CÂN XỨNG Từ Hán Việt Việt tạo*, chữ Hán viết là 斤稱, trong đó: - Cân là đơn vị đo trọng lượng, xưa một cân bằng mười sáu lạng, nên mới có câu "kẻ tám lạng người nửa cân" để chỉ hai bên ngang ngửa nhau; - Xứng là dụng cụ đo trọng lượng, giáp cốt văn vẽ hình một bàn tay xách con cá, ý chỉ việc đo lường xem nặng nhẹ thế nào. "Xứng", vốn dùng là "xưng". Bài "Bảo kính cảnh giới số 45" của Nguyễn Trãi (trong Quốc Âm Thi Tập) có câu: "Mực thước thế gian dầu có phải, Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày". Còn "Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa" giảng "cân xưng: Vật gì nặng nhẹ biết ngay". "Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa" được xem là cuốn từ điển Hán Nôm cổ nhất của lịch sử tiếng Việt. Nay ta quen dùng "xưng" trong các trường hợp mang nghĩa "gọi là", "gọi bằng" như "xưng hô", "danh xưng", và dùng "xứng" trong các trường hợp mang nghĩa "vừa", "hợp với", "vừa vặn" như "đối xứng", "tương xứng". "Cân xứng" (hay nguyên từ là "cân xưng"), vốn mang nghĩa là đo lường nặng nhẹ, nay thường dùng theo nghĩa "tương đương và phù hợp với nhau" theo ghi nhận của Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. * Hán Việt Việt tạo tạm hiểu là mỗi chữ trong từ này có gốc Hán nhưng tiếng Hán không dùng, người Việt từ cái gốc Hán đó tự sáng tạo ra từ mà dùng và dùng theo âm Hán Việt.