Bến Quê - hai chữ ngắn gọn, giản dị mà thân thương, đầy ý nghĩa. Đó chính là tác phẩm truyện ngắn - bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời. Bến Quê được Nguyễn Minh Châu viết từ hơn bốn năm trước lúc ra đi, tác phẩm in trong tập cùng tên, xuất bản năm 1985. Trong một dung lượng rất kiệm, chỉ vài trang sách, Bến Quê đã gửi gắm tới bạn đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời con người chỉ có thể thấy được khi một người đã đi gần trọn đời mình, nhìn lại và vượt qua mọi cám dỗ, danh vọng, ảo tưởng để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Nguyễn Minh Châu và bộ đội năm 1950, bắt đầu viết văn từ năm 1954. Ông là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bến Quê của Nguyễn Minh Châu được sáng tác trước 2 năm khi ông biết mình bị bệnh. Cũng như nhiều truyện ngắn thành công khác của mình, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo một tình huống đặc biệt trong Bến Quê để đặt nhân vật vào đó, theo dõi thế giới nội tâm bên trong của họ, làm nổi bật vấn đề tư tưởng của truyện: Phải biết trân trọng những vẻ đẹp bình dị, thân thuộc gần gũi trong cuộc sống. Tình thế truyện trong Bến Quê là một tình huống nghịch lí. Nhân vật chính của truyện: Nhĩ đã từng đi khắp mọi nơi trên trái đất, về cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo, không thể đi lại đượ, c muốn ngồi dậy thì phải có người đỡ. Có lúc, anh "thu hết tàn lực" mới lết dần lết dần ra khỏi phiến nệm nằm mà anh cảm thấy như mình "vừa bay đi một nửa vòng Trái Đất". Bệnh tật tàn phá cơ thể anh: "Phiến lưng đã có nhiều mảng da thịt vừa chai cứng vừa lở loét.." Và cũng chính vào một buổi sáng trong những ngày cuối đời mình, từ cửa sổ căn gác, Nhĩ nhận ra được từ vùng đất bãi bồi bên kia sông - nơi bến quê quen thuộc, một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ. Không gian ngoài kia với những vật quen thuộc nhưng hiện ra đầy màu sắc và đẹp đẽ trong mắt Nhĩ khi lần đầu anh được trông thấy. Những bông hoa bằng lăng thưa thớt cuối mùa như tím thêm, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một thứ màu thân thuộc quá, như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Cảnh đẹp ở bãi bồi bên kia sông gần gũi, quen thuộc và đẹp đẽ như thế nhưng anh lại chưa từng đặt chân đến dù suốt đời, Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái đất. Cái bờ bên kia sông Hồng đối với Nhĩ là một chân trời gầ gũi mà xa lắc. Nhìn qua cửa sổ ngôi nhà mình, Nhĩ xúc động trước cảnh đẹp bình dị của quê nhà. Tại sao trước đây anh ít nhìn thấy, cảm thấy? Phải chăng vì cuộc sống quá bận rộn, tất tả hay tại anh vô tâm, vô tình? Qua tâm trạng này của nhân vật Nhĩ, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một thông điệp sâu sắc đến bạn đọc: Phải biết gắn bó, trân trọng cảnh vật quê hương, xứ sở, phải phát hiện ra vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của quê nhà để nâng niu, yêu quý. Rồi cũng chính trong những ngày này, khi nằm liệt giường, nhận được sự chăm sóc đến từ miếng ăn, ngụm nước của người vợ, Nhĩ mới cảm nhận hết nỗi vất vả của vợ, sự tần tảo, tình yêu thương và đức hi sinh thầm lặng của vợ. Sau bao năm tháng bôn ba khắp thế gian, sau những ngày mà cuộc đời dành cho những chuyến đi khắp chân trời, đến lúc này, ở những ngày tháng cuối đời mình, Nhĩ mới cảm thấy và hiểu được nơi bến đỗ yên bình, điểm tựa cho cuộc đời anh chính là gia đình, là người vợ tần tảo thầm lặng này. Những ân hận về sự vô tình của mình luôn dày vò Nhĩ: "Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm.. mà em vẫn nín thinh", chưa bao giờ Nhĩ nghe rõ những tiếng bình dị, thân thương đến thế: Tiếng vợ đi lại dọn dẹp và dặn dò con, Liên hãm nước thuốc và tiếng rót nước lẫn mùi thuốc bắc bay vào nhà, tiếng bước chân rón rén quen thuộc của Liên trên những bậu gỗ mòn lõm. Đó là tiếng lòng, tiếng thân thương không phải lúc nào Nhĩ cũng nghe được, nhưng bây giờ Nhĩ cảm nhận được. Trong cái buổi sáng có lẽ là cuối cùng của đời mình, Nhĩ vô cùng khao khát được một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Nhưng điều ấy đã trở nên rất xa lạ với anh. Ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của cuộc sống, những giá trị bình thường bị người ta bỏ quên bởi những ham muốn xa vời nhất là khi còn trẻ. Đến khi nhận ra được những giá trị đích thực của cuộc sống thì người ta lại không còn cơ hội để đạt được. Bởi thế, trong sự thức tỉnh của Nhĩ có cả sự ân hận, nuối tiếc không nguôi. Nhĩ nhờ đứa con trai thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên bãi phù sa màu mỡ, nhưng đứa con trai không hiểu được ước muốn của cha nên miễn cưỡng đi và bị cuốn vào những trò chơi hấp dẫn trên đường đi, để lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày. Phải chăng đó cũng là quy luật phổ biến của đời người: "Con người ta đi trên đường đời khó tránh khỏi những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình". Nhĩ không trách con vì nó đã thấy có gì hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Phải chăng, chỉ có những người từng đi khắp mọi nơi mới nhận ra được vẻ đẹp tiêu sơ, giản dị của bãi bồi bên kia sông? Ở đoàn kết, khi thấy con thuyền nằm ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã làm một cử chỉ có vẻ kỳ quặc nhưng với anh lại vô cùng hệ trọng và khẩn cấp: Anh đưa cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ, khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Hành động này thể hiện tâm trạng của Nhĩ: Nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Đó cũng chính là ý thức muốn thức tỉnh mọi người về cái vòng vèo, chùng chình mà chính chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt khỏi nó, để có hướng tới những giá trị đích thực, bền vững. Không chỉ thành công ở phương diện nội dung, Bến Quê của Nguyễn Minh Châu còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi những nét đặc sắc về nghệ thuật: Ngòi bút miêu tả thiên nhiên tinh tế, chọn lọc, sử dụng nhiều hình ảnh thiên nhiên giản dị, mộc mạc mà gần gũi, chứa đựng ý nghĩa sâu xa, xây dựng tâm lí nhân vật tinh tế, sáng tạo trong việc xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, đặc sắc, trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật. Tác giả đã đặt nhân vật vào những hoàn cảnh nghịch lí từ đó thể hiện sâu xa những triết lý, chiêm nghiệm về cuộc đời. Nguyễn Minh Châu còn xây dựng một hệ thống hình ảnh giàu giá trị tạo hình, đầy sức gợi cảm, sử dụng nhiều chi tiết, hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt là hình ảnh bãi bồi ven sông: Thể hiện những vẻ đẹp gần gũi, bình dị của một dòng sông một bãi bồi mà mở rộng ra đó là vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Bến Quê của Nguyễn Minh Châu là một truyện ngắn hay và thành công. Cốt truyện của Bến Quê bình dị, bằng phẳng nhưng lại mang hàm nghĩa triết lý sâu sắc. Qua nhân vật Nhĩ - một bệnh nhân sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Minh Châu nói lên những suy ngẫm về con người, về cuộc đời và cách sống, thức tỉnh ở con người: Hãy biết lắng nghe, nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, đời thường của cuộc sống, quê hương.