Review Sách Cánh Đồng Bất Tận - Nguyễn Ngọc Tư

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi giangmei, 17 Tháng mười 2021.

  1. giangmei

    Bài viết:
    3
    Nguyễn Ngọc Tư - cái tên có lẽ nổi bật với nhiều tác phẩm đậm hơi thở của cảnh sắc con người Tây Nam như Không ai qua sông, Khói trời lộng lẫy.. Tôi thì khá kén chọn trong việc đọc những tác phẩm văn học Việt bởi không phải cuốn nào cũng thực sự mang lại giá trị sâu sắc. Thậm chí từng một lần trải mình trong bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm cô Tư nhưng đây mới là cuốn đầu tiên mình chính thức đọc và biết về phong cách viết của cô Tư.

    [​IMG]

    Bìa sách nhẹ nhàng yên bình đến kì lạ theo bóng dáng người con gái lồng lộng giữa gió đồng quê. "Cánh đồng bất tận" là hai trăm mười tám trang, mười bốn câu chuyện ngắn về những kiếp người tựa những đường thẳng chồng chéo giao nhau tại một điểm, rồi cứ thể tiếp bước chẳng hề cắt nhau lần nữa, những mảnh đời dạt dào khó khăn trở đi trở lại những cái buồn man mác không tên, giản đơn dung dị nhưng lại khắc khoải lòng người bao cay đắng. Ảm đạm, day dứt, ám ảnh..

    [​IMG]

    Cái buồn mà cô Tư ẩn hiện trong những con người Nam Bộ chân chất thực thà: Là câu chuyện của người đàn ông dành cả đời mình để đi tìm đứa con với tiếng gọi mấy chục năm qua vẫn não lòng vang vọng: "Cải ơi!". Hay câu chuyện của Huệ lấy chồng-câu chuyện "bi kịch" của tình yêu, về cái đêm cuối nức nở vỡ òa. Nói bi kịch cũng chẳng phải nữa bởi du di nó cũng đâu quá bi thảm, nó cứ lưng chừng giữa những cái buồn thoảng qua giữa những tâm tình chẳng rõ. Nó làm người ta tư lự, ngẫm nghĩ, buồn nhưng lại không thể khóc. Phải chăng đó cũng chính là cái hay của Nguyễn Ngọc Tư? Có câu chuyện về người đàn bà dành cả thanh xuân cả cuộc đời để chờ người chồng thuộc về người khác. Mấy mươi năm sóng nước lênh đênh hàng đêm cô cứ lật đi lật lại tấm áo đã cũ sờn của anh mà tiếc thay hơi người đã bay về theo gió trời lạnh lẽo.

    "Cánh đồng bất tận" -câu chuyện cuối cùng câu chuyện của một quãng đời rong ruổi trên sông nước của ba bố con nọ, đến một ngày trở thành bốn người và rồi đến một ngày chỉ còn lại hai, và theo đó là cả quá trình dần tìm lại cảm giác thuộc về một chốn nào đó với những con người – những đồng loại của mình, giữa nhân gian này. "Sống cuộc đời du mục, cũng đồng nghĩa với cuộc đời nay đây mai đó, không có căn nhà của mình, không có nơi nào quen thuộc cả, thậm chí hai chị em muốn nhìn một cái cây tự tay mình trồng cũng rất khó." Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác." "Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao". Cuối cùng kết đọng lại vẫn là cái hay đến hụt hẫng đến buồn thương day dứt.

    Cuốn sách ngắn khiến một người vốn không có nhiều thời gian cho việc đọc cũng hoàn thành xong rất nhanh. Ngắn nhưng lại ám ảnh, lại khắc sâu. Văn phong cô Tư để lại trong người đọc cái gì đó đẹp lắm. Cô không dùng chữ "yêu" mà chuộng chữ "thương" – thứ tình cảm đem lại cảm giác an yên không đòi hỏi sự đáp lại. Những câu chuyện mà tình thương tràn ngập hẳn nhiên dịu dàng. Chỉ có đôi khi dịu dàng quá, ta lại buồn đến thắt lòng. Văn phong cô Tư cũng cuốn hút đến lạ. Đọc từng dòng văn đều nghiệm ra được cảnh tượng trước mắt, và cô tả rất đau, rất đắng. Văn cô mộc mạc như cỏ lau, phủ lên màu xanh rầu rầu khô héo của mùa đông nhưng chảy trong là nguồn nhựa sống dạt dào. Cánh đồng bất tận thật sự đã chạm đến trái tim mình, khẽ thôi nhưng sâu lắng. Bởi lẽ cốt lõi của tất cả chẳng phải đi sâu vào đời sông, vào cảnh sống nghèo của những con người kia mà đi vào xúc cảm, vào những khoảnh khắc tâm lí họ trải qua.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...