Cảm nhận về bài thơ Viếng Lăng Bác - Viễn Phương

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Uyên Thần, 14 Tháng năm 2024.

  1. Uyên Thần

    Bài viết:
    7
    Bài thơ "Viếng Lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả khi lần đầu được viếng thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ được sáng tác vào tháng 4 năm 1976, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi và đất nước thống nhất

    Bài thơ phản ánh tấm lòng của người con miền Nam ra thăm lăng Bác, với những cảm xúc chân thành và sâu lắng. "Viếng" ở đây không chỉ là việc đến thăm nơi an nghỉ của Bác, mà còn là sự tri ân, biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bài thơ cũng thể hiện niềm tự hào và xót xa của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác

    Tình cảm của nhà thơ cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác, tình cảm của cả nước đối với Bác, Người đã làm cho đất nước, cho dân tộc vẻ vang. Chính tình cảm đó cộng với những xúc động của nhà thơ là yếu tố cộng hưởng, làm cho nhà thơ thành công. Mặt khác, những hình ảnh bình dị giàu tính tượng trưng, lời thơ giản dị, chân thành làm cho bài thơ dễ đi vào lòng người.

    Cảm hứng bao trùm bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn sâu sắc và niềm tự hào lớn lao pha lẫn nỗi đau xót khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác. Cảm hứng ấy đã chi phối giọng điệu của bài thơ. Đó là giọng thành kính, trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng ở lăng, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh yên nghỉ. Cùng với giọng suy tư, trầm lắng là nỗi đau xót lẫn niềm tự hào được bộc lộ vừa kín đáo vừa mãnh liệt.

    Mạch cảm xúc đi theo trình tự của một cuộc vào lăng viếng Bác, từ khi đứng trước lăng đến khi bước vào lăng và trở ra về

    Con ở miền Nam ra thăm Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

    Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu: "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác". Cách xưng hô "con-bác" thể hiện một sự thân thương, ngọt ngào và đậm chất Nam Bộ. "Con" ở miền Nam xa cách, không quản ngại đường xá vượt hàng ngàn cây số đến đây với mục đích muốn được gặp Bác Hồ - vị cha già đáng kính. Tác giả đã dùng từ "thăm" thay cho từ "viếng" để giảm sự mất mát trước tổn thất lớn lao của cả dân tộc, khẳng định Bác còn sống mãi. Giây phút này, niềm xúc động trào dâng nghẹn ngào trong trái tim nhà thơ khi không khi kìm nén được đã thốt lên "Ôi!". Đứng xa nhìn lăng Bác hình ảnh hàng tre bát ngát hiện lên trong màn sương của Hà Nội, nơi Người yên nghỉ thật giản dị. Cây tre còn tượng trưng cho màu sắc đất nước. Tre giúp đỡ con người trong mọi việc: "Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín". Tre luôn đoàn kết, gắn bó tạo nên lũy tre kiên cường thách thức gió, mưa bão.

    Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

    Mặt trời trong lăng là hình ảnh ẩn dụ chỉ về Bác. Ở đây, sự liên tưởng của Viễn Phương vẫn mang nét mới mẻ, sáng tạo: Bác hồ như là mặt trời rực sáng đem đến sự sống, đem đến ánh sáng tươi đẹp cho đất nước Việt Nam. Nếu mặt trời trong câu thơ "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng" là hình ảnh thực, là một vật không thể thiếu trong vũ trụ thì mặt trời trong câu thơ "Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ" là một hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng một cách sáng tạo. Ngụ ý Bác chính là mặt trời chân lý vừa ấm áp vừa sáng chói trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, những tư tưởng và cống hiến của Người đã soi đường dẫn lối cho dân tộc ta bước ra khỏi bóng đêm khổ đau và lầm than của ách đô hộ. Hơn thế nữa hình ảnh ẩn dụ này còn chứng minh tầm vóc và sức mạnh tư tưởng của Hồ Chủ tịch, đó là tầm vóc và tư tưởng mang tính vũ trụ, tính chân lý và cũng là duy nhất, không một ai có thể thay thế được, tựa như mặt trời của thiên nhiên tạo hóa.

    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

    Điệp từ sóng đôi "ngày ngày" diễn tả dòng thời gian tuần hoàn không ngưng nghỉ, tất cả nối nhau trong không khí thiêng liêng đầy xúc động và tác giả cũng muốn nhấn mạnh một chân lí: Nếu mỗi ngày, mặt trời đi qua trên lăng, tỏa sáng sưởi ấm cho vạn vật là một điệp khúc thời gian không bao giờ thay đổi, thì công ơn của Bác không bao giờ phai nhòa theo năm tháng trong lòng mọi người dân Việt Nam. Đọc câu thơ ta tưởng chừng dòng người ấy là vô tận là mãi mãi chẳng bao giờ dứt được, kết hợp với cụm "đi trong thương nhớ" khiến ta liên tưởng đến ngay cái sợi dây tình cảm của nhân dân Việt Nam dường như cứ dài mãi vậy, đời đời nhớ ơn và xót thương cho vị cha già kính yêu. Hình ảnh "Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân" là một hình ảnh ẩn dụ đẹp và lãng mạn, tràng hoa ấy thể hiện cho sự đoàn kết đồng lòng của dân tộc Việt Nam cùng thành kính dâng lên cho Bác, đọc câu thơ không chỉ dâng cho một lần trong đời của Người mà bảy mươi chín năm- bảy mươi chín mùa xuân mà Bác đã cống hiến và hi sinh cho dân tộc. Và giờ đây, Bác chính là mùa xuân còn dòng người là những đóa hoa tươi thắm:

    Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

    Nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh để giảm nhẹ nỗi đau trong lòng người con Việt Nam, mà còn ca ngợi sự ra đi thanh thản của Bác. Hơn hết ở đây, tác giả không chỉ đơn giản là muốn nói tới ngọn đèn trong lăng Bác mà còn muốn nói tới vầng trăng thiên nhiên ngoài kia. Bởi sinh thời, Bác Hồ là người yêu trăng và đã sáng tác rất nhiều vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của ánh trăng:

    "Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"

    Trong suốt cuộc đời mình, Bác gắn bó với vầng trăng. Trong những năm kháng chiến hay ngồi trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch thì vầng trăng luôn là người bạn, tri kỉ, tâm giao luôn bên cạnh Bác, vầng trăng cũng chứng kiến được bao thăng trầm, khó khăn cách mạng.

    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

    Mà sao nghe nhói ở trong tim

    "Vẫn biết", "Mà sao" là cặp từ đối lập trong suy nghĩ. Vẫn biết Bác còn sống mãi trong lòng nhưng vẫn không kìm nén được nỗi đau. "Trời xanh" là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Bác đã hóa thân vào trời xanh, vào quê hương để sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của câu thơ khẳng định người vẫn còn sống.

    Trước lúc chia xa, tác giả Viễn Phương đã xúc động khôn nguôi khi rời lăng Bác, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, khơi gợi trong lòng nhà thơ những cảm xúc lưu luyến. "Thương" bao trùm cả thương yêu và thương xót, thương đến trào nước mắt, cảm xúc khó kìm nén, những giọt nước mắt trước khi chia xa. Chính những khoảnh khoảnh khắc xúc động đó, nhà tơ đã bày tỏ ước nguyện của mình:

    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

    Muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương đâu đây

    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

    Viễn Phương muốn hóa thân vào hình ảnh thiên nhiên đẹp nhất để dâng lên Bác. Nhà thơ muốn làm con chim để đem lại tiếng ca vui tươi bên lăng Bác, muốn làm đóa hoa để tỏa hương thơm, muốn làm cây tre để trung hiếu, đền ơn đáp nghĩa, để sống mãi bên Người. Điệp từ "muốn làm" nhấn mạnh mong muốn, khát khao được thể hiện những ước nguyện ấy. Hình ảnh cây tre ở khổ đầu và hình ảnh cây tre ở khổ này lặp lại tạo thành kết cấu đầu cuối tương ứng, giúp hoàn thiện biểu tượng cây tre.

    Nhà thơ Viễn Phương đã sử dụng thể thơ tự do, với những câu thơ tám chữ xen lẫn bảy hoặc chín chữ, tạo nên nhịp điệu chậm rãi, trang nghiêm. Các hình ảnh thơ như hàng tre xanh, mặt trời trong lăng, dòng người đi trong thương nhớ, đều được sử dụng để ẩn dụ cho phẩm chất và tâm hồn của người Việt Nam, cũng như tình cảm của nhà thơ và nhân dân đối với Bác

    Tóm lại, bài thơ "Viếng Lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương là một lời tri ân sâu sắc và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế và hình ảnh đẹp để thể hiện tấm lòng biết ơn và kính trọng đối với Bác. Bài thơ không chỉ là một tấm lòng yêu thương, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đáng để suy ngẫm và trân trọng. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và kế thừa tinh thần của Bác để xây dựng một Việt Nam ngày càng phồn thịnh và hạnh phúc.
     
    Cao Phú Soái thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...