Cảm nhận về lý tưởng cống hiến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 10 Tháng bảy 2022.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Trong tập phim gần đây của Love, death & robots được xây dựng từ truyện ngắn The very pulse of the machine có một phân đoạn độc thoại nội tâm theo tôi đánh giá là vô cùng xuất sắc và nhân văn. Nhân vật chính đứng giữa vũ trụ đẹp một cách ma mị, kì bí pha chút ảo giác (có lẽ cũng do tác dụng của chất kích thích hóa học) và giữa những ảo ảnh ấy, con người ta thốt lên chân lý của một đời con người:

    "Chuyện gì sau khi tôi nhảy xuống

    Liệu tôi sẽ bất tử

    Hay đấy sẽ là lần cuối được sống và ôm mộng?"

    Martha đã chọn ngã xuống vực, hòa làm một với Io. Và rồi Martha có chết không? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho câu hỏi này. Tôi mạnh dạn đoán Martha đúng là đã hòa làm một với Io theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và ngay cả khi chưa rơi xuống vực, ngay khi còn mấp mé hơi thở cuối cùng, Martha cũng đã bắt đầu có ý niệm đi tìm cái bản ngã và lý tưởng của cuộc đời mình. Trong nguyên tác, tác giả chỉ kết thúc bằng câu nói ngắn ngủi, đầy tượng hình "She jumped. Briefly, she flew." Ông chỉ để lại một phần nổi của câu chuyện, câu trả lời cuối cùng phải để các độc giả tự tư duy bằng trải nghiệm của mình.

    Martha và cú rơi của cô đã tạo ra cú nổ phát sáng trong vũ trụ, cú nổ hỗn loạn, ảo diệu nhưng đẹp một cách lạ thường. Đẹp sâu sắc. Bởi cú rơi ấy chính là hành trình con người ta đấu tranh để tìm ra chân lý, đến với lý tưởng và sau đó hòa mình vào nó: Con người tìm sống đúng với lý tưởng của mình. "Chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi nhảy xuống?" Và tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều sẽ tự đặt ra câu hỏi tương tự và tìm câu trả lời ít nhất một lần trong đời.

    [​IMG]

    Vài thế kỉ trước, đại văn hào William Shakespeare cũng đã từng thể hiện cái chủ nghĩa nhân văn cao đẹp khi để cho nhân vật trong tác phẩm của mình tự đấu tranh và dấn thân vào công cuộc tìm kiếm chính mình, tìm thấy cái bản ngã và chân lý để tồn tại trên đời. Cao cả hơn mục đích trả thù, điều mà Shakespeare muốn gửi gắm chính là khát vọng sống cho ra người, sống có mục đích, lý tưởng để cuối cùng con người ta được thác vào giấc ngủ vĩnh hằng - một giấc ngủ mà chỉ những ai thực sự sống có ý nghĩa mới xứng đáng được yên giấc: "To be or not to be." Với ông và với Hamlet, chết không khác gì một giấc ngủ, nhưng đó là giấc ngủ có sự thanh lọc. Chỉ những ai đã sống một cách trọn vẹn, làm những điều đúng đắn và có lý tưởng mới xứng đáng có được một giấc ngủ ngon. Không sống không có nghĩa là chết, mà nghĩa là tồn tại (exist). Tồn tại và sống hoàn toàn khác nhau vì tồn tại chỉ đơn giản là bạn có mặt trên cõi đời này mà thôi, còn sống có nghĩa là bạn phải làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa bằng cách cống hiến giá trị cho bản thân và xã hội. Sống có nghĩa là bạn phải có nhiệt huyết, phải có ước mơ và cố gắng hết mình để hoàn thành ước mơ đó.

    Lý tưởng là thứ không chỉ có thể tìm thấy ở một dân tộc, một quốc gia bất kì mà đó là vấn đề của toàn nhân loại, là câu hỏi hóc búa của mỗi cá nhân.

    Đến với những tác phẩm quen thuộc hơn với chúng ta trong chương trình ngữ văn phổ thông, ta cũng thấy nhắc nhiều đến vẻ đẹp của con người mang lý tưởng và sẵn sàng dấn thân vì lý tưởng ấy:

    "Trong cái lặng yên của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nhắc đến tên người ta đã nghĩ ngay đến chuyện nghỉ ngơi, vẫn có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước." (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long)

    Đi đến tột cùng của sự cô đơn, con người ta vượt qua được nó để chạm đến lý tưởng sống. Thế là sự cô đơn tự động rời bỏ anh thanh niên bởi lý tưởng là người bạn tri kỉ, người bạn tâm hồn theo anh đến suốt đời. "Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?"

    Nhân vật anh thanh niên chấp nhận sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng giữa cổ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định). Bên cạnh những khó khăn, khắc nghiệt trong tính chất công việc, anh thanh niên còn phải chịu một điều vô cùng kinh khủng đó là sự cô đơn khi phải "sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo" khiến cho anh mắc căn bệnh mang tên "thèm người". Khi chỉ đọc đến đây, có lẽ nhiều người sẽ phá lên cười và cợt nhả sự "thèm người" của anh thanh niên, còn khi đã trải qua hoàn cảnh tương tự, ta sẽ thấy thương anh vô cùng. Sự cô đơn lâu ngày sẽ dần giết mòn con người, "thèm người" cũng được xếp vào một trong những nhóm bệnh rối loạn tâm thần phân ly, và xin nhấn mạnh một lần nữa sự đơn độc có thể làm tâm hồn ta mục rữa từng ngày. Anh thanh niên đang ở độ tuổi 27 phải sống một mình giữa bốn bề núi rừng không một người quen, chính vì lẽ đó mà anh mừng rỡ khi nghe tin đoàn xe sắp chạy lên thăm Sa Pa. Anh hạnh phúc khi được chuyện trò với những người miền dưới chỉ trong vỏn vẹn ba mươi phút.

    Giữa hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, tính chất công việc gian khổ và sự cô đơn trơ trọi, anh thanh niên tìm được cho mình lẽ sống và thú vui khi ở Sa Pa: Hết mình vì lý tưởng. "Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?" Chính bản thân anh đã trả lời được câu hỏi "Ai cũng chọn những việc nhẹ nhàng, vậy việc gian khổ sẽ vào tay ai?"

    Lý tưởng không phải là một điều gì đó quá cao siêu khiến chúng ta cho rằng chỉ có những người vĩ đại mới có thể theo đuổi được. Lý tưởng sẽ dần xuất hiện trong cuộc sống chúng ta và khi sống hết mình vì nó, cuộc đời mỗi người sẽ được thắp sáng.

    "A brave man once requested me

    To answer questions that are key

    Is it to be or not to be

    And I replied 'oh why ask me?"
     
    Aquafina thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...