Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Legolas Maldives, 25 Tháng ba 2022.

  1. Legolas Maldives

    Bài viết:
    13
    Bài làm

    "Có những chàng trai trẻ

    Nhựa sống ngập đường gân Đã từng đi xa đi gần

    Đem máu thề rửa hận

    Muôn dặm chẳng chồn chân."

    Đề tài người lính từ xưa đến nay luôn là một đề tài bất hủ trên diễn đàn thi ca Việt Nam. Nhắc đến đề tài này ta không thể không nhắc đến tập thơ "Mây đầu ô" của Quang Dũng. Có một nhà văn từng nhận định "Nghệ thuật nằm ngoài định luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" và thi phẩm "Tây Tiến" được viết bởi Quang Dũng- Người nghệ sĩ đa tài với hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng là một trong những tác phẩm như vậy.

    "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật". Thật vậy, thi phẩm "Tây Tiến" cũng được viết bởi nỗi nhớ, bởi những rung động trong trái tim người chiến sĩ cầm bút- Quang Dũng trong một buổi chiều mưa ở Phù Lưu Chanh- khi xa đơn vị cũ.

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

    Thi phẩm mở đầu với địa danh sông Mã- nơi được xem như chứng nhân lịch sử gắn liền với chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến, đồng thời ghi lại những tội ác của giặc và những chiến công hiển hách mà những chàng lính trẻ gốc Hà Thành đã giành được. Hai tiếng "xa rồi" nghe sao da diết quá, nó thấm đượm bao cảm xúc của tác giả vừa thể hiện sự tiếc nuối, vừa thể hiện tình cảm yêu thương tác giả dành cho đơn vị cũ. Vần "ơi" kết hợp với từ láy "chơi vơi" dường như cho ta thấy nỗi nhớ da diết, đầy thân thương. Không chỉ vậy, từ cảm "ơi" cùng từ láy "chơi vơi" bắt vần với nhau, làm cho hai câu thơ thấm đẫm tính nhạc, đồng thời điệp từ "nhớ" được lặp lại hai lần càng thể hiện nỗi nhớ sâu thẳm trong tim tác giả đã lan tỏa ra không gian mênh mông, trải dài theo thời gian và đi vào tiềm thức như một nỗi niềm, kỷ niệm chẳng nguôi.

    Ở hai câu đầu tiên, từ nỗi nhớ da diết, bức tranh thiên nhiên miền Tây dần được tái hiện và được tác giả ghi lại với bao cảm xúc chân thành nhất. Và ở đoạn tiếp theo, thiên nhiên được hiện lên như một bức tranh phong cảnh vô cùng dữ dội nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình:

    "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi

    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

    Cảnh sắc Tây Tiến như một bộ phim điện ảnh được tái hiện bắt đầu bằng những địa danh như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông.. Những cái tên chỉ cần nghe nói thôi ta đã thấy "mỏi gối, chùn chân" nhưng đồng thời cũng gợi cho bạn đọc một xứ lạ, phương xa đầy bí ẩn, hoang dại..

    "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi"

    Câu thơ hiện lên như một kỷ niệm đầy chân thực trong tiềm thức của tác giả- kỷ niệm về những chuyến hành quân đầy gian nan, vất vả. Trên đỉnh Sài Khao cao chót vót, được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp sương trắng như muốn vùi lấp, bủa vây chiến sĩ Tây Tiến đang hành quân giữa vùng núi thẳm, rừng sâu. Sương là hiện tượng hơi nước được bốc lên và ngưng tụ lại, thường thì sương chỉ là một lớp mỏng manh nhưng tại đỉnh Sài Khao đó không còn đơn thuần là lớp hơi nước nữa mà như những chướng ngại vật, như những tấm khiên mà quân ta cần phải vượt qua, phá bỏ. Mệt mỏi là vậy, vất vả là thế nhưng tất cả những điều đó vẫn không thể xóa nhòa đi vẻ đẹp tinh thần lạc quan của người chiến sĩ vùng "rừng thiêng, nước độc" - đầy rẫy khắc nghiệt và hiểm nguy.

    Với hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng và luôn nhìn đời qua lăng kính lãng mạn tác giả đã phát hiện một vẻ đẹp lung linh, một không gian êm đềm và lãng mạn:

    "Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

    Câu thơ là sự sáng tạo đầy độc đáo của tác giả, ông đã viết "hoa về" chứ không phải "hoa nở", "đêm hơi" chứ không phải "đêm sương". Phải chăng đó là những bó đuốc rực sáng, soi đường chỉ lối cho người chiến sĩ trên con đường hành quân đầy gian khổ- các anh ra đi khi trời còn mở sáng và trở về sau những đêm dài giá lạnh. Qua đó, ta dường

    Như nghe đâu đây tiếng hít thở mệt nhọc, tiếng bước chân nặng nề của những chàng trai Hà Thành trên con đường đầy chông chênh, vất vả.

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"

    Tại đây, Quang Dũng như một người thợ ảnh chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết, tài năng khi đã liên tục đưa ống kính của mình hết lên cao rồi lại xuống thấp để rồi mở ra trước mắt bạn đọc một thế giới mới- thế giới mà dường như chỉ khi tưởng tượng ta mới có thể bắt gặp khung cảnh dữ dội và khắc nghiệt đến thế. Điệp từ "dốc" kết hợp với hai từ láy tượng hình "khúc khuỷu" và "thăm thẳm" đã hình thành lên một vùng địa hình đầy hiểm trở và thách thức những bước chân dung cảm của người chiến sĩ.

    "Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

    Heo hút được hiểu đơn giản là hoang vu, vắng vẻ qua đó thể hiện độ cao như đến vô cùng vô tận của những dãy núi- nơi hành quân đi qua. Những dãy núi ấy cao đến mức dường như mũi sung có thể vươn tới tận trời cao. Hình ảnh "súng ngửi trời" vừa thể hiện độ cao, vừa phác họa vẻ đẹp chinh phục của các chàng trai Tây Tiến đó là vẻ đẹp của lí tưởng anh hùng đồng thời thể hiện sự tinh nghịch của những con người hào hùng và hào hoa. Quả thực là địa hình càng hiểm trở, cuộc sống càng khó khăn, con người càng mạnh mẽ, càng được tôi luyện. Vì thế, qua câu thơ thi sĩ đã phác họa vẻ đẹp thiên nhiên đồng thời qua đó khiến bạn đọc thấy được sức mạnh của đoàn binh- sức mạnh được làm nên từ ý chí quyết tâm sắt đá "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".

    Đến với câu thơ tiếp:

    "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"

    Từ "ngàn" kết hợp với dấu phẩy giữa dòng như ngắt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ thành hai vế đối lập dường như các địa hình các chàng trai đi qua toàn là núi cao chót vót, vực sâu thăm thẳm, núi này qua đi vực này qua đi lại là núi và vực sâu khác đợi chờ. Qua đó thi sĩ phác họa sinh động hơn những hiểm nguy mà các chiến sĩ Tây Tiến phải trải qua

    Khép lại đoạn thơ với một câu thơ toàn thanh bằng "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" câu thơ thực sự vô cùng thơ mộng và trữ tình đồng thời cũng thể hiện được nét độc đáo, tài hoa bậc nhất trong cảm nhận của tác giả. Đó là cảm nhận về những mái nhà, những ngôi làng như đang bồng bềnh trong làn mưa và đây cũng là vẻ đẹp lãng mạn, đặc trưng của thiên nhiên núi rừng miền Tây.

    Vẻ đẹp của bức tượng đài người lính bộ đội cụ Hồ trong thi ca của Quang Dũng được thể hiện bởi ba vẻ đẹp: Ốm nhưng không yếu, chết nhưng không hết, bi mà không bi quan, bi lụy bi ở đây là bi hùng, bi tráng. Ta biết có một thời kỳ "Tây Tiến" không được đưa vào chương trình giảng dạy bởi trong thi phẩm có đề cập đến cái chết nhưng chiến tranh là hiện thực chứ đâu phải trò đùa. Dưới ngòi bút tài hoa và cảm xúc chân thực của tác giả một lần nữa "Tây Tiến" được đưa vào chương trình giảng dạy với một vị trí đặc biệt là một kiệt tác của văn chương.

    "Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

    "Anh bạn" ở đây là chỉ những người đồng chí đồng đội, những người bạn đường trên chặng đường hành quân của tác giả cũng như của đoàn binh Tây Tiến, tiếng gọi ấy ngập tràn tình cảm, thân thương và vô cùng gần gũi. Sức nặng của câu thơ dường như được dồn vào cụm từ "dãi dầu" qua đó thể hiện sự vất vả, khó khăn của đoàn binh. Tài hoa của tác giả qua đoạn trích đã thực sự được bộc lộ một cách rõ rệt bởi tác giả miêu tả cái chết nhưng không sử dụng bất kỳ một từ ngữ mang tính chất chết chóc nào. Ông viết "không bước nữa" chứ không phải là gục xuống, ngã xuống thi sĩ đã chuyển từ thế bị động sang tư thế chủ động- chủ động làm chủ thế giới xung quanh. Với nghệ thuật nói giảm nói tránh, nhà thơ đã làm cho sự ra đi của các chiến sĩ thêm nhẹ nhàng hơn. Qua lăng kính lãng mạn, cụm từ "bỏ quên đời" kết hợp với dấu chấm than cuối dòng ta dường như nhận thấy sự ra đi của các anh chỉ như một giấc ngủ bình yên, chẳng lo toan. Ta thấy hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã được tác giả khắc họa lại với bao yêu thương, chân trọng. Dấu chấm than ấy như một nốt lặng để ta lắng lại để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì đất mẹ thân yêu. Đọc câu thơ, ta bất giác nhớ đến hình ảnh người chiến sĩ trong "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ Lê Anh Xuân:

    "Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

    Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng Và anh chết trong khi đang đứng bắn

    Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.."

    Nói đến sự khắc nghiệt trên con đường hành quân ngoài những nguy hiểm về địa hình ta không thể không nhắc đến trong tâm khảm của người lính bộ đội cụ Hồ đều toát ra vẻ ớn lạnh, ghê rợn mỗi khi nghe âm thanh đặc trưng của một vùng rừng thiêng, nước độc vọng về.

    "Chiều chiều oai linh thác gầm thét

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

    "Chiều chiều" và "đêm đêm" là những cụm từ chỉ thời gian- thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại thể hiện sự khó khăn, nguy hiểm luôn luôn thường trực theo từng bước đi của đoàn binh. Tự hỏi phải ở độ cao đến bực nào mà khiến cho tiếng thác đổ biến thành tiếng thét gào của những oai linh, quỷ dữ? Sức nặng của câu thơ được dồn vào từ "Hịch" kết hợp với cụm từ "cọp trêu người" càng nhấn mạnh hơn sự uy linh của núi rừng. Tuy nhiên với cách sử dụng từ ngữ đầy tinh tế, tác giả đã sử dụng từ "trêu" để dường như biến tất cả những sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên, của tiếng cọp vồ người chỉ như một "trò đùa trẻ con" qua đó ta cảm nhận dù cho có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa chiến sĩ ta vẫn luôn dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn và chiến đấu đến cùng.

    Trong cuộc đời người lính của mình, Quang Dũng đã khắc họa những con người xếp vào balo những ước mơ bình dị nhất để lên đường tham gia chiến dịch. Con đường mà họ đang đi không chỉ là những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm.. mà còn là những giây phút thắm tình quân dân, tình đồng chí, đồng đội và để lại trong họ một thứ tình cảm vô cùng ngọt ngào nhưng đồng thời cũng không kém phần sâu lắng:

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Hai tiếng "nhớ ôi" lại một lần nữa thể hiện nỗi nhớ được bật lên thành lời. Hình ảnh "cơm lên khói" và "thơm nếp xôi" kết hợp với cụm từ "mùa em" đã thể hiện được tình cảm gắn bó mặn nồng của các chàng trai Tây Tiến với con người, cảnh sắc và thiên nhiên miền Tây. Ta dễ dàng bắt gặp tình cảm ấy trong bài "Việt Bắc" của Tố Hữu:

    "Nhớ gì như nhớ người yêu

    Trăng lên đỉnh núi, nắng chiều lưng nương

    Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

    Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy"

    Hay cũng là mùi "thơm nếp xôi" Chế Lan Viên lại viết:

    "Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

    Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

    Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương."

    Qua đó, ta có thể thấy mùi thơm của xôi và từng làn khói tỏa bay sau mỗi nếp nhà đã để lại trong trái tim người lính những tình cảm, ký ức khó thể phai mờ bởi tình cảm đó được dệt lên từ những kỷ niệm mà kỷ niệm ấy lại được dệt lên bởi tình quân dân ấm áp.

    Vất vả là vậy, khắc nghiệt là thế nhưng trong cuộc sống của người lính vẫn không thiếu những giây phút vui vẻ, những giai điệu vui tươi:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

    Động từ mạnh "bừng" thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên- đó là sự bừng lên của ánh sáng hay cũng có thể hiểu đó là sự tưng bừng, rộn ràng của tiếng hát, tiếng khèn. Nếu trong thi ca cổ "hội đuốc hoa" là ngọn nến trong đêm tân hôn thì "đuốc hoa" ở đây thể hiện ngọn lửa trong đêm lửa trại đầy vui tươi, ấm áp, gắn bó. Qua đó ta thấy, trong đời người đêm khó quên nhất có lẽ là đêm Tân hôn còn trong cuộc đời người lính đêm đặc biệt nhất có lẽ là đêm lửa trại tưng bừng, rộn ràng này. "Kìa" thể hiện sự ngạc nhiên kèm theo chút gì đó tinh nghịch đúng với lứa tuổi của các thanh niên Hà Thành. Ta biết các anh nhập ngũ khi tuổi đời rất trẻ đa số đều là học sinh, sinh viên, những người tri thức trẻ.

    "Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

    Khèn là loại nhạc cụ của một số dân tộc ở phía Bắc Việt Nam, man điệu là điệu múa truyền thống của người dân miền núi. Từ tiếng khèn, điệu múa, xiêm y rực rỡ sắc màu dường như đã gây cho người lính những cảm xúc thực đặc biệt trong trái tim mình. Họ vừa say mê, ngây ngất vừa hy vọng về sự hòa hợp, những giai điệu, những đêm liên hoan thắm tình quân dân như vậy ở Viên Chăn- Lào. Những giây phút như vậy thực sự là những phút giây hiếm hoi mà cuộc sống đã ban tặng cho những người lính bộ đội cụ Hồ, bởi chiến tranh là hy sinh, mất mát nên ta có thể hiểu đây là những phút giây đẹp nhất, nồng nàn nhất của cuộc đời người lính Tây Tiến.

    Ở đoạn tiếp đã bộc lộ được vẻ đẹp của thiên nhiên miền Tây đồng thời khắc họa vẻ đẹp của con người miền Tây trong cảm nhận của tác giả nói riêng và của đoàn binh nói chung:

    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy"

    Châu Mộc là một trong những địa danh mà đoàn binh đã đi qua, nơi đây có nắng, có gió, núi, đá.. Nếu cảnh liên hoan vừa thực vừa hư thì cảnh sông nước miền Tây lúc lúc chiều xuống lại gợi cảm giác mênh mông, hiu quạnh. Không gian dòng sông được bao phủ bởi sương giăng- đầy im lặng, yên ả nhưng cũng không kém phần hoang dại và đây chính là vẻ đẹp của một thời tiền sử. Với giọng điệu bỗng chốc chuyển nhẹ nhàng, mênh mang, yên ả câu thơ trên đã gợi cảnh chia tay trong một chiều sương loảng lảng đầy thơ mộng, trữ tình đồng thời cũng đượm buồn, bịn rịn đầy luyến lưu.

    Câu hỏi tu từ:

    "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có thấy dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    Điệp từ "có nhớ", "có thấy" đã khắc họa cảm xúc trong lòng người chiến sĩ dường như sự lặp đi lặp lại ấy như một khúc ca buồn trong lòng các anh bởi ấn tượng trong lòng họ về một Châu Mộc không chỉ sương giăng mù lối mà còn là ngàn lau nở trắng rừng. Chính làn sương, bờ lau ấy đã tạo cho thiên nhiên miền Tây một nét đẹp riêng- nét đẹp cổ kính và đầy hoang dại của một thời tiền sử. Nét đẹp đó cứ xào xạc, xôn xao mãi trong tâm tưởng tác giả đồng thời qua đó tạo cho độc giả cảm giác bâng khuâng, xa vắng phảng phất nỗi buồn, nỗi cô đơn. Nổi bật lên dòng song mang đậm vẻ đẹp cổ kính là dáng người mềm mại, uyển chuyển của con người trên chiếc thuyền độc mộc. Hình ảnh ấy kết hợp với hình ảnh những cánh hoa "đong đưa" làm duyên làm dáng. Tại đây, tác giả viết là "đong đưa" chứ không phải "đu đưa" để rồi qua đó khiến những cánh hoa từ những sinh thể vô tri vô giác thành sinh thể có hồn và sinh động đang đong đưa, đưa tiễn người chiến sĩ lên đường với bao cảm xúc bâng khuâng, bịn rịn, đầy nuối tiếc.

    Ta biết, thơ- nhạc- họa là những loại hình nghệ thuật đều nhằm phản ánh lại hiện thực cuộc sống nhưng mỗi thể loại lại có cho mình những nét đặc sắc riêng. Nếu họa dùng nét vẽ, những gam màu tinh tế; nhạc dùng những âm thanh, nhịp điệu để xây dựng trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó phai thì thi ca cũng như bao tác phẩm khác lại sử dụng nghệ thuật ngôn từ, nó tác động vào trí tưởng tượng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể của bạn đọc về màu sắc, đường nét, âm thanh, giai điệu. Người xưa có câu "thi trung hữu nhạc, thi trung hữu họa" nghĩa là trong thơ có nhạc và trong thơ có họa- những đường nét, màu sắc. Văn học là tấm gương phản chiếu lại hiện thực cuộc sống và nhà văn, nhà thơ là những thư ký trung thành của thời đại. Thi ca cũng tương tự như vậy, nó phản ánh hiện thực của cuộc sống thông qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Ta chưa từng bắt gặp trong bất kỳ thể loại nào mà xuất hiện nhiều hình ảnh, biểu tượng nổi bật như thi ca.

    Sở dĩ chúng nổi bật như vậy bởi vì mang theo cả màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.

    Đọc "Tây Tiến", ta nhận thấy Quang Dũng không hề che dấu những khó khăn, gian khổ và hiện thực đầy nghiệt ngã mà người lính phải trải qua. Ông đã thực hiện đúng trách nhiệm của một "thư ký trung thành của thời đại" nhưng hiện thực tàn khốc ấy không được ông miêu ta một cách trần trụi, khô cứng mà được miêu tả dưới con mắt tinh tế, qua lăng kính lãng mạn của mình.

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

    Qua đoạn trích, người lính Tây Tiến hiện lên với một vẻ đẹp ngoại hình dữ dội, các anh hiện lên với cái đầu trọc lóc, với làn da xanh xao. Đọc qua, ta có thể nghĩ đó chỉ là thứ tồn tại trong tưởng tượng nhưng không.. đó chính là hiện thực khốc liệt của những năm tháng chiến đấu chẳng thể nào quên. "Không mọc tóc" có thể hiểu là để thuận tiện cho việc ẩn nấp và đánh giặc nên nhiều chiến sĩ đã chủ động cạo trọc đầu nhưng ta cũng có thể hiểu trọc đầu ở đây chính là tác phẩm của căn bệnh sốt rét rừng gây nên cho chiến sĩ của ta. Với cách dùng từ độc đáo kết hợp với nghệ thuật nói giảm nói tránh tác giả đã biến những người lính từ tư thế bị động sang tư thế chủ động, qua đó ta có thể liên tưởng "không phải các anh không thể mọc tóc mà dường như không thèm mọc tóc". "Quân xanh màu lá" xanh ở đây là màu xanh của lá cây, của núi rừng khắc nghiệt, là màu xanh của bộ quân phục đang mang trên người. Để rồi từ đó ta có thể thấy, dù cho đầu có rụng hết tóc, da chuyển từ hồng hào sang xanh xao, vàng vọt- màu của bệnh tật cũng không thể nào ngăn được tư thế hiên ngang, hung dung, oai vệ của những người chiến sĩ. Tư thế đó như tư thế của những con mãnh hổ đang rình rập, bày sẵn ra tư thế chuẩn bị để sẵn sang lao ra vồ lấy con mồi. Sức nặng của câu thơ như được dồn tất cả vào cụm từ "dữ oai hùm" để qua đó đã tô thêm vẻ đẹp và sức mạnh kì diệu của những chàng trai Hà Thành- những chàng trai chỉ mới đôi mươi.

    Tác giả đã thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đối lập giữa vẻ đẹp dữ dội, khác thường của ngoại hình với vẻ đẹp nội tâm, một vẻ đẹp của những tâm hồn hào hoa, lãng mạn:

    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

    Cụm từ "mắt trừng" thể hiện tinh thần luôn căng thẳng, đề cao cảnh giác trước sự xâm lược của kẻ thù. Phải chăng không chỉ có vậy mà đó còn là ánh mắt thương nhớ khôn nguôi

    Luôn đau đáu, một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu. "Dáng kiều thơm" ở đây ta có thể hiểu là dáng hình người yêu của các chiến sĩ; có thể hiểu là người tri kỷ ở quán Kiều- nơi thi sĩ thường xuyên đàm đạo đồng thời cũng có thể hiểu đó là nhớ về dáng hình của quê hương, xứ sở- nơi đất mẹ thân yêu. Dù hiểu theo nghĩa nào thì có lẽ tất cả đều đúng nhưng đọc thơ ta không nên hiểu theo nghĩa riêng mà phải suy theo nghĩa chung, bởi lẽ đó mà "dáng kiều thơm" được hiểu là dáng hình của quê hương có lẽ là điều hợp lý nhất. Ta thấy dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, khó khăn, gian khổ đến nhường nào thì những chàng trai Tây Tiến vẫn luôn mong mỏi, luôn giữ cho tâm hồn mình nét hào hoa, lãng mạn của những người lính trẻ. Có lẽ điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho họ trên con đường chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh và mất mát..

    Khép lại những trang thơ về chân dung người lính trong chiến tranh, tác giả lại viết tiếp về những hiện thực khốc liệt nhất của chiến tranh;

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

    Ở câu thơ này, hiện thực bi thảm của chiến tranh đã phần nào được khắc họa rõ nét với nhịp thơ 2/2/3 kết hợp cùng những cụm từ như "rải rác", "biên cương", "mồ viễn xứ" dường như đã đưa sự bi thảm của chiến tranh lên tới tận cùng

    "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Ta biết Tây Tiến là một quân đoàn được thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt- Lào. Không giống như những quân đoàn khác "Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau" mà phần lớn tầng lớp tham gia nhập ngũ đều là những thanh niên, tri thức trẻ trong độ tuổi mười tám, đôi mươi. Nhưng vì ý chí chiến đấu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" nên các anh sẵn sang hy sinh thân mình, ra đi để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

    "Áo bào thay chiếu anh về đất"

    "Áo bào" trong suy nghĩ của ta chính là áo của vua chúa thường mặc nhưng thử hỏi trên chiến trường khói lửa ta tìm đâu ra một manh áo bào? Những từ Hán- Việt kết hợp với cụm từ "áo bào" đã hình tượng hóa sự hy sinh của những người chiến sĩ Tây Tiến, các anh như những tráng sĩ trong thi ca cổ đại mặc cho "da ngựa bọc thây nơi xa trường" nhưng quyết "nhất khứ bất phục hoàn". Cụm từ "anh về đất" nghe qua nhẹ nhàng, êm ả là thế nhưng khi ngẫm lại bi thảm biết nhường nào. Qua đó ta thấy câu thơ đã thể hiện những hiện thực khốc liệt mà người lính Tây Tiến phải trải qua. Tuy nhiên qua cái nhìn đầy lãng mạn của người thi sĩ, người chiến sĩ cầm bút Quang Dũng hiện thực ấy hiện lên rất đỗi hào hùng đồng thời cũng thành công gợi lên trong tim bạn đọc những tình cảm sâu sắc, chân

    Thật nhất để người đọc thấm thía hơn sự hy sinh cao cả "vì nước quên thân" của những con người sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc.

    Kết thúc đoạn thơ là hình ảnh "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Tác giả đã rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa kết hợp với nghệ thuật đầu cuối tương xứng, mở đầu đoạn trích là hình ảnh song Mã- con song gắn liền với từng chặng đường hành quân của đoàn binh và kết thúc đoạn trích là hình ảnh con sông Mã "gầm lên" - con sông của hồn thiêng sông núi đã tấu lên một khúc ca trầm hùng để tiễn đưa những người lính đã ra đi vào cõi bất tử, vĩnh hằng.

    Tài năng của tác là miêu tả tượng đài người chiến Tây Tiến dựa trên ba vẻ đẹp: Ốm mà không yếu, chết mà không hết, bi mà không bi quan bi lụy- bi ở đây là bi hùng, bi tráng. Qua đó nhà thơ đã thổi vào đoạn trích tất cả những cảm nhận sâu sắc của bản thân về chiến cũng như tất cả những điều chất mà tác giả và những đồng chí, đồng đội từng cùng nhau trải qua. Bốn câu cuối của bài lại một lần nữa nhấn mạnh lời thiêng liêng vì dân tộc, quê hương, đất nước nguyện hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Khó khăn là thế, gian khổ là vậy nhưng những chiến sĩ không một ai lùi bước, luôn mang trong mình tư tưởng đáng khâm phục "quyết chiến, quyết thắng"

    "Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi"

    Ta biết, những năm 45 của thế kỷ XX là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đây được xem như thời kỳ lấy trứng để chọi đá khi thế giặc quá mạnh còn quân ta thì quá yếu, đồng thời cũng được coi là thời kỳ lấy máu xương để đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do.

    "Ai lên Tây Tiến mùa Xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"

    Mùa xuân ở đây là mùa xuân năm 1947, mùa xuân của tuổi trẻ- một tuổi trẻ, một mùa xuân đẹp vô cùng với bao lí tưởng, khát vọng. Khi nói đến "hồn" ta rất khó có thể đi sâu vào định nghĩa nhưng có thể hiểu đơn giản đó là nơi sâu thẳm nhất của con người. Người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân đầy gian nan, vất vả đã "rải rác biên cương mồ viễn xứ" - thân thể của họ đã ra đi, được hòa vào làm một với đất mẹ thương yêu. Ta có thể hiểu tuy họ đã hy sinh nhưng linh hồn họ vẫn luôn đồng hành trên suốt chặng đường hành quân, chiến đấu cùng những đồng chí, đồng đội. Dù các anh có ra đi nhưng trong tâm tưởng những người ở lại, các anh vẫn luôn là một tồn tại đẹp đẽ, thiêng liêng nhất. Sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ bộ đội cụ Hồ là sự hy sinh cao đẹp của tuổi trẻ, là tấm gương soi đường, chỉ lối cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.

    Với những hình ảnh thơ sáng tạo kết hợp với ngôn ngữ thơ đa sắc thái, đa trạng thái- khi trang trọng, sâu lắng, khi vui tươi, hóm hỉnh và giàu tính gợi. Thi phẩm "Tây Tiến" đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với những con người khỏe khoắn, dũng cảm và rất đỗi hào hoa. Bởi lẽ đó mà thi phẩm đã trở thành một trong những kiệt tác trong nền văn học nước nhà.

    Dưới dòng chảy tuyến tính của thời gian cùng sự biến động không ngừng của lịch sử có rất nhiều tác phẩm không thể giữ được vị trí ban đầu, vốn có của mình. Tuy nhiên "Tây Tiến" đã, đang và sẽ mãi là một bức tượng đài bất hủ về người lính trong lòng độc giả, bởi vậy có ý kiến cho rằng: "Tây Tiến giống như một viên ngọc. Ngọc càng mài càng sáng, càng lấp lánh và hấp dẫn. Đó là một bài thơ kỳ diệu và có một giá trị đặc biệt trong lòng công chúng.. một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trong lịch sử và kí ức mỗi người".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...