Cảm nhận về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi An béo, 3 Tháng chín 2021.

  1. An béo

    Bài viết:
    33
    Đề: Cảm nhận của em về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt.

    (p/s: ** Mở bài, * luận điểm chứng minh, *** Đánh giá, # Kết bài. Mỗi phần được đánh dấu khi bắt đầu viết đoạn đó thì lùi vào so với lề)

    Bài làm

    ** Kỉ niệm tuổi thơ ai mà chẳng có. Tuổi thơ trong hồi ức của người chiến sĩ trong thơ Xuân Quỳnh là tiếng gà giữa trưa hè, là "con sông xanh mát" với Tế Hanh, là những ngày tháng "níu váy bà đi chợ Bình Lâm, bẻ trộm quả ở chùa" trong kí ức Nguyễn Duy.. Còn với Bằng Việt, kí ức của người con xa quê được gửi trọn trong hình ảnh bếp lửa. Hình tượng bếp lửa trong bài thơ cùng tên là điểm tựa, xuyên suốt cả bài thơ.

    *Bằng Việt sáng tác thơ từ đầu những năm 1960 của thế kỉ trước và trở thành một trong những gương mặt nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ là dòng hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại của người cháu đang xa quê hình ảnh chiếc bếp lửa xuất hiện xuyên suốt dòng hồi tưởng ấy.

    *Trước tiên hình ảnh chiếc bếp lửa ấy là hình ảnh mở ra dòng hồi tưởng của người cháu phương xa. Khi ấy Bằng Việt đang học tập ở nước Nga xa xôi, trong một đêm đông lạnh lẽo đầy băng tuyết, nó lạnh đến tận nơi trái tim của người con xa xứ như ông. Trong sự giá lạnh ấy hình ảnh chiếc bếp lửa hiện lên, mở ra một dòng hồi tưởng của người cháu nhớ về người bà kính yêu của mình, nhớ về quê hương đã xa tận chân trời.

    "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!"

    Hình ảnh chiếc bếp lửa vốn dĩ đã vô cùng quên thuộc gần gũi trong mỗi gia đình người Việt. Đặc biệt là vào thời kì ngày xưa, chiếc bếp lửa đơn sơ, giản dị nhưng đi theo bao thế hệ của một gia đình. Hình ảnh chiếc bếp lửa đã gợi lên trong đầu Bằng Việt hình ảnh đôi bàn tay chai sạn của bà, đôi bàn tay có thể không trắng sạch nhưng đối với tác giả đó có lẽ là đôi bàn tay đẹp đẽ nhất, nó đẹp như vậy là bởi đó là đôi bàn tay dịu dàng, chi chút, tần tảo của người bà kính yêu.

    Kỉ niệm tuổi thơ của tác giả Bằng Việt gắn liền với hình ảnh bếp lửa bập bùng và ngồi bên cạnh chiếc bếp lửa ấy chính người bà thân yêu:

    "Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

    Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay"

    Làn khói đã in đậm, in sâu trong tâm trí của người cháu hay đó chính là nỗi cơ cực, vất vả của cái nghèo, cái đói, của chiến tranh loạn lạc trong tuổi ấu thơ của người cháu. Những câu thơ được viết lên bằng những tình cảm chân thực nên chan chứa nước mắt và dày đặc làn khói. Giọng thơ trầm xuống thấm thía một nỗi buồn cơ cực đến xót xa khi dòng hoài niệm tuổi thơ dâng đầy trong lòng thi sĩ khiến "sống mũi còn cay". Đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945, một thảm họa đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ, đẩy nhân dân ta xuống tận cùng của vực thẳm tăm tối. Như Chế Lan Viên đã có lần chua chát thốt lên rằng:

    "Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ

    Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!"

    *Hình ảnh bếp lửa không chỉ là một hình ảnh mang ý nghĩa thực, thực đến đau lòng mà hình ảnh bếp lửa còn mang trong mình một ý nghĩa khác, ý nghĩa ẩn dụ.

    "Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,

    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,

    Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.."

    Hình ảnh "bếp lửa" được thay thế bằng "ngọn lửa" với ý nghĩa trừu tượng và khái quát. Điệp ngữ "Một ngọn lửa" "vừa có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự sống dai dẳng bất diệt của ngọn lửa; lại vừa có ý nghĩa thể hiện tình yêu thương mà người bà dành cho cháu. Bếp lửa bà nhen lên trong mỗi buổi sớm mai và buổi chiều tà không đơn giản chỉ bằng nguyên liệu của tự nhiên, mà cao hơn đã được tác giả nâng lên thành biểu tượng cho tình yêu thương và niềm tin trong sáng, mãnh liệt. Ngọn lửa chính là hình ảnh khúc xạ cho tâm hồn, cho ý chí, nghị lực sống phi thường của người bà. Vì thế, bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người tiếp lửa, truyền lửa cho người cháu thân yêu. Đó là ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho thế hệ nối tiếp.

    " Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.. "

    Điệp từ" nhóm "mang nhiều ý nghĩa khác nhau, lặp đi lặp lại như một công việc khởi đầu ngày mới Ở câu đầu tiên bà" nhóm "lửa để sưởi ấm và nấu ăn cho gia đình, đó là bếp lửa có thực trong mỗi gia đình Việt. Những câu thơ tiếp theo từ" nhóm "lại mang trong mình ý nghĩa ẩn dụ. Cũng là nhóm lên tình yêu thương (" nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi "), nhóm lên tình đoàn kết" mới sẻ chung vui "; khơi dậy trong cháu những ước mơ (" nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ "). Giờ đây, cháu mới ngỡ ngàng nhận ra ý nghĩa của việc nhóm lửa.

    Từ những ý nghĩa ẩn dụ trong hình ảnh bếp lửa, đã khiến người cháu bật lên lời cảm thán:

    " Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa! "

    Câu thơ cảm thán cùng cấu trúc đảo ngữ độc đáo. Khiến câu thơ như một lời cảm thán được bật ra bởi sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như khám phá ra được một điều kì diệu ngay giữa cuộc đời ảm đạm, bình dị ấy; công việc tưởng chừng như thân thuộc chẳng thể ngờ đâu lại kì diệu đến thế. Kì lạ là vì mặc dù chỉ là hình ảnh bếp lửa bình dị trong đời thường thường nhưng ngọn lửa của chiếc bếp ấy lại luôn nồng đượm trong lòng người cháu đã trưởng thành và đang xa quê hương. Thiêng liêng là bởi hình ảnh bếp lửa ấy mang những ý nghĩa lớn lao, nó thắp sáng ngọn lửa lòng, tình yêu thương người bà dành cho cháu, nó thắp sáng cả ngọn lửa của niểm tin, ý chí, nghị lực trong người cháu trai ấy và nó còn giúp người cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao nhưng lại tình nghĩa vô cùng. Hình ảnh bếp lửa còn thiêng liêng bởi vì nó chính là hình ảnh biểu tượng của cuộc đời lam lũ, tình cảm cao quý của bà;là biểu tượng của tình bà cháu bình dị, sâu sắc mà cao cả, cũng chính là biểu tượng của quê hương, đất nước và cội nguồn. Chỉ là hình ảnh bếp lửa gần gũi, bình dị nhưng trong ấy ẩn dụ những điều mới cao cả làm sao!

    *Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh thực hay là hình ảnh ẩn dụ thì hình ảnh bếp lửa vẫn luôn gắn liền với hình ảnh của bà," người bà - người giữ lửa", nhóm lửa, truyền lửa, người xây đắp nên tuổi thơ cho cháu bằng sự đùm bọc và cưu mang trọn vẹn của bà. Hình ảnh của bà cũng chính là hình ảnh của người phụ nữ giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Bà và bếp lửa chính là biểu tượng của quê hương, của đất nước, của cội nguồn và chính là một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Bằng Việt lúc bấy giờ.

    * * *Bài thơ là sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả, bình luận khiến cho ý thơ vừa giàu cảm xúc, vừa sâu sắc. Thể thơ tám chữ với cảm xúc hồi tưởng, suy ngẫm. Hình ảnh thơ đa nghĩa, hình tượng bếp lửa và bà sóng đôi làm điểm tựa khơi nguồn mọi kỉ niệm, cảm xúc của cháu. Bài thơ chứa đựng một triết lí nhẹ nhàng mà sâu sắc: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người ta trên suốt chặng đường đời.

    #Cứ nhẹ nhàng, mộc mạc mà thấm thía, sâu xa, bếp lửa của bà, ngọn lửa của bà, tình yêu thương của bà đã soi tỏ con đường cháu đi. Có thể sau này, trong cuộc sống hiện đại, không còn nhiều biết đến bếp lửa như mảnh quê nghèo ấy nữa nhưng nó đã thành biểu tượng, là hình ảnh của vẻ đẹp con người, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...