Mùa thu của nhà thơ Hữu Thỉnh hiện lên thật đẹp trong hai khổ thơ đầu: "Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu" Khổ thơ thứ nhất mở ra với những rung cảm của thi sĩ trước tín hiệu sang thu trong không gian gần và hẹp . Sự chuyển mình nhẹ nhàng của thiên nhiên vào thời khắc giao mùa được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan . Trước hết, nhà thơ biết được mùa thu đến khi "nhận ra hương ổi" (cảm nhận khứu giác) và cảm nhận được gió thổi se lạnh (cảm nhận xúc giác). Động từ mạnh "phả" được dùng rất hay, diễn tả mùi hương ổi đang ở độ chín rộ, nồng nàn, đặc sánh quện vào gió thu lan tỏa trong không gian. Dường như gió đưa hương ổi tới đâu thì bước chân thu về tới đó, thông báo cho con người về khoảnh khắc giao mùa. Không những thế, tác giả còn cảm nhận thu về bằng thị giác, thấy được "sương chùng chình qua ngõ". Câu thơ có sử dụng từ láy "chùng chình" nhân hóa làn sương thu thật thú vị. Sương thu hiện lên cụ thể như con người, đang cố ý đi chậm lại vì lưu luyến mùa hạ, quấn quýt bên ngõ xóm hay ngập ngừng trước cửa "ngõ" giao hai mùa hạ và thu. Trước những tín hiệu sang thu rõ rệt như thế, nhà thơ đã bày tỏ cảm xúc của mình qua từ "bỗng", gợi sự ngỡ ngàng và kết thúc bằng cảm xúc hoài nghi, mơ hồ "hình như thu đã về". Qua đó, người đọc cảm nhận được ở Hữu Thỉnh một tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Vẻ đẹp mùa thu được miêu tả rõ nét hơn trong không gian cao và rộng ở khổ thơ tiếp theo. Bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai diễn tả những chuyển biến tinh tế, nhẹ nhàng của mùa thu khi tác giả nhận thấy: "Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã" Cách diễn đạt trên tạo nên thế tương phản qua hai hình ảnh thiên nhiên bình dị: Sông và chim. Dòng sông và con chim được nhà thơ nhân hóa qua hai từ láy gợi cảm "dềnh dàng" và "vội vã" giúp hai sự vật hiện lên trong bức tranh thu thật sinh động. Đối lập với sự chuyển động chậm rãi mà nhàn nhã, hiền hòa của dòng sông thu là sự vội vàng bay về phương Nam tránh rét của những chú chim. Một nhà thơ phải có tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên và có óc quan sát thật tinh tế mới có thể cảm nhận được thời khắc "được lúc", "bắt đầu", sự mới chớm thay đổi ấy của mùa thu. Tiếp sau đó, tác giả Hữu Thỉnh còn cho thấy vẻ đẹp thơ mộng của đất trời sang thu qua việc miêu tả đám mây trên bầu trời xanh: "Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu". Hình ảnh đám mây trong hai câu thơ trên là một hình ảnh đẹp, độc đáo . Nó như dải lụa đào mềm mại của ai vắt ngang bầu trời. Bên cạnh đó, ta cũng có thể liên tưởng đám mây đang mang tâm trạng của con người, chưa muốn chia tay cái nắng ấm của mùa hạ để bước sang đất trời se lạnh của mùa thu. Bằng những hình ảnh thơ giản dị, ngôn từ trong sáng, giọng thơ tự nhiên kết hợp các từ láy gợi cảm và sử dụng thành công biện pháp tu từ nhân hóa, những liên tưởng đặc sắc, nhà thơ đã thể hiện cảm xúc trước những chuyển biến của thiên nhiên, đất trời sang thu trong không gian gần và hẹp cũng như trong không gian cao, rộng hơn một cách thật cụ thể và tinh tế.