Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương: Từ đây, như đã tìm đúng đường về... của một nỗi lòng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 4 Tháng mười hai 2022.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 2: "[..] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long [..] Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng."

    Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn về cái "tôi" tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Bài làm


    "Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới giọt mật

    Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ

    Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực

    Nào con nào đã được nhởn nhơ.."

    ( "Thơ bình phương – Đời lập phương" – Chế Lan Viên)

    Thật vậy, bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Và lao động nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng: Thầm lặng. Chán nản. Đơn độc. Vất vả. Giằng xé. Mỗi một tác phẩm chân chính ra đời là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, một quá trình cọ xát dữ dội của người nghệ sĩ. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không nằm ngoài điều đó. Ông đã viết nên bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (1986) mà linh hồn của nó là đoạn trích phần thứ nhất. Thưởng thức bài kí, độc giả không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp của sông Hương khi chảy vào lòng thành phố Huế thân yêu. Qua đó, bộc lộ rõ cái "tôi" tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường. "[..] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long [..] chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng."

    Như chúng ta đã biết, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kế hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí.. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là bút kí hay nhất của nhà văn viết về xứ Huế thơ mộng và con sông Hương xinh đẹp. Bài bút kí gồm ba phần mà đặc sắc nhất phải kể đến phần thứ nhất. Với tác phẩm này, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy chất thơ về sông Hương theo dòng chảy của nó từ Trường Sơn cho đến khi chảy qua thành phố Huế và xuôi về biển. Đoạn trích trên nằm ở phần đầu thể hiện vẻ đẹp của sông Hương khi chảy vào lòng thành phố Huế thân yêu. Qua đó, bộc lộ rõ cái "tôi" tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Các dòng sông là cái nôi của những vùng, các nền văn hóa đa sắc màu nên viết về nó các nhà thơ, nhà văn thường viết bằng cả sự am tường, bằng một tình yêu tha thiết, sâu lắng. Từ lâu, con sông Hương của xứ Huế cũng đã rất nhiều lần đi vào các tác phẩm văn hóa, thơ ca. Dòng sông ấy đã từng được nhà thơ Hàn Mặc Tử miêu tả:

    "Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng bắp buồn thiu hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Hay một nhà thơ nào đó cũng ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, xứ Huế:

    "Thiếu nữ thẫn thờ vê áo mỏng

    Nghiêng nghiêng vành nón đứng chờ ai

    Ven dòng sông phẳng con đò mộng

    Lả lướt đi về trong nắng mai"

    Bởi vậy, viết về dòng sông Hương là một thử thách. May thay, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua thử thách ấy để tặng cho đời bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Trong tác phẩm này nhà văn đã cảm nhận về đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ, phương diện. Nhà văn đã tìm hiểu thủy trình, khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương và nhìn dòng sông trong sự gắn bó với nền văn hóa của xứ Huế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cảm nhận về nó một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất với một tâm hồn nghệ sĩ đầy rung cảm.

    Trong bài kí, vẻ đẹp của sông Hương trước hết được tác giả cảm nhận từ góc nhìn địa lí qua thủy trình, cảnh sắc thiên nhiên của dòng Hương giang từ vùng thượng lưu qua vùng đồng bằng rồi về thành phố Huế. Ở mỗi khúc đoạn dòng sông lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng đầy cuốn hút. Ở những đoạn văn trước nhà văn đã miêu tả sông Hương ở thượng nguồn mang vẻ đẹp mãnh liệt, man dại và huyền bí, nhưng có lúc lại trở nên dịu dàng say đắm. Bởi vậy, vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn như một cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại có tâm hồn tự do, trong sáng. Sông Hương khi về đến đồng bằng châu thổ mang vẻ đẹp của một người con gái đẹp và nhuốm màu cổ tích. Người con gái đẹp ấy dám dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian truân để tìm đến với người tình trong mộng là thành phố Huế. Theo đó, đoạn văn này miêu tả vẻ đẹp của sông Hương khi nó về đến thành phố Huế.

    Miêu tả vẻ đẹp sông Hương ở Huế là lúc tài văn chương của tác giả được dịp thăng hoa. Bởi vì, về đến Huế, sông Hương mới bộc lộ hết vẻ đẹp của nó và hầu như người ta thường chỉ biết đến sông Hương qua gương mặt kinh thành của nó. Ta có thể ví đoạn văn miêu tả sông Hương ở Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường như một tấm đá hoa cương đủ khắc tên nhà văn làm vẻ vang một đời nghệ sĩ.

    Sông Hương khi chảy vào thành phố Huế được nhân hóa mang tâm trạng như con người .

    Khi biết đã tìm đúng đường để về gặp thành phố thân yêu, sông Hương vui tươi lên hẳn lên giữa biền bãi vùng ngoại ô Kim Long. Qua lăng kính tình yêu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã luôn nhìn sông Hương với thành phố Huế như một cặp đôi tình nhân và dòng Hương giang khi gặp người tình trong mộng đã không che giấu niềm vui của nó.

    Khi biết đã tìm đúng đường về để gặp người tình mong đợi, sông Hương cũng không còn băn khoăn, trăn trở "đổi dòng", "uốn mình" liên tục nữa mà "kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam, Đông Bắc" thật yên tâm bởi nó đã nhìn thấy cây cầu trắng của thành phố. Như vậy dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường sông Hương lúc này đã là một cô gái có tâm hồn, ý thức tìm được chính mình, đi tìm tình yêu đích thực của mình để được ôm ấp trong lòng một cố đô cổ kính.

    Khi gặp người yêu, có cô gái nào lại không làm duyên, làm dáng và sông Hương ở đây cũng vậy. Khi giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu". Quả thực, đây là một câu văn súc tích, mang vẻ đẹp lãng mạn và đầy mê đắm của tình yêu miêu tả dòng sông Hương khi gặp người tình của nó trở nên đầy e ấp, tình tứ, thể hiện sự chấp nhận tình yêu một cách đầy kín đáo và nữ tính.

    Chi tiết này làm ta nhớ đến những câu thơ trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm:

    "Sông Đuống trôi đi

    Một dòng lấp lánh

    Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì

    Xanh xanh bãi mía bờ dâu."

    Có lẽ đó cũng là nét đẹp thường thấy ở nhiều dòng sông khác. Nhưng nếu như Hoàng Cầm chỉ gửi gắm nỗi niềm kín đáo thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại nói rõ sông Hương "vui tươi hẳn lên" vì "nó đã tìm đúng đường về". Cái vui tươi của dòng sông lại cho ta liên tưởng đến cái vui tươi của con người, đến cuộc sống yên bình của người dân một miền đất với những bờ bãi xanh biếc, màu mỡ.

    Nổi bật trên nền xanh của dòng Hương giang ở Huế là hình ảnh đầy ấn tượng: "Chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như vành trăng non". Ai đã từng đến Huế đều biết đến cây cầu Tràng Tiền nổi tiếng vẫn soi bóng trên dòng Hương giang, gợi một vẻ đẹp rất riêng mà chỉ có xứ Huế mộng và thơ mới có. Hình ảnh cây cầu ấy của đất cố đô đã đi vào thi ca với vẻ đẹp quyến rũ kì lạ:

    "Cầu cong như chiếc lược ngà

    Sông dài mái tóc cung Nga buông hờ"

    (Nguyễn Bính)

    Nguyễn Bính và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều cảm nhận được đường cong gợi cảm của cây cầu vắt ngang dòng sông Hương. Nhưng nếu nhà thơ Nguyễn Bính so sánh cầu Tràng Tiền như chiếc lược ngà thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại so sánh với vành trăng non – một so sánh độc đáo, mới lạ để gợi tả thêm vẻ đẹp duyên dáng, tươi sáng của cây cầu. Có thể nói liên tưởng, so sánh ấy thật bất ngờ nhưng rất đỗi hợp lí và cũng thật nên thơ bởi hình ảnh đó đã nói được hình dáng, màu sắc của cây cầu và dường như nhịp cầu có phản chiếu một ít ánh sáng. Hình bán nguyệt bừng sáng ở phía xa ấy như "vành trăng non" để liên tưởng có tiếp ở người đọc là ánh mắt của người thiếu nữ. Có lẽ khi đi tới liên tưởng, so sánh này thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nghĩ đến câu Kiều:

    "Mày ai trăng mới in ngần"

    Truyện Kiều - Nguyễn Du

    Niềm vui của dòng sông khi gặp cầu Tràng Tiền không ồn ào mà có gì đó sâu thẳm, lặng lẽ. Khi gặp người yêu, có cô gái nào lại không làm duyên, làm dáng và sông Hương ở đây cũng vậy. Khi giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu". Quả thực, đây là một câu văn súc tích, mang vẻ đẹp lãng mạn và đầy mê đắm của tình yêu miêu tả dòng sông Hương khi gặp người tình của nó trở nên đầy e ấp, tình tứ, thể hiện sự chấp nhận tình yêu một cách đầy kín đáo và nữ tính. Điều nàu làm ta nhớ đến vẻ đẹp đầy tình tứ mà cũng rất kín đáo của cô gái xứ Huế. Hàn Mặc Tử cũng đã có câu nói về điều này:

    "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

    Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

    Để làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng của dòng sông Hương ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh sông Hương với một số dòng sông đẹp và nổi tiếng trên thế giới. Nhà văn so sánh sông Hương với sông Xen của Pa-ri và sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét để thấy vẻ đẹp riêng của dòng sông Hương là nó thuộc về một thành phố duy nhất và chỉ một mình nó còn nằm trong tổng thể một đô thị cổ. Nó trôi đi bên cạnh những cây đa cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít, mà ở đó vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ. Vẻ đẹp cổ kính ấy của Huế, của sông Hương "không có một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được" . Có thể nói lời nhận xét tràn đầy tình yêu say đắm ấy không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng mà còn thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với dòng sông thuộc về quê hương xứ sở mình sinh ra và lớn lên.

    Sau đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn so sánh sông Hương với dòng sông Nê-va ở Lê-nin-grat để nhấn mạnh điểm khác biệt là nếu như dòng sông Nê-va chảy rất nhanh, thì sông Hương có dòng chảy chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh . Nhà văn cảm nhận dòng chảy nhanh của sông Nê-va qua hình ảnh những chú hải âu tinh nghịch co một chân trên đám băng lô xô trôi theo dòng chảy ra bể Ban-tích. Nước sông Nê-va chảy nhanh đến mức cuốn trôi băng băng những con tàu bằng thủy tinh chở theo những hành khách tí hon khiến tác giả chỉ biết ngẩn ngơ trông theo.

    Và có như thế tác giả mới thấy quý điệu chảy chậm của dòng Hương giang khi ở Huế. Nếu như dòng sông Nê-va ở nước Nga xa xôi chảy qua thành phố với tốc độ rất nhanh "không kịp cho lũ hải âu nói điều gì" với người bạn của nó thì sông Hương lại chảy lặng lờ và được so sánh như một "điệu slow" tình cảm mà Hương giang dành riêng cho xứ Huế. Sông Hương chậm rãi, lặng lờ mang đậm khí vị của xứ Huế mộng mơ qua sự miêu tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đây cũng rất giống với sự miêu tả của nhà thơ Thu Bồn:

    "Con sông dùng dằng con sông không chảy

    Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"


    Nhà văn còn tô đậm dòng chảy chậm của Hương giang một lần nữa bằng cảm nhận của thị giác qua hàng nghìn ánh đèn hoa đăng bồng bềnh trên sông Hương vào dịp rằm tháng bảy, từ điện Hòn Chén trôi về đến Huế thì ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như vấn vương của một nỗi lòng . Đặc điểm dòng chảy chậm ấy được nhà văn lí giải từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đặc điểm địa lí tự nhiên thì những chi lưu tỏa ra khắp phố thị cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước. Nhưng mặt khác, bằng lí lẽ của trái tim tác giả cho rằng "điệu chảy lặng lờ", "ngập ngừng muốn đi muốn ở" của sông Hương là do tình cảm của nó dành riêng cho Huế. Sông Hương do quá yêu thành phố thân thương của mình nên dùng dằng không nỡ rời xa, nó chảy chậm, thật chậm để được ở bên người tình mong đợi.

    Và chính dòng chảy chậm đầy tình yêu ấy của dòng Hương giang đã tạo nên vẻ đẹp sâu lắng, trầm mặc và rất đỗi thơ mộng cho xứ Huế. Nên có thể nói sông Hương dường như đang hòa điệu tâm hồn mình vào Huế để tôn lên vẻ đẹp thơ mộng của cố đô. Đứng trước sông Hương, người ta không chỉ cảm nhận trước một bức tranh sông nước diễm lệ mà còn đứng trước một biểu tượng của Huế, tâm hồn Huế, văn hóa Huế.

    Đoạn văn nhẹ nhàng với ngòi bút tinh tế, lối viết giàu cảm xúc, kết hợp giữa miêu tả và tự sự. Bằng sự quan sát tinh tường, tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú, tác giả đã miêu tả sông Hương từ góc nhìn địa lí, hành trình sông Hương tìm về với Huế như về với tình nhân của mình. Các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa.. được sử dụng hiệu quả.

    Tác giả còn vận dụng những tri thức phong phú, những hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt như địa lý, thơ ca, âm nhạc, hội họa.. để làm giàu cho giá trị nhận thức của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung. Chất thơ thể hiện rõ qua ngôn từ, hình ảnh.. tạo nên những câu văn rất hay như "chiếc cầu trắng.. nhỏ nhắn như những vành trăng non", "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ.. một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu".. Vẻ đẹp của sông Hương cùng tài năng của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên đoạn văn đậm chất nhạc và chất họa. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương cùng những chi lưu tạo nên những đường nét thật mềm mại, tinh tế và cổ kính. Cảm nhận bằng âm nhạc thì sông Hương đang trong điệu slow du dương, sâu lắng và ngập tràn tình cảm với Huế.

    Tất cả cho thấy một cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự tài hoa, uyên bác và chân thành, tha thiết yêu sông Hương - xứ Huế. Đoạn trích còn thể hiện phong cách sáng tác riêng biệt và đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sự kết hợp giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều.

    Gấp lại trang văn "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", dường như trong lòng mỗi người đọc vẫn còn vương vấn mãi hình bóng dòng nước mênh mang trầm mặc nơi miền đất cố đô xinh đẹp, dịu dàng. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng ngòi bút phác họa hình dung một dòng Hương trữ tình bằng ngôn từ trên trang giấy, thể hiện trọn vẹn một nét bút tài hoa, uyên bác và khả năng quan sát, thấu thị đa chiều của mình trên từng dòng chảy Hương giang. Bao nhiêu năm đã trôi qua, thiên bút kí vẫn ở đó, vẹn nguyên cả về ý nghĩa và tình thần, mãi là nhịp phách tiền tuyệt nhất ru người đọc về với dải đất Huế mộng, Huế thương:

    "Huế vẫn thế, bao đời nay vẫn thế

    Hương Giang trôi, còn trôi mãi ngàn năm"

    (Theo anh về Huế, Huỳnh Minh Nhật)
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười hai 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...