Cảm nhận về bài thơ từ ấy của nhà thơ tố hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 6 Tháng mười 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Cảm Nhận Về Bài Thơ Từ Ấy Của Nhà Thơ Tố Hữu.

    Tác giả: YenOanh099


    Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ ông thuộc khuynh hướng trữ tình chính trị, biểu hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người và cuộc sống cách mạng nhưng vẫn giàu tính dân tộc. Bài thơ "Từ Ấy" nằm trong phần "Múa Lửa" của tập "Từ Ấy", sáng tác vào tháng 7 năm 1938, nhằm ghi nhận kỷ niệm đáng nhớ về ngày đầu tiên tác giả được kết nạp vào Đảng Cộng Sản.

    Bài thơ "Từ Ấy" mở đầu với những hình ảnh tươi sáng cùng các biện pháp tu từ:

    "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lí chói qua tim"

    Từ "Từ ấy" được lặp lại ở câu đầu để nhấn mạnh cột móc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, sự thay đổi lớn trong cuộc đời của một thanh niên yêu nước khi được giác ngộ lí tưởng. Trong câu có sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ chỉ lí tưởng cách mạng như: "Nắng hạ", "Mặt trời chân lí", "Chói qua tim". Tố Hữu gọi chân lí cách mạng là mặt trời chân lí, bởi Đảng là nguồn sáng kì diệu, nguồn sáng của chính nghĩa, luôn tỏ ra những tư tưởng đúng đắn, tiến bộ và hợp lẽ phải. Kết hợp với các động từ mạnh: "Bừng", "Chói". Qua đó, khẳng định lí tưởng cộng sản như một ánh sáng chói chan, rực rỡ làm bừng cháy ngọn lửa trong tâm hồn nhà thơ.

    Nhà thơ cảm thấy vui sướng và hạnh phúc tột cùng vì bắt gặp lí tưởng mới.

    Nó giống
    như khi một người đang lang thang trong bóng tối mờ mịt, người đó băn khoăn vì không xác định được phương hướng thì bỗng một nguồn sáng dẫn lối đột ngột phát ra.

    Nguồn sáng ấy xuyên mạnh vào cơ thể làm khu vườn nơi tâm hồn ta sinh sôi và tràn đầy sức sống:


    "Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim"

    Dưới ánh sáng của Đảng, tâm hồn Tố Hữu như một thế giới đang tưng bừng có sự hòa quyện giữa âm thanh và hương sắc của hoa lá, hương thơm và tiếng chim. Dùng hình ảnh ẩn dụ "Vườn hoa lá" và "Rộn tiếng chim" để thể hiện sự tươi sáng, rộn rã và ngập tràn sự sống. Tác giả so sánh "Hồn tôi" với "Vườn hoa lá, đậm hương và rộn tiếng chim", cách so sánh mới mẻ, độc đáo, gây ấn tượng cho người đọc đã nói lên sự vui tươi, rộn ràng của một tâm hồn vừa bắt gặp lí tưởng cách mạng.

    Như vậy, trong khổ thơ đầu tác giả đã sử dụng rất tài tình những hình ảnh cụ thể, sinh động và các biện pháp nghệ thuật để thể hiện đầy đủ niềm hân hoan, sự tự hào và say mê mãnh liệt của ông khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đối với Tố Hữu, lí tưởng của Đảng, của cách mạng không chỉ mở ra trong tâm hồn một chân trời mới của nhận thức, của tư tưởng, của tình cảm mà còn mở ra nguồn cảm hứng sáng tác mới cho hồn thơ. Đó là nguồn cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ hoạt động cách mạng và tình cảm của bản thân tác giả với một giọng điệu tâm tình pha lẫn trữ tình lãng mạng.

    Để rồi, hình thành nên nhận thức mới về lẽ sống:

    "Tôi buộc lòng tôi với mọi người

    Để tình trang trải với trăm nơi

    Để hồn tôi với bao hồn khổ

    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"

    Điệp từ "Với" tạo sự liên kết chặt chẽ giữa tác giả và nhân dân. Động từ "Buộc" không phải là ràng buộc mà là sự tự nguyện, sự quyết tâm cao độ, muốn buộc lòng mình với mọi người, muốn cùng họ cảm nhận niềm vui và sự khổ đau, cùng họ vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ. Thêm vào đó, có từ "Trang trải" và "Trăm nơi" là hình ảnh hoán dụ làm ta liên tưởng đến sự trải rộng tâm hồn nhà thơ, cùng sự đồng cảm sâu sắc của ông với hoàn cảnh của mỗi người trong xã hội. Từ đó, cùng mọi người tạo nên sức mạnh
    "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời". Ở đây, "Gần gũi" nghĩa là sự gần nhau về quan hệ tinh thần, tình cảm. "Khối đời" là hình ảnh ẩn dụ chỉ lượng người đông đảo, cùng chung chí hướng, lí tưởng tạo nên sức mạnh to lớn của sự đoàn kết.

    Rõ ràng, một người thanh niên trẻ vừa bắt gặp lí tưởng cách mạng đã quyết dâng hiến cuộc đời mình cho lí tưởng ấy. Nguyện đem cái "Tôi" cá nhân hòa vào cái "Ta" chung của cộng đồng, của xã hội và đặc biệt là với những người lao động nghèo khổ:

    "Tôi đã là con của vạn nhà

    Là em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn đầu em nhỏ

    Không áo cơm, cù bất cù bơ.."

    Ngay từ giây phút giác ngộ được lí tưởng cộng sản, tình cảm của Tố Hữu đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tố Hữu lấy cuộc đời mình buộc chặt với nhân dân và đồng bào cả nước vì nhận thức được bản thân đã là con của vạn nhà, đã là em của những kiếp người mỏi mòn, đáng thương, đã là anh của những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa. Nhận thức đó được khẳng định chắc chắn qua điệp từ "Là". Cùng với các từ ngữ xưng hô chỉ mối quan hệ thân thiết, ruột thịt như: "Con, em, anh" và số từ ước lệ "Vạn" để chỉ lượng người đông đảo.
    Tất cả hợp lại làm nổi bật tình cảm mới mẽ, cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, không chỉ hướng về gia đình mình mà còn hướng về toàn thể dân tộc Việt Nam.

    Tóm lại, bài thơ "Từ Ấy" đã nói lên tâm nguyện, sự vui sướng, tự hào và nhiệt huyết mãnh liệt của một tâm hồn trẻ khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2020
  2. PhươngThảo0710 https://dembuon.vn/rf/20116/

    Bài viết:
    493
    Mình cảm thấy bài cảm nhận có chút hơi ngắn. Bạn có thể lồng ghép thêm yếu tố liên hệ với một số tác phẩm khác để làm phong phú thêm nội dung của tác phẩm và có thể làm sâu sắc cảm nhận cá nhân hơn. Ý kiến cá nhân mình thôi, đừng giận nhé!
     
    YenOanh099 thích bài này.
  3. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Mình sẽ chú ý cải thiện. Cảm ơn bạn đã góp ý và ủng hộ mình nha!
     
    PhươngThảo0710 thích bài này.
  4. PhươngThảo0710 https://dembuon.vn/rf/20116/

    Bài viết:
    493
    Bài của bạn có cách phân tích khá tốt. Phần liên hệ thêm sẽ được cộng điểm đó! ^-^
     
    YenOanh099 thích bài này.
  5. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Cảm ơn bạn nha!
     
    PhươngThảo0710 thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...