Cảm nhận về những mộng tưởng và cái chết của cô bé bán diêm - Văn học 8

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 31 Tháng mười hai 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Viết đoạn văn cảm nhận về những mộng tưởng và cái chết của cô bé bán diêm

    [​IMG]

    Câu chuyện mở ra với một không khí ấm áp, thiêng liêng của đêm giao thừa, âm thầm gợi nhắc con người ta về sự sum vầy, đoàn tụ. Vậy nhưng, hình ảnh cô bé bán diêm hiện lên lại lẻ loi, chơ chọi, đối nghịch hoàn toàn. Em đứng giữa phố đông người, co ro trong cái lạnh chào bán từng bao diêm. Cái lạnh lùng của lòng người, băng giá của thời tiết ngày càng cứa vào lòng em những đói, những rét chua chát bất lực; chả ai quan tâm đến em, ngoại trừ có một cái nhìn xót xa thương cảm của tác giả. Andersen đã dõi theo từng bước chân nhỏ bé của em, cho em những niềm vui thơ trẻ, những mộng tưởng xinh đẹp, ru em vào giấc ngủ an lành. Ở phần này, những hình ảnh đối lập tương phản càng lúc càng gay gắt, ảo ảnh và hiện thực sóng đôi đan cài, càng tô đậm những ảo mộng trập trùng, uốn lượn, dâng cao theo ánh nến, theo ước mơ của em. Như một quy luật tất yếu, con người khi bị cái lạnh xâm chiếm cơ thể, con tim hay lý trí đều sẽ tìm về với nguồn sáng, hơi ấm. Vậy là que diêm thứ nhất được quẹt lên, đẹp đến diệu kỳ. Tác giả đã miêu tả rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng ánh lửa diêm, hình dáng, màu sắc đều rất sinh động, lung linh như những hình nhân nhí nhảnh biết nhảy múa. Lăng kính của nhà văn như thu nhỏ lại trong thế giới của trẻ thơ, nhìn mọi vật đều thấy trong trẻo, thích thú, đáng yêu, hiền lành. Ánh lửa diêm có lẽ là thứ ánh sáng đầu tiên xuất hiện trước mặt cô bé, kể từ ngày bà nội em mất, gia đình tiêu tán, còn em thì bắt đầu chuỗi ngày gian khổ tối tăm. Trong ánh lửa lập lòe rồi bùng cháy lên cao, cô bé thấy hiện lên một chiếc lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng, lửa cháy tí tách, rồi phừng phừng. Sự tưởng tượng đó cũng là dấu hiệu kéo em bé bán diêm từ từ rời khỏi thế giới thực tại, bước sang thế giới hư ảo của mình. Que diêm bé như vậy, có lẽ chỉ đủ làm nóng ngón tay cái, nhưng hơi ấm ấy lại như dòng nhựa mới âm thầm lan chậm khắp cơ thể em, khoan khoái, dễ chịu, dịu dàng. Hư ảnh lò sưởi vậy mà rất chân thực, như để an ủi cái lạnh của cô bé, an ủi trong tiềm thức, thay em nói lên ước muốn được ủ ấm, ấp ôm, che chở khỏi cái lạnh. Mộng tưởng thứ nhất này chỉ thoáng qua trong chốc lát, nhưng cũng đủ níu kéo, lôi cuốn, bứt em ra khỏi sợ hãi, dè dặt. Ánh lửa diêm thứ hai tiếp tục vẽ lên trước mắt em một ngôi nhà ấm áp có rèm nhung sắc màu, có tiệc giao thừa thịnh soạn. Ảo ảnh con ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và tiến lại về phía em với dao nĩa cắm sẵn trên lưng đã diễn tả kín đáo cơn đói đang cồn cào cấu xé trong bụng em, khiến em đầu váng mắt hoa, yếu ớt mệt lả. Cô bé không chỉ đói ăn về vật chất, mà còn thèm khát được chăm sóc, chiều chuộng, hay hồn nhiên hơn nữa, là muốn được vui chơi, quây quần. Que diêm thứ 3 tiếp tục thắp lên trong em cây thông Noel lấp lánh cùng những cây nến, bức tranh rực rỡ sáng màu. Có lẽ Noel trước đó của em còn tẻ nhạt nhọc nhằn, bần hàn thiếu thốn. Có lẽ giáng sinh đã qua lâu nhưng gđ em vẫn không được quây quần quanh cây thông, ca hát nhảy múa và trao đổi quà. Những mong ước vật chất tuy bình dị, chính đáng, nhỏ nhoi, nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện được. Que diêm thứ bốn được thắp lên, đưa em vào thế giới ảo ảnh khác, có bà nội mỉm cười hiền hậu. Người bà biểu tượng cho một thế giới mà em khao khát, thế giới có as, hơi ấm, tình thương. Lần cuối cùng này, khi que diêm vụt tắt, em vội gọi với theo bà, cuống quýt quẹt hết số diêm còn lại, để níu giữ ảo ảnh. Ngọn lửa ước mơ đã mang em theo cùng bà, người duy nhất em dấu yêu, người duy nhất mang lại hạnh phúc cho em trên cõi đời. Cái chết ấy là sự giải thoát, "khi trần gian là chốn khổ ải vô bờ thì hạnh phúc con người chỉ có được là ở thế giới bên kia". Thực tế, em bé đã chết từ khi có một ngôi sao đổi ngôi, báo hiệu cho một linh hồn dần xa lìa thể xác. Hư ảnh càng được giữ lại, càng rõ nét bao nhiêu thì linh hồn của em, sự sống của em càng leo lét bấy nhiêu. Tác giả đã từng bước từng bước ru em vào giấc ngủ ngàn thu như vậy đấy. Cô bé bán diêm đại diện cho nhân vật bất hạnh, bế tắc trong xã hội Đan Mạch thế kỷ XIX, hay ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. Nhà văn Andersen với 1 trái tim thiết tha nhân hậu, đã thấu hiểu, đáp ứng, giải thoát cho em bằng những mộng tưởng lấp lánh. Ông đã nắm lấy đôi tay nhỏ bé của em, dùng tâm của mình để cảm nhận những vết xước trong tâm hồn em, trò chuyện và tiễn em đi hết con đường bắc nhịp sang thế giới bên kia. Andersen khác với những nhà văn khác, không dùng đao to búa lớn, ngôn từ bén nhọn để xoáy sâu vào bi kịch của con người, tố cáo cả một xã hội. Ông cứ lặng lẽ kể câu chuyện của mình, nhẹ nhàng, dung dị, thấm thía, nhưng với mọi bạn đọc, khi gấp sách lại vẫn còn băn khoăn, day dứt về cái kết thương tâm. Làm thế nào để trên cõi đời này không còn những mảnh đời bất hạnh như cô bé bán diêm, làm thế nào để khai trừ được thói vô cảm thờ ơ của con người? Những mộng tưởng dẫu có lung linh hy vọng đến đâu, cũng không xóa nhòa được thực tế nghiệt ngã "Em đã chết trong đêm giao thừa. Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em ngồi giữa những bao diêm, chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy.." Vẫn là những hình ảnh tương phản rất đặc sắc. Buổi sáng đầu năm hứa hẹn mầm non trỗi dậy, vạn vật bừng tỉnh, đất trời hồi sinh, có một em bé đã chết. "Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà", tâm thế lạc quan, nhưng trái tim vẫn ngủ im lìm, giá băng, lạnh lùng, ẩm mốc. "Mặt trời lên, trong sáng, chói chang giữa bầu trời xanh nhợt", màu nắng vàng rực giữa sắc trời ảm đạm, thê lương. Cái kết đầy bi kịch, ám ảnh, đớn đau hơn bất kì truyện cổ tích nào khác. Có phải cuộc sống trên trần gian chỉ bất hạnh, khổ đau với người nghèo, sung sướng có chăng chỉ là trong mộng tưởng, trong giấc mơ xa vời vợi? Nhưng nếu so sánh cái chết của cô bé bán diêm với nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, của hai con người khốn khổ, cơ cực, bị xã hội nhẫn tâm ép chết, người đọc đều thấy câu chuyện vẫn có gì đó thanh thản, nhẹ nhõm, dịu dàng. Có lẽ một phần bởi ngòi bút trong sáng, yêu thương, trìu mến của nhà văn Andersen khi tái hiện cái chết của em. ".. hình hài thể xác chết mà linh hồn, khát vọng của em bé vẫn sống, sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, sống trong cảnh tượng huy hoàng cùng bà bay lên đón năm mới". Sắc màu cổ tích kì diệu, mộng nhưng thực. Em đã về với Thượng đế, với những vòng tay thân thương. Cô bé bán diêm đã chiến thắng cái đói rét, em không tím tái, nhợt nhạt, khó coi, mà lung linh xinh xắn như tiên đồng ngọc nữ. Phút giây em tỏa sáng, hạnh phúc, bình yên nhất, chính là những lúc cuối đời. Cái chết của cô bé bán diêm làm bạn đọc liên tưởng đến em bé xấu số Aylan Kurdi. Nhìn Aylan nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát, thật giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ sẽ không bao giờ tỉnh lại. Cũng như em bé bán diêm chịu được cái giá lạnh trong bao đêm bán diêm và ở với bố trước đó, nhưng lại chìm giấc ngàn thu trong mộng tưởng an lành nhất ở thời khắc giao thừa, "Aylan Kurdi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống". Cái chết quá sức vô lý và đau đớn. Hiện thực tàn khốc cùng những mặt tối của xã hội đã xé toạc ước mơ và khát vọng sống của những đứa nhỏ vô tội đáng thương. Gác lại những bi kịch, bạn đọc lại thấy Andersen không phải đưa tiễn em bé, mà là trao cho em quyền sống, quyền đấu tranh, tiếp thêm ngọn lửa hy vọng. Cũng giống như ngọn lửa diêm, em phô ra những thứ đẹp đẽ nhất, nhưng rồi lại tắt lịm, yếu ớt, nhỏ nhoi. Nhưng cũng giống như ngọn lửa diêm, giữa hoàn cảnh khó khăn tăm tối, em tự thắp lên mình một ánh sáng để bám víu, cứu sống lấy mình. Ánh sáng từ que diêm tuy nhỏ bé đến tầm thường, nhưng là biểu tượng tượng trưng cho những khát vọng mãnh liệt hướng về tình yêu, cuộc sống. Chi tiết này lại cho ta liên tưởng đến hai xu dầu đèn của nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, những ngọn đèn leo lét của người dân phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, lần khêu dầu lên cho sáng của Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.. Hàng loạt con người, khi bị đẩy vào vực thẳm thối tăm, vẫn luôn tìm cho mình những ánh sáng nhỏ nhoi, thắp sáng những khát khao đổi thay vận mệnh. Trở lại với truyện cổ tích Cô bé bán diêm, những ước mơ, khát vọng chính đáng: Được ăn uống, vui chơi, yêu thương, chăm sóc của em đã nhờ ánh nến mà cháy lên trong những mộng tưởng, rồi ảo ảnh giải thoát cho em nhẹ nhàng. Có thể nói, những mộng tưởng kì diệu và cái chết đau buồn ấy vừa tái hiện một bi kịch, lại vừa gieo mầm những tia hy vọng. Mượn cái chết của cô bé bán diêm, nhà văn đã lên án sự vô cảm của người dân Đan Mạch - đất nước có chỉ số hạnh phúc đứng thứ ba thế giới, vui tươi giản dị đáng sống như vậy, cũng không tránh nổi sự ích kỷ và thói vô tâm. Cũng qua những mộng tưởng đẹp đẽ của cô bé ấy, Andersen đã truyền đến bạn đọc trên toàn thế giới một thông điệp: Hãy bao dung, thấu hiểu, đồng cảm với những con người bất hạnh, đặc biệt là những cảnh ngộ tuy bị vùi dập trong đêm đen bão tố, đối mặt với những thử thách khắc nghiệt, vẫn sáng mãi những hy vọng, ước ao nhỏ bé trên đời.

    [​IMG]

    [​IMG]
     
    Jenny QwQ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...