Cảm nhận về Vũ Nương trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cam Thuong, 4 Tháng mười một 2021.

  1. Cam Thuong My name is Cẩm Thương :)

    Bài viết:
    92
    Nguyễn Dữ là một tác giả tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. "Truyền kỳ mạn lục" của ông là một tác phẩm đỉnh cao của thể loại truyện truyền kì. Tác phẩm gồm 20 thiên truyện, trong đó Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 một truyện ngắn xuất sắc viết về số phận người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Người cầm bút thật khéo léo khi đã tô tạc rõ nét hình ảnh Vũ Nương xinh đẹp, nết na, tháo vát, hiếu thảo.. nhưng phải gánh chịu số phận bi thảm.

    Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỷ XVl, đây là thời kỳ triều đình nhà Lê bắt đầu khủng hoảng các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh Nguyễn tranh giành quyền lực, gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Cuộc sống của nhân dân vô cùng lầm than, cực khổ. Quyền sống của con người, nhất là người phụ nữ bị chà đạp, bị coi rẻ, khinh bỉ. Một trong số đó là "Chuyện người con gái Nam Xương". Tác phẩm đã thể hiện được lòng hiếu thảo cũng như những phẩm chất tốt đẹp vốn có của Vũ Nương và số phận của nàng. Chuyện kể về người con gái tên là Vũ Thị Thiết, ngay từ đầu nàng đã được giới thiệu là "tính đã thùy mị nết na" lại thêm tư dung tốt đẹp, chàng Trương Sinh mến vì dung hạnh nên mới xin mẹ trăm lạng vàng sang dạm hỏi cưới về. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường nàng luôn giữ gìn khuôn phép nên dù chồng có đa nghi đối với vợ phòng ngừa quá sức nhưng gia đình vẫn chưa từng xảy ra bất hòa. Khi tiễn Trương Sinh đi lính Vũ nương rót chén rượu đầy dặn dò chồng những lời tình nghĩa đầm thắm. Nàng "chẳng dám mong" vinh hiển mà chỉ mong chồng về mang theo hai chữ bình an thế là đủ rồi. Vũ nương cũng thông cảm cho những nỗi gian lao vất vả chồng sẽ phải chịu đựng. Và xúc động hơn hết là những lời tâm tình về nỗi nhớ nhung trong chờ khắc khoải của mình khi xa chồng những lời văn từng nhịp từng

    Nhịp biền ngẫu như nhịp trái tim nàng trái tim của người vợ trẻ khát khao yêu đương đang thổn thức lo âu cho chồng, những lời đó thấm vào lòng người khiến ai ai cũng xúc động ứa hai hàng lệ. Rồi đến khi xa chồng nàng càng chứng tỏ và bộc lộ nhiều phẩm chất đáng quý, trước hết nàng là người vợ hết sức chung thủy với chồng, nỗi buồn nhớ chồng vò võ qua từng năm tháng. Mỗi khi thấy "bướm lượn đây vườn" cảnh vui mùa xuân hay "mây che kín núi" là hình ảnh thiên nhiên hữu tình gợi sự trôi chảy chuyển động không phanh của thời gian đã khiến cho "nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Cảnh buồn chân trời góc bể nhớ người đi xa đồng thời nàng là người mẹ hiền hết lòng nuôi

    Dạy chăm sóc bù đắp cho đứa con trai bé nhỏ sự thiếu vắng tình cha. Bằng chứng chính là chiếc bóng ở phần sau câu chuyện mà cứ mỗi tối nàng trỏ vào bóng mình bảo là cha Đản. Không những thế Vũ nương còn bộc lộ đức tính hiếu thảo của người con dâu tận tình chăm sóc mẹ chồng già yếu, ốm đau nàng lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ qua khỏi, thành tâm cúng bái thần phật bởi yếu tố tâm linh đối với người xưa là rất quan trọng. Nàng lúc nào cũng dịu dàng lấy lời ngọt ngào "khôn khéo khuyên lơn". Nhưng vì đau buồn nhớ Trương Sinh quá bà mất, nàng hết lòng thương xót, lo ma chay chu đáo như là mẹ đẻ của mình. Lời trăn trối cuối cùng của bà mẹ chồng đã đánh giá công lao của Vũ nương đối với gia đình "xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Thông thường mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là mối quan hệ căng thẳng phức tạp nhưng trước người con dâu hết mực hiền thảo như Vũ nương thì bà mẹ Trường Sinh cũng không thể không yêu mến. Có thể nói cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi nhưng nàng đã làm tròn bổn phận của người phụ nữ một người vợ thủy chung một người mẹ thương con và một người con dâu hiếu thảo ở bất kỳ một cương vị nào nàng cũng rất hoàn hảo. Thời gian thấm thoát thoi đưa sau ba năm đi lính, Trương Sinh trở về hay mẹ mất Trương Sinh đau lòng khôn xiết, bế đứa con thơ ra mộ mẹ thắp nén hương. Đứa trẻ quấy khóc, Trương Sinh dỗ dành: "Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi". Đứa trẻ ngạc nhiên ngây thơ bảo: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Cha tối nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả". Chỉ vì câu nói vu vơ đó của đứa trẻ, Trương Sinh đã nghi ngờ sự trong sạch của vợ mình bỏ ngoài tai những lời khuyên can của hàng xóm. Vũ Nương nghe thấy, nàng hết lời biện bạch, nhưng chàng không cho vợ giải thích, đinh ninh là vợ hư, chỉ nhất quyết "đánh đuổi nàng đi". Quá đau xót trước sóng gió bất ngờ ập tới cướp đi bao hạnh phúc của mình, Vũ Nương đã chọn cái chết để minh chứng cho tấm lòng trong sáng, thủy chung của

    Mình bên bờ sông bến Hoàng Giang để rửa sạch nỗi oan khuất. Vũ Nương tắm gội chay sạch, mong dòng nước làm dịu đi cơn tức giận trong lòng, khiến này suy nghĩ tĩnh táo hơn để không hành động bồng bột. Nhưng nàng vẫn không thay đổi quyết định ban đầu, bởi chẳng còn con đường nào khác cho nàng lựa chọn cả. Lời than đó thống thiết như lời biện bạch duy nhất cho lương tâm của nàng, khẳng định cho lý trí cao hơn tình cảm. Trời không phụ lòng người, sự trong sạch của nàng vì thấu tận trời xanh nên nàng đã được Linh Phi cứu mạng. Dù dưới thủy cung được mọi người đối xử tốt đến đâu, Vũ Nương chưa từng nguôi ngoai nỗi nhớ con, nhớ chồng, nhớ quê hương làng nước

    Với mái nhà đầm ấm, trong nàng lúc nào cũng dấy lên một nỗi xót xa không kể xiết, hơn cả là nỗi hàm oan chưa được thấu tỏ. Thế rồi khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương đã hiện về trong một không khí huyền ảo và lộng lẫy, nàng quay lại gặp mặt người nàng vẫn thương yêu không hề oán trách. Mối tình nặng với nhân gian chưa nguôi, nhưng Vũ Nương vẫn nói với Trương Sinh "Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa". Câu nói chia biệt làm cho người đọc thấy xót xa, Vũ Nương đã được giải oan nhưng cuộc sống khi xưa không có cách nào trọn vẹn nữa. Chồng mất vợ, con mất mẹ bơ vơ côi cút. Qua đó ta thấy được hình ảnh Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục đảm đang, tháo vát, thờ kính mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình, là khuôn vàng thước ngọc của mọi người phụ nữ. Người như nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, nhưng phải chết oan uổng, đau đớn. Do đâu mà Vũ Nương lại phải chết oan khuất như vậy? Nguyên nhân trực tiếp làm nên cái chết bi kịch của nàng chính là lời nói ngây thơ của bé Đản và tính đa nghi cư xử hồ đồ, nông nổi của Trương Sinh, lời nói ngây thơ của đứa trẻ đã thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông trong lòng chàng. Nguyên nhân sâu xa khác là do chế độ phong kiến

    Độc đoán, bất bình đẳng giữa nam nữ, cuộc hôn nhân không có tình yêu. Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây nên cảnh sinh ly làm chia cắt tình cảm vợ chồng, nếu không có chiến tranh, Trương Sinh không phải đi lính thì Vũ Nương đã không chịu nỗi oan tày trời dẫn đến cái chết thương tâm như vậy.

    Có thể nói xây dựng nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã khắc họa hình tượng người phụ nữ vừa nặng tình cũng vừa nặng nghĩa, một người phụ nữ nết na hiền thục.. đáng được trân trọng. Bằng ngòi bút tài hoa của mình tác giả đã cho thấy sự điêu luyện tài năng, cũng như nghệ thuật độc đáo gợi lên những giá trị hiện thực và nhân đạo rất đáng quý, xây dựng nhân vật đậm nét, chân thật nội tâm nhân vật cách tạo dựng tình huống truyện đầy kịch tính, cách thắt nút mở nút "chi tiết cái bóng" đầy bất ngờ, bàng hoàng cho người đọc và tăng tính bi kịch cho câu chuyện, các yếu tố hoang đường làm câu chuyện thêm li kì hấp dẫn và nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    Chuyện người con gái Nam Xương nhằm tố cáo tội ác của chế độ phong kiến, người đàn ông luôn cậy quyền lực mà đàn áp người phụ nữ khiến cho nhiều người phụ nữ phải chịu thiệt thòi, oan khuất. Nhân vật Vũ Nương là người con gái hiền dịu nết na, là khuôn vàng thước ngọc của mọi người phụ nữ. Cô là người đức hạnh, hiền thục rất tiếc rằng cuộc đời lại không cho cô gặp được một người chồng tốt, không cho cô được quyết định hạnh phúc của đời mình.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...