Review Truyện Cảm Nhận Về Tiểu Thuyết The Book Thief - Markus Zusak

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 29 Tháng năm 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    KẺ TRỘM SÁCH

    Tác giả: Markus Zusak

    Người dịch: Cao Xuân Việt Khương


    "Thanh thoát, đầy triết lý và vô cùng xúc động. Một tác phẩm để bạn đọc thật chậm và nhấm nháp từng trang một. Đẹp đẽ và quan trọng."

    - Kirkus Reviews​

    "Một quyển sách ngợi ca cuộc sống được viết một cách dí dỏm, và hết sức có giá trị."

    - Weekend Australian​

    Đây là một bức thư mình ngựa ngựa viết gửi em trai mình. Nhưng thực ra bản chất của nó vẫn là review truyện nha :) Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến cuốn sách và đón đọc bài này của mình nhé.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hà Nội, ngày 19/05/2024

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chỉ một ngày nữa thôi là đến sinh nhật tròn 9 tuổi của em. Năm nay sẽ khác hơn một chút, vì chị quyết định sẽ không mang đến cho em những bộ lắp ráp, lego hay siêu nhân nữa, mà thay vào đó là một câu chuyện mà chị hy vọng, em sẽ đón nhận nó trong suốt cả hành trình sau này.​

    Chị biết em vốn hiếu động và không thích việc ngồi im đọc sách. Nhưng hôm nay, hai chị em mình thử kiên nhẫn với nhau hơn chút nhé. Chúng ta sẽ cùng đến thăm phố Thiên Đàng, miền Tây nước Đức trong cuốn tiểu thuyết Kẻ trộm sách của bác nhà văn Markus Zusak ha.

    Chị vẫn luôn khoe em những ấn phẩm chất lượng của nhà xuất bản Văn học. Hôm nay lại có một cuốn như thế. Lần đầu cầm cuốn truyện, chị đã bị cuốn hút ngay, bởi thế giới trong đó sống động và chân thực đến lạ, dù nó được tái hiện dưới lăng kính của một vị Thần Chết, em ạ. Sự tàn nhẫn, cuộc chia ly, cái chết xuất hiện ở mọi nơi; nhưng cái đẹp, sự sẻ chia vẫn sinh sôi, nảy nở, tỏa rạng khắp chốn. Giữa khung cảnh bàng hoàng và khắc nghiệt của chiến tranh, tình yêu cùng ngôn ngữ đã xoa dịu và cứu vớt con người. Từng người một. Từ Liesel, cô bé bằng tuổi em đấy.

    [​IMG]

    Liesel kém may mắn hơn em. Bạn ấy chào đời trong vòng tay của một người mẹ nghèo khó. Cô bé chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha. Tuổi thơ chẳng kéo dài được bao lâu, mẹ ruột đã bị đưa đến trại tập trung, nên Liesel được gửi cho một gia đình khác nhận nuôi. Trên hành trình gian nan đó, bên cạnh cậu em trai Werner yếu ớt, cô bé chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng của cuộc sống lê lết trôi đi. Chưa nguôi ngoai nỗi đau xa mẹ, Liesel đã phải tận mắt chứng kiến em mình không qua khỏi cái lạnh giá của tuyết tháng giêng, và ra đi không một sự báo trước. Đứa bé đó chỉ được chôn cất đơn giản dưới lớp tuyết lạnh lẽo. Điều đó đã ám ảnh cô bé ấy suốt bốn năm đằng đẵng, kết thành ác mộng kinh hoàng dựng Liesel dậy vào hai giờ đêm đều đặn mỗi ngày. Thật may là cô bé luôn có bố mẹ nuôi đồng hành bên cạnh, ấp ôm em trong khoảng thời gian cô bé bơ vơ, trơ trọi nhất. Theo những phương cách lạ lùng, họ chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương Liesel như con ruột. Và cô bé cũng yêu kính họ sâu nặng. Tình yêu của họ bất diệt giữa mưa bom bão đạn, nhưng như một lẽ tất yếu của chiến tranh phi nghĩa, số mệnh đã lại kéo họ xa nhau cả ngàn dặm.

    [​IMG]

    Kết cục bi đát và sẽ nặng nề đối với em. Nhưng gấp lại 569 trang sách, có những chi tiết đã xoáy sâu vào tâm hồn chị. Có thể em chưa đọc được nó, nhưng chị sẽ kể lại cho em nghe bằng cảm nhận của chính bản thân chị.

    1. Khát vọng làm chủ tri thức

    [​IMG]

    Em có biết, tên tiểu thuyết Kẻ trộm sách là chỉ ai không? Chính là cô bạn Liesel đó. Trước khi đọc câu chuyện của Liesel, chị thấy cuộc sống này mới dễ dàng làm sao. Sách báo, mạng internet, thư viện.. luôn sẵn sàng cung cấp cho chúng ta mọi tri thức mà ta cần. Hai chị em chúng mình đều được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhất, đến mức ta đều thấy, việc học là nghĩa vụ, là công việc có phần mệt mỏi và quá sức, nhiều áp lực đè nén, nhiều kỳ vọng được trao. Nhưng em ạ, Liesel đã cho chị thấy, học tập chính là món quà, là đặc ân, cơ hội lớn nhất chỉ xếp sau việc chúng ta có một mái ấm gia đình. Liesel mưu cầu và khát khao việc học một cách cháy bỏng.

    Buổi học đọc đầu tiên của cô bé bắt đầu từ một tình huống éo le. Ngay trong lần đầu tiên ngủ ở nhà mới, bạn ấy gặp ác mộng và tè dầm ra giường lúc nửa đêm. Nhưng bố nuôi đã giúp cô bé dọn dẹp sạch sẽ, trải một chiếc ga giường mới tinh lên. Bắt gặp một cuốn sách rơi ra từ tấm vải trải giường, người bố - ông Hans Hubermann - nhặt nó lên, dịu dàng hỏi: "Của con đây à? Con có muốn đọc nó không?" Thấy ánh mắt hân hoan, phấn khích và quyết tâm của con gái, ông quyết định "Việc gì quan trọng nhất làm trước. Hãy bắt đầu lớp học lúc nửa đêm này thôi nào."

    Dần dần, giữa trường học và nhà, từ bờ sông đến tầng hầm tối tăm ẩm ướt, từ những ngày đẹp trời đến những ngày u ám, Liesel đã học đọc và viết. "Nhà Hubermann không có món đồ xa xỉ nào, nhưng lại rất thừa sơn, và nó trở nên vô cùng hữu ích cho việc học tập của con bé. Bố sẽ phát âm một từ ra và con bé sẽ phải đánh vần từ đó thành tiếng, rồi sau đó viết bằng sơn lên tường, cho đến khi nó làm đúng thì thôi." Những từ ngữ được viết nguệch ngoạc để cô bé tập đọc cứ đứng sừng sững trên tường, ngay chỗ cầu thang, lởm chởm, ngây ngô và ngọt ngào. "Sau một tháng, bức tường này được sơn lại. Một trang giấy bằng bê-tông mới tinh."

    [​IMG]

    Trên đất nước mình, vẫn có những bạn nhỏ đi nhặt chữ nghĩa gian lao như vậy đấy, em ạ. Các bạn nơi bản xa, bão lũ, non cao, biên cương, hải đảo đều hàng ngày đối diện với bao khó khăn: Đường sá xa xôi, trường học tạm bợ, thiếu thốn đủ bề. Nhiều nơi, học sinh phải đến trường bằng đò, trèo đèo, lội suối, vượt rừng, đi bộ hàng chục cây số qua những con đường đất mưa lầy, nắng bụi, ngoằn ngoèo, chông chênh.. Nhưng các bạn ấy vẫn kiên trì và nỗ lực một cách thầm lặng. Đó cũng là trách nhiệm với gia đình, xã hội và tương lai của bản thân.

    Tinh thần yêu sách và ham học hỏi của Liesel còn thể hiện qua những lần bạn ấy "trộm" sách. Chính hành động tưởng chừng như sai trái đó lại bộc lộ rõ nhất ước mơ làm chủ ngôn từ, làm chủ kiến thức của Liesel. Lần thứ nhất "trộm sách" là khi cô bé tình cờ nhặt được quyển "sách hướng dẫn" của một phu đào huyệt nơi nghĩa trang xa lạ mà em trai mình yên nghỉ và quyết định giữ lại cuốn đó bên mình.

    [​IMG]

    Còn lần thứ hai là khi Liesel "cứu" một cuốn sách từ trong đám lửa. Nó nằm trong đống những vật dụng mà chính quyền Đức gom lại, thiêu hủy bằng những ngọn lửa khổng lồ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật ngài Quốc trưởng Adolf Hitler. "Có vẻ như quyển sách đã đủ nguội để luồn vào bên dưới bộ đồng phục của con bé. Ban đầu, nó rất đáng yêu và ấm áp ở chỗ ngực con bé. Dù vậy, khi nó bước đi, quyển sách lại bắt đầu nóng lên.. Khói đang bốc ra khỏi cổ áo Liesel.. Bên dưới lớp áo, một quyển sách đang ăn nó."

    Chị nhìn thấy hình ảnh bé nhỏ, non dại của mình trong em, và trong cô bé Liesel. Thi thoảng sự tò mò, niềm say mê lại thôi thúc ta làm những điều không tưởng. Nhưng rõ là cô bạn Liesel đó đang dần trưởng thành qua những cuốn sách.

    Một vài lần "trộm sách" sau đó đã xảy ra ở thư phòng của phu nhân Ilsa Hermann - vợ ngài thị trưởng. Cảm xúc choáng ngợp của cô bé trong lần đầu bước vào căn phòng kỳ diệu đó đã khiến chị thấy thân thuộc và cảm động. Ngạc nhiên thay, chị lại thấy thấp thoáng hình dáng em đứng trước quầy bánh kẹo với đôi mắt lấp lánh ngơ ngác, cái miệng chúm chím khẽ mở ra và cái cổ nhỏ hơi ngẩng lên của em trong những trang sách miêu tả về Liesel:

    "Khắp nơi là sách! Đó là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà Liesel Meminger từng thấy.. Nó lướt mu bàn tay của mình dọc theo hàng kệ đầu tiên, lắng nghe tiếng móng tay quẹt lạo xạo trên gáy của từng quyển sách. Âm thanh ấy nghe như một thứ nhạc cụ, hay như một thứ công cụ để ghi chép lại những bước chân đang chạy. Nó dùng cả hai tay. Nó đua chúng. Kệ này nối tiếp kệ khác. Và nó cười. Giọng cười của con bé lan rộng ra, vút cao trong cổ họng nó, và cuối cùng, khi nó dừng lại và đứng ngay giữa căn phòng, con bé đã dành ra nhiều phút đồng hồ để nhìn từ những chiếc kệ cho đến những ngón tay của nó rồi lại nhìn trở lại những hàng kệ, cứ thế.

    Nó đã chạm vào bao nhiêu quyển sách?

    Nó đã cảm thấy bao nhiêu quyển sách?

    Con bé lại đi một vòng và lặp lại hành động ấy một lần nữa, lần này chậm hơn rất nhiều, tay nó để xuôi, cho lòng bàn tay nó cảm nhận được từng quyển sách một. Nó có cảm giác như một phép màu, như cái đẹp, như những tia sáng chiếu xuống từ một ngọn đèn treo. Có vài lần con bé đã gần như rút một quyển sách ra mà không dám. Chúng quá hoàn hảo."


    [​IMG]

    Liesel tôn thờ những quyển sách. Nếu từ sớm, địa điểm yêu thích của em là phòng thư viện thay vì hàng bánh kẹo, thứ được dùng để dỗ dành em là những cuốn sách thay vì món đồ chơi, thì hẳn giờ em đã có người bạn thân là một kho tàng sách rồi. Sách luôn đa dạng và tràn ngập những "màu sắc", "hương vị" khác nhau, nên làm quen với sách từ sớm, em sẽ có cho mình sự trân trọng, ngưỡng mộ một cách tự nhiên nhất với những cuốn sách, y như những lần Liesel được khám phá một cuốn sách mới và gọi đó là một phép màu, là một cái đẹp hoàn hảo vậy.

    Liesel không được miêu tả qua bảng vàng thành tích hiển hách hay kho tàng kiến thức sâu rộng, nhưng nhân vật nhỏ bé, mộc mạc ấy vẫn có thể truyền cho chị một cảm hứng học tập mạnh mẽ, khẽ nhắn nhủ chị phải nắm bắt cơ hội được học, được ưu tiên ở trong môi trường tri thức đủ đầy này để chủ động khám phá, trải nghiệm, học hỏi và lĩnh hội nhiều hơn. Giáo dục là đặc ân của chúng ta.

    Chị mong sao, tình yêu sách của chị sẽ được truyền sang em, như cách cô bé Liesel đã tưới tắm nó cho tâm hồn của chị vậy.

    2. "Từ ngữ là cuộc sống"

    [​IMG]

    Có một điều mà chị thấy rất ấn tượng, đó là từ ngữ trong cuốn sách này được gom lại với nhau theo từng tốp từng tốp, nhảy múa những điệu nhạc khác nhau, âm vang, cuốn hút và đáng yêu lắm em ạ. Có lúc đọc một đoạn nhỏ được khắc họa dưới lăng kính của tác giả, chị lại thấy những sự vật xung quanh mình sống động và tràn đầy sức sống. "Những đám mây loạng choạng và túm tụm lại trên bầu trời. Những đám mây béo ị. Xám xịt và phúng phính. Chúng va vào nhau. Xin lỗi nhau. Rồi lại tiếp tục trôi đi và tìm chỗ trống." Thiên nhiên vẫn luôn hồn nhiên và tươi tắn, em nhỉ?

    Nhưng có một điều khác nữa chị muốn nhấn mạnh ở đây hơn, chính là những từ ngữ mà tác giả cho nhân vật sử dụng để đối thoại với nhau. Trong khi khám phá ra tình yêu và sự hào hứng với sách đang âm ỉ trong lòng mình, chị còn thấy được một vẻ đẹp khác mà Markus Zusak đang nhẹ nhàng truyền tải, đó là giá trị của ngôn ngữ, hay em có thể hiểu đơn giản hơn là cách chúng ta nói ra những điều trú ngụ trong lòng mình, trong tư tưởng của mình, truyền đạt lại cho người khác nghe.

    Em có bao giờ tự hỏi, rằng tại sao con người lại cần tới ngôn từ không? Tại sao cùng là những lời nói phát ra từ miệng, mà nó có thể khiến em buồn tủi, ấm ức, khóc lóc, thất vọng, hay sung sướng, hào hứng, hy vọng, sảng khoái, thích thú không? Tại sao ngôn từ có thể cuốn em vào một trận cãi vã, khiến em mất đi một người bạn, cũng lại có thể giúp em giảng hòa và kết thêm một người bạn mới? Kẻ trộm sách đã giúp chị hiểu ra, ngôn từ là dòng sông chuyên chở tình yêu, cái nhìn, quan điểm, xúc cảm, khao khát và cả tham vọng mãnh liệt.

    Dòng sông ấy dội thẳng vào trái tim bố Hans những đợt sóng lạnh buốt, thô bạo, tàn nhẫn trong giây phút Hans Con ném vào mặt bố mình hai tiếng "Đồ hèn" vì ông đã giúp đỡ những người Do Thái sơn lại những ô cửa bị vẽ bậy. Dòng sông từ ngữ cũng câm nín, dồn ứ, tắc nghẹn khi người ta chỉ có thể đứng từ một quãng xa, thương tiếc nhìn bà Holtzapfel ôm chặt cái xác không hồn của con trai và gọi tên con thảm thiết. Dòng sông cũng rì rào, nhè nhẹ trôi, nhưng từng phút từng giây như bào mòn đi cõi lòng của người mẹ mất con - người đàn bà lặng lẽ nơi căn nhà sang trọng nhất thành phố: "Nó đã chết vì lạnh cóng.. Nó đã chết vì lạnh cóng" . Từng khoảnh khắc ấy, chị đều nghe thấy tim mình vỡ nát.

    [​IMG]

    Sẽ thế nào nếu con người dùng từ ngữ để tổn thương nhau? Khi sử dụng vào mục đích xấu xa, từ ngữ đem lại sức hủy diệt rất khủng khiếp em ạ. Ngôn ngữ giao tiếp là cây cầu thông điệp kết nối con người, nhưng nó cũng dễ dàng nhấn chìm họ trong cái tôi ích kỷ, đầy những ghen ghét, khinh miệt, để rồi khiến con người tự tàn phá lẫn nhau. Họ mù quáng, tàn ác, mất hết tình người. "Đồ hôi hám, đồ rác rưởi" – một câu nói dễ dàng đâm toạc lòng tự trọng - vẫn luôn được những người lính Quốc xã dùng để hét lên với những người Do Thái rách rưới tội nghiệp, được kẻ bắt nạt to xác dùng làm biệt danh khinh miệt cho cậu bé nạn nhân còi cọc chạy nhanh hơn cậu ta, được người lính trẻ cao ngạo dùng để bày tỏ sự ghen tị, giễu cợt với người đồng đội già nhân hậu.

    "Ta sẽ không bao giờ động đến một khẩu súng" . Cũng với thứ ngôn ngữ quỷ dị ấy, Adolf Hitler đã gieo niềm tin giả dối vào người dân, làm sục sôi nơi họ không gì ngoài niềm kiêu hãnh mù quáng, thôi miên họ phục tùng tham vọng thống trị thế giới của hắn. Hắn khiến họ chiến đấu thay mình, bắn giết, đổ máu và chết thay mình. Đến Thần Chết còn lên tiếng: "Trong suốt những năm qua, tôi đã nhìn thấy rất nhiều người trẻ tuổi, những người cho rằng họ đang chạy về phía những người trẻ tuổi khác. Không phải như vậy. Họ đang chạy về phía tôi." Một đám trẻ người Đức phấn khích chạy quanh phố, hò reo, tự hào vì chiến tranh, vì "Ta đang khiêu chiến, ta đang chiến thắng.", vì cha anh nhập ngũ, mà không biết người nhà mình thực chất đang đi nộp mạng cho Tử Thần. Thế giới chết dần với những con người đang tự thiêu thân trong lúc miệng vẫn hô vang: "Heil Hitler!" - "Hitler vạn tuế!". Họ chết ngay cả khi đang sống. Được bắn ra bởi một cung thủ tham vọng, mũi tên ngôn từ ghim mạng sống con người vào hồng tâm.

    Nhưng em biết đó, từ ngữ vẫn trường tồn đến tận bây giờ. Bởi sức mạnh của ngôn từ còn là nâng đỡ và gìn giữ, là nuôi xanh yêu thương, khát vọng, là thấu hiểu, bảo bọc và sẻ chia. Sức mạnh ấy đủ để cứu vớt cuộc đời, và đủ để chị tha thiết tin yêu. Em ạ, khi được dùng đúng cách, dòng sông từ ngữ có thể bồi đắp phù sa cho mảnh đất tâm hồn em thêm giàu có, ngọt lành, xoa dịu những thương tật bỏng rát trong em, kết nối em với một người xa lạ có chung khát vọng.

    Những từ ngữ tươi đẹp đã giúp Max - người Do Thái quanh năm suốt tháng buộc phải giấu mình dưới tầng hầm - "ngắm nhìn" cảnh sắc bầu trời.

    [​IMG]

    "Em đã kể cho anh nghe tất cả về bàn thắng mà em ghi được." anh nói, "nhưng anh không biết thời tiết ngày hôm nay như thế nào. Anh không biết là em ghi bàn trong một ngày mặt trời tỏa nắng, hay một ngày mà mây mù che phủ mọi vật." Anh lùa tay vào mớ tóc cụt ngủn, đôi mắt đục ngầu của anh như nài xin cái điều giản dị nhất trong mọi điều giản dị. "Em có thể lên đó và kể anh nghe xem thời tiết hôm nay thế nào không?"

    Dĩ nhiên là sau đó Liesel vội vàng chạy ngược lên những bậc cấp. Nó đứng cách cánh cửa ra vào đầy những vết nhổ đã ố vài mét, rồi bắt đầu ngắm nghía, quan sát bầu trời.

    Khi quay lại căn hầm, nó nói với anh.

    "Bầu trời hôm nay rất trong xanh, Max ạ, và có một đám mây to tướng, nó trải dài trên trời như một sợi dây thừng vậy. Ở cuối sợi thừng đó, mặt trời vàng chóe như một cái hố.."


    Trong hoàn cảnh thiếu vắng đi đôi mắt, từ ngữ là phương tiện lý tưởng nhất để cái đẹp được ghi lại và định hình.

    Mỗi một lần Liesel đọc sách, dù là thì thầm cho chính mình nghe, hay đọc lên cho mọi người, thì những từ ngữ tươi đẹp ấy lại thể hiện sứ mệnh của nó. Nó giúp người góa phụ cô đơn vơi bớt quạnh hiu, làm an lòng những gia đình trong khu phố khi họ cùng đứng trong một hầm trú bom, thấp thỏm chờ đợi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Chính từ những khoảnh khắc đó, chị lại nuôi giữ nơi tim mình lòng tin tưởng, trân quý vào những từ ngữ tươi đẹp.

    Không khó để cất lên những câu nói nhẹ nhàng để động viên, khích lệ, hỏi han, khen ngợi những người xung quanh. Học cách thể hiện tình yêu của mình qua ngôn ngữ, cũng là một cách thức hiệu quả để xây dựng cho mình một văn hóa sống lành mạnh, môi trường sống văn minh em ạ.

    Cuốn sách đã không ngừng thôi thúc chị rằng kể từ ngày hôm nay, hãy gửi đến người thân yêu những từ ngữ đẹp nhất - từ ngữ mang sức mạnh yêu thương, kết nối và chữa lành. Chị đã cảm thấy được mình đang trở nên dịu dàng hơn, ấm áp và tinh tế hơn, chỉ bắt đầu bởi những câu nói tích cực và thân thiện.

    3. Định nghĩa giản dị của những tình cảm cao quý, thiêng liêng..

    Trong truyện chị thấy có một đoạn hội thoại kỳ lạ và xúc động của hai đứa trẻ Đức với anh phi công Đồng minh sắp hi sinh: "Tặng anh này" - chúng nói rồi đặt lên vai anh con gấu bông nhỏ và "Thank you" - anh đáp. Ngôn ngữ, hay chính là tình yêu mà nó đang đại diện - đã vượt qua mọi giới hạn về dân tộc hay cái chết. Những tình cảm thiêng liêng trong Kẻ trộm sách không được khắc họa qua những tình huống gay cấn, nhưng xuất hiện dày đặc qua vô vàn mảnh ghép của đời sống hàng ngày. Em sẽ hiểu hơn về tình cảm gia đình, tình bạn, tình làng xóm, tình tri kỷ.. qua những định nghĩa giản dị.

    [​IMG]

    Tình gia đình là câu nói quan tâm của người mẹ quen giấu yêu thương sau gắt gỏng: "Đồ con lợn, nhớ mặc áo ấm đấy!". Là sự quan tâm, dạy dỗ, săn sóc vô bờ của bố: "Bố không muốn chữ nghĩa của con rơi rụng đi mất. Đi lấy một quyển sách của con đi." Ông sẵn sàng dẹp chuyện nghỉ ngơi của mình sang một bên để ngồi cạnh giường Liesel mỗi đêm, trông con ngủ và thức dậy cùng con học vào lúc hai giờ sáng, như biến thành thông lệ, không sót một buổi nào. Đến tận khi Liesel kể cho ông nghe rằng bây giờ thì cô bé đã đủ lớn để đối mặt với những giấc mơ của mình một mình, thì "trong một khoảnh khắc, trông ông có vẻ hơi bị tổn thương một chút, nhưng như thường lệ, ông vẫn nói ra điều mình phải nói.

    " Cảm ơn Chúa, "ông như sắp sửa mỉm cười." Ít nhất thì bây giờ bố cũng có một giấc ngủ đàng hoàng. Cái ghế ấy sắp giết bố tới nơi rồi. "Ông vòng tay ôm đứa bé gái rồi họ đi vào nhà bếp".
    Thậm chí, mặc cho"về cơ bản là nhà Hubermann đã phá sản, họ vẫn còn đang phải trả nợ và trả tiền thuê nhà nhanh hơn số tiền họ có thể kiếm được", thì bố Hans vẫn cố gắng chuẩn bị hai cuốn sách làm quà Giáng sinh cho Liesel, bằng cách đánh đổi những điếu thuốc lá - vật bất ly thân trên môi ông. "Nó về nhà và thấy có cái gì đó được gói trong giấy báo, đặt dưới chân cây thông Noel.

    " Từ Thánh Niklaus đấy, "Bố nói, nhưng con bé không bị lừa.

    Nó ôm chầm lấy cả bố và mẹ nuôi nó, tuyết vẫn còn vương trên vai áo."


    [​IMG]

    Vượt qua rào cản huyết thống, tình yêu lớn lao giữa những con người có trái tim nồng hậu, thuần phát đã dệt nên tổ ấm thực thụ. Max là một công dân Do Thái, nhưng bất chấp nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào, dưới cái nhìn chằm chằm của chế độ Đức quốc xã, gia đình nhà Hubermann vẫn cưu mang anh, chỉ đơn giản vì một lời hứa 20 năm trước của ông Hans với cha Max, rằng nếu cần giúp đỡ hãy đến tìm ông. "Họ trải tấm mền xuống và treo ngọn đèn dầu lên. Rosa thừa nhận rằng sẽ không có dư dả thức ăn, và Max đã đáp lại một cách nhiệt thành rằng bà chỉ cần mang xuống những thứ cơm thừa canh cặn, và chỉ khi không có ai muốn ăn chúng nữa mà thôi.

    " Không không, "Rosa trấn an anh." Cháu sẽ được cho ăn, trong khả năng của bác ".
    Max dần quen với gia đình Hubermann, tuy lòng anh luôn tràn ngập những cảm giác tội lỗi và biết ơn, nhưng đồng thời anh cũng rất gắn bó và thích gọi căn hầm là nhà của mình. Khi Max lên cơn ốm nặng, cả nhà đôn đáo vì anh, chăm sóc anh hết mực. Anh cứ ngủ mãi trên giường của cô bé, run rẩy như ánh nến của ngọn đèn dầu sắp tắt, tưởng chừng như anh sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy. Nhưng Liesel luôn ngồi cạnh để trò chuyện với anh, y như cách em luôn sán lại gần giường chị, hỏi han chị đủ điều khi chị ốm. Phải chăng những lúc như vậy, tình yêu chính là một trong những liều thuốc quý giá nhất?

    Có lẽ lời của Thần Chết trong truyện cũng là câu trả lời cho câu hỏi trên của chị rồi: " Rất lâu sau này tôi mới nhận ra rằng mình đã thực sự ghé thăm nhà số 33 phố Thiên Đàng vào khoảng thời gian đó. Hẳn lúc ấy phải là một trong những lúc mà con bé không ở bên cạnh anh ấy, vì tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là một người đàn ông đang nằm trên giường. Tôi quỳ xuống. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để luồn tay mình vào bên trong những tấm mền. Sau đó, đã có một sự hồi sinh - một sự chống trả dữ dội lại sức nặng của tôi. Tôi rút lui, và với rất nhiều công việc đang chờ tôi phía trước, thật là hay khi bạn bị đuổi đi như thế trong cái căn phòng nhỏ tăm tối ấy. Thậm chí tôi còn dừng lại một lát, mắt nhắm lại để lòng mình thanh thản trước khi ra ngoài. " Max đã sống, em ạ. Tình hữu ái giai cấp giữa những con người cùng khổ đã giật lấy anh từ tay Thần Chết, tiếp thêm sức mạnh cho anh và níu giữ anh ở lại với thế giới này.

    [​IMG]

    Markus Zusak đã dùng những mảnh ghép không hoàn hảo để lấp đầy bức tranh gia đình. Từ đó, những màu sắc sáng tối, đậm nhạt lại vẽ nên một xã hội thu nhỏ đầy chân thực, sống động. Ở đó, tình bạn nảy nở từ lời sẻ chia thật lòng: " Em cũng có những cơn ác mộng ", từ những tờ báo Tin nhanh Molching Liesel thu nhặt ở thùng rác để mang về cho Max đọc đỡ chán, từ những trận đá bóng thú vị, những cuộc chạy đua, đấm nhau, những lần đi giao đồ giặt ủi. Hạt giống tình bạn còn được ươm mầm trên mảnh đất chiến tranh. Đó là câu chuyện giữa bố của Max và Hans Hubermann. Hai người gặp nhau khi cùng tham gia vào thế chiến thứ nhất. Và họ nhanh chóng trở thành bạn bè " vì một thực tế là không ai trong số hai người thực sự quan tâm đến việc đánh đấm cả. Họ thích vê thuốc lá hơn là vê người mình trong tuyết và bùn nhão. Họ thích tán chuyện gẫu hơn là bắn đi những viên đạn. Một tình bạn vững chắc được xây dựng trên cơ sở những trò bài bạc, thuốc lá và âm nhạc, ấy là chưa nói đến việc cả hai đều có chung một khát khao là sống sót trở về từ cuộc chiến. " Dù ngay tại thời điểm đó hay là hai mươi năm sau, họ vẫn sẵn sàng đánh đổi tính mạng để thực hiện lời hứa thiêng liêng thuở nào của mình với đối phương.

    [​IMG]

    .. và hiện thân của những điều đẹp đẽ

    Kẻ trộm sách cũng có những điều nhỏ bé, ấm sáng, lung linh như những vì sao tỏa rạng trên bầu trời lạnh giá, tối đen của phố Thiên Đàng.

    Tình hàng xóm - Bà Rosa miệng lưỡi chua ngoa và bà Holtzapfel ăn nói cay độc là hai kẻ thù không đội trời chung, có mặt tôi thì đừng mong có mặt bà, nhưng vào mỗi đợt di tản tránh bom, Rosa đều cố hết sức động viên, van nài Holtzapfel hãy nén đau thương trước cái chết của con trai để chạy bom và sống tiếp.

    Tình đồng đội - nhóm trộm nhí chỉ-cướp-của-người-giàu do Arthur Berg dẫn đầu luôn ưu tiên tính công bằng, mỗi thành viên đều được chia đều các chiến lợi phẩm, không ai phải làm người chịu trận hay bị bỏ lại phía sau.

    Sự sẻ chia - Cậu bé Rudy rắc những mẩu bánh vụn lên mặt đường để những người Do Thái đi diễu hành qua phố Thiên Đàng có thể nhặt được và ăn, " Nếu ra tay nhanh thì chúng ta sẽ không bị bắt đâu. " Thằng bé đã bắt đầu chia mấy miếng bánh ra.. Con bé nghe thấy dạ dày thằng bạn mình kêu ùng ục vì đói - vậy mà nó lại đang cho người ta bánh mì" .

    Sự tử tế - Vào tháng Hai năm 1941, trong ngày sinh nhật thứ mười hai của Liesel, một điều rõ rành rành rằng Max chẳng có gì để tặng cô bé cả, ngoài cuốn Mein Kampf* ra, nhưng anh thà sơn trắng từng trang sách đó, hong khô nó rồi viết tác phẩm mới của mình lên để tặng cho cô bé đọc, còn hơn là đưa trực tiếp cuốn sách nguy hiểm đó cho Liesel: "Không đời nào anh tặng một thứ tài liệu tuyên truyền như thế cho một đứa bé gái Đức. Việc ấy cũng giống như việc một con cừu đưa cho gã đồ tể một con dao vậy." Ngay trong hoàn cảnh kiệt quệ, khốn cùng, anh cũng không đánh mất đi sự tử tế.

    *Mein Kampf: Được mệnh danh là "Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới", Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi) là cuốn hồi ký do chủ tịch đảng Quốc Xã Đức Adolf Hitler sáng tác. Cuốn sách diễn tả quá trình Hitler trở nên một người theo chủ nghĩa chống Do Thái cũng như trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông về Đế chế Đức một khi ông lên nắm quyền.

    Lòng bao dung - Phu nhân Ilsa Hermann luôn mở rộng cửa sổ cho Liesel vào.. trộm sách, còn tặng cô bé một cuốn từ điển và một quyển sổ mới, động viên cô bé tự viết một quyển sách "Ta phải nói cho cháu biết rằng ta không ngu ngốc đến nỗi không nhìn thấy những dấu chân của cháu trong thư phòng. Khi ta nhận thấy quyển sách đầu tiên đã bị lấy đi, ta chỉ nghĩ rằng có lẽ là ta đã để nó đâu đó, nhưng sau khi ta nhìn thấy những vết chân trên sàn nhà loang lổ ánh đèn.

    Thì ta đã mỉm cười.

    Ta rất mừng vì cháu đã lấy đi cái đúng ra thuộc về cháu.."


    Những cuốn sách sẽ luôn thuộc về những người biết trân trọng và khát khao nó. Hay nói cách khác, là một người yêu sách sẽ có tâm hồn rộng sâu, thú vị, đa sắc màu như một bảo tàng sách vậy. Chắc bà Ilsa đã nghĩ như thế, nên bà chẳng bao giờ coi Liesel là kẻ trộm sách cả.

    [​IMG]

    Sự kiên cường - Trong căn hầm ẩm thấp, chàng Do Thái Max không bao giờ đầu hàng số phận và luôn kiên cường chiến đấu với bệnh tật: "Điều anh cần là một chuỗi những kế hoạch mới. Kế hoạch đầu tiên là tập thể dục. Anh bắt đầu với động tác hít đất, nằm áp bụng xuống sàn hầm lạnh giá, rồi sau đó tự nhấc thân người mình lên.." Thái độ đối mặt với đau khổ của Max khiến chị nhớ đến "liệu pháp ý nghĩa" - liệu pháp được tác giả Victor Frankl đúc rút ra từ những trải nghiệm của ông trong những tháng ngày kinh khủng ở trại tập trung. Đi tìm lẽ sống của Victor cũng là một cuốn sách sâu sắc và kỳ diệu. Chị bỗng nhận thấy một cuốn sách có thể kết nối chúng ta đến vô vàn những cuốn sách khác, mở mang cho ta thế giới quan thú vị. Những con người phải trải qua địa ngục trần gian, mất hết quyền được sống dưới thời Đức quốc xã vẫn có thể lạc quan để tiếp tục sống, thì cớ sao chúng ta - những người tự do, có cuộc sống đủ đầy, lại bỏ cuộc, buông xuôi, hay tự trói buộc, đay nghiến bản thân chỉ vì một điểm số xấu, một cuộc phỏng vấn thất bại, một cuộc tình vỡ đôi hay một cơn bạo bệnh?

    Sự nhân ái - Chứng kiến một người đàn ông Do Thái khụy ngã giữa đường vì đói rét, Bố Hans đã đưa mẩu bánh mì của mình cho ông ấy, quên hết thảy những hiểm nguy có thể xảy đến với bản thân và gia đình. Những lằn roi lập tức trút xuống như mưa trên lưng người tốt bụng tội nghiệp. Xe đẩy của ông bị lật nhào và sơn đổ tràn ra mặt đường. Sau vụ đó, ông đã bị chính quyền để mắt đến, vì họ đòi hỏi ở mọi người dân một lòng trung thành tuyệt đối với chế độ Quốc Xã. Nên để khỏi liên lụy gia đình Hubermann, Max đã bỏ nhà ra đi với lời từ biệt "Gia đình bác đã vì cháu đủ rồi." Cuối cùng khi nhận ra những gì mình vừa làm, ông đã ngã vật trong sự day dứt: "Ôi lạy Chúa tôi, Liesel, Bố đã làm gì thế này.. Bố là một thằng ngốc".

    [​IMG]

    ..

    "Ông đang đợi những người lính, cảnh sát, bất cứ ai - đến bắt ông đi - những hình phạt mà ông thấy mình đáng phải nhận.. Ông ngồi ở ngưỡng cửa đến tận sáng, tay ôm đầu, và chờ đợi.

    Không có cái gì đến cả.

    Từng đơn vị thời gian mang theo cùng với nó những tiếng gõ cửa, những những lời đe dọa mà ông hằng mong đợi.

    Chúng không đến.

    Âm thanh duy nhất được phát ra từ ông.

    " Tôi đã làm gì vậy cơ chứ? "Ông lại thì thầm.

    " Lạy Chúa, mình thèm một điếu thuốc đến phát điên được, "ông trả lời câu hỏi của mình. Ông đã hết thuốc lá mất rồi."


    Liesel nghe thấy những câu nói này được lặp đi lặp lại vài lần, và con bé phải cố gắng lắm mới vẫn đứng được ở chỗ của. Con bé rất muốn làm ông thấy thoải mái hơn, nhưng nó chưa từng thấy một người nào bị tàn phá đến độ như vậy cả. Đêm hôm đó không có sự an ủi nào. Max đã ra đi, và Hans Hubermann là người có lỗi trong chuyện này. "

    Liên tiếp những lần bần thần đi vòng quanh Molching tìm bóng hình Max. Liên tiếp những câu " Bố là một thằng ngốc ", " Bố thật là một thằng ngu. "

    Nhưng Liesel đã nói: " Không. Bố ơi. Bố chẳng làm gì sai cả đâu.

    Bố chỉ là một con người. "


    Trong truyện cũng không thiếu những chi tiết kinh hoàng khắc họa chiến tranh, những tội ác bị phơi bày đằng sau sự ra đi thảm khốc của cả một gia đình, một thị trấn. Thần Chết còn nói: " Chẳng có sự hồi phục nào từ những việc đã xảy ra. Việc đó sẽ mất nhiều thập kỷ. Nó sẽ mất một cuộc đời dài. " Vậy mới thấy, bầu không khí hòa bình hiện giờ đang tràn ngập trong phổi chúng ta, là sự đánh đổi, hy sinh từ bao con người thầm lặng. Nó vô giá và thiêng liêng nhường nào em ạ.

    Chi tiết tiêu biểu

    Có một chi tiết mà chị thấy ấn tượng mãi, ở nhân vật Hans Hubermann, cả đến khi đã gập lại cuốn sách.

    Dù trong trong hoàn cảnh nghèo đói, Bố Hans vẫn hy sinh lợi ích của mình để sơn mành không công cho những người Do Thái: " Rất nhiều lần, trên đường về nhà, có những người đàn bà chẳng có gì khác ngoài những đứa con và sự nghèo khổ, đã chạy ùa ra và nài nỉ ông sơn mành che cho họ.

    "Bà Hallah, tôi xin lỗi. Tôi không còn sơn đen nữa rồi," ông hay nói như vậy, nhưng khi đã đi được một đoạn nữa, ông luôn xiêu lòng. Lúc ấy có một người đàn ông cao lớn trên một con đường dài. "Ngày mai nhé," ông hứa, "đó là điều đầu tiên tôi sẽ làm ngày mai," và khi bình minh của ngày hôm sau ló dạng, ông đã ở đó, sơn những tấm mành che ấy mà chẳng được gì cả, hay chỉ để được trả công bằng một cái bánh quy hoặc một tách trà ấm. Chiều hôm trước, ông đã tìm ra được thêm một cách nữa để biến màu lam, màu lục hay màu be thành màu đen. Ông không bao giờ bảo họ hãy che cửa sổ của mình lại bằng những tấm chăn thừa cả, vì ông biết rằng họ sẽ cần đến chúng khi mùa đông đến. Người ta còn biết rằng ông thậm chí đã sơn mành che cho người ta chỉ để đổi lấy nửa điếu thuốc. Ông ngồi trên bậc cấp trước một ngôi nhà, chia sẻ một điếu thuốc với chủ ngôi nhà đó. Những tiếng cười và khói thuốc bay lên từ cuộc trò chuyện, trước khi họ tiếp tục công việc kế đến của mình. "
    Một sự giúp đỡ có giá bằng nửa điếu thuốc đối với người cho, nhưng đáng giá bằng cả mạng sống đối với người nhận. Hiến dâng tất cả những gì mình có cho lẽ phải. Cống hiến đơn giản là vậy em ạ.

    Đó là ý thức cộng đồng sâu sắc và tinh thần trách nhiệm với xã hội, thể hiện ở việc người ta trao cho nhau sự cảm thông vô điều kiện, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, tôn trọng lớp vỏ xấu xí, khác biệt của nhau, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo. Trong thời đại bây giờ, chúng ta được dạy rằng đó là điều hiển nhiên, nhưng khi thực hiện thì không dễ chút nào, em nhỉ. Chỉ có một điều mà chúng ta thấy chắc chắn, như tác phẩm Kẻ trộm sách đã khẳng định và lan tỏa, ấy là khi tự nguyện cống hiến, hy sinh, đặt mình vào tập thể, con người ta sẽ có được động lực sống và sự thanh thản trong tâm hồn. Từ đó các thành tựu sẽ theo cấp số nhân. Vì thế giới sẽ đặc biệt quan tâm đến việc em đánh đổi giá trị nào để đổi lấy giá trị cân bằng mà em có thể mang lại hoặc lớn hơn. Hạnh phúc, tiền tài mà em có được sẽ tỉ lệ thuận với số người mà em giúp đỡ, giống như triệu phú làm công việc ảnh hưởng đến triệu người, còn tỉ phú giải quyết bài toán cho một tỉ người vậy. Hãy cứ mơ lớn và dũng cảm theo đuổi nó em nhé. Đừng thấy xấu hổ vì nghĩ ước mơ của mình ấu trĩ, viển vông hay già nua.

    Chị kể đến đây thôi đã thấy quyển truyện ẩn chứa bao điều tốt đẹp rồi. Dưới giọng kể của Thần Chết, chắc nó còn cuốn hút và thấm thía hơn nữa. Đọc một cuốn sách hay như có thêm một người thầy, một tôn chỉ và lý tưởng sống mới vậy.

    [​IMG]

    4. Tại sao lại là Kẻ trộm sách?

    Chắc sẽ có lúc em hỏi chị tại sao giữa vô vàn cuốn sách ngoài kia, cuốn đầu tiên chị tặng em lại là Kẻ trộm sách dày cộp thế này.

    Thần Chết và những điềm báo

    Khác với những truyện tranh mà em đang đọc, truyện chữ mở ra không gian rộng lớn cho em thỏa sức tưởng tượng. Em sẽ được tự hình dung ra khuôn mặt đang hạnh phúc, sợ hãi, ớn lạnh.. sẽ như thế nào. Khi yêu thương nhau người ta sẽ thực sự nghĩ gì trong lòng, đừng bất ngờ khi thấy có khi những suy nghĩ lại ấm áp và trái ngược hẳn với hành động cộc cằn bên ngoài nhé. Em sẽ biết đến một ông Thần Chết mà sợ chính con người và bị kiệt sức bởi khối lượng công việc đồ sộ (dọn dẹp người mất trong thời chiến). Thần có hình hài ra sao, làm nhiệm vụ đó như thế nào thì em hãy đọc trong truyện nhé. Và cũng đừng lo đây là một câu chuyện kinh dị. Thần Chết hết sức dịu dàng, luôn chăm chỉ làm việc, và thi thoảng lại thì thầm vào tai người đọc một số điềm báo về những tình huống xấu sắp xảy đến. Chúng sẽ xuất hiện ở những ghi chú bên lề, nằm rải rác trong cuốn sách bằng nét chữ in đậm. Nhưng những điềm báo ấy đầy ẩn ý, rất thử thách trí tò mò của em. Và truyện sẽ trôi đi thật nhanh, chẳng bị lê thê như vẻ bề ngoài của nó. Lựa chọn người kể chuyện là Thần Chết quả thực là điểm sáng. Người ta thường nói rằng chiến tranh và cái chết là bạn thân, vậy còn ai tốt hơn ngoài Thần Chết khi ở quanh Đức Quốc xã để kể câu chuyện này đâu nhỉ. Hơn nữa, thực chất Thần Chết là một phần trong chúng ta đấy chứ. Đó là ý thức của chúng ta về việc mình sẽ phải chết, và nó luôn nhắc nhở mình hãy sống đúng đắn, sống hết mình.

    Bên cạnh người kể chuyện thủ thỉ nhẹ nhàng, cuốn tiểu thuyết còn có nhiều hình minh họa, chú thích cuối trang và cả một câu truyện tranh nhỏ nằm trong đó nữa. Em sẽ không phải lo mình thấy nhớ truyện tranh đâu.

    Bối cảnh lịch sử chân thực

    Lấy bối cảnh là nước Đức Quốc xã, " Kẻ trộm sách " miêu tả mạnh mẽ về sự tàn bạo và khó khăn mà những công dân bình thường phải đối mặt trong Thế chiến thứ hai. Zusak nắm bắt một cách nhạy cảm cuộc đấu tranh, nỗi sợ hãi và sự kiên cường của các nhân vật giữa một xã hội bị bao trùm bởi hận thù và áp bức. Bối cảnh lịch sử bổ sung thêm chiều sâu và tính xác thực cho câu chuyện, khiến nó đong đầy cảm xúc. Một người cha chấp nhận đi lính để con trai cả không phải gia nhập tổ chức Thiếu niên Hitler, ông quyết làm mọi thứ để con ở nhà sống thay mình, nhưng cuối cùng ông lại là người duy nhất trong nhà sống sót. Một người Do Thái quyết định nạp mình cho chính quyền, không sống chui trong nhà Hubermann nữa, để bảo toàn tính mạng cho gia đình thiện lương, nhưng sau đó không lâu, chỉ còn mỗi anh là được sống (không kể Liesel). Em sẽ gặp hàng ngàn những chi tiết éo le mà giữa cuộc sống thường ngày hòa bình này, em khó có thể nghĩ đến.

    Nhân vật sống động gần gũi

    Không những vậy, đọc truyện chữ, em còn được chứng kiến quá trình các nhân vật phát triển xuyên suốt câu chuyện. Họ đậm nét dần, sống động và quen thuộc đến nỗi em còn tìm thấy cả người bạn, người thân của mình, hay chính bản thân em trong họ, hoặc nhìn thấy từ những người xung quanh một đặc điểm đáng yêu hay đáng buồn nào đó giống với nhân vật trong truyện. Nó như việc em đang sống thêm một cuộc đời mới vậy, em được trở về nước Đức trong quá khứ, sống với một người Do Thái, được chứng kiến và cảm nhận ông bà Hubermann là những người đáng trân trọng nhường nào, cậu bạn Rudy đang sống cuộc đời đáng ngưỡng mộ ra sao.. Em sẽ được thấy từ một cô bé mù chữ, Liesel đã trở thành một người đam mê sách, người tìm thấy niềm an ủi và lòng can đảm từ văn học để vượt lên thực tế khắc nghiệt của chiến tranh như thế nào. Em sẽ được xem các nhân vật vật lộn với những tình huống khó xử về mặt đạo đức và lèo lái ranh giới mờ nhạt giữa đúng và sai trong một xã hội bị chiến tranh tàn phá. Những điều ấy sẽ đi theo em mãi về sau, để lại một ấn tượng khó phai, vì thế giới ấy cũng do chính em tưởng tượng và tạo nên trong quá trình đọc tác phẩm mà. Việc khám phá vai trò của con người này sẽ khơi dậy những suy ngẫm trong em về những lựa chọn của bản thân chúng ta và tác động của chúng đối với người khác, nói cách khác là ý thức vai trò của em trong cộng đồng.

    Tác giả ấm áp chân thành

    [​IMG]

    Còn một điều nữa mà chị thấy cuốn sách xứng đáng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, đó là tấm lòng của tác giả - bác Markus Zusak. Sự thực là trong giới xuất bản, Zusak gần như được săn đón như một ngôi sao nhạc rock. Nhưng bất chấp những thành công bùng nổ xung quanh việc phát hành cuốn sách, tác giả ở tuổi 43 hoàn toàn sống khiêm nhường và giản dị. Khi có một phóng viên nói với bác ấy rằng anh vẫn chưa đọc xong cuốn sách, thay vì giận dữ hay mất thiện ý, bác ấy đã xin lỗi anh vì truyện của mình quá dài, và loay hoay pha cho anh phóng viên một tách trà và hỏi anh muốn uống thêm gì không. Những người thân của Markus Zusak cũng nhận xét nhà văn thực sự khiêm tốn và chân thành.

    Robert Frost từng nói: " Nhà văn không có nước mắt, độc giả cũng không có nước mắt. Không có gì ngạc nhiên ở người viết, không có gì ngạc nhiên ở người đọc. " Trong một buổi giao lưu, một độc giả trẻ đã hỏi bác có khóc không khi viết cái kết của Kẻ trộm sách. Tác giả đã thú nhận rằng bác ấy khóc rất nhiều - y như chị và nhiều người khác khi đọc nó. Với tư cách là cha đẻ của những nhân vật, Markus Zusak quan tâm sâu sắc đến họ, bất cứ điều gì bác cảm thấy khi viết về số phận của họ, bác đều sẽ giúp độc giả được cảm nhận cùng.

    Chị cũng từng nghe được những chia sẻ đầy sâu sắc của tác giả về quá trình viết bản thảo và xuất bản cuốn Kẻ trộm sách của mình. Để chị kể lại cho em nghe.

    [​IMG]

    Bác đã đi qua rất nhiều thất bại. Lần viết đầu tiên, câu chuyện bắt đầu với giọng kể tàn bạo, khô khốc của Thần Chết. Sau 9 tháng, 200 trang đã hoàn thiện, nhưng nhà văn mơ hồ cảm nhận, đó có thể là một lựa chọn sai từ đầu. Lần viết lại thứ hai, bác chuyển sang người kể chuyện là nhân vật chính Liesel. Vấn đề mới lại xuất hiện, mặc dù nhà văn có gốc gác là Đức và Áo, nhưng việc sống ở Úc từ nhỏ khiến bác có giọng văn Úc rất rõ rệt, không phù hợp với một cô bé người Đức như Liesel. Lần thứ ba, bác thử chuyển sang tường thuật ở ngôi thứ ba, nhưng việc đó sẽ phải thay đổi toàn bộ điểm nhìn trần thuật. Lần viết lại thứ tư, lại quay lại với Thần Chết. Nếu Thần Chết không tàn nhẫn, ác nghiệt, lạnh lùng, mà chỉ ngày ngày tận hưởng việc đi dọn dẹp các linh hồn nơi nhân thế thì sao? Nếu ông cũng biết đau, biết mệt, cũng bị tổn thương, bị ám ảnh bởi chính con người thì thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi phải chăng con người là một sinh vật xinh đẹp, vị tha và cao cả? Chính suy nghĩ phá cách đó đã giúp Markus Zusak có thể viết từ đầu đến cuối 580 trang và cho ra bản Kẻ trộm sách xuất sắc sau này. Tất nhiên trong quá trình đó vẫn có hàng nghìn thất bại khác, từ nhân vật, cốt truyện, cấu trúc tổng thể đến hình ảnh, chương, tiêu đề chương, đoạn 25 trang này hỏng, đoạn 150 trang kia chênh phô, và một đống câu mắc lỗi, nghèo nàn.. Nhưng sau tất cả, nhà văn nhận ra, tất cả những thất bại đó đều có những thành công nhỏ bên trong. Và bằng cách vượt qua từng thất bại, giải quyết từng vấn đề một, Kẻ trộm sách dài 580 trang đã nên hình hài. Nếu Markus Zusak chấp nhận để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ từ đầu đến cuối, thì giờ đây độc giả đã chỉ cầm trên tay một cuốn truyện 200 trang với giọng kể cộc cằn rồi. Và đó là điều tạo nên dấu ấn khác biệt ở tác giả. Vậy bây giờ em có còn thấy sợ hãi, chạy trốn sai lầm nữa không? Hãy bình tĩnh đón nhận và xử lý nó nhé, em sẽ có thêm một nguồn động lực lớn để thành công và có thêm trải nghiệm để nâng cao giá trị bản thân. Em có thể coi không gian học tập của mình là một đấu trường mà khi bước vào đó, em sẵn sàng hít thở bầu không khí của sự thất bại. Bởi khi làm vậy, thứ em tôn trọng không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là bản thân em. Đôi khi cái bàn học của em là một cầu môn mà em dám nhìn thẳng vào nó, quyết tâm đá, đá và đá, cho đến khi tung lưới trái bóng dưới chân mình. Việc học chính là như vậy.

    Trước đây chị luôn nghĩ, nhà văn là phải có một trí tưởng tượng thiên phú. Nhưng Markus Zusak đã giúp chị hiểu ra, thực chất, họ chỉ là những người gặp phải rất nhiều vấn đề, và việc giải quyết vấn đề đó theo cách của chính mình sẽ đem lại cho họ sức mạnh để tưởng tượng.

    Sau khi viết xong, tác giả lại nghĩ " Từ lúc tôi viết nó, tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ có ai đọc nó đâu, một cuốn sách lấy bối cảnh là Đức Quốc xã, được kể lại bởi Thần Chết, gần như tất cả mọi người đều chết và nó dài 580 trang.. " .

    Nhưng kết quả là, sau khi được phát hành vào năm 2005, tác phẩm đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của tờ The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống thư viện trường học của Anh và Mỹ. Zusak sau đó đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có các giải Michael L. Printz Honor, Margaret A. Edwards vài Kathleen Mitchell (Úc). Đến nay tiểu thuyết đã bán được hơn 16 triệu bản dưới 30 ngôn ngữ khác nhau, thay đổi cuộc đời nhà văn theo những cách mà bác không thể tưởng tượng được. Vô vàn độc giả liên tục gửi thư cảm ơn nhà văn và động viên bác tiếp tục sáng tác.

    Nào có phép màu nào đến với Kẻ trộm sách, đó chỉ là trái ngọt xứng đáng cho tất cả những nỗ lực của nhà văn thôi em nhỉ.

    Đã hơn một lần chị mở cuốn sách ra. Nhưng dù có đọc lại bao lần đi chăng nữa, những cảm xúc ấy vẫn sẽ vẹn nguyên thuở ban đầu. Tóm lại thì chị vẫn tin đây là lựa chọn tốt để trở thành một trong những quyển truyện chữ đầu tiên mà em đọc, đánh dấu một cột mốc trưởng thành của em.

    [​IMG]

    Kết

    Nhưng viết đến đây, chị bỗng hơi chùn bước. Chị tự hỏi liệu đã đến thời điểm thích hợp để em đón nhận món quà này chưa? Liệu chị có nên để em đắm chìm trong sự ngọt ngào, dí dỏm, tinh nghịch của các câu chuyện cổ tích thêm vài năm nữa, trước khi đưa em đi trải nghiệm một tầng trời mới của thế giới văn học? Nhưng chị đã thấy em cầm tay một em nhỏ lớp dưới, hướng dẫn em bé đó tập viết từng con chữ một. Chị cũng thấy em sẵn sàng gạt hết đồ chơi của mình sang một bên, để làm việc nhà, học bài trước trên lớp, và xin mẹ cho đi nhà sách thăm thú thay vì vòi xin một chú gấu bông ở siêu thị. Chị biết em còn ngây dại, nhưng chắc chắn là em đã sẵn sàng rồi. Chị tin vào thế hệ trẻ các em và vào sức sống mãnh liệt, vẻ đẹp trường tồn của những cuốn sách. Chị sẽ giúp em khơi lên ngọn lửa trong lòng em, truyền cho em thêm cảm hứng, để em có thể nuôi dưỡng cho mình một tình yêu với sách, và có những người bạn, người thầy mới. Chị hy vọng, từ phố Thiên Đàng này, em có thể đi xa thêm nhiều nơi, khám phá nhiều thế giới, để đủ bản lĩnh, trí tuệ, sự cứng cáp và khát vọng sống đẹp. Chị mong nhìn thấy lòng nhân ái nở rộ trong đôi mắt long lanh của em, ước muốn được cống hiến thôi thúc trái tim em chinh phục bầu trời tri thức.

    Thế hệ trẻ chúng ta cần bồi dưỡng bản thân, để khi có nhân cách, năng lực, có lối sống lành mạnh, giàu tình nghĩa và lòng biết ơn, tôn trọng lẽ phải, yêu quý quê hương, có khát vọng khẳng định bản thân, đóng góp cho xã hội, ta mới có thể sống một đời không nuối tiếc, đủ khả năng đem lại hạnh phúc, bình yên cho chính gia đình ta và đất nước tươi đẹp của ta vậy.

    Em nhé!


    Giờ mình đã hiểu tại sao The Irish Examiner lại nhận xét tác phẩm như vậy rồi. " Một câu chuyện khác thường, với thứ ngôn ngữ tưởng chừng đơn giản hời hợt và phong cách bí ẩn của nó đã miêu tả được cảm xúc sâu thẳm nhất và những hành động đáng ghê tởm nhất của loài người.. Một cuốn tiểu thuyết khác thường và hấp dẫn, đáng cho bạn đọc nâng niu từng trang rồi đặt lên một chỗ dễ thấy trên giá sách của mình để sau này đọc lại. Và chắc chắn rồi bạn sẽ đọc lại."

    Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết mà mình rất yêu thích. Nếu không có thời gian để đọc, bạn có thể sắp xếp 2 tiếng để xem phim cùng tên The Book Thief. Bộ phim tuy không chuyển thể được hết những chi tiết quý giá của tác phẩm, nhưng truyền tải được tinh thần của cuốn sách và lấy đi nhiều nước mắt của người xem.

    The Book Thief là một cuốn sách khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mình. Hồi tiểu học mình đọc rất nhiều, có mẹ là giáo viên nên ra vào phòng thư viện thoải mái, mà mẹ hay cho đọc sách hoặc tiểu thuyết chứ ít khi mẹ cho mượn truyện tranh. Hồi đó mê sách dữ. Lên cấp hai cấp ba tần suất đọc bắt đầu giảm dần sau chạm đáy luôn. Mình quay cuồng trong bài vở, hoặc giải trí bằng phim ảnh, mạng xã hội, bỏ bẵng sách đi luôn. Giờ muốn noi gương cho em nên mới nghĩ ra cái trò thư từ này :) Mà chọn phải cuốn đọc mê thật. Có lần mình lên xe buýt E05 HN, vừa ngồi vừa giở giở mấy trang đầu, cái mặt mình trông nhàu lắm ấy :) Xong cái anh phụ xe anh đứng gần đấy anh bảo bạn nhỏ chịu khó đọc hết cuốn sách đi, cuốn đó hay lắm mà anh săn mãi chưa có dịp mua được bản sách giấy. Chẳng nhẽ mình lại nói thật là em đi mua sách cân, thấy quyển này to to lạ mắt nên nhặt về à: > Ảnh còn bảo nếu có duyên gặp lại hai người sẽ bàn luận nhau về nội dung cuốn sách nhé. Đoạn đường ngắn ấy ngại ngại mà vui lắm ấy. Nhưng giờ vẫn chưa gặp được anh này :)

    Thôi tóm lại là tôi chỉ muốn nói rằng mọi người dù bận rộn đến đâu cũng hãy dành chút thời gian đọc sách nhé. Nhiều lúc sách mang lại nhiều duyên lắm. Và bác Markus Zusak ạ cháu yêu sách của bác quá bác ơi. Anh phụ xe đẹp trai giọng ấm ơi sách em cũng đọc xong rồi mà anh đâu chẳng thấy.
     
    chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng năm 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...