Cảm nhận về bức tranh tứ bình Việt Bắc - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 19 Tháng mười một 2022.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    "Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững

    Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa

    Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng

    Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa"

    ( "Đi trên mảnh đất này" – Huy Cận)

    Sảng khoái biết bao! Tự hào biết bao! Trong tâm trí ta bỗng cuồn cuộn đổ về dòng lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc. Bừng sáng trong tâm hồn bao thế hệ là lớp lớp những chiến công dựng nước và gữ nước với trời bể ân tình thủy chung nhất, yêu thương đùm bọc nhau của những con người quen đứng đầu sóng ngọn gió, chống lại mọi thế lực thù địch để giành lấy quyền sống, quyền làm người. Hòa trong mạch nguồn văn học thời kì ấy, không thể không kể đến khúc hung ca và đồng thời là bản tình ca "Việt Bắc" của Tố Hữu. Đoạn trích dưới đây đã khắc họa vẻ đẹp của bức tranh tứ bình và nỗi nhớ về thiên nhiên và con người nơi đây:

    "Ta về, mình có nhớ ta

    [..]

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

    Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ lão thành. Không chỉ vậy, nhà thơ Tố Hữu còn được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam bởi ông luôn thể hiện lẽ sống lớn, tư tưởng, lí tưởng lớn, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc. Và Việt Bắc cũng là một trong số tác phẩm được coi là đứa con tinh thần của nhà thơ.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7 năm 1954, hiệp định Giơ – Ne – Vơ về Đông Dương kí kết. Hòa bình lặp lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của dân tộc được mở ra. Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ là đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung.

    Khổ thơ trên năm ở giữa đoạn trích, được đánh giá như một bức tranh đẹp nhất về Việt Bắc trong nỗi nhớ của nhà thơ, là sự hòa quyện thắm thiết giữa người và cảnh, là ấn tượng không thể phai mờ về con người Việt Bắc cần cù lao động, thủy chung tình nghĩa.

    Ai đó đã từng nói rằng: "Hoa Lữ Phong ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm của nó, chim Sơn Tước ở lại giữa cuộc đời nhờ tiếng hót vút cao của nó giữa dàn đồng ca của núi rừng." Cũng như vậy, một tác phẩm muốn neo đậu thật lâu trong người đọc thì nó phải mang cho mình một sứ mệnh riêng. Ý thức được điều đó, Tố Hữu đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình, ông đã thổi hồn, đánh thức người đọc vào những câu thơ Việt Bắc.

    Mở đầu đoạn thơ là câu hỏi tu từ "Mình về mình có nhớ ta". Câu thơ không dùng để hỏi mà nó chỉ là cái cớ để người ra đi bày tỏ nỗi lòng mình "Ta về ta nhớ những hoa cùng người." Đẹp nhất trong nỗi nhớ về Việt Bắc là sự hòa quyện thắm thiết giữa người và cảnh. Tố Hữu lựa chọn thật đắt hình ảnh đối xứng: Hoa – người. Hoa là vẻ đẹp tinh túy nhất của thiên nhiên, kết tinh từ hương đất sắc trời, tương xứng vơi con người là hoa của đất. Bởi vậy, đoạn thơ được cấu tạo: Câu lục nói đến thiên nhiên, câu bát nói đến con người. Nói đến hoa hiển hiện hình người, nói đến người lại lấp loáng bóng hoa. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau tuy hai mà một tỏa sáng bức tranh thơ nên bốn cặp lục bát đã tạo nên một bức tranh đặc sắc.

    Cũng nói về mảnh đất gắn bó như máu thịt, như tâm hồn, nhà thơ Chế Lan Viết:

    "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn".

    Cả bài thơ là một hoài niệm nhớ thương tuôn chảy về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc rất gian khổ nhưng vui tươi hào hùng. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất với bức tranh Tứ Bình xuân – hạ - thu – đông qua tám câu thơ tiếp theo.

    Hình ảnh thơ như được chất lọc qua con mắt tinh tế của thi nhân: Rừng xanh và chuối hoa đỏ. Hình ảnh rừng xanh truyền thẳngn đến người đọc cảm nhận về một màu xanh lặng lẽ, trầm tỉnh của rừng già. Cái màu xanh ngan ngát đầy sức sống ngay giữa mùa đông lạnh giá. Cái màu xanh chất chứa bao bí ẩn "Nơi thiêng liêng rừng núi hóa anh hùng" . Màu xanh núi rừng Việt Bắc:

    "Rừng giăng thành lũy thép dày

    Rừng che bộ đội rừng vây quân thù"

    Trên cái nền xanh ấy nở bừng bông hoa chuối đỏ tươi như những ngọn lửa thắp sáng cả cánh rừng. Cái màu đỏ tươi gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá, hiu hắt vốn có của núi rừng. Câu thơ làm ta liên tưởng tới màu đỏ hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi:

    "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

    Hồng liên trì đã tịn mùi hương."

    Từ liên tưởng ấy ta thấy mùa đông trong thơ Tố Hữu cũng lan tỏa hơi ấm của mùa hè chứ không lạnh lẽo hoang sơ, bởi màu đỏ của hoa chuối cũng như đang phun trào từ những màu xanh của núi rừng. Cặp lục bát này chính là một bức tranh tứ bình của mùa đông. Mà không có sức mạnh nào tạo nên sức sống cho bức họa bằng màu sắc. Tố Hữu đã thể hiện tài năng của mình bằng sự tinh tế của một nghệ sĩ tài ba khi phối màu cho bức tranh của mình. Gam màu xanh mát lạnh chỉ làm tăng thêm cái băng giá của mùa đông nên để gieo vào một hơi ấm tác giả đã chọn một gam màu nóng sáng, đó là màu đỏ tươi của hoa chuối rừng. Từ xa trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập vừa hài hòa, vừa cổ điển vừa hiện đại.

    "Đèo cao nắng ánh giao gài thắt lưng"

    Trên cái phông nền hùng vĩ và thơ mộng ấy, hình ảnh con người xuất hiện thật vững trãi, tự tin. Con người đứng trên đỉnh "đèo cao" có tác dụng tôn lên tư thế, tầm vóc hào hùng đứng trên thiên nhiên hòa vào vũ trụ mênh mông bao la làm chủ cuộc sống. Đây là một quan niệm nghệ thuật độc đáo thường thấy trong thơ Tố Hữu khi viết về con người, dù là quân hay dân đều ở thế chủ động và đi lên phía trước. Con người xuất hiện trong câu thơ là người lao động bình dị góp sức nhỏ bé của mình cho cuộc chiến đấu. Nhà thơ Tố Hữu đã rất tinh tế khi nắm bắt khoảnh khắc giao thoa kì diệu giữa thiên nhiên và con người. Những thép dao để trằn được mài sáng lóa gài nơi thắt lưng, được ánh nắng hiếm hoi của mùa đông chiếu vào tạo nên sự phản quang kì lạ, tỏa ra thứ ánh nắng lung linh, chói lóa, lấp lánh. Con người như một điểm tụ của ánh sáng. Con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

    Câu thơ đã thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng, ca ngợi nhân dân lao động của nhà thơ Tố Hữu. Cứ nơi nào có người lao động, nơi đó có ánh hào quang lấp lánh. Cái lạnh của mùa đông cũng phút chốc được xua tan chỉ còn lại cảm giác ấm áp, vui tươi của người lao động.

    "Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."

    Nhà thơ không viết là "mùa xuân" mà thay bằng "ngày xuân" đầy tinh tế. Đó là thái độ ngỡ ngàng, trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy của đất trời vạn vật mùa xuân diễn ra, thay đổi qua từng giây, từng phút, từng ngày để tác giả chọn lấy một hình ảnh có thần nhất về bức tranh mùa xuân nơi núi rừng Việt Bắc. Nhớ đến Việt Bắc mùa xuân là nhớ đến hoa mơ "nở trắng rừng". Chữ "trắng" gợi lên một sắc trắng tinh khiết, mênh mang, một thế giới hoa mơ bao phủ tạo nên sức xuân ngập tràn đất trời núi rừng Việt Bắc. Một mùa xuân trong trắng, tinh khôi và tràn đầy sức sống như cái man mác, dịu nhẹ của mùa xuân đầu tiên nơi Việt Bắc, đồng thời là hình ảnh đáng nhớ, đầy vấn vương lưu luyến khi phải chia xa đất và người nơi đây. Người đi không thể nhớ sắc trắng hoa mơ nơi xuân rừng Việt Bắc và lại càng không thể nhớ đến con người Việt Bắc, cần cù uyển chuyển trong vũ điệu nhịp nhàng của công việc lao động thầm lặng mà tài hoa.

    "Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"

    Trong dân gian từ xưa cho đến nay luôn cho rằng mùa xuân là mùa của các lễ hội thế nên mới có câu "Tháng riêng là thắng ăn chơi". Điều này lại càng đúng hơn trên những vùng núi rừng chiến khu, nơi của các lễ hội như: Hát lượn, hát si. Trong những năm tháng mùa xuân khi đất nước có chiến tranh, quê hương còn bóng giặc thì đã mùa xuân nhưng nhân dân Việt Bắc đã quên đi niềm vui riêng để miệt mài với công việc, với cuộc kháng chiến: Đan nón. Chính sự bất thường này làm nên mùa xuân đáng nhớ nơi chiến khu. Hai chữ "chuốt từng" gợi lên sự khéo léo, tỉ mỉ của con người Việt Bắc gửi vào từng sợi nhớ, sợi thương kết nên vành nón. Hai câu bthơ như đã lưu giữ lại cả khí xuân, sắc xuân, tình xuân vậy. Tài tình như thế thật hiếm thấy.

    "Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình"

    Nếu như trong bức tranh của hai mùa đông, xuân người đọc chỉ được mãn nhãn với đường nét và màu sắc thì đến bức tranh mùa hè tác giả đã đánh thức giác quan mới trong cảm nhận của người đọc. Thính giác choáng tỉnh bởi âm thanh rộn rã của tiếng ve. Nhớ đến Việt Bắc mùa hạ là nhớ đến tiếng ve râm ran, nhớ màu vàng của 'rừng phách ". Tiếng ve là âm thanh đặc trưng của mùa hè nơi núi ngàn và cũng là dấu hiệu báo mùa hè đến. Chỉ cần một chú ve đầu cất lên khúc nhạc là có cả dàn hòa tấu độc hành của mùa hạ sôi động. Từ" đổ "là động từ mạnh được dùng thật chính xác và tinh tế, vừa gợi sự chuyển biến mau lẹ của sắc màu, vừa diễn tả tài tình từng đợt mưa hoa rừng phách khi có ngọn gió thoảng qua, vừa thể hiện rõ mùa hè sang. Tác giả sử dụng nghệ thuật âm thanh để gọi dậy màu sắc, dùng không gian để miêu tả thời gian. Bởi vậy mà vô cùng huyền ảo. Trên nền cảnh ấy, hình ảnh" cô em gái hái măng một mình "hiện lên xiết bao thơ mộng, lãng mạn ngọt ngào, trìu mến. Nhớ về em là nhớ về cả một không gian đầy hương sắc. Người em gái trong công việc hàng ngày giản dị: Hái măng. Vẻ đẹp lãng mạn thơ mộng ấy còn được tô đậm với hai chữ" một mình "nghe cứ xao xuyến lạ như bộc lộ thầm kín niềm mến thương của tác giả. Nhớ về em, nhớ về một mùa hoa đầy ngọt ngào và vương vấn.

    Khép lại bức tranh tứ bình là bức tranh mùa thu không kém phần nên thơ:

    " Rừng thu trăng rọi hòa bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung "

    Không gian bao la tràn ngập ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình rọi sáng niềm vui lên từng núi rừng, từng bản làng Việt Bắc. Bốn từ" trăng rọi hòa bình "gợi lên hai liên tưởng: ánh trăng dịu dàng, yên ả tỏa xuống rừng thu, cũng có thể hiểu là ánh trăng chiếu rọi phong cảnh hòa bình trong một đêm thu sau khi chiến tranh kết thúc. Giữa rừng thu ấy, con người xuất hiện trong bức tranh cũng rất độc đáo: không thấy hình dáng hay màu sắc, chỉ nhận ra từ âm thanh" tiếng hát ". Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt Bắc, của núi rừng, của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn nồng.

    Kết thúc bức tranh tứ bình bằng mọt bức tranh đầy nhân hậu, lạc quan. Có thể thấy cảnh và người Việt Bắc chuyển từ quá khứ đến hiện tại, bốn mùa luôn luôn luân chuyển nhưng kỉ niệm sau cùng đẹp nhất là mùa thu, là phong cảnh hòa bình.

    Đoạn thơ đã thể hiện rất rõ phong cách thơ Tố Hữu vừa trữ tình, sâu lắng, vừa ân tình và đậm đà tính dân tộc. Thể thơ lục bát quen thuộc vừa dân dã, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trong đoạn thơ, điệp từ" nhớ "được lặp lại nhiều lần, mỗi lần xuất hiện mang một sắc thái khác nhau theo cấp độ tăng tiến, thể hiện những rung động chân thật, mặn mà thắm thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đó không chỉ là cảm xúc riêng của nhà thơ mà còn là cảm xúc chủ đạo chung của con người, là đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

    Nhà thơ Tố Hữu từng quan niệm:" Thơ hay bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy. "Và ông đã thành công trong công cuộc sáng tác của đời mình nhờ tình yêu thuong bao la, sự trải nghiệm thực tế và sự quan sát hết sức tinh tế của chính mình. Có thể nói đoạn thơ là đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc với lời thơ giàu giá trị tạo hình, cấu trúc tương đối hài hòa, cảnh vật thiên nhiên thật đẹp và con người Việt Bắc thật nghĩa tình và đáng yêu.

    Hemingway từng nói:" Tất cả tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử của riêng nó. Bởi vì đó là sản phẩm bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này các tranh tượng có thể tiêu tan, các đền đài có thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm thơ ca chân chính mới có khả năng vượt qua được quy luật băng hoại của thời giam để tồn tại vĩnh viễn. "May thay trong số các tác phẩm ấy, chúng ta có đoạn trích mười câu đầu khổ chín bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Cảm ơn nhà thơ vì đã" cắm một cây sào sáng tạo"vào mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật để đưa tác phẩm Việt Bắc – một tác phẩm của lòng dân, của đức tin và của giá trị sống về những con người chân thiện, chịu thương, chịu khó để cho chúng ta hiểu rằng: Giữa một miền núi đất nước vẫn luôn hiển hiện những người con mang tình yêu lớn lao với Tổ quốc, với đồng đội. Và nơi đó là nơi chan chứa bao tình yêu thương nồng cháy, là nơi tựa như bức tranh tứ bình về một miền quê tươi đẹp.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...