Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Ngọc Thanh Phong, 31 Tháng ba 2023.

  1. Ngọc Thanh Phong

    Bài viết:
    40
    Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ: Bóng chiều sa.

    Lòng quê dợn dợn vời con nước,

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

    Câu thơ mở đầu đã vẽ ra trước mặt mọi người một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp: Vừa hùng vĩ, tráng lệ vừa thơ mộng trữ tình, vừa cổ kính lại vừa hiện đại:

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc"

    Câu thơ đã mượn một số cách diễn đạt của thơ Đường nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của thơ mới và thể hiện khá rõ cái độc đáo của hồn thơ Huy Cận. Từ "lớp lớp" gợi hình ảnh những đám mây chồng chất nối tiếp bay ngang trời ngưng kết lại như những dãy núi cao trùng điệp. Hình ảnh ẩn dụ núi bạc gợi tả vẻ đẹp trong sáng kì vĩ tráng lệ của thiên nhiên khi mây ngời lên sắc bạc lấp lánh trong ánh hoàng hôn cuối ngày. Chữ "đùn" trong câu thơ được Huy Cận tiếp thu trong bài thơ "Thu hứng" của Đỗ Phủ: "Lưng trời sóng gợn lòng sâu thẳm/ Mặt đất mây đùn cửa ải xa". Chữ "đùn" tạo ấn tượng sự hùng vĩ của thiên nhiên. Nó như vận động theo hướng phát triển mãi ra. Mặc dù Huy Cận có sử dụng những hình ảnh của thơ cổ nhưng câu thơ vẫn có vẻ đẹp riêng rất độc đáo.

    Câu thơ thứ hai miêu tả cánh chim giữa khoảng không mênh mông của bầu trời: "Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa"

    Trong thơ cổ, hình ảnh cánh chim bay về tổ là một hình ảnh ước lệ là tín hiệu của hoàng hôn. Nhưng trong thơ Huy Cận, cánh chim nhỏ còn là hình ảnh của cái tôi cô đơn của cảm hứng lãng mạn. Cấu trúc câu thơ đưa tới sự cảm nhận: Hoàng hôn buông xuống sau cái nghiêng cánh của chim. Như vậy cánh chim không chỉ là tín hiệu của hoàng hôn mà còn có sức làm xao xuyến cả hoàng hôn. Nghệ thuật đối trong hai câu thơ đầu đã được sử dụng để làm nổi bật sự tương phản giữa cánh chim và bầu trời. Bầu trời càng rộng lớn khoáng đạt bao nhiêu thì cánh chim càng đơn côi bé nhỏ bấy nhiêu. Sự xuất hiện của cánh chim trong buổi chiều tà càng làm cho khung cảnh trờ nên buồn hơn. Qua đó chúng làm nền cho sự xuất hiện của tâm trạng nhân vật trữ tình:

    "Lòng quê dợn dợn vời con nước

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"

    "Lòng quê" là nỗi nhớ quê, là tình yêu quê hương tha thiết. Từ láy "dợn dợn" gợi tả trạng thái những ngọn sóng dập dềnh lên xuống khi nổi, khi chìm. Từ đó diễn tả nỗi dợn ngợp trong lòng người giữa sóng nước Tràng giang. Cái "dợn dợn" mang đến cho người ta cảm giác gai người. Cái dợn sóng, dợn lòng cứ tăng lên mãi. Lòng quê có sẵn trong tâm hồn giờ đây có cơ hội để phơi bày. Hai câu thơ cuối này đã phảng phất tứ thơ của Thôi Hiệu trong bài "Hoàng Hạc lâu" :

    "Nhật mộ hương quan hà xứ thi

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu"

    (Quê hương khuất bóng hoàng hôn

    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

    Chính việc mượn tứ thơ của Thôi Hiệu cho câu kết của Tràng giang, Huy Cận đã đem đến một phong vị Đường thi cổ điển cho bài thơ. Nếu Thôi Hiệu ngắm cảnh sông Tràng giang lúc hoàng hôn, nhìn khói sóng trên sông mà nhớ nhà, nhớ quê. Còn Huy Cận thì đứng ngay trên dòng sông của quê hương mình, không cần nhìn thấy khói sóng mà vẫn trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Như vậy, nỗi buồn của Thôi Hiệu là do ngoại cảnh tác động (thấy khói sóng thì nhớ quê), còn nỗi buồn của Huy Cận là sẵn có (không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà). Vì thế mà nó sâu sắc mãnh liệt hơn. Nỗi buồn ấy chính là biểu hiện của tình yêu nước thầm kín mà sâu sắc của Huy Cận. Đó cũng chính là nỗi buồn của cả một thế hệ thanh niên trí thức trong năm tháng mất nước ngột ngạt bế tắc.

    Với thể thơ bảy chữ, cách ngắt nhịp 4/3 cổ điển, nghệ thuật đối, cấu trúc thơ cân đối nhịp nhàng, sử dụng từ ngữ sáng tạo, các hình ảnh ước lệ trong thơ cổ.. Khổ thơ đã bộc lộ rõ nhất cái tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê của Huy Cận ngay cả khi đang ở trên quê hương mình. Khổ thơ cũng thể hiện được cái nghĩa chung của cả bài thơ đó là tình yêu quê hương đất nước kín đáo mà sâu nặng.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...