Đề bài: Cảm nhận của anh, chị về bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử. Bài làm Một tâm hồn chênh vênh trong thân xác trống rỗng, hoảng loạn và bàng hoàng trước cô đơn, trong nhớ nhung đưa tay níu kéo một bóng hình hư ảo và một mối tình câm lặng cùng những dòng chữ lặng thầm nhưng trĩu nặng tâm tư tạo ra một bài thơ kiệt xuất. Bài thơ ấy không chỉ là thơ mà còn là tiếng lòng của một con người biết mình đang đứng giữa ranh giới tử sinh, khao khát được sống, được gặp người tri kỷ dù biết bản thân không còn bao nhiêu cơ hội. Người thi sĩ ấy mang hết tâm tình viết thành tập "Đau thương", để "Đau thương" bày tỏ mọi xót xa, tiếc nuối với đời, với người trong "Đây thôn Vĩ Dạ" Người ta nói rằng thơ văn được tạo nên từ cảm hứng. Văn thơ không chỉ là thế giới để con người trốn chạy hiện tại, mà đó còn là nơi phản ánh tâm trạng mà là nơi gửi gắm những hoài bão, ước mong chưa từng hoặc không còn cơ hội thực hiện. Chính những vui buồn, hờn giận, chính những u uất, trách hận lẫn bất bình đã tạo ra những tác phẩm kiệt xuất. Vào khoảng năm 1937, Hoàng Cúc - người tri kỷ của Hàn Mặc Tử - nghe tin nhà thơ mắc bệnh nan y, Hoàng Cúc đã "gửi vô Qui Nhơn cho Hàn Mặc Tử một tấm hình chụp hồi còn mặc áo dài trường Đồng Khánh cùng những lời thăm hỏi sức khoẻ" và trách "Hàn Mặc Tử sao lâu nay không ra thăm Vĩ Dạ? Vì lý do gì mà không thăm lại đất cũ người xưa?". Là do ý trời hay do lòng người đã cạn? Sự xúc động mạnh mẽ của xúc cảm là khởi nguồn của những dòng hồi âm cùng bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" ngay trong năm 1937. Khi nhận được những tình cảm của nhà thơ, Hoàng Cúc đã giữ bài thơ kỷ vật đó cho đến lúc rời khỏi cuộc đời. Trên cõi đời này luôn có những tình cảm âm thầm và dịu dàng và cũng có những mối quan hệ không tên thuần khiết, nửa thực nửa hư, như xa như gần nhưng thật lâu bền và đáng quý. Khi đã mỏi mòn trong chờ đợi, khát khao được gặp lại dù chỉ một lần, người con gái xứ Huế mang tâm tư gửi người tri kỷ, nửa là lời mời chân thành, nửa lại trách móc sâu xa: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ" Một câu thơ ngắn nhưng lại chất chứa biết bao nỗi niềm. "Sao anh không về" ngay cả khi đã ở rất gần thôn Vĩ? "Sao anh không về" với đất cũ người xưa? Về một lần thôi để nhìn lại những điều đã từng rất thân quen. Là do duyên phận dở dang hay vì người còn một nguyên nhân nào khác? Qua ngòi bút tinh tế tài tình, thôn Vĩ Dạ hiện lên với một khung cảnh thơ mộng với màu vàng ấm áp của ánh nắng, sắc xanh ngọc lục bảo của khu vườn mượt mà và căng tràn nhựa sống được bàn tay con người cẩn thận vun trồng, chăm bón: "Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên, Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc chen ngang mặt chữ điền." Chỉ nhìn lướt qua cũng đủ làm lòng người xao xuyến! Tác giả luôn lưu giữ trong lòng những ấn tượng rất đẹp, rất khó phai về thôn Vĩ Dạ cùng với bóng hình một người tri kỷ như để nhắc nhở chính mình rằng, ở đâu đó vẫn còn có một người đợi mong. Ẩn trong khung cảnh nên thơ là ý, là tình, là ánh mắt dõi theo của người con gái Huế nửa ngập ngừng, nửa muốn bước tới, nửa lại muốn dừng chân. Chính vì lẽ đó mà hình ảnh người xưa không ít lần hiện lên mong manh tựa khói, hòa lẫn trong sương tưởng thật gần nhưng hóa ra thật xa, và cũng không thể nào chạm đến. Chính vì lẽ đó mà cảm giác cách trở, chia ly hiện lên, bao trùm chi phối cảnh vật: "Gió theo lối gió, mây đường mây, Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay?" Gió và mây tưởng như luôn đi cùng nhau trên một chặng đường dài vĩnh cửu, nhưng đến cuối cùng lại phải tách xa nhau. Hai sự vật đã từng song hành lại trôi về hai con đường, rẽ sang hai hướng tách biệt và mãi mãi không gặp nhau nữa. Phải chăng thi nhân dùng những hình ảnh đau buồn đó để nói về chính mình và người tri kỷ, rằng họ đã từng có một thời bên nhau nhưng lại chùn bước đầu hàng, chấp nhận chia xa bởi những trang viết trái ngang của số phận? Khi mọi nỗi đau như ánh sáng tím nhạt màu bao phủ lên tâm tưởng, mọi niềm vui do thiên nhiên mang đến cũng nhanh chóng phai tàn. Khoảnh khắc biệt li, cảnh vật nhuốm màu đau buồn và gần như tĩnh lặng: "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay" Một dòng thơ ngắn nhưng phía sau là một khoảng trống rất dài của cảm xúc. Ưu tư muộn phiền của con người giờ thấm đẫm trong cảnh vật. Nghệ thuật lấy cảnh tả tình, lấy tình tô thêm màu sắc thê lương của tâm trạng từng được nhà thơ sử dụng trong những bài thơ khác. Khi đọc kĩ những câu thơ đó, những sắc màu xúc cảm dễ ám ảnh và khiến người đọc phải đau lòng, rơi lệ khi nhớ đến những dòng thơ tương tự: "Ai có dè hoa gió cũng thương đau Mở rộng cửa, bốn phương trời ảo não." (Đánh lừa – Hàn Mặc Tử) Hay: "Hôm nay còn một nửa trăng thôi Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi Ta nhớ mình ta thương đứt ruột Gió làm nên tội buổi chia phôi!" (Một nửa trăng – Hàn Mặc Tử) Cũng như đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết: "Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Sự thật luôn là như vậy. Dù là đi đến đâu, với ai, nhưng chỉ cần tâm trạng không vui thì một cơn mưa rào cũng đủ làm nước mắt rơi xuống. Con người luôn nhạy cảm với mọi chuyện trên đời nên chẳng mấy khi làm chủ được cảm xúc, làm chủ được chính mình khi xảy ra những biến cố bất ngờ. Con người luôn sợ cảm giác cô đơn nhất là khi bước vào những khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời. Khoảnh khắc đó, khi bao nhiêu sóng gió ập đến, bất chợt yếu lòng, quay đầu nhìn khắp nơi chẳng thấy ai bên cạnh. Rồi quá khứ với cảnh cũ người xưa bỗng dưng biến thành sợi dây ràng buộc, níu kéo xác thân đã mệt rã rời, đã muốn buông tay ở lại vì một tiếng gọi đến từ hư vô. Lòng khao khát gặp người đủ thấu hiểu để sẻ chia trở thành động lực chờ đợi. Dù biết người cần sẽ không đến nhưng chẳng vì vậy mà từ bỏ chút hi vọng sau cùng. Bởi đôi lúc, người đợi chờ dù biết vô vọng nhưng vẫn mang theo hi vọng trông mong, bởi nếu buông bỏ thì sẽ chẳng còn gì nữa. Cảm giác mơ hồ đó đưa tâm tưởng của người đợi chờ rời xa cõi thực. Mộng cảnh mở ra cùng những hình ảnh đơn độc, đầy lẻ loi: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?" Con thuyền đậu bến sông trăng, nằm im lìm trong không gian sáng tối xen lẫn. Trăng soi bóng xuống nước, để ánh sáng phản chiếu lên mặt sông tĩnh lặng, giữa đêm tối, tạo thành một khung cảnh tịch mịch, lạnh lẽo vô cùng, vô tận. Còn thi nhân, khi bước đến khoảng lặng cô liêu giữa quá khứ và hiện tại, cùng những hồi ức không dễ gì quên đi; khi nội tâm đã bị giằng xé đến tột cùng, thể xác đớn đau còn tinh thần lại mỏi mệt, kiệt quệ bởi bóng tối bệnh tật của cuộc đời.. thì chính hình ảnh con thuyền đậu bến sông trăng, dù nhạt nhòa nhưng vẫn thắp lên cho thi nhân một chút ánh sáng an ủi rằng người vẫn còn ánh trăng đó, vẫn còn người tri kỉ vĩnh hằng luôn bên cạnh. Nhưng cảm giác chơi đến từ chính nội tâm đã khiến tác giả hoài nghi. Lời tự vấn "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?" như một câu hỏi để hỏi chính mình rằng liệu con thuyền vô danh nơi bến nước cùng ánh trăng đơn lẻ xa xôi liệu có kịp về bên tác giả? Hay có lẽ, chính tác giả cũng tự hỏi chút thời gian còn lại của bản thân có đủ dài để chờ đợi người bạn tri âm ghé thăm lần cuối hay không? Tâm hồn phóng khoáng của người thi nhân rơi sâu vào cõi mộng. Nhà thơ vẫn tha thiết với ánh trăng vàng câm lặng, với bóng người xa xôi đến từ quá khứ, từ chính giấc mơ của mình: "Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?" Một vị khách phương xa cùng màu áo trắng tại nơi sương khói phủ mờ. Khung cảnh nhạt nhòa đến mức ảo não. Người khách đó đến nhẹ nhàng, đi câm lặng. Cứ thế, từ một người khách với dáng hình rõ ràng, lui dần vào sương khói, nhỏ bé, mông lung và biến thành một "nhân ảnh" mơ hồ không còn rõ nét. Biết những hình ảnh trước mắt đã trở thành hư ảo, trong sự xót xa, nhà thơ lại một lần tự hỏi mình, hỏi người rằng những điều còn lại sau cùng giữa những người tri kỉ vẫn vẹn nguyên hay đã bị chia cắt, bào mòn bởi dòng chảy vô tình của thời gian khắc nghiệt: "Ai biết tình ai có đậm đà?" Một câu thơ với hai hình ảnh và hai tầng ý nghĩa. Tác giả tự hỏi rằng bản thân liệu có thể đo lường, suy đoán tình cảm của người tri kỉ phương xa dành cho mình có còn sâu đậm? Hay người bạn cũ năm nào đang ở phương xa có biết cái tình mà thi nhân gửi trao vẫn rất thiết tha? Những câu hỏi đó người ngoài cuộc không thể trả lời, chỉ có những người trong cuộc với trái tim đong đầy tình cảm chân thật mới biết chính xác những điều đã nhận, đã cho có đủ mạnh để kết nối tình cảm ấy lâu dài vĩnh cửu hay không. Sự giằng xé đó chẳng mấy người thấm thía được. Chỉ khi đứng trước thềm li biệt, tận mắt chứng kiến những điều mình gìn giữ từng chút một mất đi mới biết cảm giác tiếc nuối trong đau thương khiến người ta gần như hóa thành điên loạn. Sự bất lực trước những trang viết của số mệnh trở thành vực sâu nuốt chửng những tâm hồn yếu đuối vì tuyệt vọng. Nếu ai đó hỏi rằng điều gì minh chứng cho những tình cảm lâu bền vượt cả không gian thời gian, thì chắc chắn "Đây thôn Vĩ Dạ" là câu trả lời không bao giờ sai khác. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một tia sáng âm thầm xuyên qua đêm thâu của xúc cảm, cho người đọc nhìn thấy một góc nội tâm của người thi nhân cô độc trong cuộc đấu tranh giành lại sự sống cho chính mình. Đáng tiếc thay, sự nỗ lực ấy không được đáp đền xứng đáng. Nhà thơ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, và người tri kỉ năm xưa chọn cách mang theo chút tình thầm lặng sống đến cuối đời, đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Đến cuối cùng, sự cách trở của không gian, thời gian vẫn không đủ mạnh để chia cắt những tình cảm chân thành. Cố nhân mang tình xưa về bên người cũ. Một kiếp người tuy ngắn ngủi nhưng chẳng vô vị nếu thật lòng yêu và được yêu. Hết *** Bài viết được đăng tải ở VNO và website Vnkings.com. Tác giả của bài viết là mình.
Năm trước tui kiểm tra học kì bài này mà trớ trêu thế nào tui thuộc có 2 đoạn đàu. Nhưng lúc kiểm tra lại là đoạn cuối. Trời trêu ngươi đó mà Okee toi ổn