Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nắng2601, 20 Tháng năm 2022.

  1. nắng2601

    Bài viết:
    12
    Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của đoạn thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích"

    [​IMG]


    Kiều ở lầu Ngưng Bích

    Bài làm

    "Đau đớn thay phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

    Ra đời hơn 200 năm, "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành bất hủ, đi vào lòng người tự bao đời nay. Bởi "Truyện Kiều" là một bức tranh hiện thực sâu sắc về Xã hội phong kiến thế kỉ 18. "Truyện Kiều" tố cáo xã hội phong kiến và đồng cảm với số phận của con người, đặc biệt là người phụ nữ, thương xót một nàng Kiều đau khổ, bạc mệnh. Tám câu thơ cuối của đoạn trích đã diễn tả rất tài tình tâm trạng bi thảm của Kiều khi lần đầu tiên phải bước vào chốn lầu xanh mở đầu cuộc đời 15 năm lưu lạc. Đoạn thơ thể hiện tâm trạng vô cùng hoang mang và lo sợ của Thúy Kiều được miêu tả dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du.

    Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" thuộc vào phần hai "Gia biến và lưu lạc". Trích đoạn là khúc tâm tình đầy xúc động của cô gái trẻ lần đầu bước ra khỏi chốn "êm đềm trướng rủ màn che". Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, đoạn thơ như bản đàn nhiều cung bậc tâm trạng của nàng. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi, là tấm lòng thủy chung, hiếu thảo nàng dành cho người yêu và cha mẹ.

    Dù đang miêu tả bức tranh tâm cảnh, là cảm xúc chủ đạo nhưng lí trí của nhà thơ vẫn sáng suốt khi xây dựng một kết cấu khá khoa học và chặt chẽ. Phần đầu là quang cảnh ở lầu Ngưng Bích; phần hai, trong nỗi nhớ nhung, cô đơn, sầu tủi, nàng nhớ về Kim Trọng và cha mẹ; và phần cuối là tâm trạng đau khổ khi nghĩ đến tương lai nhiều tai ương, sóng gió sẽ ập đến trong cuộc đời nàng.

    Là một cô gái tài sắc vẹn toàn, đức độ và tiết hạnh vì nặng lòng hiếu thảo khi cảnh nhà gặp nạn. Thúy Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, phản bội người yêu với nỗi lòng đau như cắt. Tưởng rằng được làm vợ Mã Giám Sinh, không ngờ Kiều lại rơi vào nanh vuốt của Tú Bà. Quyết không chịu sống cuộc đời ô nhục chốn thanh lâu, nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Ở nơi đây tâm sự Kiều đầy nỗi nhớ nhung, buồn tủi không tả xiết. Với nỗi buồn ấy nàng ngoảnh mặt trông bốn phương trời đâu đâu cũng thấy buồn. Nguyễn Du đã khẳng định:


    "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

    Người buồn cảnh có vui bao giờ"

    Tám câu thơ cuối của đoạn trích với bốn bức tranh mà Kiều nhìn thấy đều được Nguyễn Du bắt đầu bằng điệp từ "buồn trông" :

    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?"

    Đọc câu thơ ta thấy rõ một cánh buồm bé nhỏ, thấp thoáng xa vời vợi, cô đơn và lẻ loi giữa mênh mông trời nước trên mặt biển lúc chiều hôm. Bằng hình ảnh rất gợi tả, giàu cảm xúc, Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng đầy ngập nỗi buồn, nỗi nhớ nhung của Kiều khi phải xa gia đình, quê hương yêu dấu. Mới đó mà bây giờ tất cả đã vời vợi xa xôi. Đưa mắt nhìn ra nơi cửa bể, trước mắt Kiều chỉ là một cánh buồm xa xa như đang hướng về quê hương yêu dấu mà chắc rằng nàng sẽ không bao giờ còn trở lại. Cô đơn nơi đất khách quê người với nỗi buồn đau cho số phận khổ nhục của kiếp hồng nhan, tâm sự Kiều thật bẽ bàng đau đớn làm sao, tiếp theo nỗi nhớ vô hạn đó Kiều đã suy nghĩ về thân phận bèo dạt mây trôi của mình.

    "Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trôi man mác biết là về đâu?"

    Đọc câu thơ ta hình dung từ trên cao một ngọn thác đổ xuống vô tình và trên dòng nước ấy biết bao nhiêu những cánh hoa tươi bị cuốn trôi chảy theo dòng nước về những nơi vô định. Bằng từ láy gợi tả "man mác" Nguyễn Du đã diễn tả rất chính xác về nỗi buồn của KIều, một nỗi buồn man mác dâng đầy theo trâm trạng. Thân phận nàng cũng giống như cánh hoa kia bị vùi dập theo dòng đời ác nghiệt, trôi đi và sê không biết đến những bến bờ vô định nào. Tự hỏi mình như vậy, Kiều càng buồn tủi, đau xót cho thân phận của mình. Lẽ ra nàng đã có thể sống một cuộc đời hạnh phúc trong tình yêu với Kim Trọng, bên mẹ cha, nhưng rồi tai ương đến. Chữ hiếu đặt làm đầu nên thân phận nàng phải trôi dạt nơi thanh lâu dơ bẩn. Rồi đây cuộc đời nàng sẽ ra sao? Trôi dạt về hướng nào và không biết phải chịu bao nhiêu cay đắng tủi nhục.

    Nỗi lòng và tâm sự ấy của Kiều không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục lan ra, bao trùm vào cảnh vật đang hiện ra trước mắt nàng:


    "Buồn trông nội cỏ rầu rầu

    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh"

    Bằng các từ láy đặc sắc gợi tả "rầu rầu" "xanh xanh", Nguyễn Du đã miêu tả nỗi buồn đau tràn ngập trong con người Kiều lan ra cảnh vật bên ngoài. Thiên nhiên tươi đẹp chung quanh nàng dường như bỗng trở nên ủ dột. Một cánh đồng cỏ trải dài nối liền chân mây mặt đất cũng như nỗi buồn vô tận của Kiều. Trong những đoạn thơ trước, Nguyễn Du đã miêu tả ngôi mộ tiêu điều của Đạm Tiên:

    "Sè sè nắm đất bên đường

    Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh"

    Cũng là một từ láy "rầu rầu" phải chăng cuộc đời Kiều rồi cũng kết thúc bi thảm như vậy và nỗi buồn của nàng đã trở thành nỗi đau đớn lan tràn vô tận không bao giờ nguôi:

    "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

    Lòng Kiều buồn man mác, nàng muốn trốn chạy nỗi buồn. Nhìn hướng này thấy buồn nàng vội vã quay sang hướng khác nhưng nỗi buồn tràn ngập cả bốn phía đất trời như bủa vây cả thân phận, trùm kín cuộc đời nàng. Đọc kĩ câu thơ ta thấy nỗi buồn của Kiều không vơi đi mà chỉ đầy thêm, lớn hơn nữa. Khi nàng nhìn về phía cuối cùng thì nỗi buồn đã dâng lên đến tột đỉnh. Tiếng sóng ầm ầm dồn dập khắp bốn phía vây chặt lấy Kiều, ầm vang trong lòng nàng. Tiếng sóng ở đây không vỗ, không đập mà "kêu quanh ghế ngồi" tạo nên một sự hãi hùng. Phải chăng âm thanh đầy đe dọa này chính là dự báo 15 năm đoạn trường đầy sóng gió sẽ ập đến với Kiều. Nỗi buồn đau của Kiều dần dần biến mất thành nỗi lo sợ trước sự cô đơn lạnh lẽo, kinh hoàng về tương lai vô định của cuộc đời người con gái tài sắc vẹn toàn. Cuộc đời nàng là một bể khổ triền miên:

    "Hết nạn nọ đến nạn kia

    Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần"

    Chưa dự đoán hết tương lai của mình thế mà tâm sự Kiều đã bi thảm xiết bao. Bằng ngòi bút tài tình cùng sự cảm thông sâu sắc tấm lòng nhà thơ luôn dành cho nhân vật của mình một sự cảm thông vô hạn nên Nguyễn Du mới viết ra được những câu thơ đặc sắc như vậy.

    Đoạn thơ đã vận dụng tài tình nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, mỗi cảnh là một tâm trạng, là một nỗi đau mà Kiều phải gánh chịu. Không chỉ vậy Nguyễn Du còn có sự miêu tả theo trình tự hợp lý: Từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt nhòa đến đậm nét, khắc họa nỗi buồn da diết của Kiều. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, lớp từ láy giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Tất cả những yếu tố đó góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích.

    Tám câu thơ cuối là một tuyệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Bằng những bức tranh đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc họa được những trạng thái xúc cảm, nỗi cô đơn, lo âu, sợ hãi về tương lai đầy sóng gió của nàng Kiều. Không chỉ vậy, qua bức tranh ấy, Nguyễn Du cho thể hiện niềm cảm thương sâu sắc cho số phận nàng nói riêng và số phận người phụ nữ nói chung dưới chế độ phong kiến.

    Thúy Kiều với giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả nó đã trở thành một tác phẩm muôn đời bất tử của Nguyễn Du. Là tiếng thét bi phẫn của thân phân người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Qua đoạn trích, tác giả đã để lại một bức tranh buồn trong lòng người đọc mà ở đó có cả một cuộc đời bạc mệnh của người con gái tài sắc vẹn toàn.
     
    Kimie Suzuki thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...