Cảm Thu, Tiễn Thu Tác giả: Tản Đà Từ vào thu đến nay Gió thu hiu hắt Sương thu lạnh Giăng thu bạch Khói thu xây thành Lá thu rơi rụng đầu ghềnh Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly Nhạn về én lại bay đi Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm Lá sen tàn tạ trong đầm Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa Sắc đâu nhuộm ố quan hà Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương Nào người cố lý tha hương Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai? Nào những ai Bảy thước thân nam tử Bốn bể chí tang bồng Đường mây chưa bổng cánh hồng Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my Nào những ai Sinh trưởng nơi khuê các Khuya sớm phận nữ nhi Song the ngày tháng thoi đi Vương tơ ngắm rện nhỡ thì thương hoa Nào những ai Tha phương khách thổ Hải giác thiên nha Ruột tầm héo, tóc sương pha Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn Nào những ai Cù lao báo đức Sinh dưỡng đền ơn Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn! Nào những ai Tóc xanh mây cuốn Má đỏ huê ghen Làng chơi duyên đã hết duyên Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi Nào những ai Dọc ngang giời rộng Vùng vẫy bể khơi Đội giời đạp đất ở đời Sa cơ thất thế quê người chiếc thân Nào những ai Kê vàng tỉnh mộng Tóc bạc thương thân Vèo trông lá rụng đầy sân Công danh phù thế có ngần ấy thôi Thôi nghĩ cho Thu tự giời Cảm tự người Người đời ai cảm ta không biết Ta cảm thay ai, viết mấy lời Thôi thời Cùng thu tạm biệt Thu hãy tạm lui Chi để khách đa tình đa cảm Một mình thay cảm những ai ai! Nguồn: 1. Thơ Tản Đà, Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội, 1925 2. Tản Đà, Khối tình con thứ ba, Tản Đà thư cục tùng thư, 1932 Nói đến thơ ca Việt Nam đầu thế kỉ XX, không thể không nhắc tới Tản Đà. Tản Đà - người nổi danh về thi phú văn chương từ khi còn nhỏ tuổi, sớm đã có ý thức chỉ dựa vào cây bút mà nên nghiệp cả đời. "Cảm thu, Tiễn thu" ra đời vào những năm 1920, là lúc người anh hoa phát tiết, đang thời đắc ý, bút lực dồi dào nhất. "Cảm thu - Tiễn thu" là một trong những bài thơ hay nhất của người thi sĩ núi Tản sông Đà. Mình khá ấn tượng với bài thơ này, cũng không biết lý do nào dẫn đến niềm ấn tượng như thế. Có thể là do nó gợi ngay cho mình nghĩ đến "Thu hứng" của Đỗ Phủ. Nhất là ở khổ thơ đầu tiên. Cũng sương cuối thu, cũng trăng cuối thu, cũng gió cuối thu.. Cái tình cũng là vì cuối thu.