Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi giaotantien, 13 Tháng một 2022.

  1. giaotantien

    Bài viết:
    1
    I. Mở bài

    Nguyễn Tuân được đánh giá là một trong những cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Cả một đời, người nghệ sĩ ấy đã không ngừng đi tìm cái đẹp, cái tinh hoa trong đất trời để kết tinh thành những kiệt tác văn học. Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc, là đỉnh cao trong nghệ thuật khắc họa cái đẹp của Nguyễn Tuân. Dù là trong hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc đời, là cảnh ngục tù chết chóc thì cũng chẳng thể nào vùi lấp được vẻ đẹp tuyệt mỹ trong tâm hồn con người. Cảnh cho chữ là chi tiết truyện xuất sắc góp phần to lớn tạo nên giá trị nhân văn cho toàn bộ tác phẩm. Qua đó, nhà văn khẳng định một chân lý bất diệt: Cái đẹp luôn trường tồn, thắng thế trước nghịch cảnh éo le của cuộc đời.

    II. Thân bài

    1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

    Nguyễn Tuân - nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác ông đã làm lay động trái tim người đọc bằng những sáng tác của mình. Nhà văn luôn đặt con người dưới góc nhìn nghệ sĩ, nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hóa, thẩm mỹ. Chữ người tử tù nằm trong tập truyện Vang bóng một thời, đây là một sáng tác được đánh giá hay nhất, tuyệt vời nhất và có giá trị nhân văn sâu sắc nhất của cả tập truyện. Tác phẩm là câu chuyện kể về những ngày cuối đời của người anh hùng Huấn Cao, trong cảnh ngục tù tăm tối cái đẹp vẫn hiện hữu và tỏa sáng hơn bao giờ hết. Có thể nói tác phẩm thành công là nhờ tài năng sáng tạo tình huống truyện độc đáo của Nguyễn Tuân, thế nhưng để đẩy cảm xúc truyện lên cao trào, đạt đến độ hoàn mỹ của một thiên truyện thì phải nhắc đến cảnh cho chữ "có một không hai" đầy bất ngờ, gây sửng sốt cho người đọc.

    2. Cảm nhận cảnh cho chữ

    a. Hoàn cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục

    Nhân vất chính trong truyện ngắn này là Huấn Cao - một con người văn võ song toàn. Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa, quan niệm về nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa, mà còn để ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời. Nhưng "tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ". Một con người có tài năng về nghệ thuật, có thiên lương cao đẹp, lại có khí phách ngang tàng và tính khoảnh như Huấn Cao tưởng chừng như sẽ không bao giờ chịu chấp nhận tặng chữ của mình cho viên quản ngục. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục, biết ông đã bất chấp cả tính mạng của mình vì thú vui cao quý, Huấn Cao đã thay đổi định kiến về một kẻ tiểu lại giữ tù như ông, ân hận vì thiếu chút nữa "đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ" và quyết định tặng chữ cho quản ngục.

    b. Cảnh cho chữ diễn ra đặc biệt

    Việc cho chữ vốn là một việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật, chỉ diễn ra ở những nơi tao nhã, những văn phòng, thư phòng. Còn ở đây, nó diễn ra trong một căn buồng tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, hôi hám của nhà tù, nơi ngự trị của bóng tối, cái ác, những thứ thù địch với cái đẹp. Vậy mà, Nguyên Tuân đã chọn chính nơi này để cho cái đẹp chào đời. Chính chi tiết truyện mới mẻ này đã làm nên sức lôi cuốn, hấp dẫn cho người đọc.

    Bút pháp lãng mạn của Nguyên Tuân đã được phát huy tận độ. Cảnh cho chữ được viết theo lối tương phản nhuần nhuyễn mà gay gắt giữa Bóng Tối và Ánh Sáng, Cái Thiện và Cái Ác, Cao Cả và Thấp Hèn, Cái Đẹp và Sự Tầm Thường, Đê Tiện.. Mỗi nhát bút như một nhát khắc của người nghệ sĩ tạo hình làm cho các hình tượng như được chạm nổi, những khối hình như hằn lên trên bề mặt chữ nghĩa. Có thể hình dung cách này theo lối điện ảnh. Trên cái nền đen kịt của trại giam, bập bùng lên một ngọn đuốc. Ngọn đuốc tạo ra một vùng sáng lớn vừa rực rỡ vừa trang trọng. Bên dưới ngọn đuốc là ba con người đang chụm đầu xung quanh một vuông lụa trắng. Một người tù "cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ" . Vuông lụa trắng là điểm sáng nhất của vùng sáng ấy. Trên đó, từng nét chữ đang tượng hình, từng con chữ đang ra đời. Cái Đẹp đang được khai sinh.. Cả ba con người đang chăm chú với niềm hạnh phúc dâng trào để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Sự đối lập giữa tư thế và vị thế của người cho chữ - Huấn Cao và người nhận chữ - viên quản ngục đã được Nguyễn Tuân khắc họa thật sinh động, "một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh, viên quản ngục" khúm núm ", thầy thơ lại" run run bưng chậu mực ". Có lẽ đứng trước cái đẹp trái tim con người bỗng rung động, như có thứ gì đó bóp nghẹt lại, không ai nói với nhau lời nào nhưng đủ để cảm nhận niềm hạnh phúc đang tuôn trào trong lồng ngực. Từ một viên quản ngục" quyền cao chức trọng "giờ đây phải cúi đầu trước vẻ đẹp tài hoa, trước người tử tù có tấm lòng thiên lương. Có tiếng" thở dài, buồn bã "của Huấn Cao khi những nét chữ cuối cùng đã viết xong, ông nói giọng đĩnh đạc:" Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. "Tấm lòng nhân hậu của Huấn Cao đã thức tỉnh, cứu rỗi tâm hồn của những người lương thiện nhưng lạc vào con đường tha hóa, rối ren. Viên quản ngục cảm động, vái người tử tù một vái" Kẻ mê muội này xin bái lĩnh "những giọt nước mắt lăn dài trên má như lời kính trọng sâu sắc dành cho vị anh hùng Huấn Cao.

    c. Ý nghĩa nghệ thuật

    Việc Huấn Cao thuận cho chữ không phải là thanh toán những nợ nần với quản ngục, cũng không phải hành động của người sắp bị tử hình đem những tài sản cuối cùng cho người ở lại. Cũng không phải là cơ hội cuối cùng để phô diễn tài hoa. Đây trước hết là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, là tấc lòng của kẻ tri âm dành cho người tri kỉ. Người ta thấy cái Tâm đang điều khiển cái Tài, cái Tài đang phụng sự cái Tâm . Nói đúng hơn cái Tài cái Tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái Đẹp .

    Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Tuân đã gọi đó là" cảnh tượng xưa nay chưa từng có ". Người nghệ sĩ tài hoa say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng, và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào kinh chịu án tử hình. Hình ảnh uy nghi của Huấn Cao đối lập với hình ảnh xo ro của thầy thơ lại " run run bưng chậu mực " và hình ảnh viên quản ngục" khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ " . Lí do chính là vì một cuộc đảo lộn ghê gớm đang diễn ra trong vị thế của các nhân vật. Kẻ có quyền hành thì không có quyền uy. Uy quyền đã thuộc về Huấn Cao, kẻ đã bị tước mọi thứ quyền. Người nắm quyền sinh quyền sát thì khúm núm sợ sệt, kẻ tử tù thì ung dung đường bệ. Kẻ có chức năng giáo dục tội phạm thì giờ đây đang được tội phạm giáo dục; còn mình thì thành kính lĩnh nhận từng lời như nhận những di huấn thiêng liêng về nhân cách, về lẽ sống của một bậc hiền minh cao cả. Ranh giới tội phạm và cai tù đã bị xóa bỏ. Chỉ còn là những người bạn, những tri kỉ đang quy tụ, quây quần xung quanh cái đẹp của Tình người và Nghệ thuật. Mọi thứ trật tự nơi đây đã bị đảo lộn. Tác giả của sự đảo lộn này chính là Cái Đẹp. Tất cả đều đang sống đẹp, đang hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của Cái Đẹp. Cái Đẹp đang lên đúng ngôi vị của nó. Cho nên cảnh cho chữ có thể gọi là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp.

    Với cảnh tượng ấy, ta càng tin vào tư tưởng của Đôxtôiepxki rằng " Cái đẹp sẽ cứu vớt con người " . Chữ người tử tù đã thể hiện niềm tin mãnh liệt của Nguyễn Tuân vào sự bất diệt của Cái Đẹp. Dù thực tại có tăm tối, tàn bạo đến đâu cũng không thể nào tiêu diệt được Cái Đẹp của cuộc đời này, Cái Đẹp là bất khả chiến bại. Niềm tin ấy thuộc về chủ nghĩa nhân văn, làm nên những giá trị nhân văn rất sáng giá của nghệ thuật Nguyễn Tuân.

    III. Kết bài

    Với kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực và sức tưởng tượng vô cùng độc đáo, Nguyễn Tuân vẽ nên một bức tranh với hai mảng màu sáng tối đối chọi gay gắt thật độc đáo, ấn tượng. Cảnh cho chữ là một sáng tạo nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Tuân. Qua cảnh cho chữ đầy xúc động, Nguyễn Tuân đã ngầm khẳng định vị thế và sức mạnh của cái đẹp. Cái đẹp có khả năng" nhân đạo hóa"cái ác, cái xấu thật diệu kì. Đoạn văn thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật tài hoa và tấm lòng trân trọng, nâng niu của Nguyễn Tuân trước giá trị của nghệ thuật chân chính, của cái đẹp đích thực.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...