Với phần đông khán giả, nền điện ảnh Mỹ với những bộ phim bom tấn, Trung Quốc với dòng phim cổ trang, kiếm hiệp, Hàn Quốc với thể loại tâm lý - tình cảm đã trở thành thương hiệu của giải trí. Điện ảnh Ấn Độ xuất hiện giữa làng điện ảnh thế giới như mang một thức vị mới vào đời sống của mỗi người. Like Stars on Earth (Cậu bé đặc biệt) của đạo diễn kiêm diễn viên Aamir Khan, là một trong những bộ phim đặc sắc của điện ảnh Ấn Độ. Bộ phim ra mắt vào ngày 21 Tháng 12 năm 2007 tại Ấn Độ, cũng đã được Disney phát hành DVD quốc tế đầu tiên vào năm 2010, đánh dấu sự kiện đặt hàng đầu tiên bởi một công ty toàn cầu. Ngay sau khi phát hành, bộ phim có ý nghĩa về giáo dục này được giới phê bình đánh giá cao, đã đoạt được nhiều giải thưởng; trong đó có giải thưởng Filmfare 2008 và giải thưởng phim Quốc gia 2008 về Phúc lợi gia đình và nhiều giải khác. Phim Cậu bé đặc biệt là câu chuyện về một đứa trẻ mắc chứng khó đọc, nhưng không được sự quan tâm đúng mức của gia đình và nhà trường. Em bị chuyển vào trường nội trú, với kỷ luật, hình phạt nghiêm khắc và dần biến thành một đứa trẻ cô độc và trầm tính. Một thầy giáo môn hội họa dạy thay đã nhận ra, đồng cảm và giúp cậu bé "lười nhác, điên khùng, bét bảng" thành một vì sao lấp lánh. Ngoài bức thông điệp vô giá về giáo dục, bộ phim còn hấp dẫn bởi nghệ thuật điện ảnh đan cài những nét đẹp văn hóa đậm chất Ấn Độ. Bộ phim lấy bối cảnh là một thành phố thuộc đất nước Ấn Độ rộng lớn, với những khuôn hình có biên độ ngắn dài, cao thấp khác nhau, xoay quanh đời sống gia đình, sự bận rộn sớm tối của những người lao động, đặc biệt là môi trường giáo dục của đất nước Ấn Độ nhằm tái hiện sinh động và chân thực bức tranh văn hóa cũng như sự giáo dục của gia đình và nhà trường đối với những đứa trẻ "đặc biệt" như Ishaan Awasthi. Cảnh quay đầu phim là sự rối loạn của các chữ cái và con số khi cô giáo công bố thành tích học tập của học sinh. Cái tên Ishaan Awasthi luôn xếp hạng bét. Âm thanh là những tiếng báo động về sự kém cỏi của cậu bé. Cách mở đầu phim như đặt ra một câu hỏi lớn: "Điểm số và trí tuệ của trẻ con liệu có tỷ lệ thuận với nhau?" Nhân vật chính của phim là Ishaan Awasthi, xuất hiện xuyên suốt chiều dài của phim. Ishaan là cậu bé xấu xí, với ngoại hình nhỏ nhắn, gầy gò, mặt mũi nhem nhuốc, mắt sâu và hàm răng thưa, vẩu. Cậu là học sinh lưu ban, luôn xếp hạng bét về điểm số. Nhân vật Ishaan xuất hiện dưới bóng nước một bể cá. Góc máy di chuyển đến cảnh quay trung cảnh giờ ra chơi ở trường học dành cho học sinh nam. Trong khi bạn bè tụ tập chơi đùa vui vẻ, cậu luôn tìm cho mình những khoảng trời riêng. Ngay những khuôn hình đầu tiên, bộ phim đã tạo ra một tình tiết "đắt" trong việc thể hiện chủ đề phim. Đó là cảnh cậu bé hớt những chú cá nhỏ bé mang về nhà đổ vào bình thủy tinh nhỏ bé. Cái đặc sắc của cảnh quay này là đã nói lên cảnh ngộ của cậu bé: Những đứa trẻ khao khát tự do và làm những gì mình thích nhưng luôn phải chịu áp đặt của khuôn khổ, sự kìm hãm tìm hiểu, khám phá thế giới. Ishaan cũng giống như những chú cá nhỏ bé ấy. Thế giới trẻ thơ của Ishaan là sự nghịch ngợm, phá rối, quan sát và tưởng tượng về thế giới xung quanh mình. Tâm hồn Ishaan là một thế giới đầy huyền diệu và sắc màu mà cậu bé không thể chia sẻ cùng bất kỳ ai. Cậu đứng ngoài câu chuyện của mọi người bởi cậu tự tách mình ra khỏi con đường tất cả mọi người đi theo thói quen. Ishaan coi sách là kẻ thù, đọc – viết là tra tấn. Cậu quăng bài kiểm tra cho bọn chó cắn xé nát vụn để "bịt đầu mối" về sự chậm tiến của bản thân. Điểm đặc biệt là những thước phim quay cận cảnh luôn soi chiếu sự biểu cảm vô cùng dí dỏm, lột tả ngoại hình, tính cách của cậu bé: Răng to và thưa, mặt lem nhem bẩn, đôi mắt sâu sáng bừng khi ngạc nhiên và thường nheo lại để quan sát. Trường đoạn đánh nhau với thằng bạn hàng xóm, cậu đá đổ chậu cây nhà họ và chạy lên ban công, khóc thút thít một mình đã phần nào bộc lộ tính cách của cậu bé Ishaan. Thông thường, khi bị bắt nạt, cô đơn, buồn bực phản xạ tự nhiên của trẻ con là về nhà, giục vào lòng mẹ mà khóc, còn Ishaan lại tìm đến sự vắng vẻ và tĩnh lặng để khóc một mình. Cậu bé không tìm thấy sự đồng cảm, tiếng nói chung của mọi người. Cậu bé lảng tránh câu hỏi của mẹ về bài kiểm tra, tỏ ra ăn năn hối lỗi khi tưởng bố cậu sẽ bỏ đi đâu đó nhưng khi biết đó là câu nói đùa, cậu gườm gườm, tức tối. Ở trường, cậu không thể đọc chữ khi cô yêu cầu và bị đuổi ra khỏi lớp. Khi bị chuyển vào trường nội trú, cậu tiếp tục sống khép kín với những cảm xúc riêng của mình. Một cậu bé có tài năng hội họa cũng đã ngừng vẽ khi bị chuyển đến môi trường mới. Cách lựa chọn nhân vật đã thể hiện dụng đồ nghệ thuật của đạo diễn: Trong một gia đình, người bố là một doanh nhân thành đạt luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách dạy bảo con cái. Ông không quan tâm con cái muốn gì, cần gì mà luôn áp đặt, tạo áp lực để chúng phải trở thành những người tài giỏi trong xã hội. Khi đó, sự dịu dàng của người mẹ luôn vỗ về cậu bé những khi người cha nóng giận. Anh trai Yoohan luôn đứng đầu tất cả các môn học. Ngược lại với những thành viên trong gia đình, cậu bé Ishaan xấu xí, còi cọc, học kém, phá rối và kém hòa đồng. Cậu như một cành củi khô trôi lạc trên dòng nước xuôi chiều. Trong Cậu bé đặc biệt xuất hiện khá nhiều tình tiết thể hiện văn hóa của người Ấn. Ở Ấn Độ, người ta đề cao sự sạch sẽ. Tục ngữ của họ có câu "sạch sẽ là ngoan đạo". Khi ra ngoài, trang phục phải chỉnh chu, gọn gàng, giày phải được đánh bóng. Ishaan nghịch ngợm luôn dẫm phải vũng nước làm bẩn giày. Cậu bé luôn bị xếp vào hàng những học sinh chấp hành quy định trường học chưa tốt. Như vậy, luồng gió mới từ điện ảnh Ấn Độ thổi vào thế giới mỗi con người sự bừng ngộ lạ lùng. Đề tài giáo dục tuy không mới, song việc gây xúc động cho khán giả khi nhân vật nhập vai tự nhiên trong những cảnh diễn thể hiện thái độ hai chiều của con người và giáo dục đã là một thành công lớn. Mặc dù bộ phim chưa tạo được những cao trào về tâm lý và thi vị hóa chi tiết đến thần kỳ song đã đánh vào phương cách giáo dục con trẻ của không ít phụ huynh cũng như mang lại nụ cười sảng khoái trước sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ em và những nét văn hóa đặc sắc của người Ấn.
Bài review của bạn rất hay. Bộ phim này làm mình nhớ đến câu chuyện con cá không thể leo cây, và những định nghĩa của người lớn về một đứa trẻ hư. Phim để lại cho người xem nhiều suy ngẫm. Bộ phim khá dài (gần 3 tiếng đồng hồ) nhưng xem xong không hề uổng phí thời gian. Đây là một bộ phim rất hay mà các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo nên xem. Một đứa trẻ - đặc biệt hay cá biệt là do cách người lớn nhìn nhận và định hướng cho trẻ bằng sự thấu hiểu, tình yêu thương. Bộ phim rất xúc động và đầy tính nhân văn.