu thốn. Khi miếng ăn trở thành gánh nặng và con người ta phải vật lộn trầy trụa để sống qua ngày, áp lực vô hình vắt kiệt tình cảm, sự cảm thông mình dành cho đối phương. Họ trở nên gai góc, hằn học, cộc cằn hơn bất cứ ai. Ngồi trong góc tối, nó tận mắt chứng kiến cảnh bà và người đàn ông đó cãi vã, thậm chí cảnh ông ta ra tay đánh bà. Nó thu tất cả lời nói hành động của ông ta vào trong trí nhớ, rồi lặng lẽ rơi lệ. Số lần hai người hục hặc tương đương với số lần ông ấy say xỉn. Hơn hai tháng qua nhà nó không phút nào được yên, tiếng chửi mắng, đồ đạc rơi vỡ, các em gào khóc ám ảnh nó cả trong giấc ngủ. Mỗi khi trông thấy người đàn ông bết bát, quần áo nhăn nheo, tóc tai rối bời, toàn thân nồng nặc mùi rượu, đều làm nó bất giác run lên. - Mỗi lần say ông ấy đều đánh má. Nó vuốt gương mặt gầy gò, bầm tím của bà. Giọng nói run lên: - Chúng ta phải chịu cảnh này đến bao giờ? Má bắt lấy tay nó, ngón tay thô ráp cọ vào lòng bàn tay nhỏ của Na. Từ trong ánh mắt có thể nhìn ra tia không cam lòng, lưu luyến của bà. - Nhưng má không bỏ ông ấy được con à. Người đàn ông đó từng hứa cùng mẹ con mình xây dựng một gia đình. Lòng Na chùng xuống, không có từ ngữ nào có thể miêu tả cảm giác của nó lúc này. Là hụt hẫng, thất vọng. Thậm chí còn hơn thế nữa. Nó liếc nhìn ba đứa em còn thơ bé, sau đó lại nhìn về người má tàn tạ của mình, khó tránh khỏi so sánh. Ngày xưa má là người đàn bà đẹp nhất trong vùng, đàn ông thích bà nhiều vô số kể, trong đó có tía Hòa. Tuy cuộc sống thiếu thốn vật chất, song tình cảm chưa bao giờ hao hụt. Tía không để má làm việc nặng nhọc, đỡ đần bà sau trước. Tía Hòa mất, má đi thêm bước nữa tìm tấm chồng tương xứng. Những tưởng hạnh phúc nằm trước mắt, cho đến ngày hôm nay mộng đẹp vỡ tan. Từng mảnh vỡ thủy tinh bén nhọn găm sâu vào lồng ngực bà, đâm thủng trái tim, đồng thời cứa một vết cắt dài trên lưng Na. Bà đã yêu, yêu một người đàn ông tệ bạc, rượu chè bê tha. Bà yêu đến điên cuồng, khờ dại, say mê hơi ấm giả tạo đã nguội lạnh từ lâu. Bà giống như con thiêu thân lao đầu vào lửa. Giống kẻ say không bao giờ muốn tỉnh. - Vậy còn con thì sao? Hai chúng ta vẫn có thể là một gia đình mà. Tại sao phải bắt con chứng kiến cảnh má bị ông ấy đánh đập? - Một gia đình trọn vẹn phải có đủ cha mẹ và con cái, nếu không thích con có thể rời khỏi đây. Từng chữ được bà nói ra rành mạch rõ ràng, chúng chui vào tai Na tạo một tiếng vang lớn trong đầu. Bà có phải vừa đuổi nó không? Bà vì một gã đàn ông không ra gì mà xua đuổi con gái mình? Bàn tay nắm tay bà yếu dần rồi buông thõng giữa không trung. Thời gian như ngừng quay, vạn vật trên thế gian đứng yên ngoại trừ má con nó. Na thở ra một hơi dài, nước mắt chảy ngược vào trong bóp nghẹt khí quản. Thoáng chốc mặt Na đỏ bừng, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi lạnh, nó hơi khom lưng bộ dáng yếu ớt thấp hèn. - Má tỉnh táo lại đi! Ông ta không yêu thương gì má đâu. Những lời hứa người đàn ông đó thốt ra chỉ là giả dối. Na dừng lại đôi chút, tim nó đập nhanh như sắp văng ra khỏi lồng ngực. - Yêu một người phải như tía Hòa, bảo vệ, nâng niu. Yêu một người là cùng người mình yêu sống đến bạc đầu, cho người đó một mái ấm gia đình. Ông ấy đã từng làm những việc đó với má chưa? Mắt má ngấn lệ, vô hồn nhìn xa xăm. Bà thì thầm vào tai Na. - Má không cần những thứ con vừa nói. Má muốn sống cùng ông ấy. Má chưa từng yêu tía con. Năm đó cưới tía Hòa chỉ vì chút cảm động của tuổi trẻ, về sau nghĩ lại dù cố gắng thế nào bà cũng không thể yêu ông ấy. Dũng khí Na tích góp bấy lâu chỉ vì sáu chữ "má chưa từng yêu tía con" tan thành mây khói. - Làm người đừng nên quá cố chấp, có vài việc từ bỏ mới là đúng đắn. Na muốn khuyên bà nhưng lời chưa kịp thốt ra thì tiếng ầm vang bên ngoài đánh gãy lời nói. Hôm nay ông ta vẫn say xỉn như thường ngày, tướng đi xiêu vẹo chân đăm đá chân chiêu, loạng choạng đi vào nhà. Ông ta gầm lên thứ âm thanh không phải của con người, bàn tay to lớn vươn ra tóm tóc bà lôi xuống đất. Tô chén sứ trên bàn vỡ tan tành, con búp bê Na trân quý rơi xuống bị ông ta giẫm dưới chân. Na ngây người, viền mắt đỏ lên, nó cắn chặt môi dưới nhào đến xô ngã ông ta. Tiếng hét gào của nó lấn át cả tiếng khóc của ba đứa trẻ. - Sao ông lại làm hư quà tía tôi tặng? Ông cút ra khỏi nhà tôi! Biến khỏi mắt má con tôi! - Con mất dạy! Ông ta gằn lên từng chữ, bước một bước dài đi đến tát vào mặt Na. Sức của một đứa con gái mới lớn như nó làm sao có thể đấu lại với ông ta? Na ngã xuống nền đất lạnh, nửa bên mặt đau âm ỉ. Nhưng không vì thế mà Na bỏ cuộc, nó quyết không thoái lui, quyết không khiếp sợ trước kẻ luôn gieo bất hạnh cho gia đình. - Ông! Bàn tay nó được má siết chặt, cả gương mặt bà đẫm nước mắt. Bà đẩy nó ra xa, gào lên: - Đi đi! Mau đi đi! Na sững sờ nhìn má không chớp mắt. Nó tận tai nghe bà mắng nó, tận mắt trông thấy bà ôm người đàn ông đó vào buồng. Vào khoảnh khắc Na muốn bỏ chạy, một giọng nói vang lên trong đầu, xa xưa như đến từ thế giới khác. - Con ở nhà nhớ phải ngoan, thay tía săn sóc má nghe chưa? Đó là lời căn dặn, là sứ mệnh cuối cùng tía Hòa đặt vào tay nó trước khi lìa đời. Gần chục năm qua nó luôn làm theo lời tía dặn, thay tía săn sóc má. Na tự hỏi: Mình đã hoàn thành tốt trách nhiệm tía giao chưa? Vẫn chưa, nó đã phản bội lại lời hứa. Na chưa săn sóc má, Na để má chịu đựng từng trận đòn roi của gã đàn ông thối nát. Na thật tệ phải không tía Hòa? Nó lau vội nước mắt vừa rơi, cắm đầu chạy như bay ra khỏi nhà. Chưa đầy mười lăm phút sau, nó quay về cùng hai chú công an xã, bà con xung quanh hiếu kỳ vây kín sân nhà nhỏ. Chỉ cần có thể giúp má, dù là cách nào nó cũng muốn thử một lần. Gã đàn ông kia bị bắt về đồn, đến cùng gã phải trả giá cho thói vũ phu, rượu chè say xỉn của mình. Na đưa má và các em về nhà ngoại tránh nạn, không bao lâu sau nó theo các chị trong xóm lên Sài Gòn tìm việc, mỗi tháng đều gửi tiền về cho má. Mười năm trôi qua, Na bây giờ không còn là cô gái nhỏ chỉ biết trốn trong góc khóc. Nó mạnh mẽ, quật cường hơn bất cứ ai. Suốt mười năm qua, nó đã làm rất nhiều công việc, loại người gì cũng từng gặp qua. Xây xát trầy trật với đời đã tôi rèn nên một con người sắt đá. Na mang nỗi nhớ gửi gắm lên người con búp bê hỏng. Nó sẽ sống, sẽ trở thành trụ cột cho má và các em nương tựa, dùng quãng đời còn lại thực hiện lời hứa với tía Hòa. Hết