Cảm nhận về hình ảnh của đoàn thuyền trong hai khổ thơ đầu và cuối của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nắng2601, 19 Tháng năm 2022.

  1. nắng2601

    Bài viết:
    12
    Cảm nhận về hình ảnh của đàn thuyền đánh cá trong hai khổ thơ đầu và cuối của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận

    [​IMG]

    Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận

    Bài làm​

    Sau năm 1945, văn học Việt Nam bước sang thời kì văn chương Cách mạng. Mang đậm âm hưởng anh hùng ca bi tráng, oai hùng nhằm tiếp thêm động lực, sức mạnh chiến đấu và xây dựng đất nước. Thoát ra khỏi cái tôi u sầu của mình trong thời kì Thơ mới, Huy Cận thổi vào hồn văn của mình sự vui tươi, phấn chấn về thiên nhiên, con người hăng say lao động kiến thiết nước nhà. Đoàn thuyền đánh cá là một trong số những tác phẩm "thay máu" của ông, lấy cảm hứng từ người dân miền biển và vẻ đẹp biển khơi phóng khoáng năng động. Trong bài thơ, hai khổ thơ đầu và cuối có sự liên kết về nội dung và hình ảnh, mở ra khoảng thời gian trước và sau khi đoàn thuyền ra khơi đánh cá gây ấn tượng đặc sắc cho người đọc.

    "Mặt trời xuống biển như hòn lửa

    Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

    Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi"




    "Câu hát căng buồm với gió khơi,

    Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

    Mặt trời đội biển nhô màu mới

    Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."


    Ra đời sau chuyến đi thực tế dài ngày của tác giả tới vùng mỏ Quảng Ninh, bài thơ được ví như một bức tranh tả thực cảnh đoàn thuyền của những người dân chài lưới ra khơi đánh cá trên nền trời thăm thẳm. Hình ảnh tráng lệ, đẹp đẽ cùng con người lao động tươi vui thể hiện sự tin tưởng, hy vọng và tự hào của nhà thơ với công cuộc đổi mới đất nước. Khổ thơ đầu của bài thơ là cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá, khổ thơ cuối lại là cảnh đoàn thuyền trở về với chuyến thu hoạch thắng lợi. Những hình ảnh, cảnh tượng lặp lại trong hai khổ thơ mang đến suy nghĩ và liên tưởng về sự lặp vòng, vần xoay của vũ trụ cũng như hoạt động của con người. Thời gian tuần hoàn, từ hoàng hôn tới bình minh cũng giống như con người luôn luôn cố gắng phát triển sự nghiệp, cải tạo nước nhà.

    Nhà thơ mở đầu bài thơ bằng một bức tranh hoàng hôn tráng lệ khi thiên nhiên dần chìm vào giấc ngủ thì con người mới bắt đầu công việc của mình:

    "Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

    Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

    Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi."


    Hình ảnh "đoàn thuyền" gợi ra sự tấp nập đã tạo nên không khí sôi nổi trên mặt biển. Đoàn ngư dân cất cao câu hát khởi hành tràn đầy khí thế bởi tiếng hát sẽ xua đi sự mệt mỏi. Nhà thơ sử dụng từ "lại" để chỉ nhịp điệu công việc của người lao động đã góp phần tô đậm sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Con người lao động khi thiên nhiên chìm vào giấc ngủ là việc vô cùng quen thuộc với những ngư dân vùng biển. Hình ảnh câu hát, cánh buồm, gió khơi đã cho ta thấy niềm vui, niềm phấn chấn của người lao động, đó chính là sức mạnh vô hình để đẩy căng cánh buồm. Họ ra khơi trong tâm thế hứng khởi bởi vì họ tìm thấy niềm vui trong lao động, yêu biển và say mê với công việc chinh phục biển khơi làm giàu Tổ quốc.

    Cảnh hoàng hôn trên biển được miêu tả ở điểm nhìn và vị trí đặc biệt đó là điểm nhìn di động trên con thuyền ra khơi. Vì thế khi người quan sát nhìn về phía mặt trời lặn qua một khoảng biển rộng lớn thì sẽ thấy rằng mặt trời đang dần ngâm mình xuống dưới biển. Mặt trời như một hòn than cháy hồng đang lặn xuống mặt biển, gợi cho ta thấy bước đi của thời gian đó là dấu hiệu của một ngày sắp hết. Khi đó, màn đêm là tấm cửa khổng lồ cũng dần buông xuống "sóng cài then", "đêm sập cửa" gợi cho ta cảm giác gần gũi, thân thương vì vũ trụ như một ngôi nhà lớn có then, có cửa. Nhà thơ đã miêu tả rất chân thực khoảnh khắc chuyển đổi giữa ngày và đêm khiến cho cảnh biển hiện ra trước mắt người đọc trở nên thật đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi sự gần gũi, thân quen như ngôi nhà của những người dân chài vậy.


    Chỉ với bốn dòng thơ nhưng Huy cận đã vẽ lên một bức tranh hoàng hôn rực rỡ và hình ảnh con người lao động say mê với công việc và làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên. Ngôn ngữ thơ có âm điệu vui tươi, khỏe khoắn, bay bổng mang đến sức hấp dẫn cho bài thơ.

    Nếu như ở khổ thơ đầu của bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" ta thấy được cảnh ra khơi của đoàn thuyền trong hoàng hôn rực lửa thì đến khổ thơ cuối, đoàn thuyền ấy đã trở về đầy ắp cá trong bình minh tráng lệ:

    "Câu hát căng buồm với gió khơi,

    Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

    Mặt trời đội biển nhô màu mới,

    Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."


    Hình ảnh "câu hát" được lặp lại như một điệp khúc ngân nga có tác dụng nhấn mạnh niềm vui lao động, làm giàu quê hương của những người dân chài. Có lẽ, câu hát lúc ra khơi của những ngư dân vùng biển là câu hát lạc quan, tin tưởng khi trở về con tàu sẽ đầy ắp cá tươi còn câu hát lúc trở về là câu hát vui sướng trước thành quả lao động sau một đêm đầy vất vả, cực nhọc của họ. Đoàn thuyền như một sinh thể sống động, chạy đua với thiên nhiên bằng tốc độ ánh sáng. Qua đó, ta thấy được khí thế khẩn trương, sức lực dồi dào, hăng say làm việc sau một đêm vất vả của người lao động cho nên đoàn thuyền vẫn còn sức để "chạy đua cùng mặt trời". Bằng hình ảnh thơ bay bổng, tác giả đã làm nổi bật tư thế của những con người lao động đó là tư thế sánh ngang với vũ trụ, chiến thắng thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên trong mọi cuộc đua. Đoàn thuyền trở về lúc mình minh khi mặt trời "nhô màu mới", đây là dấu hiệu của sự sống sinh sôi, nảy nở với vô vàn niềm vui, niềm hạnh phúc của người lao động vùng biển có được sau một chuyến hành trình vất vả, cực nhọc. Ở câu thơ cuối cùng của bài thơ, ta lại bắt gặp một hình ảnh mặt trời khác, tuy nhiên đây không phải mặt trời của thiên nhiên mà của muôn ngàn "mắt cá". Mắt cá lấp lánh như sao trời chính là ánh sáng của thành quả lao động, gợi ra niềm tin, niềm hi vọng của người lao động về tương lai tươi sáng. Khổ thơ cuối mang âm hưởng của bản hùng ca lao động với niềm vui phơi phới của con người khi thắng lợi trở về và làm chủ cả thiên nhiên, đất trời.

    Nếu khổ đầu nói lên thời điểm xuất phát thì khổ cuối là thời điểm trở về. Điểm xuất phát lúc mặt trời xuống biển đỏ như hòn lửa thì lúc trở về bình minh mặt trời đội biển lên mang theo một màu mới khép kín một chu trình thời gian và cũng là hoàn thiện một chu trình làm việc của dân chài. Đoàn thuyền lúc này cá đầy khoang, gương buồm chạy đua cùng mặt trời, hình ảnh thật rực rỡ, tráng lệ, khúc hát trở về là khúc ca khải hoàn của người lao động, vẫn khí thế như lúc ra đi hồ hởi, phấn khở trong niềm vui chiến thắng. Khổ thơ sử dụng nhiều thư phát nghệ thuật ẩn dụ, hình ảnh đẹp tráng lệ tạo lên bức tranh trên biển đẹp hào hùng. Đặc biệt là tiếng hát ngân nga suốt bài thơ. Mỏ đầu và kết thúc đó là tiếng hát lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của người lao động.

    Như vậy, chỉ với khổ thơ đầu và khổ thơ cuối đã tạo nên một kết cấu bài thơ vô cùng đặc sắc. Tiếng hát say mê niềm vui như đang làm rung động sợi dây tình cảm của ta, và đây cũng chính là cái tài cái khéo của Huy Cận khi làm thơ. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ phải kể đến câu thơ "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời". Được ví như nhãn tự của tác phẩm, Huy Cận nâng tầm con người lên với tầm của vũ trụ. Quả cầu lửa của nhân loại, mặt trời lộng lẫy chói chang, giờ đây, đoàn thuyền với những người lao động cũng có thể sánh ngang với mặt trời. Sau một đêm lao động vất vả, họ vẫn dồi dào năng lượng, cũng giống như đất nước và con người Việt Nam, chìm trong chiến tranh, đạn bom loạn lạc, nhưng khi tổ quốc bước vào thời kì xây dựng, người dân vẫn luôn sẵn sàng tiên phong, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

    Với lời thơ dứt khoát, mạnh mẽ cùng âm hưởng bản anh hùng ca, hình ảnh thơ lặp lại, tương xứng ở khổ đầu và khổ cuối, tác giả đã mang đến một nức họa với những khối màu vừa hài hòa, giao thoa vừa đối lập, tương phản. Đặc sắc nghệ thuật của hai khổ thơ chính là ở chỗ, dùng những hình ảnh cũ nhưng nội dung lại nói về cái mới, tạo nên sự hô ứng giữa không gian và thời gian. Không gian tuần hoàn, thời gian ngày đêm lặp vòng cũng giống như những người lao động luôn làm việc hăng say, hết mình cho sự nghiệp lớn lao của dân tộc.
     
    ThuyTrangMèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...